Đôi Nét Về Thiền Sư Mahasi Sayadaw
Những tấm hình quý về Sư Mahasi vị thiền sư nổi tiếng về cách hành thiền minh sát tuệ ở Myanmar và lan rộng đến nhiều nước.
Đôi nét về Thiền sư Mahasi Sayadaw
Trước khi trở thành một vị thiền sư hàng đầu, Trưởng Lão Mahāsi Sayadaw đã từng là một học giả đa văn và bậc thầy của kinh điển Pāli. Sinh ra trong một huyện lỵ ở vùng thôn quê, năm lên sáu ngài đã bắt đầu đi học trong một ngôi trường thuộc tu viện địa phương nơi làng quê của ngài, và năm mười hai tuổi ngài được thọ giới làm Sadi.
Ngài trở thành một vị Tỳ Kheo khi vừa đến tuổi hai mươi, tuổi sớm nhất có thể được để thọ cụ túc giới (thọ đầy đủ giới luật của một người xuất gia), với pháp danh Sobhana (đây là tên do chùa hay tu viện đặt khi thọ cụ túc, còn Mahāsi Sayadaw chỉ là một tước hiệu tôn kính, tuy nhiên qua tên này, ngài đã trở nên nổi tiếng khắp mọi nơi). Trong những năm sau đó ngài đã theo đuổi những nghiên cứu cao hơn về Phật học và cổ ngữ Pāli, đạt đến những danh hiệu cao nhất trong học tập và đã cống hiến một thời gian cho việc giảng dạy những đề tài này.
Tuy nhiên, một ngày kia, ở tuổi hai mươi tám, ngài cảm thấy có một nhu cầu bức thiết muốn chuyển từ lĩnh vực hiểu biết và trình bày có tính tri thức sang lĩnh vực thực hành triệt để. Vì vậy, mang theo những vật dụng cần thiết của một tăng sĩ du phương (chủ yếu là tam y và bình bát – những vật bất ly thân của một vị Tỳ Kheo. Tam y gồm có: Y tăng già lê, y vai trái, và y hạ; bình bát để đi khất thực), ngài rời tu viện nổi tiếng, nơi ngài đã được dạy dỗ, và lên đường, giống như một trong những vị đệ tử buổi đầu của Đức Phật, đi tìm một bậc thầy (thiền sư) có thể dạy cho ngài một phương pháp rõ ràng và hiệu quả để thực hành thiền.
Ngài đã được diện kiến Trưởng Lão Mingun Jetawan Sayadaw (U Nārada Mahāthera, 1868-1955), được thừa nhận như người khai sáng ra cách sự đổi mới cho phù hợp với thời đại hiện nay về kỹ thuật Tứ Niệm Xứ cổ điển nhằm thực hành thiền Minh sát, hay Vipassanā. Về sự kiện này, ở đây chúng tôi có thể trích dẫn những gì Trưởng Lão Nyānaponika đã viết trong “The Heart of Buddhist Meditation” – Trọng Tâm Thiền Phật Giáo:
Vào đầu thế kỷ này một vị sư Miến Điện, tên là U Nārada, có khuynh hướng muốn thực chứng những lời dạy của Đức Phật mà ngài đã học, tha thiết đi tìm một hệ thống thiền đưa ra được một lối vào trực tiếp Mục Đích Cao Thượng, không vướng víu thêm gì nữa cả. Lang thang khắp xứ sở, ngài gặp rất nhiều người được xem là đã hành thiền thật nghiêm túc, nhưng không ai cho ngài được một sự chỉ dẫn nào thoả mãn.
Trên bước đường tìm kiếm, đến những hang thiền nổi tiếng trong vùng đồi núi của Sagaing ở thượng Miến, ngài gặp một vị sư mà người ta đồn là đã bước vào những Thánh Đạo cao thượng (tức đã đắc các đạo quả) ở đây sự giải thoát cuối cùng là bảo đảm. Khi Trưởng Lão U Nārada đặt ra những Câu hỏi cho vị này, ngài đã hỏi ngược lại: “Tại sao ông lại đi tìm (chân lý) ngoài lời dạy của bậc Đạo Sư? Chẳng phải Satipaṭṭhāna, Con Đường Độc Nhất, đã được Ngài (Đức Phật) công bố đó sao?” U Nārada đón nhận lời chỉ dẫn này.
Nghiên cứu lại kinh điển và những bản Chú giải theo truyền thống, suy xét sâu xa trên đó, và bước vào thực hành một cách năng nổ, cuối cùng ngài đã đi đến chỗ thấu triệt những đặc tính của nó. Những kết quả đạt được trong thực hành đã làm cho ngài tin chắc rằng ngài đã khám phá ra cái ngài đang đi tìm: một phương pháp tu tập tâm rõ ràng và hiệu quả để đạt đến sự chứng ngộ cao nhất. Từ kinh nghiệm riêng của mình, ngài đã phát triển những nguyên tắc và những chi tiết của pháp hành tạo thành căn bản hướng dẫn cho những ai theo đường lối tu tập của ngài dù như những đệ tử trực tiếp hay gián tiếp… Ngài viên tịch ngày 18 tháng 3 năm 1955, ở tuổi 87. Nhiều người tin rằng ngài đã đạt đến sự giải thoát cuối cùng (đắc A-la-hán).
Dưới sự hướng dẫn của bậc thầy tài ba này, Mahāsi Sayadaw đã hành thiền tích cực dựa trên bốn nền tảng chánh niệm (Tứ Niệm Xứ), bắt đầu với quán thân, và đạt được những tiến bộ đáng kể. Sau này, không xao lãng việc thực hành Vipassanā, ngài quay lại những nghiên cứu Phật học và những hoạt động giảng dạy của mình như trước, và ngày càng được công nhận như một học giả danh tiếng nhất. Năm 1941, tức mười tám năm sau ngày thọ cụ túc, ngài quyết định trở về quê của ngài, nơi đây ngài cư trú trong một tu viện địa phương và bắt đầu dạy các khóa thiền Vipassanā, thực hành theo hệ thống, trên căn bản của kinh Tứ Niệm Xứ.
Nhiều người, tại gia cũng như xuất gia, đã đến với những khóa thiền này và gặt hái được nhiều lợi ích từ sự hướng dẫn của ngài. Chẳng bao lâu, ngài nổi tiếng khắp đất nước như một bậc thầy rất hiệu quả về thiền Vipassanā. Thực vậy, Ngài nổi tiếng đến nỗi, năm 1949 – một thời gian ngắn sau ngày độc lập của Miến Điện – U Nu, thủ tướng của nước này, đã thỉnh cầu Trưởng lão Mahāsi Sayadaw trở về Rangoon (thủ đô Miến Điện) để dạy những khóa thiền tích cực tại Thathana Yeiktha, trụ sở Trung ương của Hội Phật Giáo Quốc Gia.
Từ đó, cho đến khi ngài viên tịch ở tuổi bảy mươi tám, năm 1982, nhiều ngàn người đã học thiền Minh sát tại trung tâm Rangoon này (cho đến năm 1973, hơn 15.000 thiền sinh đã tham dự ở đó), và hàng trăm ngàn người đã được chỉ dẫn trong hơn một trăm trung tâm thiền địa phương khắp nước Miến, dưới sự hướng dẫn của các vị thầy đã được chính Trưởng lão Mahāsi huấn luyện. Tương tự như thế ở các trung tâm thiền ngoài Miến Điện như Sri Lanka, Ấn Độ, Thái lan.
Trong việc nhìn nhận những thành tựu nổi bật của ngài như một học giả, một vị thầy và một bậc thiền sư, Mahāsi Sayadaw đã được chỉ định vào vị trí chính yếu của “Người Hỏi” (tức người làm nhiệm vụ đặt ra những Câu hỏi liên quan đến Tam Tạng Kinh Điển và Chú giải, theo thể thức giống như các cuộc kết tập kinh điển (KTKĐ) kể từ thời Đức Phật.
Như vậy vai trò của ngài ở đây tương đương với vai trò của Đại Trưởng Lão Ca-diếp trong cuộc KTKĐ lần thứ nhất. Và Người Trả Lời là Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Vicittasārā Bhivaṁsa. ND) tại Đại Hội Phật Giáo lần Thứ Sáu (Kết Tập Tam Tạng Lần Thứ Sáu) tổ chức tại Rangoon từ năm 1954 đến 1956 nhân kỷ niệm 2.500 năm Phật lịch. Người Hỏi đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển, vì chính ngài là người nêu ra những Câu hỏi có thực chất hay những Câu hỏi có hình thức có thể xem như thích hợp trong trình tự kiểm xét lại toàn bộ Tam tạng kinh điển mà tại mỗi cuộc kết tập đã thực hiện.
From: Minh Sát thực tiễn – Mahasi Sayadaw. TK Pháp Thông dịch.