Kathina 8/10/2017 at Tharmanaykyaw

Đại lễ Cúng dường Dâng y Kathina tại Thiền viện Ta ma nê chô (Tharmanaykyaw), Yangon Myanmar được tổ chức lúc 8h30 sáng chủ nhật ngày 8/10/2017.

Kathina 8/10/2017 at Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar.

Đại lễ Cúng dường Dâng y Kathina tại Thiền viện Ta ma nê chô (Tharmanaykyaw), Yangon Myanmar được tổ chức lúc 8h30 sáng chủ nhật ngày 8/10/2017.

Mọi công việc chuẩn bị được tiến hành chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ cho buổi lễ đặc biệt quan trọng này.

Thí Chủ chính cúng dường y Kathina tới Tăng đoàn các tỳ khưu nhập hạ tại Thiền viện; cùng sự cúng dường vật dụng (túi công vụ sách tay cùng y, dao cạo, đèn pin, thuốc men…) tới 50 vị Tỳ Khưu tại Thiền viện và Tỳ Khưu khách mời; tặng quà tới 20 cô nữ tu; cúng dường thức ăn, đồ uống cho bữa ăn trưa của chư tăng, tu nữ và khoảng 200 khách mời (các thí chủ cúng dường, hộ độ chư tăng tại các làng xung quanh thiền viện trong) buổi đại lễ là cô nữ tu Tâm Từ, thiền viện Phước sơn, Đồng nai, Việt nam.

Cô Tâm Từ đã mong ước được cúng dường y Kathina tới Tăng đoàn đã nhiều năm và cuối cùng đã được toại nguyện khi đăng ký làm thí chủ cúng dường y Kathina tới Tăng đoàn nhập kỳ an cư mùa mưa tại Thiền viện Ta ma nê chô cách đây hai năm.

Đại lễ Cúng Dường Dâng Y Kathina là đại lễ hằng năm duy nhất được chính Đức Phật và chư Phật quá khứ ban hành.

Trong cung cách cúng dường một bộ y Kathina đặc biệt với một số luật định khiến đại lễ nầy trở thành một thắng duyên cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

Kathina có nghĩa là bền chặt, không dễ bị vỡ vụn. Gọi như vậy vì đại lễ nầy kết cấu nhiều qui định quan trọng dẫn đến thắng duyên. Một người làm phước sự gì quá đơn giản thì tâm của người cúng dường cũng như người thọ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến chỗ viên mãn nếu thiếu những yếu tố thù thắng của

❶ tâm thí, ❷ thời thí, ❸ vật thí, ❹ người thọ thí, và ❺ cung cách thí. Đại lễ Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên gọi là bền vững, viên mãn.

❶ Tâm thí:

Tấm y kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do thiện tâm trong sáng của thí chủ. Nếu vải may y kathina (kathinadussa) hoặc tấm y kathina (kathinacīvara) được phát sinh không hợp pháp, bởi do một nguyên nhân, một trong những trường hợp mà Đức Phật đã quy định, thì nghi lễ thọ y kathina chắc chắn không thành tựu, và tất cả chư Tỳ khưu Tăng cũng không hưởng được đặc ân 5 quả báu của kathina.

Trong chú giải bộ Luật Mahāvagga dạy rằng:

“Gọi tấm y kathina là tấm y được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý tuyệt vời, cho nên Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina không được phép xin tấm y, dù người thí chủ ấy là mẫu thân của mình. Tấm y Kathina nên được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống”.

❷ Thời thí:

Trong một năm có 12 tháng, Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa xong rồi, chư Tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ y kathina, bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, đối với chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ tại một ngôi chùa, hoặc tại một nơi chốn nào đó, chư Tỳ khưu ấy chỉ được phép một lần thọ nhận y kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư Tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina nữa

Còn thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày hay 1 tháng ấy, thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina, còn 11 tháng còn lại, thí chủ không thể làm lễ dâng y kathina được.

Như vậy mỗi chùa/ tu viện một năm chỉ tổ chức một lần bất cứ ngày nào từ này sau Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười. Sau thời gian này nếu có người cúng một số tiền thật lớn để tổ chức thì cũng không làm được.

❸ Vật thí:

Đức Phật chỉ cho phép tấm y để làm lễ thọ kathina là 1 trong 3 tấm y: Tấm y hai lớp saṃghāti, hoặc tấm y vai trái uttarasaṅga, hoặc tấm nội y antaravāsaka, còn lại các tấm y khác không thể làm lễ dâng y kathina được.

Về vật thí là y Kathina, Tỳ khưu không được phép xin trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc biểu lộ bằng lời nói cho thí chủ biết, để làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, dù thí chủ đó là mẫu thân, phụ thân của mình, huống gì những thí chủ khác. Bởi vì, y kathina phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý (kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭhaṃ).

❹ Người thọ thí:

Y Kathina được cúng dường tới Tăng đoàn Sangha và sau đó được Tăng đoàn Sangha tiến hành trao cho một Tỳ Khưu đúng theo qui định trong Luật.

Nếu Tỳ khưu bị đứt hạ, Tỳ khưu an cư nhập hạ sau kể từ ngày 16 tháng 7 cho đến ngày 16 tháng 10, Tỳ khưu không an cư nhập hạ tại một nơi nào, Tỳ khưu an cư nhập hạ từ một nơi khác đến nơi này … thì tất cả những vị Tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina của thí chủ, không hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y kathina của chư Tăng, mà chỉ được phép thọ nhận y thường dùng mà thôi.

Chỉ các Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa từ ngày sau rằm tháng sáu âm lịch đến ngày rằm tháng 9 âm lịch, tại một nơi cư trú đã phát nguyện, không bị đứt đoạn, mới được thọ y kathina.

Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, và các tỳ khưu đã cùng trải qua ba tháng an cư không đứt đoạn và đã cùng tùy hỷ trong tăng sự nhận và trao y Kathina sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu suốt 5 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu kathina:

1– Khi được thỉnh mời, vị Tỳ khưu ấy có thể ra khôngỏi chùa, mà không báo vị Tỳ khưu khác biết. (không phạm giới).

2– Vị Tỳ khưu ấy không giữ gìn đủ taṃ y (không phạm giới).

3– Vị Tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).

4– Vị Tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài taṃ y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).

5– Y phát sinh nơi nào, Tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.

❺ Cung cách thí:

Chỉ cúng dường đến đại chúng Tăng già (Sangha), đã trải qua kỳ an cư mùa mưa ba tháng không đứt đoạn tại một trú xứ, rồi chư Tăng giao y theo nghi luật chứ không cúng trực tiếp cá nhân tỳ khưu nào.

Tăng luôn được hiểu là đại thể của tất cả những vị tỳ khưu truyền thừa giáo pháp. Ngày nào người Phật tử cúng dường nghĩ đến đại thể thì Phật Pháp còn hưng thịnh và sự cúng dường vô phân biệt nói lên tinh thần chung vượt ngoài những quan niệm cá nhân.

Như vậy thí chủ có đức tin trong sạch nơi Taṃ Bảo có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: Tấm y kathina chỉ dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) mà thôi, không phải dâng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna).

Chiếc y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người cúng dường không cá nhân tuyển thí, chư tăng giao y theo cách lợi hoà đồng quân và lễ phẩm được trang trọng vì chuyên chở giá trị truyền thống.

Quả phước của Cúng dường y Kathina

Cơ hội tốt để làm lễ dâng y kathina là một điều rất hiếm có, rất hy hữu. Có khi thí chủ phải chờ đợi qua thời gian lâu, mới có được cơ hội tốt làm lễ dâng y kathina đến Tăng đoàn Tỳ Khưu.

Còn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác, thí chủ có thể làm bao nhiêu lần trong một năm, trong tháng, trong một ngày không bị giới hạn. Cho nên, làm lễ dâng y kathina dù chỉ một lần cũng thật là cao quý hơn các buổi lễ làm phước thiện bố thí khác gấp bội lần không thể so sánh được.

Người cúng dường y Kathina gieo tạo phước duyên thù thắng vì làm được Tăng thí vô phân biệt, cúng dường đúng thời, cúng dường hợp đạo. Người làm được điều nầy đời sau có duyên lành xuất gia, tác thành tăng tướng nhanh chóng, và đầy đủ phước vật. Đại lễ tăng y mang lại an lạc cho Tăng già, do vậy, là một phước hạnh thù thắng.

Quả báu của phước thiện dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu (saṃghikadāna) trong 7 trường hợp, chắc chắn nhiều hơn quả báu của phước thiện cá nhân thí (paṭipuggalikadāna) gấp bội phần.

Trong 7 trường hợp thí chủ làm phước thiện dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu, quả báu của mỗi trường hợp chắc chắn có sự khác biệt, nhưng vì lớn lao vô lượng nên không sao kể xiết được, như Đức Phật đã dạy rằng:

– Này Ānanda, phước thiện cúng dường đế. Tăng đoàn Tỳ Khưu, mặc dù trong nhóm có Tỳ khưu không có giới trong thời kỳ ấy. Như Lai dạy rằng: “Quả báu của phước thiện bố thí ấy được vô lượng không sao kể được! (asaṅkheyyaṃ), không sao lường được! (appameyyaṃ)”.

Và:

– Này Ānanda, Như Lai không dạy rằng: Làm phước thiện cúng dường đến cá nhân sẽ hưởng quả báu nhiều hơn làm phước thiện dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu.

Đức Phật cũng đã thuyết giảng bài pháp Pakinnakadesanà so sánh quả báu của một lần làm lễ dâng y kathina đến Tăng đoàn Tỳ Khưu như sau:

Này các hàng Thanh Văn đệ tử!

Các con lắng nghe quả báu một lần

Dâng y ka–thi–na Tăng đoàn Tỳ Khưu.

Hằng ngày dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu,

Nhiều vàng bạc và các thứ châu báu,

Chất cao từ cõi người đến cõi trời,

Phạm thiên sắc giới Sắc cứu cánh thiên,

Không bằng quả báu một phần mười sáu,

Của một lần dâng y kathina,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ.

Mỗi ngày có được trăm con voi quý,

Trăm con ngựa quý, trăm xe ngựa quý,

Trăm ngàn cô gái đeo bông tai ngọc,

Không bằng quả báu một phần mười sáu,

Của một lần dâng y ka–thi–na,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ.

Hằng ngày dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu,

Những thứ vật dụng dù nhiều bao nhiêu,

Không bằng quả báu một phần mười sáu,

Của một lần dâng y ka–thi–na,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ.

Xây tám mươi bốn ngàn ngôi chùa lớn,

Làm pháp toà bằng các thứ châu báu,

Rồi hằng ngày cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu,

Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,

Thật vĩ đại, cho quả được an lạc,

Không bằng quả báu một phần mười sáu,

Của một lần dâng y ka–thi–na,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ.

Hằng ngày dâng cúng dường đến Tăng đoàn Tỳ Khưu,

Lâu đài bằng vàng và các châu báu,

Cao đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên,

Sự cúng dường ấy có quả báu lớn,

Thật vĩ đại, là nhân sanh sự an lạc,

Không bằng quả báu một phần mười sáu,

Của một lần dâng y ka–thi–na,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ.

Bởi vì lễ dâng y ka–thi–na,

Đến Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư nhập hạ,

Tỳ khưu thọ y, chư Tăng hoan hỷ,

Được hưởng quả báu 4 giới không phạm,

Suốt thời gian hưởng quả báu dâng y.

Vì vậy, Như Lai dạy các con rằng:

Phước dâng y ka–thi–na cao quý,

Hơn tất cả mọi phước bố thí khác,

Cho nên người có trí tuệ quán xét,

Sự lợi ích sự an lạc của mình,

Trong mùa lễ dâng y kathina,

Nên làm lễ dâng y kathina,

Đến chư Tăng đoàn Tỳ Khưu đã an cư,

Nhập hạ trong suốt 3 tháng mùa mưa.

 

– Tài liệu tham khảo:

Lễ Dâng Y Kathina

Tỳ Khưu Hộ Pháp

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/LeDangY/LDY1.htm

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/LeDangY/LDY2.htm

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/LeDangY/LDY3.htm

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/LeDangY/LDY4.htm

 

Kathina

(Nguyên do Kathina?

Đặc ân cho các vị Tỳ khưu?

Lợi ích cho các thí chủ?)

***********************

Thường thường Kathina được tổ chức sau Pavarana (ND: Lễ Mời Phê Bình của các vị Tỳ khưu sau ba tháng An cư mùa mưa). Việc thành tựu được gọi là “Kathinattharo” (Kathina + attharo), có nghĩa là năm đặc ân (anisamsa) được trải khắp mọi nơi trong Tu viện một cách vững chắc, không để lọt ra ngoài. Nó chắc chắn và bền vững như sợi dây được thu gom và tích giữ. Do vậy, việc mở rộng các đặc ân này tới mọi nơi trong Tu viện theo những điều luật Vinaya được gọi là Đại lễ Kathina.

Nguyên do Kathina

–––––––––––––––

Thủa đó, Đức Phật đang ở Tu viện Jetavana, tại Savatthi. Lúc bấy giờ có ba mươi anh em được gọi là Bhaddavaggiya, là con trai cùng cha khác mẹ của Vua Kosala. Họ đã trở thành Tỳ khưu thực hành Giáo pháp của Đức Phật và đã là những bậc thánh Sotapana, Sakadagami, và Angami (ND: Thánh Nhập Lưu – Thất Lai, Thánh Nhất Lai, và Thánh Bất Lai).

Một ngày nọ, họ quyết định đi gặp Đức Phật tại Savatthi. Tuy nhiên, do Vassa (ND: An cư mùa mưa) đã tới nên nên họ đã không thể đến Savatthi đúng thời. Họ tạm dừng ở Sakila, trên đường tới Savatthi, để nhập kỳ Vassa. Họ đã rất bất hạnh khi phải trải qua thời gian xa cách Đức Thế Tôn. Ngay sau Vassa họ đã lên đường tới Savatthi mặc dù trời vẫn đang còn mưa.

Trong thời bấy giờ, các Tỳ khưu có rất ít nhu cầu và họ chỉ sở hữu một bộ gồm ba y (ND: y dưới, y trên, y khoác ngoài) và một bát. Những chiếc y này đều được may bằng tay và vì vậy chúng rất dày và thô. Do đó khi bị ướt và vấy bùn, chúng rất nặng. Khi tới được Savatthi họ đã vô cùng kiệt quệ.

Khi thấy hoàn cảnh của họ, Đức Phật đã nhìn lại quá khứ và thấy các y Kathina đã được các Đức Phật trước đây cho phép. Với tâm từ tới anh em Bhaddavagiya, Đức Phật đã cho phép họ nhận các y Kathina.

Kathina kéo dài một tháng, từ ngày đầu kỳ trăng khuyết của Thadingyut (khoảng giữa tháng 10 DL) cho tới ngày trăng tròn của Tazaung–daing (khoảng giữa tháng 11 DL). Chỉ những Tỳ Khưu đã ở tại Tu viện liên tục trong suốt kỳ Vassa là được quyền hưởng các đặc ân Kathina.

Các đặc ân – lợi ích

––––––––––––

Các đặc ân riêng cho các vị Tỳ khưu.

1) Trong kỳ An cư mùa mưa, vị Tỳ khưu không được du hành hoặc đến thăm gia cư nếu không có sự cho phép đặc biệt của Sangha (ND: Tăng đoàn). Vị Tỳ khưu có thể du hành ngoài Tu viện tối đa là bẩy ngày trong trường hợp khẩn thiết với sự cho phép đặc biệt của Sangha. Tuy nhiên do việc thành tựu Pavarana và Kathina, vị Tỳ khưu được phép du hành hoặc tới thăm gia cư mà không cần sự cho phép của Sangha. Đây là đặc ân thứ nhất – Anamantacaro.

2) Theo Vinaya (ND: Luật tạng), vị Tỳ khưu có thể sở hữu một bộ gồm ba y (ticivaram) đã được xác quyết là chỉ thuộc về vị Tỳ khưu này, và không được phép rời xa bất kể khi đi đâu, đặc biệt là vào thời điểm phân cách ngày mới, nếu không vậy, vị Tỳ khưu đã bỏ lại những y này và bị coi là đã phạm lỗi. Nay, bởi việc thành tựu Kathina, vị Tỳ khưu được phép du hành mà không cần mang theo mình cả bộ y đầy đủ. Đây là đặc ân thứ hai – Asamadanacaro.

3) Thông thường vị Tỳ khưu không được phép giữ quá một bộ gồm ba y. Thời xa xưa, các vị Tỳ khưu thường giữ nhiều bộ y, và khi du hành họ phải mang theo các bọc y này, trông rất lố bịch, và bị người dân chỉ trích. Người dân phàn nàn rằng các vị Tỳ khưu đã khước từ tham dục thế gian mà vẫn còn tích giữ tài sản. Thấy vậy, Đức Phật đã tự mình thử để biết bao nhiêu y là đủ cần để bảo vệ cơ thể trong các điều kiện thời tiết. Ngài đã vấn y tuần tự từng chiếc và thấy rằng một bộ gồm ba y (ND: y dưới, y trên, y khoác ngoài) là vừa đủ cho vị Tỳ khưu trong mọi thời điểm cả ngày và đêm. Do vậy mà có điều luật này.

Tuy nhiên, vị Tỳ khưu có thể tránh điều này bằng cách giao phó những y vượt quá giới hạn mà vị này thường sử dụng trong thực tế tới một vị Tỳ khưu khác, ví dụ vikappana (thay thế). Cách này là cách thay thế cho việc sử dụng y đã được xác quyết chỉ thuộc về một cá nhân, trong vòng 10 ngày, đối với y được dâng cúng bởi thí chủ. Bằng việc thành tựu Paravana và Kathina, vị Tỳ khưu được miễn trừ khỏi điều luật này, và có thể giữ nhiều bộ y (mà không cần giao phó) trong vòng 5 tháng kể từ ngày Kathina, tức là đến tháng 3 năm tiếp sau. Đây là đặc ân thứ ba – Yavadathacivara – có thể giữ nhiều y theo nhu cầu trong vòng 5 tháng tới.

4) Đặc ân thứ tư là Ganabhojana – cho phép vị Tỳ khưu nhận lời mời thọ thực. Thông thường vị Tỳ khưu bị giới hạn trong việc chấp nhận lời mời thọ thực không chính thức hoặc không phù hợp, khi bốn vị Tỳ khưu hoặc nhiều hơn cùng tham gia. Các điều Luật Vinaya cũng không cho phép vị Tỳ khưu khước từ lời thỉnh mời đầu tiên vì ưu tiên lời mời thứ hai.

5) Đặc ân thứ năm là Yo ca Tatthacivaruppado – Các y dâng cúng nhân dịp Đại lễ Kathina thuộc về vị Tỳ khưu đã thành tựu vẹn toàn cả hai Paravana và Kathina trong cùng một Tu viện, và vị này có quyền sử dụng chúng trong thời gian xác định là 5 tháng.

Đây là năm đặc ân được tích dồn một cách vững chắc cho vị Tỳ khưu, người được coi là đã đạt được Kathina – anisamsa (Hạnh phúc vững chắc). Đây là cách thức năm đặc ân được trải khắp toàn khu vực Tu viện một cách chắc chắn, và được biết tới như là Kathinatthara – Truyền trải Kathina.

Các lợi ích cho các thí chủ

–––––––––––––––

Cũng có năm lợi ích tích dồn cho các thí chủ.

1) Bởi đức hạnh tự nguyện cống hiến (cetana) để các vị Tỳ khưu có thể du hành mà không cần đến sự cho phép của Sangha, các thí chủ cũng sẽ có được lợi ích trong việc du hành từ chỗ này tới chỗ kia không bị chướng ngại.

2) Bởi việc giúp các vị Tỳ khưu làm nhẹ bớt gánh nặng trong trách nhiệm luôn không rời các y áo, các thí chủ cũng sẽ có được lợi ích trong việc thực hiện các nhiệm vụ không chút khó khăn.

3) Bởi việc giúp để các vị Tỳ khưu có thể cùng hưởng thọ thực mà không vướng mắc các qui định của Vinya (Luật), các thí chủ cũng sẽ không gặp bất cứ tai hại gì liên quan đến thực phẩm.

4) Bởi việc giúp để các vị Tỳ khưu có đặc ân được giữ các y trong thời gian hạn định mà không vướng mắc các qui định của Vinya (Luật), các thí chủ sẽ có được lợi ích trong việc giữ tài sản của mình an toàn.

5) Thành tựu Kathina đảm bảo cho các vị Tỳ khưu những đặc ân trong việc chia sẻ các y áo và các vật dụng được dâng cúng tại Tu viện. Bởi thiện nghiệp này các thí chủ sẽ có được tài sản của mình một cách chân chánh.

Do vậy, việc cúng dường y trong Đại lễ kathina luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các vị Tỳ khưu tham gia cơ hội này sẽ được làm giảm nhẹ các điều luật trong một số phạm vi. Tương tự, bởi đức hạnh của thiện nghiệp của họ, các thí chủ sẽ có được các lợi ích dặc biệt.

(TK Viên Phúc lược dịch từ “On the Path to Freedom” của Ngài Sayadaw U Pandita)