Quả báu niệm ân đức Pháp – Dhammaguna

QUẢ BÁU NIỆM ÂN ĐỨC PHÁP – DHAMMAGUNA

 

Ân đức Pháp vô cùng vi tế, sâu sắc, rộng lớn vô lượng vô biên, mà chư Thánh Thanh Văn mới có thể hiểu biết theo khả năng chứng ngộ, chứng đắc pháp thành chánh pháp theo sở đắc của quý Ngài. Còn hạng phàm nhân thì chỉ có thể hiểu biết một phần nào về pháp học chánh pháp mà thôi.

Trong bài kinh Dhajaggasutta, Đức Phật thuyết dạy niệm 6 Ân đức Pháp như sau:

❶ Svākkhāto Bhagavatā dhammo,

Đây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết,

❷ Sandiṭṭhiko,

Thiết thực hiện tại,

❸ Akāliko,

Có quả tức thời,

❹ Ehipassiko,

Đến để mà thấy,

❺ Opaneyyiko,

Có khả năng hướng thượng,

❻ Paccattaṃ veditabbo viññūhi.

Do người trí tự mình giác hiểu.

Ý NGHĨA 6 ÂN ĐỨC PHÁP

1) Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh tịnh.

10 chánh pháp là:

Pháp học chánh pháp.

9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn).

2) Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh pháp gồm 9 pháp Siêu tam giới mà chư Thánh Nhân đã chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí tuệ của mình.

3) Akāliko dhammo: Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo cho quả tương xứng 4 Thánh Quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát–na tâm diệt rồi sinh.

4) Ehipassiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới thuộc Chân nghĩa pháp rất trong sạch và thanh tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.

5) Opaneyyiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

6) Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới mà chư bậc thiện trí Thánh Nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh Quả hưởng an lạc Niết Bàn tịch tịnh.

Quả Báu Niệm Ân Đức Pháp

Đề mục niệm Ân đức Pháp là một đề mục dễ làm cho phát sinh đức tin nơi Tam Bảo, mà đức tin là nền tảng mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp.

Đề mục niệm Ân đức Pháp không chỉ là đề mục thiền định, có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định, mà còn là đối tượng làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ uẩn, diệt tận tham ái, phiền não, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn được.

Như Đức Phật dạy:

“Này chư Tỳ–khưu, có một pháp hành mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp – sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Pháp hành ấy là gì?

Pháp hành ấy chính là Dhammānussati: pháp hành niệm Ân đức Pháp.

Này chư Tỳ–khưu, pháp hành niệm Ân đức Pháp, mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp, để diệt tận tham ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn”.

Hành giả tiến hành niệm Ân đức Pháp, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:

– Được phần đông chúng sinh kính trọng.

– Thiện tâm trong sạch thanh tịnh.

– Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.

– Sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý.

– Tái sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý.

– Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

– Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.

– Thân có mùi thơm tỏa ra.

– Miệng có mùi thơm tỏa ra.

– Có trí tuệ nhiều.

– Có trí tuệ sâu sắc.

– Có trí tuệ sắc bén.

– Có trí tuệ nhanh nhẹn.

– Có trí tuệ phong phú.

– Trí tuệ phi thường.

– Nói lời hay có lợi ích…

– Kiếp vị lai có duyên lành gặp Đức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn…

Đó là những quả báu phát sinh từ niệm Ân đức Pháp.

””””””””””””””””””””

Trong Tương Ưng Bộ 11.3, kinh Đầu Lá Cờ, Đức Phật khuyên các vị Tỳ–khưu khi hành thiền, sống độc cư trong rừng vắng, nên thường xuyên tụng niệm và quán tưởng đến ân đức Tam Bảo qua các câu trên để giúp các vị ấy có thêm tự tin, không còn lo âu, sợ hãi. Ngài tóm tắt trong câu kệ:

“Này các vị Tỳ–khưu,

Trong rừng hay gốc cây,

Hay tại căn nhà trống,

Hãy niệm bậc Chánh Giác.

Các Ông có sợ hãi,

Sợ hãi sẽ tiêu diệt.

Nếu không tư niệm Phật,

Tối thượng chủ ở đời,

Và cũng là Ngưu vương,

Trong thế giới loài Người,

Vậy hãy tư niệm Pháp,

Hướng thượng, khéo tuyên thuyết.

Nếu không tư niệm Pháp,

Hướng thượng, khéo tuyên thuyết,

Vậy hãy tư niệm Tăng,

Là phước điền vô thượng.

Vậy này các Tỳ–khưu,

Như vậy tư niệm Phật,

Tư niệm Pháp và Tăng,

Sợ hãi hay hoảng hốt,

Không bao giờ khởi lên”.

Đức Phật cũng khuyên hàng đệ tử cư sĩ có những tùy niệm tương tự như thế. Trong Tăng Chi Bộ 11.12, Ngài dạy vị cư sĩ Đại Danh (Mahànàma) về 6 tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí (Bố thí), và niệm chư Thiên. Về niệm Phật–Pháp–Tăng, Ngài nói:

–”Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Tam Bảo (Phật–Pháp–Tăng), tâm của vị ấy không bị tham ám ảnh, không bị sân ám ảnh, không bị si ám ảnh. Tâm của vị ấy được chánh trực nhờ duyên Tam Bảo. Vị Thánh đệ tử ấy, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân được khinh an, cảm giác được lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập tùy niệm Tam Bảo”.

Trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo, Chương VII, ngài Phật Âm đề cập đến các lợi ích của pháp niệm ân đức Tam Bảo như sau:

– “Khi vị hành giả chú tâm đến việc suy niệm đấng Giác Ngộ như vậy, suy niệm Chánh Pháp như vậy, suy niệm chư Thánh Tăng như vậy, vị ấy có lòng tôn kính đức Phật, tôn kính Giáo Pháp của Ngài, tôn kính chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài. Vị ấy đạt đến sự viên mãn về đức tin, chánh niệm, trí tuệ và công đức. Vị ấy có nhiều hạnh phúc và an lạc, nhiếp phục được sự sợ hãi khủng bố, và có khả năng kham nhẫn, chịu đựng các khổ đau. Vị ấy có cảm giác như mình đang sống trước mặt đấng Đạo sư, đang sống trong Chánh Pháp, đang sống với các bậc Thánh Tăng. Trong khi an trú suy niệm những đức tính đặc biệt của Tam Bảo, thân thể của vị hành giả ấy trở thành một nơi đáng tôn trọng như một đền thờ. Tâm vị ấy hướng về chư Phật, hướng về Pháp vô thượng, hướng về chư Thánh Tăng. Hành giả ấy cảm thấy hổ thẹn và e sợ (tàm và quý) trước các ác pháp, và như thế giúp vị ấy không phạm giới. Nếu vị ấy không chứng đạt được quả vị cao thượng trong kiếp này, thì ít nhất, vị ấy cũng sẽ tái sinh vào một cảnh giới an lạc sau khi chết”.

Nguồn tài liệu trích dẫn

Audio:

  • Dhamma Guna Vadana (Srilanka Chantin) Youtube
  • Namo Tassa Bhagato (Music), Youtube
  • Pa-Auk Sayadaw (Myanmar) Chanting, Youtube

Bài viết trên Facebook, 29 Tháng 3, 2017