Tái lập tỳ khưu ni sẽ đưa Theravada về đâu

TÁI LẬP TỲ KHƯU NI SẼ ĐƯA THERAVADA VỀ ĐÂU?

Đối với hệ phái Phật giáo, dù là Theravāda (Trưởng Lão Bộ/ Nguyên Thủy) hay Mahāyāna (Đại Thừa / Bắc Tông) hay Bhikkhuyāna (Khất sĩ) đều có những nét riêng biệt về tín ngưỡng, truyền thống và văn hóa bởi chúng thuộc về “lịch sử” mà không ai có thể thay đổi được và cần phải tôn trọng.

Cũng vậy, nét riêng và giáo luật riêng của Phật giáo Theravāda là điều bất khả xâm phạm, dù đó có là một hay một nhóm những trưởng lão trăm hạ có đầu óc “tân tiến”. Bởi yếu tố quyết định sự tồn vong của Giáo Pháp Đức Phật, cũng như hệ phái Phật giáo Theravāda chính là Pháp & Luật được lưu truyền trong Tam Tạng Pāli (Kinh-Luật-Thắng Pháp):

“Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.”( Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Tội ác hình thành khi người ngu cố ý đồng hóa và tạp lẫn với hệ phái khác vì dã tâm muốn tạo ra một hệ phái mới, chân lý mới.Và việc tái lập hội chúng tỳ khưu ni Theravāda ngày nay chính là một “pháp nạn” điển hình.

Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, căn cứ vào lời nói đầu của Bộ Therīgāthā, Ni đoàn Theravāda đã chấm dứt khoảng 500 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết-bàn do không có người nữ kế tục thọ giới Tỳ khưu ni. Tuy nhiên, phong trào tái lập Ni đoàn Theravāda đã xuất hiện gần đây, bắt nguồn từ Srilanka (Tích Lan) dựa trên một “câu chuyện” là :

Vào năm 433 trước CN, các Tỳ khưu ni người Tích lan, theo hướng truyền đạo của vua Adục, đã truyền Đại giới cho chư ni Trung Quốc tại một ngôi chùa ở Nam Kinh. Về sau, Ni đoàn này đã lưu lạc sang “Đài Loan” cho đến hơn 2000 năm sau mới được “phát hiện”. Mặc dù, truyền thống (Theravāda) vẫn được giữ lại, chỉ thay đổi “hình thức theo Bắc Tông”. Trên cơ sở đó, “một nhóm cao Tăng Tích Lan” đã ủng hộ và cho một số tu nữ Tích Lan qua Đài Loan để thọ giới Tỳ khưu ni. Và đó là cách mà Tích Lan đã áp dụng để khôi phục Ni đoàn “Theravada” vào tháng 12 năm 1996 tại Sanath, Ấn độ. Theo nguồn tin khác của một tỳ khưu phương tây, bhikkhu Bodhi, thì các tỳ khưu ni “nguyên bản” hỗ trợ cho việc truyền Đại giới xuất phát từ Hàn Quốc.

Về sau, tại Việt Nam, có một trưởng lão Theravāda (HT. VM) đã “chấp thuận” và cho hai tu nữ đệ tử sang Tích Lan thọ giới và trở thành hai tỳ khưu ni “Theravāda” đầu tiên tại Việt Nam.

(Tham khảo nguồn youtube )

Thật sự mà nói, một người học Phật căn bản cũng đủ thấy ra được khởi điểm “đầy hư cấu” của câu chuyện này. Bởi để tỳ khưu ni có thể hình thành trên thế gian theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Ānanda, cũng như bà Gotamī, Đức Phật đã chế định Tám Trọng Pháp cho những ai muốn trở thành tỳ khưu ni phải nghiêm trì cho đến trọn đời.

Sự kiện các tỳ khưu ni Tích Lan có thể “độc lập” đi truyền đạo tận Trung Quốc vào năm 433 trước CN là điều không thể xảy ra! Bởi nó đi ngược lại với các Trọng Pháp ấy:

* “Tỳ-khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời”.

** “Tỳ-khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.”

Hơn nữa, theo truyền thống Theravāda, giai đoạn thọ đại giới Tỳ khưu ni phải do nhị bộ Tăng thực hiện. Nghĩa là phải có cả Ni đoàn lẫn Tăng Đoàn hiện hành cùng truyền giới:

*** “Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu SỰ TU LÊN BẬC TRÊN ở CẢ HAI HỘI CHÚNG. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.”

Và điều này đã được kết tập đầy đủ và rõ ràng trong cả Tạng Kinh và Tạng Luật (Tiểu Phẩm – Chương Tỳ Khưu Ni).

GIẢ SỬ có sự hiện diện của Nhị Bộ Tăng vào thời điểm ấy, vì sao sử liệu Theravada không có ghi chép ? Cũng như Tăng Đoàn Tích Lan không có ghi nhận về sự kiện này. Mãi đến hơn hai ngàn năm sau, mới được phát hiện bởi một người mộ đạo phương Tây?

GIẢ SỬ việc truyền Đại Giới là có thật & thành tựu, thì việc duy trì và kế tục thế hệ tỳ khưu ni suốt hơn hai ngàn năm từ Trung Quốc cho đến Đài Loan hay Hàn Quốc dựa vào đâu khi chỉ có còn mỗi Ni Đoàn?

Hơn nữa, Đức Phật chỉ cho phép vị tỳ khưu ni mỗi năm tiếp độ 1 người: “Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ hai người trong một năm thì phạm tội pācittiya.” (Tạng Luật- Chương Tỳ khưu ni- Điều học thứ ba)

Trước khi tiếp độ, cô ni tu tập sự phải thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm, bằng không vị tỳ khưu ni ấy phạm tội :“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ cô ni tu tập sự chưa thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm thì phạm tội pācittiya.” (Chương Tỳ khưu ni- Điều học thứ ba)

Sau khi tiếp độ hai năm mà không có sự chấp thuận từ TĂNG CHÚNG, vị ấy cũng phạm tội:

“Vị tỳ khưu ni nào tiếp độ cô ni tu tập sự đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm (nhưng) chưa được hội chúng chấp thuận thì phạm tội pācittiya.” (Chương Tỳ khưu ni- Điều học thứ ba).

Lại nữa, điều trơ tráo phi lý kế tiếp được các “Cao Tăng” chấp nhận một cách bất chấp là “Ni tướng” của các Tỳ kheo ni này không thuộc Theravāda, trong khi, Đức Phật đã quy định :“Vị tỳ khưu ni nào vượt quá năm ngày thiếu vắng y hai lớp thì phạm tội pācittiya.”( Điều học thứ tư- Tạng Luật- Chương tỳ khưu ni)

*Y hai lớp (saṅghāṭi), thượng y (uttarāsaṅgo), y nội (antaravāsako), áo lót (saṅkaccikaṃ), vải choàng tắm (udakasāṭikā). Năm thứ y này cần phải có khi tu lên bậc trên (Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV tập 07, chương X, trang 515).

Lại nữa, nghi thức hình thành vị tỳ khưu ni dòng Sakya đầu tiên trên thế gian, bà Gotamī, do chính Đức Phật và chỉ xảy ra 1 lần trong Giáo Pháp nên Tạng Luật đã không ghi chép gì về nghi thức “khởi thủy” này. Bởi không ai có thể có thẩm quyền ngang Đức Phật để thực hiện dù là Tăng Chúng.

Sau khi xuất hiện vị tỳ khưu ni đầu tiên, để tiếp tục hình thành Ni-đoàn trến thế gian, Đức Phật mới chế định luật đến Tăng Chúng nhằm hỗ trợ cho Tăng sự này :

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu được ban phép tu lên bậc trên đến các tỳ khưu ni.” (Tạng Luật – Tiểu Phẩm – Chương Tỳ Khưu Ni)

Tuy vậy, có những “tỳ-khưu học giả” đã dựa vào những sự kiện này để xuyên tạc cho đó là “sự ủy quyền” của Đức Phật đến chư tỳ-khưu trong việc ban phép tu lên bậc trên cho tất cả các người nữ khi gặp phải hoàn cảnh “đặc biệt”. Đây là cách mà tăng đoàn Sri Lanka đã áp dụng ở Sarnath để ban phép tu lên bậc trên cho các nữ đạo sĩ/nữ cư sĩ Sri Lanka lần truyền giới thứ hai. Và như vậy họ đi ngược lại lời dạy của Đức Phật:

“Không nên quy định điều không được quy định hoặc không nên hủy bỏ điều đã được quy định. Nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định.”

(Tạng Luật – nissaggiya pācittiya 5)

Không những vậy, những tỳ khưu nào đã tiếp tay tạo ra những điều phi chơn, phi luật, xuyên tạc Pháp & Luật trong Tăng Chúng, theo lời Đức Phật, họ là những kẻ PHÁ HÒA HỢP TĂNG.

“Ở đây, này Upāli, các Tỷ-kheo thuyết phi pháp là pháp; thuyết pháp là phi pháp; thuyết phi luật là luật; thuyết luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết; thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường sở hành; thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai không thường sở hành; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai không có chế đặt. Chính do mười sự này, họ phá hoại, họ chia rẽ, họ hành bất động yết-ma, họ tuyên đọc giới bổn Pātimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upāli, là chúng Tăng bị phá hoại (Tăng Chi Bộ – Chương X – Phá Hòa Hợp Tăng)”

“Kẻ chia rẽ hội chúng là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp. Kẻ thích thú với phe nhóm, sống sai Pháp, làm tiêu hoại sự an ổn của thiền, sau khi đã chia rẽ hội chúng có sự hợp nhất, bị nung nấu trong địa ngục trọn kiếp.” (Tạng Luật – Tiểu Phẩm 2 – Chương Chia Rẽ Hội Chúng)

“Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ chia rẽ hội chúng là thầy tế độ” (Tạng Luật – Đại Phẩm – Chương Trọng Yếu (MAHĀKHANDHAKAṂ))

Thật sự, với những dẫn chứng đưa ra về việc tái lập Ni đoàn Theravāda, nếu là một người học Phật không bị liệt tuệ sẽ thấy ra được rất nhiều vấn đề:

1/Sự tái lập Ni Đoàn “Theravāda” với sự trao truyền đại giới của Ni đoàn Mahāyāna và “một nhóm Cao Tăng có hình tướng Theravāda” là thành tựu hay không ? Nếu không thành tựu, thì những người nữ đắp y mang hình tướng tỳ khưu ni “Theravāda” phải chăng là trộm Ni Tướng và lừa đảo?

2/ Có chăng sự kiện một người ác giới, lừa đảo có thể thành tựu giải thoát trong Giáo Pháp này?

3/ Sự hộ độ Gíao Pháp của Thí chủ sẽ đi về đâu khi người thọ thí không có giới và là đứa con không thừa nhận của Phật giáo Theravāda?

4/ Sự cố ý tạp lẫn Giới Luật giữa Giải Thoát Đạo Theravāda và Bồ Tát Đạo Mahāyāna với mục đích gì?

5/ Nếu việc trao truyền Đại giới tỳ khưu ni Theravāda từ Ni đoàn Mahāyāna được chấp thuận thì trong tương lai gần, việc thọ đại giới tỳ khưu Theravāda cũng có thể được đảm trách bởi các Hòa Thượng Mahāyāna?

6/ Các tu nữ Theravāda đang tu hành chân chính sẽ đi về đâu? Hay phải cúi đầu, cung kính, đãnh lễ và nghe giáo giới từ các ÁC NI giả mạo?

7/ Phải chăng, mục đích của việc tái lập ni đoàn Theravāda xuất phát từ tính nhân văn bình quyền cho nữ giới hay chỉ là cái cớ thâm độc để hủy hoại, xuyên tạc và phỉ báng Giới luật Phật giáo Theravāda và chia rẽ Tăng Đoàn Theravāda?

8/ Vì sao Ác Sự này lại được chấp thuận và hợp pháp hoá bởi một số Trưởng Lão Theravāda? Chẳng lẽ họ không hiểu Luật Theravāda? Hay họ cố tình không quan tâm đến Pháp và Luật Theravāda? Nếu vậy thì họ là ai? Phải chăng chỉ là những kẻ ngoại đạo trá hình với tấm y vàng và danh xưng TRƯỞNG LÃO?

Và theo lời Đức Phật, họ chỉ là TRƯỞNG LÃO NGU:

“Nếu trưởng lão, này các Tỷ-kheo, là 80 tuổi, hay 90 tuổi, hay 100 tuổi đời, và nếu vị ấy nói phi thời, nói phi chân, nói phi nghĩa, nói phi pháp, nói phi luật, nói những lời không đáng giữ gìn, lời nói không hợp thời cơ, không hợp lý, không có giới hạn, không có liên hệ đến mục đích, thời vị ấy chỉ được gọi là vị trưởng lão ngu.”

(Tăng Chi Bộ – Phẩm Uruvelā)

Không những ngu mà họ còn là những kẻ vô ơn, bất kính đối với Tam Bảo, đối với hệ phái Theravāda bởi tất cả những lợi dưỡng, lợi ích mà họ có được đều từ tấm y và từ sự hộ độ của hàng học Phật Theravāda.

Đối với những Truởng Lão Ngu, không biết Pháp & Luật, theo Đức Phật, họ không có thẩm quyền ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ:

“Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có khả năng để huấn luyện các điều học thuộc về phận sự căn bản, (không có khả năng) để hướng dẫn các điều học thuộc về phần đầu của Phạm hạnh, (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Pháp (abhidhamma), (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Luật (abhivinaya) , (không có khả năng) để phân tách đúng theo Pháp xu hướng tà kiến đã được sanh khởi cho đệ tử hay học trò.

Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.”

(Tạng Luật, Đại Phẩm ,Chương Trọng Yếu ,Tụng Phẩm thứ bảy)

9/ Và có chăng sự kiện, một Trưởng lão ngu vì tham nhận giữ tiền bạc & danh vọng bất chấp giới luật có thể giác ngộ?

“Không viên mãn các giới luật, sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này không xảy ra (VII. Phẩm Chư Thiên/ Tăng Chi Kinh)”

Cuối cùng, việc hộ độ cho những TRƯỞNG LÃO NGU này cho đến hội chúng tỳ khưu ni giả mạo từ hàng học Phật chỉ là sự tiếp tay phá hoại GIÁO PHÁP của Đức Phật và sớm đưa hệ phái Theravāda đến chỗ diệt vong.

PQ

Ps: Mong các đạo hữu có Tâm với Phật Giáo Theravada mạnh tay chia sẻ bài viết này, không cần xin phép, để nó có thể đến nơi cần phải đến ! Sadhu! Sadhu!

Cre: Nguyen Tuan Khiem