Cả Tin, Dễ Dãi, Nông Cạn, Hồ Đồ

[lwptoc]

CẢ TIN, DỄ DÃI, NÔNG CẠN, HỒ ĐỒ

Liệu chúng ta có thể đặt lòng tin vào trí tuệ và đức hạnh của hàng nghìn vị Trưởng Lão Alahán, qua các thế hệ truyền thừa tinh khiết của Phật giáo Nguyên thủy Theravada, đã thận trọng xem xét kỹ lưỡng từng câu từng chữ lời Phật dạy và cùng nhất trí kết tập thành Tam Tạng Kinh điển Giáo pháp bao gồm cả Tạng Vi Diệu Pháp (được tách riêng thành Tạng Vi Diệu Pháp kể từ lần kết tập lần thứ 3, chứ không phải là trước đó không được kết tập như bị xuyên tạc) do Đức Phật truyền dạy qua 6 kỳ kết tập?

Hay chúng ta cả tin, dễ dãi, nông cạn, hồ đồ đặt lòng tin vào những giả thuyết gây nghi ngờ về Tạng Vi Diệu Pháp được suy diễn bởi một số “học giả” (phòng kính) ngoại đạo và một số tuy khoác áo tu sĩ (tu thơ, văn) nhưng tự nguyện làm đệ tử cho nhóm “học giả” đó: những người chưa chắc đã thuộc lòng nổi một bài kinh bằng tiếng Pali, nói chi đến chuyện cả đời tu tập để viên mãn Giới Định Tuệ trong đời sống phạm hạnh độc cư thanh khiết nơi sơn lâm vắng vẻ và thành tựu Đạo Quả theo Bát Thánh Đạo trong Pháp và Luật của Đức Thế Tôn?

Hãy tránh càng xa càng tốt nọc độc phá hoại tín tâm nơi Tam Bảo Phật Pháp Tăng.

Ở Việt nam hiện nay, các Phật tử tại gia và xuất gia vì lợi ích giải thoát của bản thân, vì đức tin bất động nơi Tam bảo, ngoài việc đương nhiên là phải tránh thật xa mọi mê tín, dị đoan, lễ đàn cầu vong, giải vong, giải sao, giải hạn, bùa, chú, ngải, cầu xin ma, quỉ, thần, thánh… của tà giáo, ngoại đạo, mà còn cần tuyệt đối tránh xa các nỗ lực truyền dạy những điều Phi Pháp, Phi Luật của các phần tử đội lốt Phật giáo Nguyên thủy Theravada, trái với những lời Phật giảng dạy được ghi lại trong Tam Tạng Kinh điển Nikaya, Vinaya, Abidhamma đã được hàng nghìn các bậc Thánh Alahán cẩn trọng phê chuẩn, kết tập qua 6 kỳ đại hội, dưới đây:

⚀ Phỉ báng Pháp Bảo: ⑴ tuyên thuyết tà kiến cho khổ là lạc khi đảo điên cho rằng “cuộc sống là tốt đẹp không khổ đau, chỉ các tham ái chấp thủ thì mới là khổ” – trái với Tứ Thánh Đế, trái với bản chất vô thường, khổ, vô ngã của tất cả các pháp do chính Đức Phật tự giác ngộ và truyền dạy suốt cả cuộc đời; ⑵ tuyên thuyết thường kiến về “tánh biết trường tồn bất sanh bất diệt”, trái với Lý duyên sinh và tam tướng Vô thường Khổ Vô ngã đã được ghi lại trong Tạng Kinh Nikaya.

⚁ Gây nghi ngờ Pháp Bảo, phá hoại Tam Bảo: tuyên bố trong Tạng kinh Nikaya nhiều bài kinh của Bà la môn chứ không phải lời Phật dạy, còn Tạng Vi Diệu Pháp Abhidhama, đã được ghi lại trong Thánh Tam Tạng kinh điển Pali là không phải do Đức Phật Gotama truyền dạy, mà là của Đại đệ tử Xá Lợi Phất… v. v…….

⚂ Chia rẽ, phá hoại Tăng Bảo: tái lập và cổ vũ tái lập Tỳ Khưu Ni trái với Giới Luật do Đức Phật chế định đã được ghi lại trong Luật Tạng Vinaya.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala.

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

“Lúc này Ðại Ðức Ananda cũng vừa đắc quả vị A La Hán nên đại hội bắt đầu khai mạc. Người chủ tọa kết tập Tam tạng lần thứ nhất là Trưởng lão Mahakassapa, đồng thời Ngài cũng là vị Vấn đạo sư về pháp luật. Trưởng lão Upàli đã từng được Ðức Phật tuyên dương trước đại chúng là đệ nhất về trí luật và đã thông thạo những điều giới luật Ðức Phật đã đặt ra, về thời gian, địa điểm và đối tượng phạm giới lúc Ngài còn sinh tiền, cho nên Ngài được chọn là vị đáp những câu hỏi của ngài Mahakassapa. Còn Trưởng lão Ananda vốn đệ tử nhứt của Ðức Phật về hạnh đa văn, am tường những bài thuyết của Ðức Thế Tôn trong suốt 45 năm, do đó Chư Thánh Tăng chọn Ðại Ðức làm vị đáp về Kinh tạng lẫn Vi Diệu tạng.”

Trích dẫn từLịch sử Kết tập Kinh điển và Truyền giáo Tỳ kheo Thiện Minh

4. Nguyên nhân thứ tư

Thuyết được tạng Thắng Pháp này mới đủ sức để đền đáp công ơn của bà Hoàng hậu Māyā. Chính vì sự kiện Đức Thế Tôn thuyết giảng tạng Thắng Pháp ở cung trời Đạo Lợi cho nên có một số người không hoan hỉ tạng Thắng Pháp, vì lý do nào đó không biết nhưng xuyên tạc là tạng Thắng Pháp này không có thật. Hoặc giả có người nói tạng Thắng Pháp này không đưa đến sự giải thoát. Chúng tôi đã từng nghe luận điệu này. Và chúng tôi xin trả lời rằng, ai nói tạng Thắng Pháp này không đưa tới sự giải thoát thì xem như người đó vô tình phỉ báng giáo pháp này là một điểm, vô tình phỉ báng Đức Thế Tôn là điểm thứ hai.

Chính trong bộ Atthasālinī tức là bản Sớ giải của ngài Buddhaghosa khi giải về Bộ Pháp Tụ, ngài Buddhaghosa đã nói rằng người nào bài bác bản Thắng Pháp đồng nghĩa người đó bài bác Nhất thiết trí của Đức Phật, tức bài bác Toàn giác trí của bậc Chánh Đẳng Giác. Một khi bài bác Nhất thiết trí thì quí vị sẽ thấy hậu quả không lấy gì làm vui. Chúng tôi nói rằng người nào nói tạng Thắng Pháp này không đưa tới sự giải thoát thì xem như là hủy báng giáo pháp này. Tại sao?

Chúng tôi vừa trình bày với quí vị rằng là toàn bộ lời dạy của Đức Phật trong 45 năm hoằng pháp là 82 ngàn pháp uẩn, 2 ngàn pháp uẩn còn lại đức Ānanda thuyết giảng và Đức Thế Tôn chấp nhận. Tạng Luật 21 ngàn pháp uẩn, tạng Kinh 21 ngàn pháp uẩn, tạng Luận 42 ngàn pháp uẩn, nếu cho rằng tạng Thắng Pháp này không đưa tới sự giải thoát thì đồng nghĩa cho rằng phân nửa giáo pháp này không đưa tới sự giải thoát.

Chính trong Tương Ưng Kinh Đức Phật dạy: “Này Ānanda, toàn bộ giáo pháp này là thiện bạn hữu, thiện giao du.” Chính đức Ānanda cũng sai lầm, bởi ngài là bậc thánh Hữu học, ngài trả lời vua Ba Tư Nặc rằng là toàn bộ giáo pháp này, phân nửa là thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện bạn lữ. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Ānanda đừng nói như vậy, toàn bộ giáo pháp này là thiện bạn hữu, thiện giao du, nêu lên đời sống phạm hạnh.”

Tức là, người ta hỏi rằng, vậy thì những phiền não, những tham, sân, si không lẽ dẫn tới giải thoát? Xin thưa, nó cũng làm duyên cho giải thoát. Quí vị nghe cũng thấy tức cười, nhưng mà thật sự như vậy. Chúng tôi dẫn chứng cho quí vị nghe. Ngay cả bài kinh Tứ Niệm Xứ phần Niệm Pháp thì có phần niệm Năm Triền Cái. Tức là quán xét về cái Tham Dục Cái, Hoài Nghi Cái, Hôn Trầm Cái, những pháp chướng ngại đó là bất thiện pháp, nhưng vẫn quán xét nó, tức là nó làm duyên.

Hôn trầm là một pháp xấu nhưng cũng cứ quán nó, xem xét nó là cảnh. Hoài nghi cũng là một pháp xấu, quán xét nó, xem nó là cảnh. Sân hận, Phóng dật, Tham dục, toàn là những pháp xấu, bất thiện, nhưng vẫn làm duyên để quán xét dẫn tới đạo quả được. Hoặc trong phần Niệm Tâm của Tứ Niệm Xứ, tâm có tham biết rằng tâm có tham, tâm có sân biết có sân, tâm bất thiện biết rằng tâm bất thiện v.v… để từ đó tránh xa không làm, để từ đó tiêu diệt nó, thì nó cũng làm duyên để dẫn dắt tới cảnh giới an lạc niết-bàn. Cho nên Đức Phật dạy “Này Ānanda toàn bộ giáo pháp này là Thiện bạn hữu, thiện giao du.” Nếu nói rằng tạng Luận 42 ngàn pháp uẩn không đưa tới giải thoát thì đồng nghĩa cho rằng 42 ngàn pháp uẩn kia vô tích sự, vô bổ ích và vô tình hủy báng pháp.

Thế nào là vô tình hủy báng pháp? Xin thưa, khi Đức Phật ngự lên cung trời Đao Lợi mục đích là tế độ vị thiên tử Māyā là tiền thân hay hậu thân của hoàng hậu Māyā mẹ của mình, người mà ngay trong hiện kiếp Ngài tái sanh vô lòng mẹ đã chăm chút lo gìn giữ, nâng niu Ngài. Dĩ nhiên do phước của Ngài rồi, nhưng tâm lý của bà mẹ lúc nào cũng muốn bảo vệ đứa con là tâm lý rất đáng trân trọng. Đức Phật luôn luôn dạy có hai hạng người khó tìm trên đời: Hạng người ra ơn mà không cần nghĩ, và hạng người tri ơn.

Đối với người không có ơn thâm trọng với Ngài, Ngài đem tạng Kinh, Ngài đem tạng Luật để thuyết giảng giúp cho người đó chứng đạt được đạo quả từ Dự Lưu đến A-la-hán. Nhưng đối với thân mẫu của Ngài (hay là hậu thân là vị thiên tử Māyā) Ngài đem một pháp môn vô bổ, vô ích, không đem lại giải thoát mà thuyết cho để đền đáp công ơn của bà hoàng hậu Māyā, như vậy thì có xứng đáng, có đúng là một vị Phật Chánh Đẳng Giác hay không? Nói như vậy vô tình hủy báng một vị Phật. Người không có công ơn với Ngài, không có tình thâm nghĩa trọng gì với Ngài chỉ có duyên lành đạo quả với Ngài thì Ngài vẫn tiếp tục tế độ để chứng đắc đạo quả, còn hoàng hậu Māyā người sanh ra Ngài, có ơn trọng mà Ngài đem pháp môn vô bổ không đem đến giải thoát để đền đáp công ơn của bà được sao? Nói như vậy là vô tình hủy báng Phật, chê Đức Phật là người không có pháp tri ân. Nói như vậy là vô cùng nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm!

5. Nguyên nhân thứ năm

Ngài thuyết ròng rã trong ba tháng tính theo thời gian nhân loại, tức là thời gian Ngài thuyết giảng tính theo trên cõi trời Đao Lợi thì không bao lâu cả nhưng tính theo thời gian của nhân loại này thì khoảng ba tháng. Trong bộ Sớ giải, người ta đặt dấu hỏi, với thân người như vậy làm sao nhịn ăn ba tháng mà nói ròng rã như vậy. Mình nói từ sáng đến chiều ròng rã như vậy thì cũng đứt hơi rồi. Làm sao một người mà nói suốt ba tháng không ăn, không ngủ, không nghỉ.

Xin thưa, các ngài giáo thọ sư giải thích rằng, nên nhớ Đức Phật có song thông lực, cho nên, vào rạng sáng, theo thời gian nhân loại thì Ngài hóa ra một vị Phật ngồi ở trên ngai vàng của vua trời Đế Thích tiếp tục giảng tiếp.

Còn hiện Phật thì Ngài đi bát ở Kuru, tức Bắc Cưu Lưu Châu. Sau khi có vật thực xong thì Ngài ngự dưới chân thành Sankassa. Bấy giờ đức Xá Lợi Phất quán xét rằng bậc đạo sư hiện nay đang ở đâu; thấy là Ngài đang ở dưới chân thành Sankassa thì lập tức đức Xá Lợi Phất dùng thần thông đi tới đó để phục vụ Đức Thế Tôn.

Nhân đó thì Đức Thế Tôn mới tóm tắt bài pháp mà Ngài giảng trên cung trời Đạo Lợi cho đức Xá Lợi Phất nắm bắt rồi dặn đức Xá Lợi Phất đem về dạy cho 500 vị tân tỳ kheo mới xuất gia khi vừa chứng kiến được song thông lực của Đức Thế Tôn. Bởi vì, do tiền nghiệp của 500 vị tân tỳ kheo này chính là 500 con dơi nằm trong hang trong thời Đức Phật Ca Diếp, chư tỳ kheo thường đến cái hang đó tụng lên Thắng Pháp. Năm trăm con dơi đó nghe nhiều lần, một lần nọ rất là hoan hỉ, 500 con dơi buông lìa cái tay và chết.

Do tâm hoan hỉ nghe tạng Diệu Pháp nên sau khi chết, 500 con dơi tái sanh thiên; vào thời Đức Phật thì tái sanh thành 500 người thiện nam cư sĩ. Khi thấy Đức Phật thể hiện song thông lực nên hoan hỉ xin xuất gia. Thấy được tiền duyên như vậy nên Đức Phật dạy tóm tắt những phần thuyết trên cung trời Đạo Lợi cho đức Xá Lợi Phất bảo về dạy cho 500 vị tân tỳ kheo đó. Dứt mùa Hạ đó 500 vị này là người thuộc lòng tạng Thắng Pháp đầu tiên, ngoại trừ đức Xá Lợi Phất. Và sau đó thì các ngài quán sát chứng quả Dự Lưu. Nghe diệu pháp, nghe Thắng Pháp mà có ích lợi!

Rồi Ngài nghỉ ở hồ Anottata xong vào buổi hoàng hôn Ngài xuất hiện lại cõi trời Đao Lợi, khi đó Ngài thu hồi vị hóa Phật và và vị hiện Phật tiếp tục thuyết giảng. Cứ như thế mà ròng rã ba tháng.

Bài viết liên quan

  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì? Ưu Tiên Đối Tượng Nào?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào? Đặt Niềm Tin Vào Đâu?, Web, FB
  • Cả Tin, Dễ Dãi, Nông Cạn, Hồ Đồ, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Có Cần Học Thuộc Lòng Kinh Điển Không?, Web, FB
  • Vì Lý Do Gì Đức Phật Ban Hành Tám Kính Pháp ?, Web, FB
  • Không Nên Tùy Tiện Sử Dụng Y, Bát Của Tỳ Khưu, Web, FB
  • Tái Lập Ni Đoàn. Tại Sao Không?, Web, FB
  • Tái Lập Tỳ Khưu Ni Sẽ Đưa Theravada Về Đâu., Web