SẮC – THỌ – TƯỞNG – HÀNH – THỨC

SẮC – THỌ – TƯỞNG – HÀNH – THỨC

––––––––––––––––––––––––––––––

SN 22.122 – Sīlavantasutta – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – II: Phẩm Thuyết Pháp

22.122. Vị Giữ Giới

––––––––––––––––––––––––––––––

Một thời, Tôn giả Sāriputta (Xá–lợi–phất) và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bārānasī (Ba–la–nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.

Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sāriputta … thưa như sau:

—Thưa Hiền giả Sāriputta, những pháp gì Tỷ–kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

—Này Hiền giả Kotthika, Tỷ–kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã.

Thế nào là năm?

Tức là ❶ sắc thủ uẩn, ❷ thọ thủ uẩn, ❸ tưởng thủ uẩn, ❹ hành thủ uẩn, ❺ thức thủ uẩn.

Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ–kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã.

Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ–kheo giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã, có thể chứng được QUẢ DỰ LƯU.

—Với Tỷ–kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sāriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?

—Với Tỷ–kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ–kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được QUẢ NHỨT LAI.

—Nhưng Tỷ–kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sāriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

—Tỷ–kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ–kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được QUẢ BẤT LAI.

—Nhưng Tỷ–kheo Bất lai, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

—Tỷ–kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ–kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được QUẢ A–LA–HÁN.

—Nhưng vị A–la–hán, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?

—Vị A–la–hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã.

Với vị A–la–hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến HIỆN TẠI LẠC TRÚ VÀ CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC.

Thực Hành Vipassana x Tứ Niệm Xứ x Thiền Minh Sát

Năm Uẩn, Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha)

Những tổng hợp tính chất của danh sắc, những thành phần tạo nên chúng sanh:

(1)– Sắc uẩn (Rūpakkhandha): nhóm vật chất, thuộc sắc pháp tiêu biểu là bốn đại (đất, nước, lửa, gió).

(2)– Thọ uẩn (Vedanākkhandha): nhóm cảm thọ như khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, thành phần giúp tâm có cảm giác khi bắt cảnh. Thọ uẩn chính là tâm sở thọ trong 52 tâm sở…

(3)– Tưởng uẩn (Saññākkhandha): nhóm ký ức, tưởng tri đối tượng, thành phần giúp tâm nhận biết cảnh. Tưởng uẩn chính là tâm sở tưởng trong 52 tâm sở.

(4)– Hành uẩn (Saṅkhārakkhandha): nhóm danh pháp cấu tạo tính chất của tâm, có tốt có xấu. Hành uẩn là 50 tâm sở ngoài thọ và tưởng.

(5)– Thức uẩn (Viññāṇakkhandha): nhóm thức biết cảnh: nhãn thức, nhĩ thức v.v… Thức uẩn đây là 89 hoặc 121 tâm.

Ngũ uẩn phân theo danh sắc thì: thọ, tưởng, hành, thức là danh; sắc uẩn là sắc.

Ngũ uẩn phân theo pháp chân đế thì: thức uẩn là tâm; thọ, tưởng và hành uẩn là tâm sở; sắc uẩn là sắc pháp. Riêng níp–bàn chân đế là ngoại uẩn.

S.III.47; Vbh.1

Tỳ Kheo Giác Giới biên soạn

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa.

THỰC HÀNH VIPASSANA x THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ