Mười hai loại nghiệp (kamma)

Mười Hai Loại Nghiệp (Kamma):

Nghiệp là hành động có tạo quả dị thục, cũng còn gọi là nghiệp dị thời (Nānākhaṇikakamma). Nghiệp đây chính là Tư (Cetanā), thiện hay bất thiện.

Nghiệp có 12 loại là phân loại theo ba khía cạnh: theo chức năng, theo phương thức trổ quả và theo thời gian trổ quả. Trong mỗi khía cạnh được phân loại gồm có 4 thứ nghiệp, nên thành 12 loại nghiệp.

A– Bốn loại nghiệp theo chức năng (Kiccavasena):

1. Sanh nghiệp (Janakakamma), là nghiệp có khả năng tạo quả thức tái sanh.

2. Trì nghiệp (Upatthambhakakamma), là nghiệp có khả năng bảo trì kết quả đã thành tựu để kéo dài thọ vui hay khổ.

3. Chướng nghiệp (Upapīḷakakamma), là nghiệp có khả năng cản trở hay làm giảm bớt mãnh lực của nghiệp khác, làm cho nghiệp khác suy yếu trổ quả nhẹ.

4. Đoạn nghiệp (Upaghātakamma), là nghiệp có khả năng phá vỡ hiệu lực trổ quả của nghiệp khác, làm cho nghiệp khác mất hiệu quả.

B– Bốn loại nghiệp theo phương thức trổ quả (Pākadānapariyāyena):

1. Trọng nghiệp (Garukakamma), là nghiệp có mãnh lực trổ quả chắc chắn, nghiệp có công suất mạnh hơn các nghiệp thông thường. Trọng nghiệp thiện là tám thiền chứng. Trọng nghiệp ác là năm tội vô gián.

2. Thường nghiệp (Bahukakamma hay āciṇṇakamma), là nghiệp quen làm, thường làm, trở thành tập quán, nghiệp này cũng có thiện có ác, tạo ra quả bằng cách thường cận y duyên.

3. Cận tử nghiệp (Āsannakamma), là loại nghiệp được hình thành trước lúc chết, do bất chợt bị chi phối bởi cảnh tượng tốt hoặc xấu lúc sắp lâm chung, rồi khởi tâm thiện hay bất thiện để tạo quả tái sanh.

4. Khinh tác nghiệp (Katattākamma), là nghiệp tạo tình cờ trong bình nhật với tư niệm yếu ớt, không chủ ý lắm, nghiệp này ít khi trổ quả, không quan trọng như trọng nghiệp, thường nghiệp và cận tử nghiệp.

C– Bốn loại nghiệp theo thời gian trổ quả (Pākakālavasena):

1. Hiện báo nghiệp (Diṭṭhadhammavedanīyakamma), là nghiệp có khả năng tạo quả dị thục trong đời hiện tại, sau khi làm. Nghiệp này chính do tâm đổng lực thiện hoặc bất thiện, sát na thứ nhất. Nếu sát na đổng lực này qua đời hiện tại sẽ là vô hiệu nghiệp.

2. Sanh báo nghiệp (Upapajjavedanīyakamma), là nghiệp có khả năng tạo quả dị thục trong đời sống kế tiếp đây. Nghiệp này chính do đổng lực thiện hoặc bất thiện, sát na thứ bảy. Nếu qua đời kế tục thì sẽ là vô hiệu nghiệp.

3. Hậu báo nghiệp (Aparāpariyavedanīyakamma), là nghiệp có khả năng tạo quả dị thục trong những đời sống sau nữa, mãi cho đến khi viên tịch níp–bàn mới là vô hiệu. Chính là đổng lực thiện hay bất thiện, năm sát na giữa.

4. Vô hiệu nghiệp (Ahosikamma), là nghiệp không còn khả năng trổ quả, tức là sự mất hiệu lực của hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp và hậu báo nghiệp.

Mười hai loại nghiệp này được nói đến trong các sớ giải do các vị A–xà–lê góp nhặt rải rác trong kinh tạng.

Vism.601; Comp.144.

Sư Giác Giới biên soạn

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa.

THỰC HÀNH VIPASSANA x THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ