Câu Chuyện Nhập Niết Bàn

[lwptoc]

ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN

(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)

Bài 3/3: Câu Chuyện NHẬP NIẾT BÀN.

① DUY TRÌ MẠNG CĂN

Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết.

Nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.

Thế Tôn tự nghĩ: “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ–kheo.

Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”.

Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn.

Rồi Thế Tôn lành bệnh. Sau khi lành bệnh không bao lâu, đức Phật rời khỏi tịnh xá và ngồi trên ghế đã soạn sẵn, trong bóng mát của ngôi tịnh xá. Lúc bấy giờ tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn khỏe mạnh. Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn kham nhẫn, bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh hoạn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ–kheo.

– Này Ananda, chúng Tỷ–kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy).

Này Ananda, những ai nghĩ rằng: “Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ–kheo”; hay “chúng Tỷ–kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai” thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ–kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ–kheo; hay “chúng Tỷ–kheo chịu sự giáo huấn của Ta” thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ–kheo?

Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi.

Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng.

Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.

Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ–kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ… đối với tâm… đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời.

Này Ananda, như vậy vị Tỷ–kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ–kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

② QUYẾT ĐỊNH NHẬP NIẾT BÀN

Lần thứ nhất Thế Tôn… lần thứ hai Thế Tôn… lần thứ ba Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, khả ái thay Vesàli, khả ái thay điện thờ Udena, khả ái thay điện thờ Gotamaka, khả ái thay điện thờ Sattambaka, khả ái thay điện thờ Bahuputta, khả ái thay điện thờ Sàrandada, khả ái thay điện thờ Capala!

Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

Nhưng tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.

Vì tâm của tôn giả bị Ác ma ám ảnh.

Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda hãy đi và làm những gì Ngươi nghĩ là phải thời.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về Thế Tôn và đi ra.

Tôn giả Ananda đi ra chưa bao lâu, Ác ma liền đến chỗ Thế Tôn, khi đến xong liền đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Ác ma nói với Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì, Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá chánh pháp một cách thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nay những nữ cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp một cách thần diệu.

Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma: “Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”.

Và tại điện thờ Capala, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa). Khi Thế Tôn từ bỏ, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy.

Lúc bấy giờ, tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Ðại địa chấn động, đại địa rung động như vậy, ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động như vậy?”

– Này Ananda, có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động.

Thế nào là tám?

❶ Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ananda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.

❷ Lại nữa này Ananda, có vị Sa–môn hay Bà–la–môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư Thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh. Ðó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.

❸ Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ–tát ở cõi Tusita (Ðâu suất) từ bỏ thân, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.

❹ Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ–tát, chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.

❺ Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, khi ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.

❻ Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ sau, duyên thứ sau, khiến đại địa chấn động.

❼ Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai, chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.

❽ Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai nhập vô dư y Niết Bàn, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tám duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động. Này Ananda, do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động.

Này Ananda, hôm nay tại điện thờ Càpàla, Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa).

Khi được nói vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn… Lần thứ hai, tôn giả Ananda… Lần thứ ba, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người.

– Thôi đi, này Ananda, đừng có thỉnh cầu Như Lai nữa. Này Ananda, nay thỉnh cầu Như Lai không còn kịp thời.

– Này Ananda, Ngươi có tin sự giác ngộ Thế Tôn không?

– Bạch Thế Tôn, con có tin!

– Vậy, này Ananda, sao Ngươi lại làm phiền Như Lai đến ba lần. Này Ananda, một thời Ta ở tại Vương Xá, núi Linh Thứu (Gijjha Kuta). Tại đấy Ta nói với ngươi: “Này Ananda, khả ái thay thành Vương Xá! Khả ái thay núi Linh Thứu! Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”.

Dầu vậy, này Ananda, Ngươi không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn.

Ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.

Này Ananda, nếu Ngươi cầu thỉnh Như Lai, Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời.

Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi”.

Này Ananda, phải chăng ngay từ ban đầu Ta đã từng tuyên bố rằng mọi vật ưu ái, thân hình đều phải bị thay đổi, trở về hư không, biến dịch?

Này Ananda, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh khởi, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến diệt? Thật không có sự trạng ấy.

Này Ananda, những gì Như Lai đã từ bỏ, dứt khoát, xả ly, phóng xả, khước từ, chính là thọ, hành. Như Lai đã nói và nói một cách dứt khoát: “Không lâu, Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”.

Nói rằng Như Lai vì muốn sống mà phản lại lời tuyên bố trên thời thật không có sự trạng ấy.

③ NHỮNG BÀI PHÁP CUỐI CÙNG

Này Ananda, chúng ta hãy đi đến giảng đường Kùtagàra tại rừng Ðại Lâm.

Thế Tôn liền đi đến giảng đường và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các vị Tỷ–kheo:

– 🍀 Này các Tỷ–kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Này các Tỷ–kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người?

Chính là BỐN NIỆM XỨ, BỐN CHÁNH CẦN, BỐN THẦN TÚC, NĂM CĂN, NĂM LỰC, BẢY BỒ–ĐỀ PHẦN, TÁM THÁNH ĐẠO PHẦN.

Này các Tỷ–kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.

Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ–kheo:

– 🍀 Này các Tỷ–kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.

Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli, ăn xong và trên đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, lần này là lần cuối cùng, Như Lai nhìn Vesàli. Này Ananda, chúng ta hãy đi đến làng Bhandagàma.

Rồi Thế Tôn nói với Tỷ–kheo:

– 🍀 Này các Tỷ–kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ–kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ–kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Ðịnh mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ–kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ–kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử.

Này các Tỷ–kheo, khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Ðịnh được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.

Trong thời gian Thế Tôn ở tại Bhandagàma, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ–kheo:

– 🍀 Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

Thế Tôn ở Bhoganagara tại đền Ananda, Ngài nói với các Tỷ–kheo:

– 🍀 Này các Tỷ–kheo, Ta sẽ giảng bốn Ðại giáo pháp, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng:

Này các Tỷ–kheo, có thể có Tỷ–kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.

Này các Tỷ–kheo, nếu có Tỷ–kheo nói: “Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.

Này các Tỷ–kheo, có thể có vị Tỷ–kheo nói: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ–kheo Thượng tọa ở, những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.

Này các Tỷ–kheo, có thể có Tỷ–kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.

🍀 Này các Tỷ–kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ–kheo ấy.

Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật.

Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ–kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.

Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ–kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

Này các Tỷ–kheo, bốn Ðại giáo pháp này, các Ngươi hãy thọ trì.

④ CÚNG DƯỜNG TỐI THƯỢNG

Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỷ–kheo đi đến bên kia sông Hirannavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà của dòng họ Mallà, khi đi đến nơi tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm và giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, cây sàlà song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Rồi Như Lai nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai.

Này Ananda, nếu có Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.

Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.

⑤ NHỮNG LỜI DẶN DÒ CUỐI CÙNG

🍀 Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

Thế nào là bốn?

❶ “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”. Này Ananda, đó là thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

❷ “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

❸ “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

“Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết–bàn”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”,

❹ “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết–bàn”.

Này Ananda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.

–🍀 Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?

– Này Ananda, chớ có thấy chúng.

– Bạch Thế Tôn, nếu phải thấy chúng, thời phải như thế nào?

– Này Ananda, chớ có nói chuyện với chúng.

– Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với chúng, thời phải như thế nào?

– Này Ananda, phải an trú chánh niệm.

– 🍀 Bạch Thế Tôn, chúng con phải xử sự thân xá–lợi Như Lai như thế nào?

– Này Ananda, các Ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá–lợi của Như Lai.

Này Ananda, các Người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ.

Này Ananda, có những học giả Sát–đế–lỵ, những học giả Bà–la–môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá–lợi của Như Lai.

– 🍀 Bạch Thế Tôn, cần phải xử sự thân Như Lai như thế nào?

– Này Ananda, xử sự thân Chuyển luân Thánh Vương như thế nào, hãy xử sự thân xá–lợi Như Lai như vậy.

– 🍀 Bạch Thế Tôn, người ta xử sự thân chuyển luân Thánh vương như thế nào?

– Này Ananda, thân của Chuyển luân Thánh vương được vấn tròn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại được vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn vải gai bệnh, lại vấn thêm với vải mới, và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt vào trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín. Xong một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên, thân của vị Chuyển luân Thánh vương được đem thiêu trên giàn hỏa này và tại ngã tư đường, tháp của vị Chuyển luân Thánh vương được xây dựng lên. Này Ananda, đó là pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương.

Này Ananda, pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào, pháp táng thân Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp, hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp), thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài.

🍀 Này Ananda, bốn hạng người sau này đáng được xây tháp.

Thế nào là bốn?

❶ Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác xứng đáng xây tháp.

❷ Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp.

❸ Ðệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp.

❹ Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. ” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ sanh lên thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp

Này Ananda, vì lý do gì, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của Thế Tôn Ðộc Giác Phật”. ” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp đệ tử Thanh Văn của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của vị Pháp vương trị vì đúng pháp.” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, đó là bốn hạng người xứng đáng xây tháp.

Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– 🍀 Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.

🍀 Này Ananda, nay các vị Tỷ–kheo xưng hô với nhau là Hiền giả. Sau khi Ta diệt độ, chớ có xưng hô như vậy. Này Ananda, vị Tỷ–kheo niên lão hãy gọi vị Tỷ–kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền giả. Vị Tỷ–kheo niên thiếu, hãy gọi vị Tỷ–kheo niên lão là Thượng tọa (Bhante) hay Ðại đức.

🍀 Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.

🍀 Này Ananda, sau khi Ta diệt độ, hãy hành tội Phạm đàn (Brahmadanda) đối với Tỷ–kheo Channa.

– Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm đàn

– Này Ananda, Tỷ–kheo Channa muốn nói gì thì nói. Chúng Tỷ–kheo sẽ không nói, sẽ không giảng dạy, sẽ không giáo giới Tỷ–kheo Channa.

⑥ GIẢI ĐÁP NGHI HOẶC LẦN CUỐI

Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ–kheo:

– Này các Tỷ–kheo, nếu có Tỷ–kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về đức Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỷ–kheo các Người hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc: “Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn”.

Khi được nói vậy, các Tỷ–kheo ấy im lặng. Lần thứ hai, Thế Tôn….Lần thứ ba, … các Tỷ–kheo ấy giữ im lặng.

Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ–kheo:

– Này các Tỷ–kheo, nếu có vị nào vì lòng kính trọng bậc Ðạo Sư mà không hỏi, thời này các Tỷ–kheo, giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau

Khi được nói vậy, những vị Tỷ–kheo ấy giữ im lặng.

Rồi tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, con tin rằng trong chúng Tỷ–kheo này, không có một Tỷ–kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp.

– Này Ananda, ngươi có tín nhiệm nên nói vậy. Nhưng ở đây, này Ananda, Như Lai biết rằng trong chúng Tỷ–kheo này, không có một Tỷ–kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp. Này Ananda, trong năm trăm Tỷ–kheo này, Tỷ–kheo thấp nhất đã chứng được quả Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác.

⑦ LỜI CUỐI CÙNG CỦA NHƯ LAI

Và Thế Tôn nói với các Tỷ–kheo:

– 🍀 Này các Tỷ–kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.

Ðó là lời cuối cùng Như Lai.

⑧ NHẬP NIẾT BÀN

Rồi Thế Tôn nhập định Sơ thiền.

Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền.

Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền.

Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ.

Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ.

Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ.

Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.

Khi ấy tôn giả Ananda nói với tôn giả Anuruddha:

– Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ.

– Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.

Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định.

Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định.

Xuất thức Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định.

Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ thiền.

Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Nhị thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền.

Xuất Sơ thiền, Ngài nhập định Nhị thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền.

Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền.

Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.

Khi Thế Tôn diệt độ, cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược, sấm trời vang động.

– Tỳ Khưu Viên Phúc: Hiệu đính theo bản dịch của HT Thích Minh Châu: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya 14. Kinh Ðại bổn (Mahàpadàna sutta)

Tài liệu tham khảo liên quan

  1. Tỳ Khưu Hộ Pháp: “Ý Nghĩa Rằm Tháng Tư”
  2. Tỳ Khưu Samādhipuñño Định Phúc: “Ba Mươi Thông Lệ Chư Phật Chánh Đẳng Giác – Sadhammatākathā”

ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN

(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)

  1. Câu Chuyện Đản Sanh, WebFB
  2. Câu Chuyện Giác Ngộ, WebFB
  3. Câu Chuyện Nhập Niết Bàn, WebFB

Bài Viết Liên Quan

  1. Ý Nghĩa Kỷ Niệm Đại Lễ Tam Hợp Vesak, WebFB
  2. Bồ Tát Đạo Là Gì, WebFB
  3. “Giải Thoát Đạo” Khác “Bồ Tát Đạo” Như Thế Nào?, WebFB
  4. Những Phẩm Chất Căn Bản Giúp Việc Thành Tựu 10 Ba-La-Mật Thành Phật Là Gì?, WebFB
  5. Thư Tổng Thống Obama Chúc Mừng Vesak 2016, Facebook
  6. Thông Điệp Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Về Lễ Vesak 2018, Facebook
  7. Vesak 2019 At Tamchuc, Vietnam, Facebook
  8. Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , WebFB
  9. Happy Vesak Day!, Facebook

Audio Pháp Thoại Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar 

  1. Bài Pháp Thoại 1: Các Thông Lệ Khi Bồ Tát Đản Sinh Kiếp Cuối Cùng, Youtube
  2. Bài Pháp Thoại 2: Câu Chuyện Về Bồ Tát Giác Ngộ Thành Phật Chánh Đẳng Giác, Youtube
  3. Bài Pháp Thoại 3: Bồ Tát Tu Tập Khổ Hạnh – Chuyển Pháp Luân – Kinh Vô Ngã Tướng, Youtube
  4. Bài Pháp Thoại 4: Những Câu Chuyện Trước Khi Đức Phật Nhập Niết Bàn, Youtube