Giảm thiểu, đoạn tận kiêu mạn
GIẢM THIỂU, ĐOẠN TẬN KIÊU MẠN
–––––––––––––––––––––––––
AN 5.57 – Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasutta – Aṅguttara Nikāya – VI. Phẩm Triền Cái – 5.57. Sự Kiện Cần Phải Quan Sát
–––––––––––––––––––––––––
—Có năm sự kiện này, này các Tỷ–kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm?
❶ “Ta phải bị già, không thoát khỏi già” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
❷ “Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
❸ “Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
❹ “Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
❺ “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
🔸Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị già, không thoát khỏi già”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia❓
–––––––––––––––––––––––––
Có những loài hữu tình, này các Tỷ–kheo, đang còn trẻ, kiêu mạn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị già, không thoát khỏi già”, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
🔸Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị bệnh, ta không thoát khỏi bệnh” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia❓
–––––––––––––––––––––––––
Có những loài hữu tình khỏe mạnh, này các Tỷ–kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh” cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
🔸Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị chết, ta không thoát khỏi chết”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia❓
–––––––––––––––––––––––––
Có những lời hữu tình đang sống, này các Tỷ–kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ–kheo, “Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết”, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
🔸Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ–kheo, “Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia❓
–––––––––––––––––––––––––
Có những loài hữu tình, này các Tỷ–kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ–kheo, “Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, phải biến diệt” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
🔸Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ–kheo, “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia❓
–––––––––––––––––––––––––
Có những loài hữu tình, này các Tỷ–kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ–kheo, “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
Nếu vị Thánh đệ tử, này các Tỷ–kheo, suy tư như sau:
❶ “Không phải chỉ một mình ta già, không thoát khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi già”.
⇛⇛⇛ Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi.
⇛⇛⇛ Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
❷ “Không phải chỉ một mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh”.
⇛⇛⇛ Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn.
⇛⇛⇛ Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
❸ “Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết, nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết…”
❹ … “Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt…”.
❺ “Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy.
⇛⇛⇛ Do vị ấy thường xuyên quán sát dự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn.
⇛⇛⇛ Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử dụng được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
Bị bệnh và bị già,
Lại thêm phải bị chết,
Pháp yếu là như vậy,
Hữu tình là như vậy.
Phàm phu sanh nhàm chán,
Thật không hợp cho Ta,
Nếu Ta cũng nhàm chán,
Ðối với các chúng sanh,
Cùng chung một số phận.
Trong khi đời sống Ta,
Không khác gì đời họ,
Ta được sống như vậy,
Biết pháp không sanh y,
Kiêu mạn trong không bệnh,
Trong tuổi trẻ sinh mạng,
Tất cả Ta nhiếp phục
Phát xuất từ an ổn,
Ta thấy hạnh viễn ly,
Ta phát tâm dõng mãnh,
Thấy được cảnh Niết–bàn.
Nay Ta không có thể,
Hưởng thọ các dục vọng,
Ta sẽ không thối đọa,
Chứng cứu cánh Phạm hạnh.
Thực Hành Vipassana x Tứ Niệm Xứ x Thiền Minh Sát
Năm Điều Nên Thường Quán Tưởng (Abhiṇhapaccavekkhaṇa):
(1)– Tình trạng già (Jarādhammatā):
Phải thường quán xét rằng: “Ta phải già, không thoát khỏi sự già.” Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn tuổi trẻ.
(2)– Tình trạng bệnh (Byādhidhammatā):
Phải thường quán xét rằng: “Ta phải bệnh, không thoát khỏi sự bệnh”. Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn sức khỏe.
(3)– Tình trạng chết (Maraṇadhammatā):
Phải thường quán xét rằng: “Ta phải chết, không thoát khỏi sự chết”. Quán tưởng điều này để giảm trừ kiêu mạn sống lâu.
(4)– Tình trạng thân ly (Piyavinābhāvatā)
Phải thường quán xét rằng: “Mọi thứ ta thương yêu đều phải đổi khác, biệt ly”. Quán tưởng điều này để giảm trừ ái luyến dính mắc.
(5)– Tình trạng sở hữu nghiệp (Kammassakatā):
phải thường quán xét rằng: “Ta là sở hữu của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, ta sẽ chịu lãnh hậu quả tùy theo nghiệp thiện hay nghiệp ác đã làm”. Quán tưởng điều này để giảm trừ các ác hạnh.
Năm điều quán tưởng này giúp từ bỏ sự dể duôi trong bất thiện pháp. Nếu thường xuyên quán sát như vậy có thể phát sanh tuệ quán đắc đạo quả níp–bàn.
III. 71.
Tỳ Kheo Giác Giới biên soạn
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa.