Giới Là Gì? Lợi Ích Của Giới?

[lwptoc]

Giới Là Gì?
Lợi Ích Của Giới?

*** *** *** *** ***

Trưởng lão Buddhaghosa (Phật Âm), trong Thanh Tịnh Đạo đã tổng hợp lại từ Kinh điển Pali và Chú giải như sau:

Patisambhidà nói: “Giới là gì? (I) Có giới là tư tâm sở (cetanà), (II) Có giới là các tâm sở, thọ, tưởng, và hành (gọi chung là cetasika), (III) Có giới là sự chế ngự, (IV) Có giới là không vi phạm”. (Ps. i, 44).

(I) Giới theo nghĩa tư tâm sở (cetanà), là ý chí (tác ý) có mặt nơi người từ bỏ sát sinh, v.v… Hay nơi người thực hành viên mãn các học giới.

(II) Giới theo nghĩa các tâm sở (cetasika): thọ, tưởng, hành là sự kiêng giữ nơi người từ bỏ sát sinh, v.v… Lại nữa, Giới tư tâm sở là bảy tác ý đi kèm bảy trong mười nghiệp nơi một người từ bỏ sát sinh, v.v.. Giới thọ, tưởng, hành tâm sở là ba pháp còn lại gồm vô tham, vô sân và chánh kiến, như kinh nói: “Từ bỏ tham, vị ấy an trú với tâm vô tham”. (D. i, 71)

(III) Giới theo nghĩa chế ngự là sự chế ngự theo năm cách:

❶ Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, là: “Vị ấy được trang bị đầy đủ với sự chế ngự của Giới bổn Pàtimokkha”. (Vbh. 246);

❷ Chế ngự bằng tỉnh giác, là: “vị ấy hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn”. (D. i, 70);

❸ chế ngự bằng tri kiến, là như đức Thế tôn dạy:

Những dòng thác chảy trên đời

Này Ajita, được ngăn chận là nhờ chánh niệm.

Ta tuyên bố sự chế ngự những bộc lưu

Do tuệ, chúng bị chận đứng. (Sn. 1035);

❹ Chế ngự bằng kham nhẫn, như kinh dạy: “Vị ấy là người kham nhẫn lạnh, nóng,… “. (M. i, 10);

❺ Chế ngự bằng tinh tiến, là “Vị ấy không chấp nhận một ý tưởng thuộc tham dục khi nó khởi lên”. (M. i, 11) ở đây, thanh tịnh sinh mạng được bao gồm.

Vậy sự chế ngự gồm năm phần ấy và sự kiêng giữ nơi những thiện nam, thiện nữ biết sợ điều ác mỗi khi gặp cơ hội vi phạm, đều gọi là Giới theo nghĩa chế ngự.

(IV) Giới theo nghĩa không phạm là sự không vượt qua, bằng thân hoặc lời, các giới điều đã thọ.

Những Gì Là Lợi Ích Của Giới?

Ðó là có được nhiều đức đặc biệt mà trên hết là bất hối, vì kinh dạy: “Này Anada, giới là thiện; nó có mục đích là bất hối, có lợi ích là bất hối”. (A. v, 1).

Và ở một đoạn khác: “Này gia chủ, có năm lợi ích cho người đức hạnh khi viên mãn giới, đó là:

❶ người có giới đức thừa hưởng gia sản lớn nhờ tinh cần;

❷ được tiếng tốt đồn xa;

❸ không sợ hãi rụt rè khi đến giữa hội chúng sát đế lỵ hay bà la môn hay gia chủ hay sa môn;

❹ khi chết, tâm không tán loạn;

❺ mệnh chung được sanh vào thiện thú, cõi trời. Ðó là năm lợi ích”. (D. ii, 86)

Lại còn nhiều lợi ích của giới, đầu tiên là được thương mến, và cuối cùng là đoạn trừ (phiền não) lậu hoặc như đoạn kinh nói: “Nếu một Tỷ kheo có ước nguyện, mong rằng tôi được các vị đồng phạm hạnh yêu mến, kính trọng, thì vị ấy hãy thành tựu viên mãn các học giới”. (M. i, 33)

Ai dám đặt một biên tế

Cho những lợi ích do giới đem lại

Khi mà không giới, thì thiện nam tử

Không chân đứng trong giáo lý này?

Không phải sông Hằng, Yamunà,

Sông Sarabhù, Sarassatì

Hay dòng Aciravati,

Hay sông Mahì thánh thiện

Có thể rửa sạch nhiễm ô

Của các loài có hơi thở ở đời

Mà chỉ có nước giới mới có thể

Rửa sạch những cấu uế nơi chúng sinh

Không phải cơn gió đem mưa

Hay hương chiên đàn vàng

Hay chuỗi anh lạc, bảo châu

Hay ánh trăng sáng dịu

Có thể làm lắng những cơn sốt của người thế gian

Mà chính giới khéo hộ trì

Cao quý và mát mẻ tuyệt diệu,

Mới dập tắt được ngọn lửa.

Có làn hương nào sánh bằng

Làn hương giới

Khi hương này dễ dàng bay ngược

Cũng như xuôi gió?

Có bực thang nào bằng thang giới

Có thể bắc lên đến cõi trời?

Có cửa ngõ nào bằng cửa giới

Mở đến thành Niết bàn như vậy?

Vua chúa trang sức châu báu

Cũng không sáng chói bằng sự chói sáng của người trì giới

Trang sức bằng giới luật.

Giới làm tiêu tan nỗi sợ hãi

Của sự tự khiển trách và những lối tương tự

Giới luôn đem lại cho người trì giới

Niềm hoan hỷ

Do danh tốt của giới

Chừng ấy cũng đủ biết

Quả báo của giới là thế nào

Và thế nào, gốc rễ của mọi đức tính ấy

Làm cho các lầm lỗi không còn sức mạnh.

Nguồn trích dẫn: Biên soạn theo Thanh Tịnh Đạo – Buddhaghosa (Phật Âm) 

Audio liên quan:  Giới và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada:

❈ Youtube
 MP3