Ai Không Tâm An Trú (Pháp Cú 38)

Ảnh chụp trước giờ đi khất thực tại thiền viện Tharmaneykyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar, cùng ba vị hộ tăng của Sư, ba vị này xuất gia gieo duyên 10 ngày nhân dịp khóa tu Lễ hội té nước đón mừng năm mới 2014.

Ở Miến điện, người nam khi đầy đủ nhân duyên thì xuất gia làm Tỳ Khưu suốt đời, hoặc chưa thể xuất gia suốt đời thì chí ít cũng xuất gia gieo duyên một vài ngày, một tuần, mươi ngày hoặc lâu hơn. Do nghiệp duyên chướng ngại khi xuất gia suốt đời, mà có người xả y, hoàn tục và sau đó lại xuất gia lại, theo tập tục truyền thống (chứ không phải là điều luật ghi trong giới luật) tổng cộng tối đa có thể xuất gia 6 hoặc 7 lần theo tích chuyện sau:

Trưởng Lão Cittahattha

Ai không tâm an trú …
Lúc ngụ tại Xá-vệ, Phật đã dạy Trưởng lão Cittahattha, người-bị- tâm-sai-sử câu kệ trên.
Một chàng trai thuộc gia đình khả kính sống ở Xá-vệ vào rừng kiếm con bò bị lạc. Giữa trưa anh tìm thấy và đưa nó về bầy. Nhưng đói khát quá, anh vào tịnh xá gặp các Tỳ-kheo cúi chào và đứng cung kính một bên. Thấy anh quá kiệt sức, các Tỳ-kheo chỉ thức ăn thừa trong bình, bảo anh lấy ăn (khi Phật còn hiện đời luôn luôn có cháo được cúng dường dồi dào cùng với nhiều thứ nước sốt và cà ri). Chàng trai ăn uống no nê xong rửa tay, chào các Tỳ-kheo và hỏi:
– Chư Tôn giả! Chắc hôm nay nhà nào mới thỉnh các Ngài?
– Không cư sĩ ạ! Các Tỳ-kheo thường xuyên nhận được thức ăn như thế.
Chàng trai thấy rằng dù làm lụng tích cực vất vả liên tục ngày và đêm cũng không bao giờ được cháo ngon như vậy. Trong khi các Tỳ-kheo, theo lời họ, vẫn được ăn liên miên. Thế tại sao ta cứ sống đời cư sĩ ? Ta sẽ xuất gia. Anh đến các Tỳ-kheo xin và được nhận vào Tăng đoàn. Sau khi làm tròn bổn phận chính và phụ chỉ trong vài ngày được chia phần trong số phẩm vật cúng dường, anh tròn trịa và phương phi hẳn ra, nhưng rồi anh hết thích đời sống khất thực nên hoàn tục.
Trở về nhà làm việc chỉ vài ngày thân hình anh lại tiều tụy. Anh lại xuất gia, rồi bất mãn, rồi lại về nhà. Thời gian ở chung, anh hay giúp đỡ các Tỳ-kheo nên về nhà rồi xin tu trở lại, họ nghĩ tình chấp nhận. Cứ như thế anh ra vào đến sáu lần liên tiếp. Các Tỳ-kheo đặt tên anh là Cittahattha, tức người bị tâm sai sử.
Ra vào lui tới như thế, vợ anh mang thai. Lần thứ bảy anh từ rừng trở về mang theo nông cụ. Cất nông cụ xong anh bước vào phòng, lòng phân vân ray rứt muốn khoác y trở lại. Bấy giờ vợ anh đang ngủ, quần áo trong tuột ra, nước miếng nhễ nhại, miệng mở toang hoác, ngáy vang trời, trông chẳng khác nào một tử thi trương phình lên. Anh thấy rõ trong thế gian này tất cả đều vô thường và khổ não. Liền đó anh nhận ra suốt thời gian đi tu chỉ vì nghĩ đến cô ta mà anh thối tâm nản chí. Tay nắm viền chiếc y vàng, anh vừa quấn vào bụng vừa chạy ra khỏi nhà.
Mẹ vợ anh chợt thấy anh phóng vụt qua, kêu lên thất thanh, nhưng anh chẳng thèm nghe, một mực chạy thẳng. Bà chỉ còn biết lầm bầm:
– Cái gã phản bội này, vừa mới từ rừng về, lại bỏ nhà, mình quấn y mà chạy vào tịnh xá. Thế là sao?
Bước vào nhà thấy con gái nằm ngủ, bà hiểu ngay lý do. Bà lay con gái dậy mắng:
– Dậy đi, đồ phù thủy! Chồng mày thấy mày nằm ngủ, nó gớm ghiếc quá nên bỏ đi rồi. Mày không còn chồng nữa kể từ đây!
Cô gái dịu mắt, giọng lè nhè:
– Ði đi, mẹ! Anh ta đi hay ở có gì quan trọng đâu! Vài bữa nữa anh ta lại về.
Trên đường, Cittahattha ôn đi ôn lại câu “Các pháp trong thế gian đều vô thường, trói buộc trong đau khổ”, và anh chứng quả Dự lưu. Ðến gặp các Tỳ-kheo anh cúi chào và xin vào Tăng đoàn. Lần này anh bị từ chối quyết liệt:
– Không! Chúng tôi không thể nhận anh. Tại sao anh đi tu nữa? Ðầu anh cứng như cục đá mài.
Anh khẩn khoản:
– Chư Tôn giả! Hãy nhận con vào Tăng đoàn một lần nữa thôi!
Và chỉ sau vài ngày ông chứng quả A-la-hán cùng các thần thông. Các Tỳ-kheo không hiểu tại sao lần này ông ở lâu, được ông giải thích là trước đây ông còn quyến luyến thế gian nên rời bỏ Tăng đoàn, nay đã cắt hết mọi trói buộc nên không bỏ đi nữa. Các Tỳ-kheo không tin, thưa lại với Thế Tôn câu chuyện. Phật bảo:
– Ðúng vậy, các Tỳ-kheo! Ðệ tử của Ta khi tâm không kiên định, khi không biết pháp lành thì đi tu cứ hay về nhà. Nhưng bây giờ ông ta đã buông bỏ cả thiện và ác.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(38) Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp,
Tịnh tín bị rúng động,
Trí tuệ không viên thành.
(39) Tâm không đầy tràn dục
Tâm không (bận) công phá,
Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi.

Nguồn trích dẫn: Tích truyện Pháp Cú, Nguyên tác: “Buddhist Legends”, Eugene Watson Burlingame, III. Phẩm Tâm

Bài viết trên Facebook, 28 tháng 6, 2016