Không Nên Tùy Tiện Sử Dụng Y, Bát Của Tỳ Khưu
Không nên tùy tiện sử dụng y, bát của Tỳ khưu
❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈
Không tùy tiện như một vài cô nữ tu và “tỳ khưu ni Nam Tông Việt nam ?!”, nữ tu Myanmar tuyệt đối không khi nào dám “trộm cắp tăng tướng” bằng cách sử dụng y áo, bình bát,… giống như của chư Tăng. Họ chỉ sử dụng y áo, bình bát,… chuyên dành cho nữ tu.
Họ không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt điều này mà còn hết sức cẩn trọng tuân thủ Tám Pháp kính trọng (tuy không phải là tỳ khưu ni) cũng như cả những điều nhỏ nhặt nhất trong hành xử, giao tiếp với chư Tăng để tránh gieo nhân, tạo duyên bất thiện nghiệp, chướng ngại con đường tu tập theo chánh pháp dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não trong ngày vị lai.
Đa số các nư tu Việt Nam đều tinh tấn vượt qua các khó khăn để dấn thân trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát đầy thử thách gian nan, tuy nhiên có vài vị chưa được hiểu rõ về việc sử dụng bình bát,… của chư tăng nên cần nhắc để hoàn thiện hành xử cho thật đúng đắn.
Lành thay!
“”””””””””””””””””””””””””””””””””””””””
– Mọi bài viết và hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép.
“”””””””””””””””””””””””””””””””””””””””
Ghi chú 1:
Thuật ngữ Pali trong Tạng Luật: Theyyasaṃvāsaka = “Trộm tăng tướng tỳ khưu” = Không phải tỳ khưu, hoặc tỳ khưu phạm tội bất cộng trụ mà dùng y áo, bình bát giống như của tỳ khưu để sống nhờ vào sự bố thí của đàn na thí chủ.
❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈
Ghi chú 2:
Để có thể thượng tôn Chánh pháp cần phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, phải trái, chứ không phải là chỉ trích hay khen ngợi cá nhân, trường phái. Để có thể biết rõ sự thật: đâu là sự lý giải, đâu sự giảng giải đúng đắn theo lời Phật dạy, hãy đối chiếu với Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, và thực hành theo Chánh pháp do Đức Phật chỉ dạy: sẽ không lầm đường lạc lối, lãng phí thời gian công sức, bỏ phí cơ hội làm người.
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
Ghi chú 3:
“Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi. (Đại kinh Bát Niết Bàn).
Chỉ khi nào đã thành tựu Alahán Đạo, trở thành bậc thánh vô học thì sẽ buông xả tất cả, không còn chấp thủ vào bất cứ điều gì trên đời.
Còn các bậc thánh hữu học từ Thánh bất lai, Thánh Nhất Lai, Thánh Thất Lai cho đến các tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia muốn đạt đến cứu cánh Vô Chấp Thủ Bát Niết Bàn đều phải bám chặt vào con bè Bát Thánh Đạo (bao gồm Giới Định Tuệ) để có thể tới được bờ bên kia.
Không nương bám vào Pháp và Luật do Đức Phật truyền dạy để tu tập Bát Thánh Đạo mà muốn thành tựu Đạo Quả giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não là điều không thể xảy ra.
Có nhiều vị do không tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và thực hành đúng đắn, đầy đủ theo Pháp và Luật của Đức Phật truyền dạy nên không hiểu rõ về Đức Phật và Phật Pháp. Họ thường gán cho Đức Phật và Phật Pháp các phẩm chất “bình đẳng”, “vô phân biệt”, “vô chấp”… theo cách hiểu hoàn toàn ấu trĩ, ngây thơ theo cái hiểu biết ít ỏi của họ và họ thường vội vã, hồ đồ xét đoán kết tội mỗi khi ai đó chỉ ra cái gì là Pháp, cái gì là Phi pháp, cái gì là Luật, cái gì là phi luật. Họ hay bị sốc khi Đức Phật chỉ ra sự thật và thường bác bỏ sự thật mà không để công sức tìm hiểu, học hỏi. Ví dụ họ phẫn nộ nói rằng đây không thể là lời Phật dạy vì “Đức Phật của họ luôn luôn không chấp trước, luôn luôn bình đẳng, không phân biệt”:
“Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?
– Này Ananda, chớ có thấy chúng.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải thấy chúng, thời phải như thế nào?
– Này Ananda, chớ có nói chuyện với chúng.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với chúng, thời phải như thế nào?
– Này Ananda, phải an trú chánh niệm.”
(Đại kinh Bát Niết Bàn).
Quí đạo hữu không cần phải phản biện với những vị hô hào “vô chấp trước”, “bình đẳng”, “vô phân biệt”, “vô ngã “…., nhưng lại quá chấp trước, quá phân biệt, quá ngã mạn khi chụp mũ, kết tội người chỉ ra phi pháp, phi luật. Những vị này không có thiện ý tìm hiểu học hỏi. Chỉ lãng phí thời gian, vô ích.
Này các Tỷ–kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật:
– “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya -1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta), Tụng phẩm thứ nhất
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
[Chánh kinh]
Này các Tỷ–kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ–kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ–kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ–kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ–kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
– Những Tỷ–kheo nào, này các Tỷ–kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ–kheo ấy, này các Tỷ–kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ–kheo, các Tỷ–kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
(Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…
Những Tỷ–kheo nào, này các Tỷ–kheo, nêu rõ phi luật là phi luật…
… luật là luật…
… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên,…
… Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên,…
… Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành,…
… Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành,…
… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt,…
… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt…
Các vị Tỷ–kheo ấy, này các Tỷ–kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ–kheo, các Tỷ–kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – aṅguttara nikāya XI. Phẩm thứ mười một – 1–10. Phi Pháp