Cá Và Thịt Có Được Phép Thọ Dụng Không?

[lwptoc]

CÁ VÀ THỊT CÓ ĐƯỢC PHÉP THỌ DỤNG KHÔNG❓

BA ĐIỀU TUYỆT ĐỐI THANH TỊNH LÀ GÌ❓

MƯỜI LOẠI THỊT KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THỌ DỤNG LÀ GÌ❓

––––––––––––––––––––––––––––––

Trích từ: Tạng Luật Vinaya Pitaka. Đại Phẩm Mahāvagga. Chương VI – Dược Phẩm.

[CHO PHÉP THỌ DỤNG CÁ VÀ THỊT CÓ ĐƯỢC BA ĐIỀU TUYỆT ĐỐI THANH TỊNH]

Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

– Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, tướng quân Sīha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, tướng quân Sīha đã ra lệnh cho người đàn ông nọ rằng:

– Này khanh, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).

Sau đó, khi trải qua đêm ấy tướng quân Sīha đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

– Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của tướng quân Sīha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người Nigaṇṭha, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và làm bữa trai phạn cho Sa–môn Gotama. Sa–môn Gotama tuy biết được điều ấy, vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.” Sau đó, có người đàn ông nọ đã đi đến gặp tướng quân Sīha, sau khi đến đã thì thầm vào tai của tướng quân Sīha rằng:

– Thưa tướng quân, ngài cần biết điều này. Những người Nigaṇṭha ấy, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và đã làm bữa trai phạn cho Sa–môn Gotama. Sa–môn Gotama vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.”

– Ông bạn ơi, thôi đi! Đã từ lâu nay, các ngài đại đức ấy có ý muốn phỉ báng đức Phật, có ý muốn phỉ báng đức Pháp, có ý muốn phỉ báng đức Tăng nhưng các ngài đại đức ấy không lượng sức, phí công, láo khoét, đã vu khống với điều không thật mà vẫn không làm tổn hại được đức Thế Tôn ấy. Và cho dầu vì lý do sống còn, chúng tôi cũng không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh.

Sau đó, tướng quân Sīha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, tướng quân Sīha đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho tướng quân Sīha đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHI BIẾT THỊT ĐƯỢC LÀM (GIẾT) CÓ LIÊN QUAN (ĐẾN BẢN THÂN) KHÔNG NÊN THỌ DỤNG; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

NÀY CÁC TỲ KHƯU, TA CHO PHÉP (THỌ DỤNG) CÁ VÀ THỊT CÓ ĐƯỢC BA ĐIỀU TUYỆT ĐỐI THANH TỊNH: KHÔNG ĐƯỢC THẤY, KHÔNG ĐƯỢC NGHE, KHÔNG NGHI NGỜ.

[Ghi chú: Nếu cá và thú ấy bị giết với sự xác định là sẽ làm thức ăn cho một cá nhân nào đó thọ dụng thì cá nhân người ấy không nên ăn.]

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

[10 LOẠI THỊT KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THỌ DỤNG]

[⒈ THỊT NGƯỜI]

Vào lúc bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā. Cả hai đều ngưỡng mộ, là thí chủ, là người phục vụ, là người hộ độ cho hội chúng. Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đi đến tu viện rồi đi từ trú xá này đến trú xá khác, từ phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

– Thưa các ngài, vị nào bị bệnh? Vật gì cần được mang lại? Cho vị nào?

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã uống thuốc xổ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

– Này chị gái, tôi đã uống thuốc xổ. Tôi có nhu cầu về mùi vị của thịt.

– Thưa ngài, tốt lắm. (Vật ấy) sẽ được mang lại.

Sau khi về nhà, nữ cư sĩ Suppiyā đã bảo người giúp việc rằng:

– Này chú em, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).

– Thưa cô chủ, xin vâng.

Rồi người đàn ông ấy nghe theo nữ cư sĩ Suppiyā đã đi rảo khắp cả thành Bārāṇasī nhưng vẫn không thấy loại thịt đã được làm sẵn. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

– Thưa cô chủ, không có thịt đã được làm sẵn. Hôm nay là ngày kiêng sát sanh.

Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu bị bệnh ấy mà không có được mùi vị của thịt thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ chết. Đối với ta, việc ta đã hứa mà không cho người đem lại là việc không đúng đắn” nên đã lấy con dao găm cắt miếng thịt ở đùi rồi trao cho người tớ gái (nói rằng):

– Này em, hãy chuẩn bị miếng thịt này rồi dâng đến vị tỳ khưu bị bệnh ấy ở trong trú xá kia. Và ai hỏi ta thì hãy báo cho biết là: “Cô chủ bị bệnh.”

Rồi nàng đã lấy thượng y quấn quanh đùi, đi vào phòng trong, và nằm xuống trên giường. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã trở về nhà và hỏi người tớ gái rằng:

– Suppiyā đâu rồi?

– Thưa ông chủ, bà nằm ở phòng trong.

Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

– Vì sao nàng lại nằm vậy?

– Thiếp bị bệnh.

– Nàng bị bệnh gì vậy?

Sau đó, nữ cư sĩ Suppiyā đã kể lại sự việc ấy cho nam cư sĩ Suppiya. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Nàng Suppiyā đã được an trú vào niềm tin đến thế. Bởi vì ngay cả thịt của chính bản thân còn được dứt bỏ thì còn có gì khác nữa mà nàng không thể bố thí?” nên mừng rỡ, phấn chấn đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Suppiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

– Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy nam cư sĩ Suppiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

– Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của nam cư sĩ Suppiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ Suppiya đang đứng một bên điều này:

– Suppiyā đâu rồi?

– Bạch Thế Tôn, nàng bị bệnh.

– Như vậy thì (nàng) hãy đi đến đây.

– Bạch Thế Tôn, nàng không đủ sức.

– Như vậy thì hãy ẵm rồi đưa (nàng) lại đây.

Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã ẵm và đưa nữ cư sĩ Suppiyā lại. Khi đức Thế Tôn nhìn thấy nàng, ngay khi ấy vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì ở đây chỉ với ánh nhìn của đức Thế Tôn, vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[59] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

– Này các tỳ khưu, vị nào đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt?

Khi được nói như thế, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

– Bạch ngài, chính con đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt.

– Này tỳ khưu, có phải (thịt) đã được đem đến đây?

– Bạch Thế Tôn, (thịt) đã được đem đến đây.

– Này tỳ khưu, có phải ngươi đã thọ dụng?

– Bạch Thế Tôn, con đã thọ dụng.

– Này tỳ khưu, ngươi có quán xét (là thịt gì) hay không?

– Bạch Thế Tôn, con đã không quán xét (là thịt gì).

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

– Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi chưa quán xét mà lại thọ dụng thịt? Này kẻ rồ dại, ngươi đã thọ dụng thịt người. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin,…(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– Này các tỳ khưu, có những người có niềm tin đã được an trú, ngay thịt của chính bản thân còn được những người này dứt bỏ.

NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT NGƯỜI; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI THULLACCAYA (TRỌNG TỘI).

NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT KHI CHƯA QUÁN XÉT; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒉ THỊT VOI]

[60] Vào lúc bấy giờ, các con voi của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt voi và bố thí thịt voi đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Tại sao các sa–môn Thích tử lại thọ dụng thịt voi? Các con voi là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT VOI; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒊ THỊT NGỰA]

Vào lúc bấy giờ, các con ngựa của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt ngựa và bố thí thịt ngựa đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt ngựa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Tại sao các sa–môn Thích tử lại thọ dụng thịt ngựa? Các con ngựa là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT NGỰA; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒋ THỊT CHÓ]

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt chó và bố thí thịt chó đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt chó. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Tại sao các sa–môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT CHÓ; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒌ THỊT RẮN]

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt rắn và bố thí thịt rắn đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt rắn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Tại sao các sa–môn Thích tử lại thọ dụng thịt rắn? Loài rắn thì ghê tởm và đáng ghét.

Vua của loài rắn là Supassa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Supassa vua của loài rắn đã nói với đức Thế Tôn điều này:

– Bạch ngài, có những loài rắn không có đức tin, không có ngưỡng mộ, chúng có thể hãm hại các vị tỳ khưu dầu là việc không đáng. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay các ngài đại đức chớ nên thọ dụng thịt rắn.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Supassa vua của loài rắn bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Supassa vua của loài rắn đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT RẮN; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒍ THỊT SƯ TỬ]

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con sư tử rồi ăn thịt sư tử và bố thí thịt sư tử đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt sư tử rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con sư tử (nhận biết được) mùi thịt sư tử nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT SƯ TỬ; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒎ THỊT HỔ]

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con hổ rồi ăn thịt hổ và bố thí thịt hổ đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt hổ rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con hổ (nhận biết được) mùi thịt hổ nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT HỔ; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒏ THỊT BEO]

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con beo rồi ăn thịt beo và bố thí thịt beo đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt beo rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con beo (nhận biết được) mùi thịt beo nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT BEO; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒐ THỊT GẤU]

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con gấu rồi ăn thịt gấu và bố thí thịt gấu đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt gấu rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con gấu (nhận biết được) mùi thịt gấu nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT GẤU; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

[⒑ THỊT CHÓ SÓI]

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con chó sói rồi ăn thịt chó sói và bố thí thịt chó sói đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt chó sói rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con chó sói (nhận biết được) mùi thịt chó sói nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– NÀY CÁC TỲ KHƯU, KHÔNG NÊN THỌ DỤNG THỊT CHÓ SÓI; VỊ NÀO THỌ DỤNG THÌ PHẠM TỘI DUKKAṬA (TÁC ÁC).

Nguồn trích dẫn: Tạng Luật Vinaya Pitaka, Đại Phẩm Mahāvagga, Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch, VI. CHƯƠNG DƯỢC PHẨM (BHESAJJAKKHANDHAKAṂ), Dứt tụng phẩm “Suppiya” là phần thứ nhì.

– Tham khảo thêm: Trung bộ kinh – 55. Kinh Jìvaka

Bài viết liên quan

  • Ăn Chay Là Tu, Web, FB
  • Sát Sinh, Web, FB
  • 4 Loại Thức Ăn Đưa Đến Tồn Tại Và Chấp Thủ Tái Sinh Cho Các Loại Hữu Tình Là Gì? Chúng Cần Phải Được Nhận Xét Như Thế Nào?, Web, FB
  • Quả Báu Đại Thiện Nghiệp Trì Ngũ Giới Quả Xấu Ác Nghiệp Phạm Ngũ Giới, Web, FB