Bạn đã từ bỏ tất cả để sẵn sàng ra đi

BẠN ĐÃ TỪ BỎ TẤT CẢ ĐỂ SẴN SÀNG RA ĐI?

HAVE YOU GIVEN IT ALL UP READY TO GO?

––––––––––––––––––––––––––––––

“Nếu bạn đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để ra đi trong khoảng khắc tiếp theo, bạn sẽ biết cách trân quý từng khoảng khắc trong hiện tại để tạo thêm duyên lành dẫn đến giác ngộ giải thoát, hoặc chí ít cũng dẫn đến cảnh giới tái sinh tốt lành trong cõi thiên – nhân.”

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

––––––––––––––––––––––––––––––

NIỆM CHẾT – Trích lục kinh điển

Bhikkhu Thanissaro (1999), Mindfulness of Death

From: https://budsas.blogspot.com/2020/05/niem–chet–trich–luc–kinh–ien.html?m=1

––––––––––––––––––––––––––––––

§01. Có năm sự kiện này cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi người tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm?

(1) Ta sẽ già, không thoát khỏi già;

(2) ta sẽ bệnh, không thoát khỏi bệnh;

(3) ta sẽ chết, không thoát khỏi chết;

(4) tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ chuyển đổi khác đi, sẽ biến diệt;

(5) ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa; phàm nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.

Do vị ấy thường xuyên quán sát năm sự kiện này, con đường được sinh khởi. Vị ấy sử dụng con đường đó, tu tập, làm cho sung mãn. Từ đó, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được tiêu trừ.

– AN 5.57

––––––––––––––––––––––––––––––

§02. Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại giảng đường bằng gạch. Tại đấy, Thế Tôn bảo các tỳ–khưu: “Này các tỳ–khưu!”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các tỳ–khưu ấy vâng đáp. Thế Tôn nói như sau:

“Niệm chết, này các tỳ–khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các tỳ–khưu, các thầy có tu tập niệm chết không?”

(1) Ðược hỏi vậy, một tỳ–khưu bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(2) Một tỳ–khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(3) Một tỳ–khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn thức ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(4) Một tỳ–khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt bốn hoặc năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(5) Một tỳ–khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

(6) Một tỳ–khưu khác bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.”

“Này tỳ–khưu, thầy tu tập niệm chết như thế nào?”

“Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian thở ra sau khi thở vào, hay thở vào sau khi thở ra, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’ Bạch Thế Tôn, đó là cách con tu tập niệm chết.”

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị tỳ–khưu ấy:

“Này các tỳ–khưu, tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau:

(1) ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày và một đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và

(2) tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn một ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và

(3) tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn thức ăn khất thực, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và

(4) tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt bốn hoặc năm miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’: NHỮNG TỲ–KHƯU ẤY ĐƯỢC GỌI LÀ NHỮNG VỊ SỐNG PHÓNG DẬT. NHỮNG VỊ ẤY TU TẬP NIỆM CHẾT MỘT CÁCH UỂ OẢI ĐỂ ĐOẠN DIỆT CÁC LẬU HOẶC.

“Nhưng

(5) tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian ăn và nuốt một miếng đồ ăn, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’; và

(6) tỳ–khưu nào tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống bằng thời gian thở ra sau khi thở vào, hay thở vào sau khi thở ra, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã thực hành trọn vẹn như vậy!’: NHỮNG TỲ–KHƯU ẤY ĐƯỢC GỌI LÀ NHỮNG VỊ SỐNG KHÔNG PHÓNG DẬT. NHỮNG VỊ ẤY TU TẬP NIỆM CHẾT MỘT CÁCH SẮC SẢO ĐỂ ĐOẠN DIỆT CÁC LẬU HOẶC.

“Do vậy, này các tỳ–khưu, các thầy cần phải tu tập như sau: ‘Ta sẽ sống không phóng dật. Ta sẽ tu tập niệm chết một cách sắc sảo để đoạn diệt các lậu hoặc.’ Các thầy cần phải tu tập như thế.”

– AN 6:19

––––––––––––––––––––––––––––––

§3. Một thời, Thế Tôn trú ở Nādika, tại giảng đường bằng gạch. Tại đấy, Thế Tôn bảo các tỳ–khưu:

“Này các tỳ–khưu, niệm chết nếu được tu tập, được làm cho sung mãn thì sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào?

🔺 “Ở đây, này các tỳ–khưu, khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, vị tỳ–khưu suy tư như sau: ‘Có nhiều nguyên nhân làm cho ta chết:

(1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là một chướng ngại cho ta.

(2) Ta có thể vấp ngã và té xuống; hay

(3) cơm ta ăn có thể không tiêu hóa; hay

(4) mật có thể khuấy động ta; hay

(5) đàm có thể khuấy động ta; hay

(6) các loại gió trong thân sắc như kiếm có thể khuấy động ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.’

🔸 “Này các tỳ–khưu, vị tỳ–khưu ấy cần phải suy xét như sau:

‘Ta có những pháp ác bất thiện nào chưa được đoạn tận không? Nếu ta lỡ chết đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta.’

Trong khi suy xét như vậy, nếu biết được vẫn còn các pháp ác bất thiện, vị ấy phải đoạn tận các pháp đó.

Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để dập tắt lửa.

Cũng vậy, vị tỳ–khưu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện đó.

🔹“Nhưng nếu tỳ–khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau:

‘Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận mà nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta’ thì vị ấy nên sống hoan hỷ, an vui, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

🔺 “Ở đây, này các tỳ–khưu, khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, vị tỳ–khưu suy tư như sau:

‘Có nhiều nguyên nhân làm cho ta chết:

(1) Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là một chướng ngại cho ta.

(2) Ta có thể vấp ngã và té xuống; hay

(3) cơm ta ăn có thể không tiêu hóa; hay

(4) mật có thể khuấy động ta; hay

(5) đàm có thể khuấy động ta; hay

(6) các loại gió trong thân sắc như kiếm có thể khuấy động ta, và ta có thể chết. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.’

🔸 “Này các tỳ–khưu, vị tỳ–khưu ấy cần phải suy xét như sau:

‘Ta có những pháp ác bất thiện nào chưa được đoạn tận không? Nếu ta lỡ chết đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta.’

Trong khi suy xét như vậy, nếu biết được vẫn còn các pháp ác bất thiện, vị ấy phải đoạn tận các pháp đó.

Ví như áo bị cháy hay đầu bị cháy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để dập tắt lửa. Cũng vậy, vị tỳ–khưu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, hăng hái, nỗ lực, không có thối chuyển, niệm và tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện đó.

🔹“Nhưng nếu tỳ–khưu ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: ‘Ta không có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận mà nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta’ thì vị ấy nên sống hoan hỷ, an vui, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

“Này các tỳ–khưu, niệm chết nếu được tu tập như thế, được làm cho sung mãn như thế thì sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.”

– AN 6.20

––––––––––––––––––––––––––––––

§4. Nhân duyên ở Sāvatthi. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

🔹“Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu lại?”

🔸“Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những công việc hoàng gia của các vua chúa Sát–đế–lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng dục lạc, cai trị an toàn cả quốc độ, và chinh phục vùng lãnh thổ rộng lớn.”

🔹“Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến gặp Ðại vương từ phương Ðông, thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến gặp và thưa:

‘Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con đến từ phương Ðông và thấy tại đấy một ngọn núi cao tận trời mây, đang di chuyển đến đây và chà đạp, đè bẹp tất cả loài hữu tình. Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm.’

Rồi một người khác đến từ phương Tây…

Rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc…

Rồi một người thứ tư đến từ phương Nam, thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến gặp và thưa:

‘Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con đến từ phương Nam và thấy tại đấy một ngọn núi cao tận trời mây, đang di chuyển đến đây và chà đạp, đè bẹp tất cả loài hữu tình. Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm.’

Như vậy, thưa Ðại vương, nếu sự kiện nguy hiểm to lớn như thế xảy ra, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người quả thật khó khăn, thì Ðại vương có thể làm được những gì?”

🔸“Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu sự kiện nguy hiểm to lớn như thế xảy ra, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người quả thật khó khăn, thì con không thể làm được những gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

“Thưa Ðại vương, Ta nói cho Ðại vương biết, Ta báo cho Ðại vương hay: Già và chết đang tiến đến chinh phục Ðại vương. Khi Ðại vương bị già và chết đến chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì?”

🔸“Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết đến chinh phục, thì con không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.

“Bạch Thế Tôn, có những trận chiến với tượng binh của các vua chúa Sát–đế–lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng dục lạc, cai trị an toàn cả quốc độ, và chinh phục vùng lãnh thổ rộng lớn. Nhưng các trận chiến ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục. Bạch Thế Tôn, có những trận chiến với mã binh … với xa binh… với bộ binh … Nhưng các trận chiến ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

🔸“Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có những đại thần tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng các trận chiến chú thuật ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

🔸“Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số lượng vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với tài sản ấy chúng con có thể làm suy yếu quân địch khi chúng tấn công. Nhưng các trận chiến tài sản ấy không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già và chết đến chinh phục.

🔸“Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết đến chinh phục, thì con không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

🔹“Đúng thế, thưa Ðại vương! Đúng thế, thưa Ðại vương! Khi Ðại vương bị già và chết đến chinh phục, thì Đại vương không thể làm được gì cả, ngoại trừ sống đúng Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.”

🔹Thế Tôn nói như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư nói thêm:

Như núi đá rộng lớn,

Dựng đứng lên hư không,

Tiến tới tràn xung quanh,

Áp đè cả bốn phía.

Cũng vậy, già và chết

Di chuyển đến hữu tình.

Giai cấp Sát–đế–lỵ,

Bà–la–môn, Phệ–xá,

Thủ–đà, Chiên–đà–la

Kẻ đổ rác, đổ phân,

Không một ai thoát khỏi,

Tất cả bị chinh phục.

Ở đây không tượng binh,

Không xa binh, bộ binh,

Không trận chiến chú thuật,

Không trận chiến tài sản

Có thể giúp chiến thắng,

Chống với già, với chết.

Do vậy người hiền trí,

Thấy rõ phần tự lợi,

Người trí đặt tin tưởng,

Vào Phật, Pháp và Tăng.

Ai với thân, khẩu, ý,

Hành trì đúng Chánh pháp,

Ðời này được tán thán,

Ðời sau, hưởng phước trời.

– SN 3.25

––––––––––––––––––––––––––––––

§5.

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Ðêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi nhất dạ hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

– MN 131

––––––––––––––––––––––––––––––

§6. “Này bà–la–môn Jānussoṇī, những người nào biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết?

❶ “Ở đây, có hạng người đã ly tham đối với các khoái cảm dục lạc, ly ham muốn, ly luyến ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy không kêu than: ‘Các khoái cảm dục lạc này sẽ bỏ ta, ta sẽ phải từ bỏ các khoái cảm dục lạc này!’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

❷ “Lại nữa, có người ly tham đối với thân, ly ham muốn, ly luyến ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy không kêu than: ‘Thân khả ái này sẽ bỏ ta, ta sẽ phải từ bỏ thân khả ái này!’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

❸ “Lại nữa, có người không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, và làm điều lành, làm điều thiện, luôn che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, luôn che chở kẻ sợ hãi. Khi chết đi, ta sẽ tái sinh vào các cõi giới tốt lành.’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

❹ “Lại nữa, có người không nghi ngờ, không do dự, có tâm tín thành với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Thật sự ta không nghi ngờ, không do dự, có tâm tín thành với diệu pháp.’ Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào mê sảng. Đây là người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.

“Này bà–la–môn, đó là bốn hạng người biết mình sẽ chết nhưng không run sợ, không hoảng loạn trước cái chết.”

– AN 4.184

––––––––––––––––––––––––––––––

§7.

“Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa chỉ cháy đỏ khi nào có nhiên liệu, không thể cháy nếu không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về tái sinh của một người có nhiên liệu, không phải của người không có nhiên liệu.”

“Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho ngọn lửa này?”

“Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, Ta nói chính gió là nhiên liệu. Khi ấy, này Vaccha, gió là nhiên liệu.”

“Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này nhưng chưa sinh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?”

“Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và chưa sinh vào một thân khác, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái là nhiên liệu. Khi ấy, này Vaccha, ái là nhiên liệu.”

– SN 44.9

––––––––––––––––––––––––––––––

§8.

Mogharaja hỏi:

Bạch Ngài Gô–ta–ma,

Con có một câu hỏi:

Cần nhìn đời thế nào

Ðể thần chết không thấy?

Đức Phật trả lời:

Này Mô–gha–ra–ja,

Hãy nhìn đời trống không.

Luôn luôn giữ chánh niệm,

Nhổ bỏ các ngã kiến.

Như vậy vượt tử vong.

Hãy nhìn đời như thế,

Thần chết không thấy được.

– Sn 5.15

––––––––––––––––––––––––––––––

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn

Bài viết liên quan

  • Niệm chết như thế nào, Web, FB
  • Tu tập niệm chết như thế nào, Web, FB
  • Phải làm gì trước khi tử thần ập đến, Web Link
  • Đời là bể khổ: không ai không già và không chết – chỉ có thiện pháp không già, Web Link
  • Quán niệm 32 thể trược, Web, FB
  • Thân hành niệm, Web, FB

16 tháng 2 lúc 16:04 ·2023