Thực Hành Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassanā Satipaṭṭhānā để thành tựu Thất Giác Chi như thế nào

Thực Hành Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassanā Satipaṭṭhānā để thành tựu Thất Giác Chi như thế nào❓

––––––––––––––––––––––––––––––

… Thất Giác Chi còn được gọi là 7 yếu tố Bồ Đề [Giác Ngộ] hay là 7 phương cách làm trí tuệ được phát sanh.

Muốn hiểu rõ 7 pháp này ta nên trở lại nguyên ngữ Pali của nó là “Bojjhanga”.

Đây là một danh từ ghép gồm 2 chữ Bodhi và Anga.

Bodhi là hiểu biết hay trí tuệ [giác ngộ], hiểu biết các pháp hữu vi của thế gian và hiểu biết Tứ Diệu Đế. Đó là những trí tuệ ra đạt được khi ta thực tập thiền Minh Sát trước khi Giác ngộ.

Anga là thành phần hay yếu tố.

Có những tâm sở như Niệm, Trạch pháp, Định … v.v… tạo thành một nhóm gọi chung là Thất Giác Chi, giúp hành giả xuyên thấu bản chất thật sự của các pháp thế gian và đưa tới việc thấu hiểu được Tứ Diệu Đế. (Khi quý vị đã nắm được ý nghĩa của chữ Bojjhanga, quý vị chỉ cần tìm cho nó danh từ thích hợp thế là xong).

Bảy yếu tố này bắt đầu bằng Niệm giác chi và Trạch pháp giác chi là những tâm sở sanh khởi trong tâm ta khi thực tập thiền Minh Sát.

Theo Chú giải, chỉ được gọi là có Bojjhanga khi nào trong tâm hành giả đạt được tuệ Sanh Diệt (là tuệ thứ tư trong thiền Minh Sát).

Nhưng theo Thiền sư Mahasi, có thể gọi là có Bojjhanga khi hành giả đạt được tuệ Danh Sắc tức là tuệ phân biệt được Thân và Tâm (tuệ giác thứ nhất).

Khi thực tập thiền Minh Sát tâm hành giả sẽ tuần tự tiến bộ theo từng thứ lớp, từng giai đoạn một.

Lúc mới bắt đầu thực tập thì việc cần phải làm là cố gắng có định tâm.

Đó không phải là chuyện dễ làm cho người sơ cơ, tâm hay suy nghĩ. Mỗi lần có chánh niệm trên đề mục là mỗi lần có vọng tâm chen vào cắt đứt chánh niệm.

Vọng tâm hay những chướng ngại của tâm như tham, sân, hôn trầm, dao động hay nghĩ ngợi làm che mờ đối tượng không cho tâm nằm yên trên đề mục.

Sau một thời gian thực tập, suy nghĩ tương đối bớt dần, tâm hành giả có thể an trụ trên đề mục một khoảng thời gian khá dài, 5, 10, hay 20 phút.

Trong thời gian, một tâm chánh niệm cũ được một tâm chánh niệm kế tiếp liên tục nối theo nên đôi khi vọng tâm sắp sửa hiện khởi thì hành giả có thể bắt lại liền. Tâm hành giả lúc này trong sáng và không bị vọng tâm chen vào.

Đây là giai đoạn tiến bộ của hành giả và sau đó hành giả sẽ kinh nghiệm được nhiều điều khác mới lạ hơn. Đó là khi chú tâm theo dõi đối tượng hành giả sẽ thấy nó có hai cái riêng biệt khác nhau, một là tâm chú niệm hay ghi nhận và một là cái đối tượng được chú niệm hay ghi nhận.

Thí dụ khi ngồi theo dõi phồng xẹp của bụng, ta thấy phồng xẹp là một cái riêng và tâm mà ta niệm nhờ theo dõi sự phồng xẹp là một cái khác, hai điều phân biệt rất rõ ràng và trong sáng. Ta sẽ tự thấy rõ tâm chú niệm nó hướng tới, nó tiến về và bám vào đối tượng trong khi đối tượng là phồng xẹp tự nó không hay biết gì hết, không ghi nhận gì hết.

Tâm chú niệm được gọi là Danh và đối tượng chú niệm được gọi là Sắc.

Danh có sự nhận biết còn Sắc thì không, và thay đổi tùy theo thời tiết, đói no.

Sự phân biệt Thân Tâm này đưa ta đến một sự hiểu biết rõ ràng là không hề có cái linh hồn hay tự ngã, không có cái gì ngoài Danh và Sắc.

Sự không nghĩ hoặc không lẫn lộn về điều này giúp hành giả loại bỏ được một quan kiến sai lầm về bản ngã hay về linh hồn.

Nếu tiếp tục ghi nhận, hành giả sẽ đi đến một sự hiểu biết khác nữa. Đó là vì có sự “phồng” nên có sự niệm “phồng”, vì có sự “ngồi đụng” nên có sự niệm “ngồi đụng” v.v…

Cũng như vậy khi ta thiền hành, ta niệm đơn giản “phải, bước” ‘trái, bước” hoặc “nhấc, bước, đạp”.

Khi tâm định mạnh hơn thì ta thấy rõ là trước một động tác, có tác ý muốn làm động tác ấy. Do đó sự nhấc, bước, đạp không do ai tạo ra hay một quyền năng bên ngoài điều khiển. Có tác ý nhấc thì chân mới nhấc, có tác ý bước thì chân mới bước.

Khi tâm định được phát triển dễ dàng hơn nữa thì ta sẽ mỗi đối tượng ghi nhận có cái bắt đầu và có cái chấm dứt của nó.

Khi niệm phồng ta sẽ thấy sự phồng bắt đầu như thế nào, tiếp tục như thế nào và chấm dứt như thế nào. Ta sẽ thấy một cách trực tiếp chính xác chứ không phải qua suy nghĩ hay tưởng tượng.

Cũng thế, ta cũng thấy cảm giác đau, một cảm giác thọ lạc hay bất cứ một đối tượng về thân tâm nào đều có sự bắt đầu và chấm dứt. Thấy chúng sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Đó là lúc hành giả thấy được tính chất vô thường của mỗi hiện tượng có điều kiện [hữu vi].

Chúng sanh rồi diệt không do ai làm chủ, ai ra lệnh cả.

Chúng hành động như cái máy, không một tạo hóa, một thần linh nào bắt buộc nó thay đổi.

Và khi thấy rõ mỗi hiện tượng đều bị đè nén, bị áp chế bởi sự vô thường như vậy, ta thấy được cái bản chất bất toại nguyện của chúng. Thấy được bản chất vô thường bắt toại nguyện này thì đồng thời cũng thấy luôn đặc tính vô ngã của mỗi hiện tượng.

Tiếp tục chú niệm, tâm hành giả càng ngày càng định và trong sáng hơn.

Sẽ thấy sự phồng không phải chỉ là một cái phồng mà liên tiếp trong đó có nhiều cái phồng nhỏ. Xẹp cũng tương tự như vậy.

Mỗi động tác dù nhỏ, dù lớn, đếu là tập hợp của nhiều động tác nhỏ nằm trong đó.

Mỗi cảm giác đều hình thành bằng những phần tử li ti trong đó.

Nhờ đó hành giả xuyên thấu được tính chất vô thường của đối tượng một cách sâu sắc hơn nữa.

Rồi hành giả sẽ thấy những khoảng hở giữa những cái li ti đang liên tục kế tiếp nhau. Cái này khởi sanh, hoại, diệt, rồi khoảng hở và lại sanh, hoại, diệt và khoảng hở…

Mỗi hiện tượng không phải một khối lớn nguyên vẹn và vững chắc mà là tập hợp bởi hàng trăm hàng ngàn cái phần nhỏ trong đó.

Khi hành giả chứng nghiệm được điều trên thì tâm hỷ lạc sanh khởi.

Hành giả cảm thấy đây là lần đầu tiên kinh nghiệm một việc rất thú vị. Tâm hỷ lạc phát sanh khiến tâm định càng vững mạnh và chánh niệm càng vững vàng.

Giai đoạn này được gọi là đạt được tuệ Sinh Diệt. Chỉ có giai đoạn này thôi thì Chú giải mới cho là Thất Giác Chi thật sự sanh khởi trong tâm hành giả.

Bây giờ ta hãy xét từng yếu tố của thất giác chi khi chúng ta hành thiền.

Điều mà ta luôn cần phải làm là phải liên tục duy trì chánh niệm.

Muốn có chánh niệm ta phải nỗ lực, tinh tấn cố gắng. Không có cố gắng sẽ không có chánh niệm.

Sự tinh tấn này có 4 khía cạnh gọi là Tứ Chánh Cần:

① ngăn ngừa bất thiện tâm nào chưa phát khởi, và

② loại trừ bất thiện tâm nào đã sanh khởi;

③ cố gắng làm sanh khởi các thiện tâm, và

④ duy trì các thiện tâm đã sanh khởi.

Khi chánh niệm được liên tục giữ trên đối tượng là có đủ 4 yếu tố này của Tứ Chánh Cần.

Nhưng khi hành thiền ta phải khéo giữ sao cho sức tinh tấn này quân bình, đừng nhiều quá mà cũng đừng ít quá.

Khi tinh tấn nhiều, tâm hành giả sẽ dao động, không yên, trượt ra khỏi đề mục.

Khi tinh tấn xuống, thì tâm yếu, mù mờ, buồn ngủ.

Vậy ta phải biết tự điều chỉnh sức tinh tấn để quân bình cơ chế thiền tập, mới có sự tiến bộ.

Vậy chánh niệm là gì? Chánh niệm là sự hiểu biết, ghi nhận đối tượng một cách rõ ràng, là một tâm sở giúp cho tâm mình chạm vào đối tượng mình muốn chú niệm.

Ngài Mahasi diễn tả chánh niệm như là một hòn đá ném vào một bức tường, giúp tâm hướng vào, bắt lấy đối tượng và không để đối tượng thoát đi, mất đi được.

Chánh niệm được so sánh như người gác cửa. Khi nhà có người canh gác thì các phần tử xấu không đột nhập vào được.

Cũng vậy khi tâm có chánh niệm thì những bất thiện tâm không có cơ hội chen vào được. Đây là một cách duy nhất để thanh lọc tâm của chúng sanh.

Có nhiều phương pháp để phát khởi, duy trì và vun bồi chánh niệm. Nhưng tất cả phải nhắm vào mục đích để chận đứng ngăn ngừa không để các bất thiện tâm xâm nhập vào tâm ta.

Lúc đầu chánh niệm hay còn yếu ớt, nhưng với thời gian hành tập càng ngày càng vững mạnh hơn, có thể ghi nhận ngay những đối tượng vừa mới sanh khởi.

Khi chánh niệm đã đủ mạnh thì một tâm sở khác sẽ theo lên, đó là tâm Định.

Tâm Định có công năng giữ tâm mình bám chặt, nằm yên trên đối tượng không cho chạy đi chỗ khác.

Tâm Định ví như một ngọn lửa hay ngọn đèn được đặt một nơi không có gió nên đứng rất yên.

Sư chắc chắn quý vị đây ai cũng đã từng kinh nghiệm được tâm Định này, dù ít dù nhiều dù có thể chỉ một vài giây ngắn ngủi.

Lúc ấy tâm nằm yên trên đề mục và thẩm thấu, tiến sâu vào đề mục, ta sẽ thấy đề mục thật rõ ràng, chính xác.

Ta có thể có chánh niệm, có ghi nhận đối tượng trước khi có tâm Định, nhưng lúc đó đề mục chưa hiện rõ ràng.

Trái lại khi ta có Định tâm, tức là khi các pháp triền cái, các chướng ngại của tâm linh bị dẹp qua một bên lúc bây giờ ta mới thấy đối tượng một cách rõ ràng chính xác.

Chúng ta sẽ thấy được bản chất riêng và chung của mỗi đối tượng được chú niệm, thấy chúng phát khởi rồi biến mất, sự sanh và diệt không ngừng nghỉ. Sự thấy biết này gọi là trí tuệ trong thiền Minh Sát, là thấy được thực tướng của mỗi hiện tượng.

Khi có được kinh nghiệm này thì tâm hỷ lạc phát sanh qua nhiều hình thức như nổi ốc, cảm thấy có nhiều làn sóng vỗ vào người như sóng biển đập vào bờ, hoặc thân nhẹ như bông gòn hoặc cả thân tâm đều tràn ngập trong hỷ lạc.

Tiếp đó một tâm sở khác của Thất Giác Chi sẽ sanh khởi. Đó là tâm Khinh An khiến quý vị cảm thấy thân tâm quý vị rất nhẹ nhàng và an tịnh, tĩnh lặng.

Tiếp tục thiền tập, hành giả sẽ đạt đến một bước nữa, đó là tâm sẽ tự động có Chánh niệm.

Lúc mới đầu muốn có chánh niệm ta phải tinh tấn, cố gắng đừng cho quên. Bây giờ ta chỉ cần tinh tấn lúc đầu thôi, sau đó ta tiến đến có khả năng ghi nhớ mà không cần sự tinh tấn, không cần sự dụng công.

Đến giai đoạn này, một chi khác của Thất Giác Chi sẽ sanh khởi có công năng giữ cho 6 chi kia được thăng bằng, gọi là tâm Xả (upekha).

Ta phải phân biệt chữ Xả này với chữ Xả trong Thọ (thọ khổ, thọ lạc, thọ xả).

Thọ xả nghĩa là không thọ lạc và cũng không thọ khổ. Còn trong Thất Giác Chi, có nghĩa là điều hòa. Xả có nghĩa là điều hòa các chi khác, làm cho chúng được quân bình, hài hòa với nhau.

Khi tất cả 7 yếu tố giac ngộ này hiện khởi trong tâm hành giả, chúng tự động làm việc nhịp nhàng với nhau. Chúng sẽ giúp chúng ta thấy được bản chất thật sự của mọi pháp trên thế gian, giúp chứng nghiệm Tứ Diệu Đế, đạt được Giác ngộ, giải thoát.

Đôi khi những yếu tố trong Thất Giác Chi có thể hiện khởi trong tâm khi ta không hành thiền, chẳng hạn như khi ta làm phước hay giữ giới chẳng hạn.

Nhưng ta không gọi đó là Bojjanga, 7 yếu tố đưa đến Giác ngộ, nếu nó ở ngoài phạm vi của thiền Minh Sát.

Các vị luận sư cũng thường nhấn mạnh 7 yếu tố [giác ngộ] này chỉ thật sự có trong tâm người nào đang hành thiền Minh Sát. Vào những lúc khác thì các yếu tố này chỉ được gọi là các thiện tâm mà thôi.

Thứ tự của Thất Giác Chi được ghi trong kinh là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, An tịnh giác chi, Định giác chi và Xả giác chi.

Theo thứ tự trong kinh thì sau Niệm giác chi đến Trạch pháp giác chi. Trạch pháp có nghĩa là tìm hiểu, điều tra (investigation) Phật pháp.

Nhưng khi hành thiền thì trạch pháp giác chi có nghĩa là hiểu biết đúng đắn, chính xác về hai hiện tượng Danh và Sắc.

Tất cả những gì ta kinh nghiệm, thấu suốt được về các hiện tượng sanh khởi trong thân và tâm, về Danh và Sắc được gọi là Trạch pháp giác chi hay còn gọi là Tuệ, tương ứng với Tuệ trong Bát Chánh Đạo.

Ngoài ra Định giác chi cũng tương đương với Chánh Định.

Do đó ta thấy Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo cũng có chung 4 yếu tố: tinh tấn, niệm, định và tuệ [trong Bát Thánh Đạo thì tuệ = chánh kiến & chánh tư duy].

Cũng như khi ta thực tậpThiền Tứ Niệm Xứ trong tâm ta phải có 3 yếu tố: tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm.

Cho dù danh từ có khác nhau nhưng các trạng thái tâm chỉ là một mà thôi. Bổn phận công việc của chúng ta là phải cố gắng phát triển các tâm này để kinh nghiệm được Phật pháp.

Tóm lại hành Thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ là thế nào để trong tâm đầy đủ 7 yếu tố đưa đến Giác ngộ hoặc là 8 chi của Bát Chánh Đạo.

Nếu chưa kinh nghiệm chúng được thì ta phải có tinh tấn để phát khởi chúng.

Nếu đã kinh nghiệm rồi thì tiếp tục kinh nghiệm thêm cho đến lúc chín mùi, hoàn hảo tức là đến khi nào chúng ta đạt Giác ngộ mới thôi.

Chúng ta thật sự may mắn được học, hiểu được 7 phẩm trợ đạo này vừa lý thuyết vừa thực hành.

Càng kinh nghiệm được 7 yếu tố này, ta lại càng biết ơn sâu xa Đức Phật. Ngài đã khám phá ra các pháp Bồ Đề [Giác Ngộ] này, chứng nghiệm và truyền dạy lại cho chúng ta tu tập đến ngày hôm nay.

Ước mong quý vị tinh tấn thực hành 7 pháp này cho đến khi viên mãn, thành đạt được đạo quả Niết bàn giải thoát.

SADHU! SADHU! SADHU!

NLTV 23–11–1994

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Sīlānanda Sayadaw – Hương Vị Pháp Bảo – Chương VII Thất Giác Chi

––––––––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH

––––––––––––––––––––––––––––––

… –”Giác chi, giác chi”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?

– Này Tỷ–kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi.

❶ Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

❷ tu tập trạch pháp giác chi…

❸ tu tập tinh tấn giác chi…

❹ tu tập hỷ giác chi…

❺ tu tập khinh an giác chi…

❻ tu tập định giác chi…

❼ tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

Do vị ấy tu tập bảy giác chi này,

⚀ tâm được giải thoát khỏi dục lậu,

⚁ tâm được giải thoát khỏi hữu lậu,

⚂ tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu.

Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”.

Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ–kheo, nên chúng được gọi là giác chi.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [46] Chương II – Tương Ưng Giác Chi (a) – I. Phẩm Núi – 5.V. Vị Tỷ–Kheo (S.v,72)

 

––––––––––––––––––––––––––––––

…– Ví như, này các Tỷ–kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết–bàn, hướng về Niết–bàn, xuôi về Niết–bàn.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: 7. VII Nóc Nhà (S. v, 75)

––––––––––––––––––––––––––––––

… – Này các Tỷ–kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

Này các Tỷ–kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

Thế nào là bảy? Niệm giác chi,… xả giác chi.

Này các Tỷ–kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: 18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu (Aradda) (S.v,82)

––––––––––––––––––––––––––––––

… Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?

❶ – Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

– Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

❷ – Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

– Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

❸ – Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

– Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

❹ – Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.

Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

Ở đây, này Kundaliya, Tỷ–kheo

⚀ khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

⚁ Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ–kheo khi tai nghe tiếng…

⚂ mũi ngửi hương…

⚃ lưỡi nếm vị…

⚄ thân cảm xúc…

⚅ Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ–kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

Và Tỷ–kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

⇛ Này Kundaliya, khi nào Tỷ–kheo,

① mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát.

②… khi tai nghe tiếng…

③ … khi mũi ngửi hương…

④ … khi lưỡi nếm vị…

⑤ … khi thân cảm xúc…

⑥ … khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát.

Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.

❺ Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

Ở đây, này Kundaliya, Tỷ–kheo

① đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành;

② đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành;

③ đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành.

Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

❻ Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

Ở đây, này Kundaliya, Tỷ–kheo sống

① quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời,

② quán thọ trên các thọ…

③ quán tâm trên các tâm…

④ quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

❼ Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?

Ở đây, này Kundaliya, Tỷ–kheo ① tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama… từ nay cho đến trọn đời con

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [46] Chương II – Tương Ưng Giác Chi (a) – I. Phẩm Núi – 6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73)

Bài viết liên quan

  • Thiền minh sát Vipassana và Tứ diệu đế, Web, FB
  • Thực hành bát chánh đạo thông qua thực hành thiền tập minh sát tứ niệm xứ Vipassanā Satipaṭṭhānā, Web
  • Thực hành minh sát tứ niệm xứ tứ niệm xứ vipassanā satipaṭṭhānā để thành tựu thất giác chi như thế nào?, Web Link
  • Tu tập định cùng với tu tập tứ niệm xứ, Web, FB
  • Tứ niệm xứ – Cattāro satipaṭṭhānā, Web
  • Thiền sư mahasi – thiền minh sát tứ niệm xứ vipassanā satipaṭṭhānā, Web Link
  • Thiền sư ta-ma-nê-chô và cuốn sách “phỏng vấn thiền sư mahasi” về thiền minh sát vipassana, Web Link
  • Làm thế nào phát triển tuệ minh sát?, Web Link
  • Thế nào là thực hành đúng đắn minh sát tứ niệm xứ?, Web Link
  • Tất cả chỉ có bấy nhiêu để có thể thực hành đúng đắn tứ niệm xứ – minh sát Vipassnā, Web, FB
  • Tránh đẽo cày ở ngã tư đường!, Web Link
  • Chuẩn bị tâm thái trước khi hành thiền, Web, Youtube
  • Cần phải làm những gì để có được thái độ đúng đắn khi thực hành thiền tập, Web
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Căn bản thực hành tứ niệm xứ minh sát vipassana – thiền hành & thiền tọa, Web Link
  • Phá vỡ khái niệm chế định – tục đế, thể nhập bản chất thực tại – chân đế, Web, FB
  • Thiền hành trong khóa tu tại tuệ đức, sg, Web Link
  • Covid 19 – phong tỏa tại gia: chúng ta có thể làm những gì góp phần diệt trừ dịch bệnh tự bảo vệ mình, bảo vệ người khác?, Web Link
  • Lưu ý khi thực tập thiền hành, Web Link
  • Thiền hành – pháp thoại, Youtube
  • Lợi ích của thiền hành, Web
  • Mahasi sayadaw vipasana meditation instructions
  • Hướng dẫn thực hành thiền minh sát vipassana by tharmaneykyaw sayadaw
  • English version. Youtube, Web Link
  • Phần 1 – thực hành thiền minh sát tứ niệm xứ quan trọng như thế nào? (ngài thiền sư ta-ma-nê-chô – tharmanaykyaw sayadaw ashin dhammikabivamsa) ), Web Link
  • Pháp thoại trực tuyến online 2021, Web Link
  • Sayadaw Tharmanaykyaw U Dhammika – Abhivamsa được trao tặng danh hiệu cao quí: Aggamahāganthavācakapaṇḍita, Web Link
  • Có bao nhiêu nghĩa của câu “con đường độc nhất (duy nhất)” trong bài kinh tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna sutta)?, Web Link
  • Tứ niệm xứ tu tập, làm cho sung mãn đem lại thành quả gì?, Web Link
  • Hộ trì cho mình, hộ trì người khác (độ mình tức độ người), Web Link
  • Tứ niệm xứ tu tập, làm cho sung mãn đem lại thành quả gì, Web, FB
  • Thấy biết cái gì thì được coi là thấy biết ‘như thật’, ‘như nó đang là’ khi thực hành tu tập minh sát tứ niệm xứ Vipassnā satipaṭṭhānā?, Web, FB
  • Như thế nào là hiểu biết một cách như thật❓thấy như chúng đang là❓, Web
  • Như nó đang là, Web, FB
  • Tập trung vào đề mục chính để vun bồi phát triển định trong tu tập thực hành thiền minh sát vipassnā tứ niệm xứ, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 5 tháng 8, 2022