Thế Nào Là Bốn Điều Đáng Sợ Hãi Chờ Đợi Những Người Xuất Gia
[lwptoc]
Thế Nào Là Bốn Điều Đáng Sợ Hãi Chờ Đợi Những Người Xuất Gia
– Này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những ai lội xuống nước.
Thế nào là bốn?
- Sợ hãi về sóng,
- sợ hãi về cá sấu,
- sợ hãi về nước xoáy,
- sợ hãi về cá dữ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi này, ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này. Thế nào là bốn? 1. Sợ hãi về sóng, 2. sợ hãi về cá sấu, 3. sợ hãi về nước xoáy, 4. sợ hãi về cá dữ.
1. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”.
Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: “Ông cần phải đi ra như vậy, Ông cần phải đi về như vậy; Ông cần phải ngó tới như vậy, Ông cần phải ngó quanh như vậy; Ông cần phải co tay như vậy, Ông cần phải duỗi tay như vậy; Ông cần phải mang y sanghati (tăng-già-lê), mang y bát như vậy”.
Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia, chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng dạy, khuyến giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyến giáo chúng ta”.
Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ sự học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về sóng. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với phẫn não.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”.
Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyến giáo: “Ông nên nhai cái này, Ông không nên nhai cái này; Ông nên ăn cái này, Ông không nên ăn cái này; Ông nên nếm cái này, Ông không nên nếm cái này; Ông nên uống cái này, Ông không nên uống cái này. Cái gì được phép, Ông nên nhai; cái gì không được phép, Ông không nên nhai. Cái gì được phép, Ông nên ăn; cái gì không được phép, Ông không nên ăn. Cái gì được phép, Ông nên nếm; cái gì không được phép, Ông không nên nếm. Cái gì được phép, Ông nên uống; cái gì không được phép, Ông không nên uống. Ðúng thời, Ông nên nhai, không đúng thời, Ông không nên nhai. Ðúng thời, Ông nên ăn; không đúng thời, Ông không nên ăn. Ðúng thời, ông nên nếm; không đúng thời, Ông không nên nếm. Ðúng thời, Ông nên uống; không đúng thời, Ông không nên uống”.
Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia chúng ta chưa xuất gia, cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nhai; cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không ăn; cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nếm; cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai; cái gì không được phép, chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn; cái gì không được phép, chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm; cái gì không được phép, chúng ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống; cái gì không được phép, chúng ta cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai; cái gì phi thời, chúng ta cũng nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn; cái gì phi thời chúng ta cũng ăn. Cái gì đúng thời, chúng ta nếm; cái gì phi thời chúng ta cũng nếm. Cái gì đúng thời, chúng ta uống; cái gì phi thời chúng ta cũng uống. Khi các gia chủ có tín tâm cúng dường chúng ta những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như các món ăn ấy đang bị chận đứng lại trên miệng”.
Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá sấu. Sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”.
Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Ở đây, vị này thấy gia chủ hay con người gia chủ hưởng thụ một cách đầy đủ, năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy.
Vị ấy suy nghĩ như sau: “Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ một cách đầy đủ năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thọ tài sản, vừa làm công đức”.
Vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”.
Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây các phụ nữ y phục không đoan chánh, hay y phục mặc lộ liễu. Khi thấy các phụ nữ y phục không đoan chính hay y phục lộ liễu, dục tình phá hoại tâm của vị ấy.
Này các Tỷ-kheo, những điều này là bốn điều đáng sợ hãi ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya – 67. Kinh Càtumà (Càtumà sutta)
Bài viết liên quan
- Tại Sao Myanmar?, Web, FB
- Vì Sao Xuất Gia, Web, FB
- Đức Phật Đã Có Suy Nghĩ Gì Trước Khi Xuất Gia?, Web, FB
- Ai Là Bhikkhu – Tỳ Khưu?, Web, FB
- Lễ Xuất Gia Thọ Giới Tỳ Khưu
Bài 1/4 – Thầy Tế Độ – Ācariyupajjhāya, Web, FB
Bài 2/4 – Xét Hỏi Sa Di, Web, FB
Bài 3/4 -Tuyên Ngôn & Thành Sự Ngôn, Web, FB
Bài 4/4 – Bốn Pháp Nương Nhờ & Bốn Pháp Không Nên Hành, Web, FB - Xuất Gia Gieo Duyên, Web, FB
- Đạt Tới Cái Khó Đạt Tới, Web, FB
- Mười Pháp Mà Bậc Xuất Gia Phải Quán Tưởng Thường Xuyên., Web, FB
- Như Thế Nào Là Tỳ Khưu Giới Hạnh Đầy Đủ?, Web, FB
- Thế Nào Là Bốn Điều Đáng Sợ Hãi Chờ Đợi Những Người Xuất Gia?, Web, FB
- Bổn Phận Cư Sĩ Tại Gia Là Gì? Bổn Phận Tu Sĩ Xuất Gia Là Gì?, Web, FB
- Thế Sự, Web, FB
- Phàm Tăng Và Thánh Tăng, Web, FB