Tại Sao Phải Thực Hành Như Gươm Kề Cổ
TẠI SAO PHẢI THỰC HÀNH NHƯ GƯƠM KỀ CỔ?
✺✺✺✺✺✺✺✺✺✺✺✺✺✺
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại một thị trấn của dân chúng Sumbha tên là Sedaka.
Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ–kheo …
– Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ–kheo, tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!”. Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rủ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rủ của mình, hát cho họ nghe.
Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát”.
Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau:
“Này Ông, hãy xem đây. Ðây là cái bát đầy dầu. Ông hãy đội bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống”.
Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ–kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Ví dụ này, này các Tỷ–kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó.
Này các Tỷ–kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.
Do vậy, này các Tỷ–kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng (susamàraddhà)”.
Như vậy, này các Tỷ–kheo, các Ông cần phải học tập.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – 47: Tương ưng niệm xứ – II. Phẩm nālanda – 22. Quốc Ðộ (hay Ekantaka)
❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁
GHI CHÚ 1: Thân Hành Niệm
❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁
Trong Thanh Tịnh Đạo có giới thiệu chi tiết về 14 pháp thân hành niệm như sau:
Bây giờ đến phần mô tả sự tu tập thân hành niệm kể như đề mục thiền, một pháp tu chưa hề được công bố trước khi Ðấng Ðại Giác xuất hiện, vượt ngoài lãnh vực của ngoại đạo.
Pháp môn ấy đã được đức Thế tôn ca tụng bằng nhiều cách, trong nhiều kinh như:
“Này các tỷ kheo, có một pháp này, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ minh và giải thoát. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm”. (A i, 43).
Và: “Hỡi các tỷ kheo, ai thưởng thức thân hành niệm người ấy nếm vị bất tử, ai không thưởng thức thân hành niệm người ấy không được nếm vị bất tử. Trong quá khứ, những ai đã nếm vị bất tử đều đã thưởng thức thân hành niệm. Những ai đã được pháp thân hành niệm, chính họ đã tìm thấy bất tử” (A. i, 45).
Pháp này đã được mô tả trong 14 phần trong đoạn kinh bắt đầu như sau: “Này các tỷ kheo, thế nào là thân hành niệm được tu tập, được làm cho sung mãn có quả báo lớn, có lợi lạc lớn? Ở đây, này tỳ kheo, vị tỷ kheo đi đến khu rừng…” (M. iii, 89)
Mười bốn pháp thân hành niệm đó là những pháp quán niệm ⑴ về hơi thở, ⑵ về bốn oai nghi, ⑶ về các loại tỉnh giác, ⑷ về thân bất tịnh – 32 thể trược, ⑸ về phân tích tứ đại, và ⑹ –> ⒁ về chín pháp quán tử thi trên nghĩa địa.
Nguồn trích dẫn: Thanh Tịnh Đạo
❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁
GHI CHÚ 2: 10 CÔNG ĐỨC CỦA THÂN HÀNH NIỆM
❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁❁
Này các Tỷ–kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười?
(1) Lạc bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên;
(2) khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi được khởi lên.
(3) Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng.
(4) Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn Thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú.
(5) Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện một thân; hiện hình biến đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết–già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm thiên;
(6) với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần.
(7) Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loại người; tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham, biết tâm không tham; tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân, biết tâm không sân; tâm có si, biết tâm có si; tâm không si, biết tâm không si; tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn; tâm đại hành, biết tâm đại hành; tâm không đại hành, biết tâm không đại hành; tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết tâm vô thượng; tâm Thiền định, biết tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết tâm không Thiền định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát.
(8) Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết.
(9) Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
(10) Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc.
Này các Tỷ–kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể mong đợi.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ–kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 119. Kinh Thân hành niệm (Kàyagatàsati sutta)
Bài Viết Liên Quan
- Ghê Sợ Tội Lỗi – Hiri, Hổ Thẹn Tội Lỗi – Ottappa, Web, FB
- Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
- Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
- Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB