Qui Y Tam Bảo (Tisaraṇagamana)

[lwptoc]

QUI Y TAM BẢO (TISARAṆAGAMANA)

QUY Y BỊ BỢN NHƠ, QUY Y BỊ ĐỨT ĐOẠN

LỜI BỐ CÁO

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Bbuddho me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalam

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Phật là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Dhammo me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Pháp bảo là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

Natthi me saranaṃ aññaṃ

Saṅgho me saraṇam varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Tăng là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

NGHI LỄ QUY Y

Cách phổ thông thường áp dụng nhất hiện nay để Quy y và thọ trì ngũ giới là sau khi ba lần Đảnh lễ Đức Thế Tôn và phát nguyện xin quay về nương tựa vào Phật Pháp Tăng, thọ trì ngũ giới như sau:

(Thiện tín đọc)

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con.

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ nhì.

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ ba.

(Đại đức đọc trước Thiện tín đọc lại theo)

Namo tassa bhagavato arahato sammā–sambuddhassa (3 lần – Lạy)

Con đem hết lòng thành kính làm lễ Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc A La Hán cao thượng, đã chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy. (3 lần – Lạy)

Đại đức đọc: (Đại đức đọc từng câu, và Thiện tín đọc theo)

PHẦN TAM QUY

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp.

Saṅgham saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật lần thứ nhì.

Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp lần thứ nhì.

Dutiyampi Saṅgham saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng lần thứ nhì.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật lần thứ ba.

Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp lần thứ ba.

Tatiyampi Saṅgham saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng lần thứ ba.

(Đại đức truyền giới đọc)

Tisaraṇaggahanaṃ paripuṇṇam

Phép qui y Tam bảo tròn đủ chỉ có bấy nhiêu.

(Thiện tín thọ giới đọc)

Āma bhante – Dạ, Xin vâng.

PHẦN NGŨ GIỚI

1. Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

1. Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.

2. Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

2. Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

3. Kāmesumicchācārā veramaṇī sikkhā–padaṃ samādiyāmi.

3. Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.

4. Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

4. Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.

5. Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

5. Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dễ duôi uống rượu và các chất say.

(Đại đức truyền giới đọc)

Imāni pañca sikkhā–padāni sādhukaṃ katvā appamādena niccakālaṃ sammārakkhitabbaṃ

Chư thiện tín sau khi thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, hãy cố gắng vâng giữ hành theo cho được trong sạch đến trọn đời, chẳng nên dễ duôi.

(Thiện tín thọ tam qui và ngũ giới đọc)

Āma bhante – Dạ, Xin vâng.

(Đại đức truyền giới đọc)

Sīlena sugatiṃ yanti sīlena bhogasampadā sīlena nibbutiṃ yanti tasmā sīlam visodhaye

Tất cả chúng sanh được sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới, tất cả chúng sanh được giàu sang tài vật cũng nhờ giữ giới, tất cả chúng sanh được giải thoát nhập Niết bàn cũng nhờ giữ giới. Bởi các cớ ấy, Chư thiện tín hãy cố gắng thọ trì giới luật cho được trong sạch đừng để lấm nhơ.

(Thiện tín thọ giới đọc)

Sādhu, Sādhu, Sādhu!

Lành thay, Lành thay, Lành thay!

TT GIÁC GIỚI – CƯ SĨ GIỚI PHÁP

🔵 Ý NGHĨA VÀ THÁI ĐỘ QUI Y

Qui y (saraṇagamana) là sự đi tìm nương tựa, tìm chỗ ẩn náu cho tâm hồn. Con người phần đông thích tìm chỗ nương tựa để an ủi tinh thần và trấn áp nỗi lo sợ, nhưng làm vậy không phải luôn luôn có hiệu quả, bởi vì nương tựa chỗ không đáng nương tựa thì chẳng có tác dụng gì, ví như một người bị bệnh thập tử nhất sanh thay vì đi tìm đến một vị thầy thuốc giỏi người ấy lại đặt niềm tin vào một hàng xóm mà anh ta quen biết để nhờ chữa trị. Điều đó không có cơ sở bảo đảm cho anh ta lành bệnh được.

Trong kinh pháp cú, Đức Phật có dạy: “Loài người khi hoảng hốt bèn đi tìm nhiều chỗ nương tựa, núi non, rừng rậm, vườn cây hoặc đền tháp. Đó không phải là chỗ qui y an ổn, không phải là sự qui y cao thượng, sự qui y như vậy không thoát khỏi khổ đau. Chỉ có ai qui y Đức Phật, qui y Chánh Pháp và Tăng Chúng, với chánh trí thấy được bốn thánh đế là khổ – tập – diệt – đạo, chỉ có điều đó mới thật sự là qui y an ổn, là qui y cao thượng, qui y như vậy mới thoát khỏi mọi khổ đau”. (Dhp.188–192).

Đối tượng qui y của người Phật tử là Đức Phật (buddha), Giáo pháp (dhamma), và Tăng chúng (saṅgha).

Người Phật tử qui y Phật là qui ngưỡng bậc Chánh Giác, xem Đức Phật như là bậc Đạo Sư lãnh đạo tinh thần chỉ đường dẫn lối đến hạnh phúc tối thượng Niết bàn; người Phật tử chân chính không bao giờ nghĩ rằng nương tựa Đức Phật để được Ngài cứu rỗi hay ban cho ân huệ gì.

Người Phật tử qui y Pháp là qui ngưỡng chánh pháp đã được Đức Phật thuyết giảng, nương tựa giáo pháp như là y cứ vào kim chỉ nam để thực hành hướng tới giác ngộ giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi; người Phật tử chân chính qui y pháp không nghĩ rằng giáo pháp như những bài chú đọc tụng để tiêu tai giải nạn.

Người Phật tử qui y Tăng là qui ngưỡng Tăng chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật, nương tựa Tăng chúng như là những vị thầy dìu dắt mình trên con đường tu tập mà đấng Từ Phụ đã vạch ra; người Phật tử chân chính qui y Tăng không nghĩ rằng Tăng chúng như những vị giáo sĩ trung gian để giúp nguyện cầu với đấng thần linh.

Thái độ qui y Tam bảo của người Phật tử tựa hồ như một người bệnh đặt niềm tin, vào vị bác sĩ, nương tựa để được hướng dẫn điều trị bệnh; tất nhiên mọi sự cố gắng nỗ lực, uống thuốc và cử kiêng ăn uống, phải do chính người bệnh. Cũng vậy, người Phật tử phải tự tinh tấn hành trì trên nền tảng vững chắc, vô thượng của sự qui y nơi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, nơi nương tựa tinh thần bất thối chuyển để đạt tới mục đích cứu cánh giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn, hạnh phúc tối thượng, bình an mãi mãi.

🔵 YẾU TỐ ĐỂ THÀNH TỰU QUI Y

Người Phật tử thành tựu tốt đẹp sự qui y do ba yếu tố:

a) Đức tin (Saddhā)

b) Trí tuệ (Paññā)

c) Phó thác sanh mạng (Jīvitapariccāga)

Người cư sĩ có niềm tin trong sạch với Đức Phật, với giáo pháp, với Tăng chúng, không hoài nghi, không bất mãn Tam bảo, mới phát nguyện qui y, như vậy mới thành tựu sự qui y tốt đẹp. Qui y mà thiếu lòng tin thì không thể có quyết tâm noi theo Tam bảo để tu tập, nên không thành tựu qui y.

Mặt khác, người cư sĩ thiếu trí tuệ, không hiểu biết tại sao phải qui y, không hiểu biết gì về Đức Phật – Giáo pháp – Tăng chúng, dù người ấy có xin qui y cũng không thành tựu là người Phật tử. Do đó, phải có sự hiểu biết sáng suốt và chín chắn, phải có trí tuệ, mới thành tựu tốt đẹp sự qui y.

Một điều nữa là người cư sĩ chưa có quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo, tức là chưa hoàn toàn chấp nhận dấn thân theo lý tưởng tu tập, nên dù có xin qui y vẫn khó thành tựu. Vì vậy, muốn thành tựu sự qui y tốt đẹp phải có yếu tố quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo.

🔵 HÌNH THỨC QUI Y

[Ngoài cách phổ thông như trên còn] có bốn hình thức qui y Tam bảo khác cũng có thể áp dụng:

a) Hình thức dâng mình qui phục (Attasanniy–yātanā)

b) Hình thức chấp nhận điểm tựa (Tapparāyanā)

c) Hình thức hạ mình làm môn đệ (Sissabhāvupagamana)

d) Hình thức biểu lộ tôn kính (Paṇipāta)

Người cư sĩ có niềm tin nơi Tam bảo muốn qui y Tam bảo, có thể thực hiện một trong bốn hình thức trên để tác thành nghi thức qui y. Nhưng hình thức qui y phổ thông là cách thứ hai “Chấp nhận Tam bảo là chỗ nương tựa”.

Giải về bốn hình thức qui y như sau:

a) Qui y bằng hình thức dâng mình qui phục, là phát nguyện rằng: “Ajja ādiṃ katvā ahaṃ attānaṃ buddhassa dhammassa saṅghassa niyyādemi” (Bắt đầu từ hôm nay con xin dâng mình đến Đức Phật, Giáo pháp và Tăng chúng).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

b) Qui y bằng hình thức chấp nhận điểm tựa, là phát nguyện rằng: “Ajja ādiṃ katvā ahaṃ buddha–parāyano dhammaparāyano saṅghaparāyano. Iti maṃ dhāretha” (Bắt đầu từ hôm nay con có Đức Phật là điểm tựa, có Giáo pháp là điểm tựa, có Tăng chúng là điểm tựa. Xin Ngài nhận biết cho con như thế).

Còn có một cách phát nguyện khác cũng thuộc hình thức qui y này mà ngày nay cư sĩ Phật giáo áp dụng: “Eso’ haṃ suciraparinibbutaṃpi taṃ bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca upāsakaṃ maṃ dhāretha”. (Con xin y chỉ đức Thế Tôn đã níp bàn, xin y chỉ giáo pháp, xin y chỉ chúng tỳ kheo. Mong Ngài nhận biết con là người cận sự).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

c) Qui y bằng hình thức hạ mình làm môn đệ, là phát nguyện rằng: “Ajja ādiṃ katvā ahaṃ bud–dhassa antevāsiko dhammassa antevāsiko saṅghassa antevāsiko. Iti maṃ dhāretha” (Bắt đầu từ hôm nay con là môn đệ của Đức Phật, môn đệ của Giáo pháp, môn đệ của Tăng chúng. Xin Ngài nhận biết cho con như thế).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

d) Qui y bằng hình thức biểu lộ tôn kính, là phát nguyện rằng: Ajja ādiṃ katvā ahaṃ abhi–vādanaṃ paccupaṭṭhānaṃ añjalikammaṃ sāmīci–kammaṃ buddhādīnaṃ–y–eva tinnaṃ vatthūnaṃ karomi. Iti maṃ dhāretha” (Bắt đầu từ hôm nay con chỉ đảnh lễ, nghinh tiếp, vái chào và tôn ngưỡng đối với ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Xin Ngài nhận biết con là như thế).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

🔵 SỰ KIỆN BỢN NHƠ QUI Y

Thánh qui y, tức là sự qui y Tam bảo của bậc thánh hữu học như Tu đà huờn v.v… không có sự bợn nhơ, bởi vì các vị thánh cư sĩ ấy đã thành tựu niềm tin vững chắc đối với Phật, Pháp, Tăng, đã đoạn tận tà kiến và hoài nghi. Chỉ có sự qui y của hạng phàm nhân, phàm qui y, mới có trường hợp bợn nhơ qui y, vì phàm phu vẫn còn phiền não.

Bợn nhơ qui y tức là sự qui y của người cư sĩ bị bất tịnh, không trong sạch, không được hoàn hảo, mặc dù chưa bị phá vỡ, chưa bị mất danh hiệu người cận sự (Upāsaka). Người cư sĩ bợn nhơ qui y sẽ làm khiếm khuyết quả phước, khó có sự tinh tấn tu tập thiện pháp.

Có ba sự kiện làm bợn nhơ qui y:

a) Thiếu trí (aññāṇa)

b) Hoài nghi (saṃsaya)

c) Tà kiến (micchāñāṇadassa)

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại không hiểu biết về sự thanh tịnh của Đức Phật, không hiểu về sự đặc thù của giáo pháp, không hiểu về sự cao thượng của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y bởi do thiếu hiểu biết nên người ấy không thiết tha, không tinh tấn thực hành phận sự người cư sĩ đối với Tam bảo.

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại nghi ngờ sự giác ngộ của Đức Phật, nghi ngờ hiệu năng của giáo pháp, nghi ngờ chánh hạnh của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do hoài nghi nên người ấy thối thất tinh tấn, xao lãng phận sự tu tập và phận sự đối với Tam bảo.

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại có tri kiến sai lầm, hiểu thấy trái ngược với tinh thần lời dạy của Đức Phật, tin vào những điều tà pháp như tin bói toán, đồng bóng v.v… gọi là có tà kiến, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do tà kiến nên người ấy không thấy được chánh đạo, không thấy được những gì phải nỗ lực tu tập, người ấy đi xa lời Phật dạy.

🔵 SỰ KIỆN ĐỨT ĐOẠN QUI Y

Một người đã đắc quả siêu thế, là bậc thánh hữu học, người ấy thành tựu qui y bất thối nơi Tam bảo, sẽ không bao giờ có sự đứt đoạn qui y đối với thánh qui y như vậy. Vị thánh hữu học dù mạng chung ở đây sanh lại đời sống khác cũng không gián đoạn tam qui, vì đạo quả siêu thế là bất động.

Chỉ có sự qui y của phàm nhân mới có thể bị đứt đoạn. Có hai sự kiện đứt đoạn qui y của phàm nhân:

a) Đứt qui y không có lỗi (Anavajjo)

b) Đứt qui y có lỗi (Sāvajjo)

Một người đã qui y Tam bảo và tu tập tốt đẹp, nhưng khi người ấy chết thì xem như là đã đứt đoạn qui y, vì một kẻ phàm phu không có gì để đảm bảo lúc tái sanh vào cảnh giới khác, với một đời sống khác, lại có thể giữ nguyên lập trường tín ngưỡng; người ấy sẽ không còn nhớ đến Tam bảo, không còn nhớ đến lý tưởng tu tập trong đời này. Nhưng đây gọi là sự kiện đứt qui y không có lỗi.

Trường hợp một người đã qui y Tam bảo, sau đó xu hướng theo ngoại giáo, trở lại phỉ báng Đức Phật, phỉ báng giáo pháp, phỉ báng Tăng chúng. Như thế gọi là sự kiện đứt qui y có lỗi. Có lỗi đây là tự làm mất gốc và tạo nên quả báo đau khổ; nếu người ấy chỉ từ bỏ Tam bảo để xu hướng ngoại giáo thì gọi là tự làm mất gốc; nếu người ấy xu hướng ngoại giáo và trở lại phỉ báng Tam bảo thì gọi là tự làm mất gốc và tạo ác quả.

Một người cữ sĩ đã đứt qui y thì không còn là một người cận sự nữa, không đáng gọi là một Phật tử nữa.

Nguồn trích dẫn: Cư Sĩ Giới Pháp

 

HT HỘ TÔNG – HỎI VÀ ĐÁP

❓Tiếng cận sự nam, cận sự nữ (upasaka) cận sự nữ (upāsikā) nghĩa như thế nào?

Cận sự nam, cận sự nữ nghĩa là người vào gần đến Tam bảo, nương theo Tam bảo.

❓Quy y có mấy, là cái gì?

Quy y có ba là: Phật, Pháp, Tăng.

❓Tam quy chia theo tên có mấy?

Tam quy chia theo tên có hai: Thánh quy y và phàm quy y.

❓Thánh quy y như thế nào? Nói về mấy hạng người?

Thánh quy là quy y của bậc Thánh, vị đã thấy pháp “Tứ thánh đế” dứt trừ phiền não, lấy Niết–bàn làm cảnh giới, là nơi về của các bậc Thánh nhơn.

❓Phàm quy y như thế nào? Về hạng người nào?

Phàm quy y chỉ mới vừa được đè nén phiền não như dùng đức của Phật làm cảnh giới, là nơi về của người phàm có đức tin về sự hiểu thấy phải, có đức tin là gốc, làm cho sự hiểu biết ngay trong 10 cách làm phước (puññakiriyāvatthu), như thế gọi là phàm quy y.

❓Tư cách tôn trọng sùng bái (pānipatana) chỉ có một cách hay là có thêm nữa?

Chia ra có bốn cách nữa, là: ① tôn trọng vì tín rằng “Đức Phật là thân quyến, dòng dõi thanh cao (ñātipānipāta); ② tôn trọng vì sợ oai lực của đức Phật (bhayapānipāta); ③ tôn trọng vì cho đức Phật là thầy (ācariyapāṇipāta); ④ tôn trọng vì tín rằng đức Phật là bậc thanh cao đáng nương dựa (dakkhineyyapaṇipāta).

① Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này là thân quyến dòng dõi thanh cao, ta nên tôn trọng.

② Tôn trọng rằng: đức Phật có nhiều thần lực, nếu ta không tôn trọng sùng bái ta phải bị hư hại vì một lẽ gì không sai, cớ ấy ta phải tôn trọng.

③ Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này khi còn ở địa vị Bồ tát, Ngài có dạy bảo ta các nghề nghiệp, nay Ngài được giác ngộ làm Phật, ta cần phải tôn trọng Ngài.

④ Tôn trọng, tín rằng: đức Phật này là bậc thanh cao đáng thọ lãnh vật dụng của thí chủ tin lý nhơn quả đem đến dâng cúng người nào đã cúng dường rồi thì được khỏi vòng khổ não. Trong 4 cách tôn trọng ấy, chỉ có cách thứ 4 làm cho phép quy y được kết quả thôi.

❓Phép quy y bợn nhơ có mấy điều?

Phép quy y bợn nhơ có 3 điều, là:

① Không biết Phật, Pháp, Tăng, có đức như thế nào (aññāna);

② Nghi ngờ Tam bảo (saṃsaya);

③ Hiểu sái Tam bảo (micchāñaṇadassana). Không đứt tam quy, nhưng Tam quy không được tỏ rạng, cận sự nam, cận sự nữ không được nhiều phước báu.

❓Thánh quy có bợn nhơ chăng?

Thánh quy không bao giờ bợn nhơ.

❓Phép quy y đứt do mấy điều?

Phép quy y đứt do hai điều: đứt mà có tội (sāvajjoca), đứt mà không có tội (anavajjoca).

❓Đứt mà có tội, đứt như thế nào?

Người đã thọ tam quy rồi, trở lại nương theo ngoại đạo, hủy báng, nhứt là đức Phật, gọi là đứt tam y có tội.

❓Như thế nào, đứt mà không có tội?

Đứt mà không có tội, là đứt vì chết.

❓Thánh quy, có đứt không?

Thánh quy không bao giờ đứt.

❓Vì sao Thánh quy không đứt, không bợn nhơ?

Vì bậc Thinh văn, dầu là thoát sanh trong cõi nào, không có Phật, Pháp, các ngài cũng chẳng tin theo tôn giáo khác, dầu có tai nạn đến nỗi hại mình, các ngài cũng chẳng bỏ các đức lành của mình; cho nên gọi Thánh quy không bao giờ đứt, không khi nào bợn nhơ.

❓Phép quy y có mấy chi? Đáp: Có 3 chi: đức tin (saddhā), trí tuệ (paññā), thí mạng (jīvitapariccāga) là thà bỏ mạng không đành lìa pháp.

❓Đứt giới có đứt tam quy không?

Đứt giới nếu đứt vì chết, tam quy cũng đứt; nếu đứt vì phạm điều học, có khi đứt tam quy, có khi cũng không đứt. Nếu đứt vì hiểu rằng: năm điều oan trái ấy không có tội, như thế, gọi là đứt tam quy. Còn không đứt tam quy là khi phạm điều học mà còn tin nhơn quả, đứt như thế, gọi là chỉ đứt giới, tam quy còn như thường.

❓Cớ sao không đứt tam quy, nếu giới đã đứt?

Không đứt tam quy, vì thọ tam quy nhờ có đức tin là gốc, nghĩa là còn tin phước tin tội, ví như cây gãy nhánh nhưng gốc rễ vẫn còn đủ. Giới phát sanh do tác ý chừa cải chỉ có hư sự chừa cải thôi, giới và tam quy, tâm sở khác nhau, như đã có giải.

❓Vậy đứt tam quy, đứt giới hay là không đứt?

Đứt tam quy, giới cũng đứt, vì tam quy là gốc rễ; nếu đã hết tin nhơn quả rồi, giới còn thế nào được.

❓Ngoài Phật giáo, khi đức Phật chưa giác ngộ, có giới chăng?

Đáp: Ngoài Phật giáo, khi đức Phật chưa giác ngộ, cũng có giới vậy.

❓Vậy, nói đứt tam quy thì đứt giới, vậy ngoài Phật giáo, không có tam quy, cớ sao lại nói có giới?

Trong Phật giáo, nếu đã thọ tam quy rồi, trở lại bỏ tam quy, thì giới cũng đứt vì đã hết tin nhơn quả rồi. Còn nói không có tam quy mà còn giới, ấy là đối với thời gian ngoài Phật giáo, không có Phật, Pháp, Tăng chỉ có chừa cải năm điều oan trái thôi, cho nên nói: cũng có giới vậy.

(Cư Sĩ Vấn Đáp )

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

NỀN TẢNG PHẬT GIÁO – QUYỂN 2 QUY Y TAM BẢO – Soạn giả: Tỳ–khưu Hộ Pháp

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

ĐỨT – KHÔNG ĐỨT PHÉP QUY Y TAM BẢO

Người Phật tử có đức tin trong sạch, vững chắc, không lay chuyển nơi Tam Bảo, thì chỉ có chư bậc Thánh Nhân mà thôi; còn như các hàng Phật tử phàm nhân, tuy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhưng không vững chắc, dễ bị lay chuyển. Khi gặp những trường hợp khó xử. Nếu người Phật tử không giữ vững đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thì dễ bị đứt phép quy y Tam Bảo, như những trường hợp sau:

🍀 Trường hợp cận sự nam, cận sự nữ lễ bái dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu sĩ ngoại đạo, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu sĩ ngoại đạo, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo. Thậm chí người cận sự nam, cận sự nữ còn phải có bổn phận lễ bái dâng cúng đến cha mẹ, ông bà, thầy tổ, những bậc hữu ân, bậc Trưởng Lão trong dòng họ và trong đời nữa.

Mặc dù, người cận sự nam, cận sự nữ kính trọng lễ bái dâng cúng đến các bậc ấy, mà vẫn có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thì không bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ ấy nghĩ rằng: Người thân quyến là tu sĩ ngoại đạo này thật cao thượng, ta nên đến nương nhờ nơi người ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam Bảo.

Nếu người ấy lễ bái dâng cúng đến người thân quyến là tu sĩ ngoại đạo, xin nương nhờ nơi vị tu sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam Bảo nữa, thì người ấy chắc chắn bị đứt quy y Tam Bảo; bởi vì, tâm của người ấy đã từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng để đi theo ngoại đạo.

🍀 Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình là tu sĩ ngoại đạo, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình là tu sĩ ngoại đạo, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo, bởi vì, người ấy lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình do lòng biết ơn đối với vị Thầy cũ. Vả lại, người ấy vẫn có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thì không thể bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ ấy nghĩ rằng: Vị Thầy cũ của mình là ngoại đạo thật là cao thượng, ta nên đến xin nương nhờ nơi vị Thầy cũ ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam Bảo.

Nếu người ấy lễ bái, dâng cúng đến vị Thầy cũ là tu sĩ ngoại đạo, xin nương nhờ nơi vị Thầy cũ tu sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam Bảo nữa, thì người ấy chắc chắn bị đứt phép quy y Tam Bảo, bởi vì tâm người ấy từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, để đi theo ngoại đạo.

🍀 Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái Đức vua, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn còn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái Đức vua, người có uy quyền trong một nước, vẫn không bị đứt quy y Tam Bảo, bởi vì, mỗi người dân đều nương nhờ nơi Đức vua, phải kính trọng và biết ơn Đức vua.

🍀 Trường hợp cận sự nam, cận sự nữ kính dâng lễ đến chư thiên, cầu xin chư thiên hộ trì cho mình, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy kính dâng lễ cúng dường đến chư thiên, cầu xin chư thiên hộ trì cho mình, giúp công việc gì đó được thành tựu, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo; bởi vì, người ấy vẫn có đức tin nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo.

Thực ra, trong Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy pháp balī: cúng dường, dâng lễ, bố thí, thuế,… có 5 pháp như sau:

– Ñātibalī: Bố thí, cúng dường đến người thân quyến.

– Atithibalī: Tiếp đãi khách quý.

– Pubbapetabalī: Bố thí hồi hướng phước thiện đến người thân quyến đã quá vãng.

– Rājabalī: Dâng lễ, đóng thuế cho Đức vua.

– Devatābalī: Kính dâng phước thiện đến chư thiên…

Người nào kính yêu chư thiên, thì chư thiên cũng kính yêu, hộ trì lại người ấy.

Người nào tạo mọi phước thiện như bố thí, giữ gìn giới trong sạch hoàn toàn, thuyết pháp, nghe pháp, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ v.v… rồi kính dâng phần phước thiện ấy đến chư thiên. Tất cả chư thiên rất hoan hỷ mọi phước thiện mà người kính dâng, cúng dường đến họ. Chư thiên luôn luôn hộ trì cho người ấy.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ nghĩ rằng: “Ta nên nương nhờ chư thiên, dâng lễ cúng dường đến chư thiên, thì chư thiên hộ trì giúp đỡ cho ta, hỗ trợ mọi công việc làm ăn được phát đạt, ta không nên nương nhờ nơi Tam Bảo nữa”.

Nếu người ấy thi hành theo ý nghĩ của mình, từ bỏ quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, mà theo nương nhờ chư thiên, hằng ngày dâng lễ cúng dường đến chư thiên, thì người ấy chắc chắn bị đứt phép quy y Tam Bảo.

QUY Y TAM BẢO VỮNG CHẮC – KHÔNG VỮNG CHẮC

PHÉP QUY Y TAM BẢO VỮNG CHẮC

Đối với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana). Trong kiếp hiện tại, chư Thánh Thanh Văn ấy là người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam Bảo, không hề lay chuyển; chỉ có nhất tâm thành kính quy y Tam Bảo cho đến trọn đời trọn kiếp mà thôi, không bao giờ từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; bởi vì trong tâm của chư Thánh Nhân không có phiền não nào có thể làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo. Do đó, trong kiếp hiện tại chư Thánh Nhân là cận sự nam, cận sự nữ không bao giờ bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Những người cận sự nam, cận sự nữ là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, sau khi chết chắc chắn không thể tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) mà chỉ có thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới hoặc làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, vô sắc giới tùy theo năng lực của thiện nghiệp cho quả.

Những kiếp sau của bậc Thánh Nhân ấy vẫn còn nguyên vẹn phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới vững chắc, khắng khít ở trong tâm, trong mọi kiếp cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

PHÉP QUY Y TAM BẢO KHÔNG VỮNG CHẮC

Đối với các hạng phàm nhân đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana). Trong kiếp sống hiện tại, người cận sự nam, cận sự nữ ấy có hai nhóm:

🍀 Số người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, chỉ có nhất tâm giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo trọn vẹn đến trọn đời trọn kiếp mà thôi; cho đến khi chết, đồng thời cũng là lúc đứt phép quy y Tam Bảo. Bởi vì, phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới chỉ có hiệu lực trong kiếp hiện tại mà thôi, do đó trường hợp đứt phép quy y Tam Bảo này vô tội (anavajja).

Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới (cõi người, cõi trời dục giới…) nào, kiếp sau làm người hoặc chư thiên, hoặc phạm thiên có gặp được Phật giáo hay không, điều đó không chắc chắn. Cho nên, trong kiếp hiện tại, người cận sự nam, cận sự nữ phải luôn phát nguyện rằng: “Do năng lực phước thiện này, kiếp vị lai gặp được Đức Phật, hoặc các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, được nghe chánh pháp của Đức Phật, hết lòng thành kính xin quy y Tam Bảo”.

🍀 Số người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, trong kiếp sống còn hiện tại, do năng lực phiền não xui khiến họ từ bỏ Đức Phật, từ bỏ Đức Pháp, từ bỏ Đức Tăng, để theo nương nhờ nơi đạo khác. Như vậy, người ấy bị đứt phép quy y Tam Bảo ngay khi đó, không phải chờ đến lúc chết.

Đó là trường hợp đứt phép quy y Tam Bảo mà có tội (sāvajja).

Như vậy, phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới đối với các cận sự nam, cận sự nữ còn là phàm nhân, là phép quy y Tam Bảo không vững chắc.

NHÂN LÀM Ô NHIỄM PHÉP QUY Y TAM BẢO

Người cận sự nam, cận sự nữ còn là hạng phàm nhân, có đức tin nơi Tam Bảo không vững chắc, bởi vì họ vẫn còn có những phiền não nặng nề làm ô nhiễm trong tâm. Những phiền não là nhân làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo như:

🍀 Phiền não si (moha): Tâm si không hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

🍀 Phiền não hoài nghi (vicikicchā): Tâm hoài nghi về Đức Phật, hoài nghi về 9 Ân đức Phật; hoài nghi về Đức Pháp, hoài nghi về 6 Ân đức Pháp; hoài nghi về Đức Tăng, hoài nghi về 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

🍀 Phiền não tà kiến (michādiṭṭhi): Tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Phật, về 9 Ân đức Phật; tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Pháp, về 6 Ân đức Pháp; tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Tăng, về 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

PHIỀN NÃO ẤY PHÁT SINH TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP

Trong khi đang thọ phép quy y Tam Bảo, nếu hạng phàm nhân có những loại phiền não si mê, hoài nghi, tà kiến ấy phát sinh, thì người ấy không thành tựu phép quy y Tam Bảo, cũng không chính thức trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Hạng phàm nhân nào chỉ có đức tin nơi Tam Bảo, mà không có trí tuệ hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, cho nên, trong khi người ấy đang thọ phép quy y Tam Bảo, với dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tuy có đối tượng Ân đức Tam Bảo, nhưng không hiểu rõ sâu sắc 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; người ấy cũng thành tựu được phép quy y Tam Bảo không hợp với trí tuệ, cũng trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Tuy nhiên, về sau nếu người cận sự nam hoặc cận sự nữ này có những phiền não phát sinh ở trong tâm sẽ là nhân làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo của người ấy.

NHÂN LÀM TRONG SẠCH PHÉP QUY Y TAM BẢO

Người cận sự nam, cận sự nữ là hạng phàm nhân đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, về sau do phiền não si mê, hoài nghi, tà kiến làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo của họ. Nhờ có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện trí khuyên nhủ, chỉ bảo, người ấy ý thức được rằng: Phiền não làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo, đó là điều bất lợi, thoái hóa mọi thiện pháp, khổ não.

Người ấy tìm đến bậc thiện trí có giới đức thanh tịnh, tinh thông pháp học, giàu kinh nghiệm về pháp hành,… thỉnh Ngài thuyết giảng Ân đức Tam Bảo, quả báu của phép quy y Tam Bảo. Người ấy lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, hiểu rõ về 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng,… đó là những pháp làm cho dễ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ nhận thức đúng đắn rằng: “Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng”, được quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo là nương nhờ nơi cao thượng, sẽ có được quả báu cao thượng, sẽ có được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp cao thượng, sự an lạc Niết Bàn cao thượng.

Trước kia, người cận sự nam, cận sự nữ có phép quy y Tam Bảo bị ô nhiễm do bởi phiền não. Nay, người ấy đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, hiểu rõ Ân đức Tam Bảo,… phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp. Do đó, làm cho phép quy y Tam Bảo của họ không còn bị ô nhiễm bởi phiền não nữa; phép quy y Tam Bảo của họ trở nên xán lạn, càng tăng trưởng đức tin nơi Tam Bảo.

QUY Y TAM BẢO VỚI ĐỨC TIN TRONG SẠCH

Trong bài kinh Kāraṇapālisutta được tóm lược như sau:

Ông Bàlamôn Kāraṇapāli là vị quan trông coi công việc trong hoàng tộc Licchavi xứ Vesāli và ông Bàlamôn Piṅgiyāni là bậc Thánh Bất Lai Thanh Văn đệ tử của Đức Phật. Hai người gặp và đàm thoại với nhau, ông Bàlamôn Piṅgiyāni tán dương ca tụng chánh pháp của Đức Phật.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại tịnh xá trong khu rừng lớn gần thành Vesāli. Khi ấy, có ông Bàlamôn Kāraṇapāli đi trông coi công việc bên ngoài cửa thành, nhìn thấy ông Bàlamôn Piṅgigāni từ xa đến bèn hỏi rằng:

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông đi đâu trở về trưa vậy?

Piṅ:Thưa ông Kāraṇapāli, tôi đến hầu Đức Phật Gotama trở về.

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông biết trí tuệ của Samôn Gotama là Bậc đại trí cao thượng có phải không?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, tôi chỉ là người tầm thường làm sao biết được trí tuệ của Đức Phật Gotama; bậc nào biết được trí tuệ của Đức Phật Gotama, chắc chắn bậc ấy phải là Đức Phật như Đức Phật Gotama.

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, tôi nghe nói rằng, ông thường tán dương ca tụng Samôn Gotama lắm phải không?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, tôi chỉ là người tầm thường, có biết gì về Đức Phật Gotama mà dám tán dương ca tụng Ngài, chỉ có chư thiên, chư phạm thiên, các bậc thiện trí thường tán dương ca tụng Đức Phật Gotama là Bậc Tối Thượng trong tất cả mọi chúng sinh, chư thiên, chư phạm thiên, chư Samôn, Bàlamôn và toàn nhân loại.

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông đã nhận thấy sự lợi ích thế nào mà ông có đức tin trong sạch nơi Samôn Gotama đến như thế ấy?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, ví như một người đã ăn uống no đủ những món vật thực ngon lành có hương vị hảo hạng rồi; thì người ấy không còn thèm muốn những món vật thực dở, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy không còn muốn nghe lời dạy của Samôn, Bàlamôn khác, cũng như thế ấy.

Cũng ví như người đang đói khát, mệt lả, gặp một tổ ong mật đầy, người ấy uống mật ong nguyên chất không pha trộn thứ khác, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi, hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Gotama, cũng như thế ấy.

Cũng ví như người đi tìm được cây trầm vàng hoặc cây trầm đỏ, người ấy ngửi rễ trầm, thân cây trầm, ngọn cây trầm cảm thấy mùi thơm tho, mát dịu, dễ chịu như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy cảm thấy hài lòng tâm vô cùng hoan hỷ, cũng như thế ấy.

Cũng ví như người mắc phải bệnh trầm kha lâu năm đau khổ, nhưng diễm phúc gặp được vị lương y tài giỏi điều trị khỏi căn bệnh ấy, người ấy sống được an lạc, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy diệt khỏi được sự sầu não, khóc than, khổ tâm, khổ thân, sự thống khổ cùng cực, cũng như thế ấy.

Cũng ví như một hồ nước trong trẻo, sạch sẽ, mát mẻ, bến nước lài thoai thoải, cảnh đẹp nên thơ; một người đi đường xa, trời nắng, mệt mỏi, khát nước, đi lần đến hồ nước ấy, xuống hồ uống nước, tắm rửa sạch sẽ, hết khát, hết mệt, diệt được sự nóng nảy, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy cảm thấy diệt được phiền não nóng nảy trong tâm, tâm được thanh tịnh vắng lặng, cũng như thế ấy…

Lắng nghe ông Bàlamôn Piṅgiyāni thuyết giảng sự lợi ích chánh pháp của Đức Phật Gotama, ông Bàlamôn Kāraṇapāli đứng dậy mặc áo chừa vai bên phải, quỳ xuống đất chắp hai tay hướng về Đức Thế Tôn đang ngự, thốt lên lời tôn kính 3 lần:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Samāsambuddhassa. (3 lần)

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác. (3 lần)

Ông ca tụng ông Bàlamôn Piṅgiyāni rằng:

– Thưa ông Piṅgiyāni, lời giảng giải của ông thật rõ ràng quá, làm tôi vô cùng hoan hỷ. Ông đã giảng giải bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ mọi vật hiện hữu.

Tiếp theo ông Bàlamôn Kāraṇapāli xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng lời chân thật rằng:

“Esāhaṃ Bho Piṅgiyāni taṃ Bhagavantaṃ Gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakam maṃ bhavaṃ Piṅgiyāni dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ”.

– Kính thưa ông Piṅgiyāni, xin ông chứng nhận lời chân thật của tôi rằng: “Con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn Gotama, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y Đức Tỳ–khưu Tăng Bảo”.

Kính xin ông Piṅgiyāni công nhận tôi là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo cao thượng, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Quả báu của phép quy y Tam Bảo và ngũ giới rất phi thường, thật vô cùng phong phú. Những người thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới trước khi lâm chung, sau khi chết, do cận tử thiện nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên.

“Những ai quy y Phật,

Sẽ không đọa ác thú,

Sau khi bỏ thân Người,

Sẽ sanh làm chư Thiên.”

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Chư Thiên 

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVĀDA

Nguồn trích dẫn: NHẬT TỤNG CƯ SĨ

BÀI THỈNH CHƯ THIÊN

Sagge kāme ca rū pe girisikharatate cantalikkhe vimāne

Dīpe raṭṭthe ca gāme taruvanagahane gehavatthumhi khette

Bhummā cāyantu devā jalathalavisame yakkhagan–dhabbanāgā

Tiṭṭhantā santike yaṃ munivaravacanaṃ sādhavo me suṇantu.

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

Xin thỉnh Chư Thiên ngự trên cõi trời Dục giới cùng Sắc giới, Chư Thiên ngự trên đỉnh núi, núi không liền, hoặc nơi hư không; ngự nơi cồn bãi đất liền hoặc các châu quận, ngự trên cây cối rừng rậm hoặc ruộng vườn, Chư Dạ xoa, Càn Thác Bà cùng Long vương dưới nước trên bờ hoặc nơi không bằng phẳng gần đây, xin thỉnh hội họp lại đây. Lời nào là lời kim ngôn cao thượng của Đức Thích Ca Mâu Ni mà chúng con tụng đây, xin các bậc Hiền Triết nên nghe lời ấy.

Xin các Ngài đạo đức, giờ này là giờ nên nghe Pháp Bảo.

Xin các Ngài Đạo đức, giờ này là giờ nên nghe Pháp Bảo.

Xin các Ngài Đạo đức, giờ này là giờ nên nghe Pháp Bảo. (Lạy)

LỄ CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

Imehi dīpadhū pādisakkārehi Buddhaṃ Dhammaṃ Saṅghaṃ

abhipū jayāmi mātā–pitādīnaṃ guṇavantānañca mayhañca

dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya (Lạy)

Con xin dâng các lễ vật này, nhất là nhang đèn để cúng Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo, ngưỡng cầu cho các bậc ân nhân, nhất là cha mẹ con và con đều được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự bình an lâu dài. (Lạy)

LỄ BÁI PHẬT BẢO

Namo tassa bhagavato arahato sammā–sambuddhassa (3 lần – Lạy)

Con xin hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagavā đó, Ngài là bậc Arahaṃ cao thượng, được chứng quả chánh biến tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy. (3 lần – Lạy)

Yo sannisinno varabodhimū le māraṃ sasenaṃ mahatiṃ vijeyyo sambodhimāgacchi anantañāno lokuttamotaṃ panamāmi buddhaṃ

Đức Phật tham thiền về số tức quan, ngồi trên bồ đoàn dưới bóng cây bồ đề quí báu và đắc thắng toàn bọn Ma Vương mà thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Ngài là bậc tối thượng hơn cả chúng sanh, con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Ngài.

Ye ca buddhā atītā ca ye ca buddhā anāgatā paccuppannā ca ye buddhā ahaṃ vandāmi sabbadā

Chư Phật đã thành Chánh giác trong kiếp quá khứ, Chư Phật sẽ thành Chánh giác trong kiếp vị lai, Chư Phật đang thành Chánh giác trong kiếp hiện tại này, con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Chư Phật trong tam thế ấy. (Lạy)

ÂN ĐỨC PHẬT BẢO

Itipi so Bhagavā arahaṃ sammā–sambuddho vijjācarana–sampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā–devamanus–sānaṃ buddho bhagavā’ti (Lạy)

LỜI BỐ CÁO QUY Y PHẬT BẢO

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Bbuddho me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalam

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Phật là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

SÁM HỐI PHẬT BẢO

Uttamaṅgena vandehaṃ

Pādapaṃ suṃ varuttamaṃ

Buddhe yo khalito doso

Buddho khamatu taṃ mamaṃ

Con đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ vi trần dưới chân Đức Phật, là Đấng Chí Tôn Chí thánh. Các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Phật bảo, cúi xin Phật bảo xá tội lỗi ấy cho con. (Lạy)

LỄ BÁI PHÁP BẢO

Aṭṭhaṅgikāriyapatho janānaṃ

Mokkhappavesāya ujū ca maggo

Dhammo ayaṃ santikaro paṇīto

Nīyāniko taṃ panamāmi dhammaṃ

Các pháp đúng theo đạo Bát chánh, là con đường đi của Bậc Thánh nhơn, là con đường chánh, dẫn người hữu chí nhập Niết bàn được. Pháp bảo là Pháp trừ diệt các sự lao khổ và các điều phiền não, là Pháp chỉ dẫn chúng sanh thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi, con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Pháp ấy. (Lạy)

Ye ca dhammā atītā ca

Ye ca dhammā anāgatā

Paccuppannā ca ye dhammā

Ahaṃ vandāmi sabbadā (Lạy)

Các pháp của Chư Phật đã có trong kiếp quá khứ, Các pháp của Chư Phật sẽ có trong kiếp vị lai, Các pháp của Chư Phật đang giáo truyền trong kiếp hiện tại này. Con xin hết lòng thành kính mà làm lễ các Pháp trong Tam thế ấy. (Lạy)

ÂN ĐỨC PHÁP BẢO

Svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhī’ti (Lạy)

LỜI BỐ CÁO QUY Y PHÁP BẢO

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Dhammo me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ (Lạy)

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Pháp bảo là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

SÁM HỐI PHÁP BẢO

Uttamaṅgena vandehaṃ

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ

Dhamme yo khalito doso

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ (Lạy)

Con xin hết lòng thành kính, cúi đầu làm lễ hai hạng Pháp Bảo là Pháp học và Pháp hành. Các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Pháp bảo, cúi xin Pháp Bảo xá tội lỗi ấy cho con. (Lạy)

LỄ BÁI TĂNG BẢO

Saṅgho visuddho varadakkhiṇeyyo

Santindriyo sabbamalappahīno

Guṇehinekehi samiddhipatto

Anāsavo taṃ panamāmi Saṅghaṃ

Chư Tăng đã được trong sạch quí báu, là bậc đáng cho người dâng lễ cúng dường, vì lục căn của các Ngài đã thanh tịnh, lòng tham muốn đã dứt trừ, là Tăng đã thoát ly trần tục, con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Chư Thánh Tăng ấy.

Ye ca saṅghā atītā ca ye ca saṅghā anāgatā paccuppannā ca ye saṅghā ahaṃ vandāmi sabbadā

Chư Tăng đã đắc đạo cùng quả trong kiếp quá khứ, Chư Tăng sẽ đắc đạo cùng quả trong kiếp vị lai, Chư Tăng đang đắc đạo cùng quả trong kiếp hiện tại này, con xin hết lòng thành kính, mà làm lễ Chư Thánh Tăng trong Tam thế ấy. (Lạy)

ÂN ĐỨC TĂNG BẢO

Suppaṭipanno bhagavato sāva–kasaṅgho

Ujupaṭipanno bhagavato sāva–kasaṅgho

Ñayapaṭipanno bhagavato sāva–kasaṅgho

Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāva–kasaṅgho

Yadidaṃ cattāri purisa–yugāni aṭṭha purisa–puggalā

Esa Bhagavato sāvakasaṅgho

Āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaranīyo

Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokas–sā’ti. (Lạy)

LỜI BỐ CÁO QUI Y TĂNG BẢO

Natthi me saranaṃ aññaṃ

Saṅgho me saraṇam varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ (Lạy)

Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Tăng là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chân thật này. (Lạy)

SÁM HỐI TĂNG BẢO

Uttamaṅgena vandehaṃ

Saṅghañca duvidhottamaṃ

Saṅghe yo khalito doso

Saṅgho khamatu taṃ mamaṃ (Lạy)

Con xin hết lòng thành kính, cúi đầu làm lễ hai hạng Tăng Bảo, là Phàm Tăng và Thánh Tăng. Các tội lỗi mà con đã vô ý, phạm đến Tăng Bảo, cúi xin Tăng Bảo xá tội lỗi ấy cho con. (Lạy)

BÀI SÁM HỐI

(Tụng đêm 14, rằm và 30 trong mỗi tháng)

Cúi đầu lại trước Bửu Đài

Con xin sám hối từ rày ăn năn.

Xưa nay lỡ phạm điều răn,

Do thân, khẩu, ý bị màn vô minh.

Gây ra nghiệp dữ cho mình,

Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương.

Giết ăn hoặc bán không lường,

Vì lòng tham lợi quên đường thiện nhân.

Oan oan tương báo cõi trần,

Trầm luân biển tối chịu phần khổ lao.

Xét ra nhơn vật khác nào

Hại nhân, nhân hại mắc vào trả vai.

Lại thêm trộm sản cướp tài,

Công người cực nhọc hằng ngày làm ra.

Lòng tham tính bảy lo ba,

Mưu kia, kế nọ, lấy mà nuôi thân.

Hoặc nuôi quyến thuộc xa gần,

Làm cho người phải lắm lần than van.

Tà Dâm tội nặng muôn ngàn,

Liệu toan chước sách làm đàng chẳng ngay.

Vợ con người phải lầm tay,

Mất trinh thất tiết phải tai tiếng đời.

Xấu cha, hổ mẹ nhiều lời,

Xa lìa chồng vợ rã rời lứa đôi.

Vọng ngôn giả dối ngoài môi,

Chuyện không nói có, có rồi nói không.

Dụng lời đâm thọc hai dòng,

Phân chia quyến thuộc, vợ chồng, anh em.

Mắng nhiết chưởi rủa pha gièm,

Xóm làng cô bác chị em không chừa.

Nói lời vô ích dây dưa,

Phí giờ quí báu, hết trưa đến chiều.

Uống rượu sanh hại rất nhiều,

Ham ăn mê ngủ nói điều chẳng kiêng.

Say sưa ngã gió đi xiên,

Nằm bờ té bụi như điên khác nào.

Lọan tâm cuồng trí mòn hao,

Nhiều người vì rượu biết bao hư nhà.

Xan tham những của người ta,

Mong sang đọat được lòng tà mới ưng.

Nết sân nóng giận không chừng,

Toan làm hại chúng bâng khuâng trong lòng.

Si mê tin chạ chẳng phòng,

Nghe đâu theo đó không thông chánh tà.

Chẳng tin Phật Pháp cao xa,

Thậm thâm vi diệu bao la trên đời.

Nếu con cố y phạm lời,

Hoặc là vô ý lỗi thời điều răn.

Hoặc xúi kẻ khác bảo tàn,

Hoặc nghe thấy ác, lòng hoằng vui theo.

Phạm nhằm ngũ giới thập điều,

Vì nhân thân khẩu, ý, nhiều lần sai.

Lỗi từ kiếp trước lâu dài

Đến kiếp hiện tại miệt mài lắm phen.

Hoặc vì tà kiến đã quen,

Khinh khi Tam Bảo lòng bèn chẳng tin.

Cho rằng người chết hết sinh,

Phạm vào đoạn kiến tội tình nặng thay.

Hoặc phạm thường kiến tội dày,

Sống sao đến thác, sanh lai như thường.

Tội nhiều kể cũng không lường,

Vì con ngu dốt, không tường phân minh.

Dể duôi Tam Bảo, hại mình,

Bởi nhân không thấu vô minh nghiệp tà.

Cho nên chơn tánh mới là,

Tối tăm chẳng rõ sai ngoa thuở đầu.

Hóa nên khờ dạy đã lâu,

Để cho hoàn cảnh mặc dầu kéo xoay.

Khác nào bèo bị gió quay,

Linh đinh giữa biển dật dờ bờ sông.

Xét con tội nặng chập chồng.

Kiếp xưa cho đến hiện trong kiếp này.

Con xin sám hối từ đây,

Nguyện cho Tam Bảo đức dầy độ cho.

Tội xưa chẳng hạn nhỏ to,

Con nguyền dứt cả chẳng cho thêm vào.

Tâm lành dốc chí nâng cao,

Cải tà qui chánh chú vào Phật ngôn.

Cho con khỏi chốn mê hồn,

Đến nơi cõi Phật Thế Tôn gần kề.

Thoát vòng khổ não tối mê,

Hưởng miền Cực Lạc mọi bề thảnh thơi.

Ngày nay dứt bỏ việc đời,

Căn lành gieo giống chẳng rời công phu.

Mặc ai danh lợi bôn xu,

Con nguyền giữ hạnh người tu thoát trần.

Trước là độ lấy bổn thân,

Sau giúp quyến thuộc được phần tiêu diêu.

Sám hối tội lỗi đủ điều,

Duyên lành đều cũng ít nhiều kết xây.

Con xin hồi hướng quả này,

Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường.

Cùng là thân thích tha phương,

Hoặc đã quá vãng hoặc thường hiện nay.

Chúng sanh ba giới bốn lòai,

Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu.

Nghe lời thành thật thỉnh cầu,

Xin mau tựu lại lãnh thâu quả này.

Bằng ai xa cách chưa hay,

Cầu xin thiên chúng mách ngay với cùng.

Thảy đều thọ lãnh hưởng chung,

Dứt rồi tội lỗi thoát vòng nạn tai.

Nguyện nhiều tăng chúng đức tài,

Đạt thành thánh quả hoằng khai đạo lành.

Nguyện cho Phật Pháp thạnh hành,

Năm ngàn năm chẳng phước lành thế gian.

HỒI HƯỚNG PHƯỚC ĐẾN CHƯ THIÊN

Chư Thiên ngự trên hư không,

Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều.

Long Vương thần lực có nhiều,

Đồng xin hoan hỷ phước đều chúng tôi.

Hộ trì Phật giáo tăng bồi,

Các bậc Thầy tổ an vui lâu dài.

Quyến thuộc tránh khỏi nạn tai,

Chúng sanh được hưởng phước dài bền lâu.

Chúng con vui thú đạo mầu,

Tu hành tin tấn ngõ hầu siêu sanh. (Lạy)

HỒI HƯỚNG PHƯỚC ĐẾN THÂN BẰNG QUYẾN THUỘC ĐÃ QUÁ VÃNG

Idaṃ no ñātīnaṃ hotu sukhitā hontu ñātayo (Đọc 3 lần)

Do sự phước báo mà chúng con đã trong sạch làm đây. Xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, cầu mong cho các vị ấy hằng được sự yên vui. (Lạy)

CẦU NGUYỆN GIẢI THOÁT

Idaṃ vata me puñnñaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu ānagate (Lạy)

Do sự phước báo mà chúng con đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành, để dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai. (Lạy)

Bài viết liên quan

  • Phó thác sinh mạng như thế nào, Web, FB
  • Ý nghĩa quy y Tam Bảo là gì, Web, FB
  • Vận mệnh tương lai thành tựu rốt ráo hạnh phúc tối thượng bắt đầu từ đâu, Web, FB
  • Một số phép tắc phật tử cần biết, Web, FB
  • Điều này không thể xảy ra, Web, FB
  • Ngày đầu năm mới canh tý tốt lành, Web, FB
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • Bố thí cúng dường tại gia, Web, FB
  • Phước – tuệ đồng tu, Web, FB
  • Hâm mộ ngoại đạo, Web, FB
  • Tại sao không thể tin tưởng, nương tựa vào thần linh đấng tạo hóa, đấng sáng thế, Web, FB
  • Phật nào, pháp nào, tăng nào, nương tựa nơi đâu, Web, FB
  • Giả và thật, Web, FB
  • Tám đặc tính nhận biết pháp và luật thật sự, Web, FB
  • Phật pháp dành cho ai, Web, FB
  • Chánh pháp toàn hảo, Web, FB
  • 4 sự thuyết giáo chánh pháp, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai phần 1, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai phần 2, Web, FB
  • Tại sao không có hai Đức Phật xuất hiện một lần, Web, FB
  • Phật pháp, Phật giáo, đạo Phật là gì, Web, FB
  • Hoàn toàn và vĩnh viễn: sự thật về đạo Phật giải thoát, Web, FB
  • 969 là gì, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Phật giáo (Buddhasasana) là gì?, Web, FB
  • Học từ từ, tập từ từ, thực hành từ từ, Web, FB
  • Như thế nào là lộ trình tu tập thánh đạo giác ngộ, Web, FB
  • Thiền minh sát vipassana: lý thuyết & thực hành, Youtube
  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada , FB, Youtube
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

 
Bài viết trên Facebook, 29 Tháng 6, 2020