Vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly

Vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly.

Sự trói buộc v.s An Lạc…

=====================

Và này các Tỳ–kheo, thế nào là vị ngọt các dục?

Này các Tỳ–kheo, có năm pháp tăng trưởng dục này:

(1) Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn,

(2) các tiếng do nhĩ căn nhận thức…

(3) các hương do tỷ căn nhận thức…

(4) các vị do thiệt căn nhận thức…

(5) các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn.

Này các Tỳ–kheo, có năm pháp tăng trưởng dục như vậy.

Này các Tỳ–kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.

Và này các Tỳ–kheo, thế nào là vị ngọt các sắc pháp?

Này các Tỳ–kheo, như các thiếu nữ Sát–đế– lị, thiếu nữ Bà–la–môn hay thiếu nữ Gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các Tỳ–kheo, có phải trong thời ấy, họ đạt đến mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng?

– – Bạch Thế Tôn, phải.

– – Này các Tỳ–kheo, y cứ sắc đẹp mỹ diệu ấy khởi lên lạc thọ và hỷ thọ, như vậy là vị ngọt các sắc pháp.

Và này các Tỳ–kheo, thế nào là sự nguy hiểm các sắc pháp?

Này các Tỳ–kheo, ở đây người ta có thể thấy bà chị ấy trong một thời khác, khoảng tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còng, phải dựa gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, răng rụng, tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét tái xám…

Lại nữa, này các Tỳ–kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày hay hai ngày hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra.

Này các Tỳ–kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của cô gái đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

– – Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.

– – Này các Tỳ–kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp…

Này các Tỳ–kheo, thế nào là sự nguy hiểm các dục?

Ở đây, này các Tỳ–kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác.

Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát.

Này các Tỳ–kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại.

Này các Tỳ–kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh:

“Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả”.

Này các Tỳ–kheo, như vậy, là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại…

Lại nữa, này các Tỳ–kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân,

vua tranh đoạt với vua,

Sát–đế–lỵ tranh đoạt với Sát–đế–lỵ,

Bà–la–môn tranh đoạt với Bà–la–môn,

gia chủ tranh đoạt với gia chủ,

mẹ tranh đoạt với con,

con tranh đoạt với mẹ,

cha tranh đoạt với con,

con tranh đoạt với cha,

anh em tranh đoạt với anh em,

anh tranh đoạt với chị,

chị tranh đoạt với anh,

bạn bè tranh đoạt với bạn bè.

Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt;

họ công phá nhau bằng tay;

họ công phá nhau bằng đá;

họ công phá nhau bằng gậy;

họ công phá nhau bằng kiếm.

Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong.

Này các Tỳ–kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại

(Ðại Kinh Khổ Uẩn, Mahā–dukkhakkhandha–sutta; Trung Bộ Kinh, Số 13)

==

Này các Tỳ–kheo, chư Thiên và Người đời thích thú sắc, bị sắc kích thích.

Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỳ–kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ…

thích thú tiếng…

thích thú hương…

thích thú vị…

thích thú xúc…

Này các Tỳ–kheo, chư Thiên và Người đời thích thú pháp, bị pháp kích thích.

Khi pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỳ–kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ.

Này các Tỳ–kheo, Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly của sắc, không có thích thú sắc, không có ưa thích sắc, không bị sắc kích thích.

Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỳ–kheo, Như Lai sống an lạc…

không thích thú tiếng…

không thích thú hương…

không thích thú vị…

không thích thú xúc…

Sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của pháp,

Như Lai không thích thú pháp, không ưa thích pháp, không bị pháp kích thích.

Khi pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, Như Lai sống an lạc…

(Tương Ưng Bộ Kinh

Thiên Sáu Xứ, Tương Ưng Sáu Xứ, IV, Năm mươi kinh thứ ba, 136, Không thâu nhiếp)

==

Các cấp độ của tham, dù thô hay tế, đều đem lại khổ đau.

Chúng ta còn là nô lệ chừng nào còn bị đắm chìm và mê mờ bởi những đối tượng đưa đến qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Ta không tự do nếu hạnh phúc của mình phụ thuộc vào hoàn cảnh, vào cách người khác đối xử với ta. Lúc này người khác có thể tốt với ta, nhưng phút sau lại có thể khó chịu.

Nếu ta quá coi trọng tình cảm của người khác với mình, ta sẽ dễ bị đảo lộn tâm trí và trở thành nô lệ của những cảm xúc.

Ta có thể độc lập và tự do hơn nếu nhận ra rằng cả ta và mọi người đều chỉ là các danh và sắc, sinh khởi do duyên và diệt đi ngay.

Khi người khác nói gì đó khó chịu với ta, là do có các duyên khiến họ hành xử như vậy, và có các duyên khiến ta nghe những lời như vậy.

Những hành xử của người khác và phản ứng của chúng ta đều là các pháp do duyên sinh và không trường tồn.

Khi ta nghĩ về những pháp ấy thì chúng đã diệt đi rồi.

Phát triển tuệ giác là cách để ta bớt phụ thuộc vào những thăng trầm của cuộc đời.

Khi có thêm hiểu biết về khoảnh khắc hiện tại, ta bớt dính mắc vào cách người khác đối xử với mình.

(Trích – VDP trong Đời Sống Hằng Ngày)