Niệm Chết Như Thế Nào – P2

[lwptoc]

NIỆM CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

💀💀💀💀💀💀💀💀💀💀

Ðịnh Nghĩa

Ở đây, chết (marana) là sự gián đoạn mạng căn được giới hạn trong một đời sống.

Nhưng chết kể như sự đứt đoạn, nói cách khác sự chấm dứt cái khổ luân hồi nơi một bậc A–la–hán, thì không phải là điều muốn nói ở đây, cũng không phải là cái chết trong chốc lát, cũng không phải cái chết trong nghĩa thường dùng “như cây chết”, “kim loại chết” v.v…

Chết Đúng Thời & Chết Phi Thời

Cái chết muốn nói ở đây gồm hai loại, nghĩa là cái chết đúng thời và cái chết phi thời.

Ở đây, chết đúng thời xảy đến cùng sự hết phước đức hoặc hết thọ mạng hoặc hết cả hai thứ phước và thọ.

Chết phi thời là cái chết xảy ra do cái nghiệp đến gián đoạn sanh nghiệp.

* Chết Đúng Thời:

Ở đây, cái chết do hết phước đức là một danh từ để chỉ cái loại chết xảy đến chỉ do hậu quả của nghiệp đưa đến tái sinh ở đời trước đã chấm dứt mặc dù những điều kiện thuận lợi cho sự kéo dài tương tục tính của một đời có thể đang còn.

Cái chết do thọ mạng tận là danh từ để chỉ loại chết xảy đến do sự chấm dứt thọ mạng thông thường của con người ngày nay, chỉ gồm một trăm năm, do sự thù thắng về mạng (như Chư Thiên có), hoặc về thời gian (như đầu một thời kiếp thì có), hoặc về thức ăn (nhu những Uttarakurù v.v… có).

* Chết Phi Thời:

Chết phi thời là danh từ chỉ cái chết của những người mà tương tục thọ mạng bị gián đoạn vì nghiệp có khả năng khiến chúng đoạ (cànava) khỏi vị trí của chúng ngay lúc ấy, như trường hợp Dùsi– Màra (xem M. i, 337). Kàlaburajà(xem Jà, iii. 39), v.v… Hoặc chỉ cái chết của những người mà sự tương tục thọ mạng bị gián đoạn do sự tấn công bằng khí giới v.v… vì nghiệp đời trước.

Tất cả những loại chết này được bao gồm dưới sự chấm dứt mạng căn thuộc loại đã mô tả, Bởi thế Niệm chết là sự nhớ lại cái chết, nói khác đi, nhớ lại sự gián đoạn mạng căn.

Tu Tập

Một người muốn tu tập phép quán này, cần đi vào độc cư và luyện sự tác ý một cách có trí tuệ như sau: “Chết sẽ xảy đến, mạng căn sẽ bị gián đoạn”, hay: “Chết, chết”.

* Tác Ý Thiếu Trí Tuệ:

Nếu luyện tập sự tác ý một cách thiếu trí tuệ khi niệm cái chết (có thể xảy ra) của một người thân thì ⑴ sầu ưu sẽ sinh khởi, như khi một người nọ nghĩ đến cái chết của một đứa con cưng, và ⑵ niềm hoan hỷ sinh khởi khi nghĩ đến cái chết của một người mình ghét, như khi những người thù nghĩ đến cái chết của người, và ⑶ không một ý thức khẩn trương (sense of urgency) nào khởi lên khi tưởng cái chết của kẻ không thân không thù, như trường hợp xảy ra nơi một người thiêu tử thì khi thấy một thấy chết, và ⑷ sự lo ngại khởi lên khi tưởng đến cái chết của chính mình, như thường xảy đến cho một người nhát gan khi thấy một kẻ sát nhân với cây kiếm.

* Tác Ý Có Trí Tuệ:

Trong những trường hợp trên, đều không có chánh niệm, cũng không có ý thức khẩn trương, cũng không có tri kiến. Bởi thế hành giả nên nhìn chỗ này chỗ kia, những người đã bị giết hoặc đã chết, và tác ý đến cái chết của những hữu tình đã chết mà trước đây mình đã trông thấy chúng hưởng thọ các lạc, tưởng nghĩ như vậy với chánh niệm, với một ý thức khẩn trương và với tri kiến, sau đó hành giả có thể tác ý theo cách đã nói trên: “Cái chết đã xảy đến” làm như vậy, vi ấy tu tập niệm chết một cách có trí tuệ. Nghĩa là vị ấy tu tập niệm chết như là một phương tiện chính đáng.

Khi một người tu tập niệm chết như vậy, thì những triền cái của chúng được điều phục, niệm được an trú với cái chết làm đối tượng, và đề mục thiền đạt đến cận hành định.

Tám Cách Niệm Chết

Những người nào nhận thấy niệm chết không tiến xa đến mức ấy, thì hãy niệm chết theo tám cách như sau:

(1) có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân,

(2) sự thành công luôn bị phá sản,

(3) so sánh với hạng siêu việt,

(4) thân thể bị san sẻ với nhiều chúng sinh,

(5) mạng sống mong manh,

(6) vô tướng bất định,

(7) sự giới hạn của đời sống,

(8) sự ngắn ngủi của sát na.

⑴ Như thể có sự xuất hiện của một kẻ sát nhân:

nghĩa là vị ấy nên tưởng thế này: “Cũng như một kẻ sát nhân xuất hiện với cây gươm, nghĩ ta sẽ chặt đầu người này, rồi kề gươm vào cổ người ấy, cũng vậy, cái chết xuất hiện như thế”. Tại sao? Vì cái chết cùng đến với sự sinh ra và cái chết đoạt mạng sống.

Cũng như những mộc nhĩ (nấm) luôn luôn mọc lên với bụi trên đầu, các hữu tình cũng sinh ra mang theo già chết.

Vì thức liên hệ đến tái sinh của chúng đạt đến già ngay khi nó vừa sinh ra, rồi cũng tan rã với các uẩn liên kết với nó giống như một tảng đá rơi từ trên đỉnh một mỏm đá.

Bởi thế, khởi dầu là cái chết từng sát na đi liền với sinh. Nhưng cái chết không thể tránh đối với những gì có sinh, do đó loại chết muốn nói ở đây cũng đi liền với sinh.

Bởi thế, cũng như mặt trời mọc di chuyển dần đến lặn và không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong chốc lát, hay như một dòng thác từ núi cao đổ xuống chảy xiết, luôn luôn tuôn chảy và tiếp tục đổ tới, không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong thoáng chỗ, cũng vậy, chúng sinh này tuần tự du hành hướng về cái chết ngay từ khi nó vừa sinh ra không bao giờ quay trở lại dù chỉ trong chốc lát.

Bởi thế có câu:

“Ngay khi lúc con người,

vừa tượng hình trong thai,

Là nó chỉ tiến tới,

Không một bước trở lui.”(Jà. iv, 494)

Và trong khi nó tiến tới trước như vậy, cái chết đối với nó càng gần, giống như dòng sông nhở dần khô cạn dưới nóng mùa hạ, như trái chín dần đến thời rụng, như bình đất phải vỡ khi lấy búa đánh vào, như những giọt sương tan biến dưới ánh mặt trời.

Do vậy có câu:

Ngày đêm trôi qua

Mạng sống tàn dần

Cho đến kết thúc

Như sông dần khô

Như trái đã chín

Ðợi kỳ rơi rụng

Cũng thế hữu tình

Khi đã sinh ra

Nơm nớp sợ lo

Cái chết sẽ đến

Như chiếc bình đất

Khi đã nặn ra

Dù lớn dù nhỏ

Dù nung không nung

Ðều phải tan vỡ.

Cũng thế đời người

Dần đến cái chết

Sương đầu ngọn cỏ

Tan dưới mặt trời

Cũng thế đời người

Mong manh hư ảo

Bởi thế, mẹ ơi

Ðừng ngăn cản con (Jà, iv. 122)

Bởi vậy cái chết này, đi kèm với sinh, thật giống như một kẻ sát nhân với cây kiếm chực sẵn. Và giống như kẻ sát nhân kề gươm vào cổ, cái chết đoạn mất mạng sống và không bao giờ đem trở lại mạng sống. Do vậy, cái chết xuất hiện như một kẻ sát nhân với cây gươm chực sẵn, khi nó đã đi cùng với sinh và đoạt mất mạng sống, ta phải tưởng đến cái chết “như dạng một kẻ sát nhân”.

⑵ Như sự thành công bị phá sản:

sự thành công còn chói sáng cho đến khi thất bại chưa đến thắng lướt nó. Nhưng không có sự thành công nào mà có thể tồn tại lâu dài không bị thất bại. Do đó:

Vua vui mừng bố thí một trăm triệu

Sau khi chinh phục toàn cõi đất

Cho đến cuối cùng vương quốc

Của ông chỉ còn

Giá trị không bằng nửa hạt giẻ

Nhưng khi phước đức hết

Xác thân vua thở hơi cuối cùng

Thì vua Asoka mệnh danh là Vô Ưu

Cũng phải thấy ưu sầu khi chạm mặt thần chết”.

Hơn nữa, mọi sức khoẻ chấm dứt bằng tật bệnh, mọi tuổi trẻ chấm dứt bằng già nua, mọi sự sống chấm dứt bằng cái chết. Tất cả sự tồn sinh trên thế gian đều do sinh mà có, bị già ám ảnh, bị bệnh tật tấn công thình lình, và bị cái chết đánh ngã gục.

Như núi đá khổng lồ

Lớn rộng tới trời cao

Tiến đến từ mọi phía

Nghiền nát mọi sinh loài

Già chết nghiền nát tan

Sát lợi, Bà–la–môn

Thương gia, người công nghệ

Tiện dân và hốt rác

Nát hết chẳng chừa ai

Dù tượng quân, xa quân

Bộ quân hay chú thuật

Dù đem cả tài sản

Không đánh được tử thần. (S. i, 102)

Như vậy là cách tưởng đến cái chết: “như sự phá sản mọi sự nghiệp” bằng cách định nghĩa cái chết là vố phá sản cuối cùng của mọi thành công trên đời.

⑶ Bằng cách so sánh với hạng siêu việt:

Ở đây, chết cần được tưởng niệm bằng cách so sánh theo 7 hạng người có

① danh vọng lớn,

② công đức lớn,

③ sức mạnh lớn,

④ thần thông lớn,

⑤ trí tuệ lớn,

⑥ Ðộc giác,

⑦ Chư Phật.

So sánh như thế nào?

① Thế Nào Là So Với Người Có Danh Vọng Lớn?

Mặc dù những vị như Mahàsammata, Mandhàtu, Mahàsudassa, Dakasenki, Nisi v.v… Thật nổi tiếng vĩ đại có đông đồ chúng, tài sản khổng lồ, thế mà cuối cùng cái chết cũng tóm lấy họ không thể tránh thoát, vậy thì làm sao cuối cùng cái chết lại không đuổi kịp ta?

Cái chết cần được tưởng niệm như vậy, bằng cách tự ví với những người có danh vọng lớn.

② Thế nào là so với người có công đức lớn?

Jotika, Jotila, Ugga

Nandaka và Punnaka

Cùng với những người khác

Thế gian đều bảo rằng

Họ rất nhiều công đức

Vậy mà họ cũng chết

Huống những kẻ như ta

Như vậy là tưởng cái chết bằng cách so với những người có công đức lớn.

③ Thế nào là so với người có sức mạnh lớn?

Vàsudava, Baladeva,

Bhìnasona, Yuddhitthila.

Và các Cànura người vật tay

Ðều ở dưới năng lực của tử thần

Họ nổi tiếng khắp thế giới

Là do sức mạnh hùng vĩ

Nhưng họ cũng đi đến cái chết

Huống những người như ta?

Cái chết nên được tưởng niệm như vậy bằng cách so với những người có sức mạnh.

④ Thế nào là so sánh với người có thần thông?

Vị thứ hai trong số chư đại đệ tử

Vị thần thông đệ nhất (Mục Kiền Liên)

Người với đầu ngón chân cái

Lấy được cả lâu đài vojayanta

Ngay cả người ấy nữa

Với năng lực thần thông

Vẫn rơi hàm thần chết

Như nai vào hàm sư tử

Huống chi đến hạng tôi?

Cái chết nên được tưởng niệm như vậy bằng cách so với những người có thần thông lớn.

⑤ Thế nào là so với người có trí tuệ lớn?

Thứ nhất trong hai đại đệ tử

Bậc trí tuệ siêu quần

Mà trừ Ðức Thế tôn ra

Không ai bằng phần mười sáu.

Nhưng dù tuệ căn lớn

Như của Xá lợi phất

Ngài cũng phải rơi vào

Năng lực của tử thần

Nói gì đến như tôi?

Cái chết cần được tưởng niệm bằng cách so với những bậc có trí tuệ lớn như trên.

⑥ Thế nào là bằng cách so với bậc Ðộc giác?

Ngay các vị nhờ sức mạnh của tự tri kiến mình và tự tinh tấn lực của mình, phá tan được tất cả giặc phiền não nhiễm ô và tự mình đạt giác ngộ, những bậc có thể đứng vững một mình như cái sừng tê giác, vẫn không thoát khỏi chết. Vậy làm sao ta lại có thể thoát được?

⑦ Thế nào là so với đức Phật toàn giác?

Ngay cả đức Thế tôn, mà sắc thân được trang hoàng bằng ba mươi hai đại nhân tướng và tám mươi tướng phụ (xem M. Kinh số 91, và D. Kinh 30), mà pháp thân đã viên mãn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn, thanh tịnh về mọi phương diện, đấng siêu việt về danh xưng, về công đức, về hùng lực, về thần thông, về trí tuệ, đấng không có ai sánh bằng, đấng ngang bằng với những đấng không ai sanh bằng, đấng không hai, đấng viên mãn giác ngộ– ngay đến Ngài cũng thình lình bị dập tắt bởi trận mưa lũ của cái chết, như một đống lửa lớn bị dập tắt bởi một trận mưa lũ.

Khi hành giả tưởng niệm cái chết bằng cách tự ví với những người khác, những người có danh xưng lớn, v.v… Dưới ánh sáng của tính phổ quát của cái chết, nghĩ rằng “Cái chết sẽ đến với ta như sẽ đến với những con người đặc biệt kia”, thì khi ấy đề mục quán của hành giả đi đến cận hành định.

Ðó là cách tưởng niệm cái chết bằng cách so sánh.

⑷ Về sự san sẻ thân xác với nhiều chúng sanh:

Cái thân này được nhiều chúng sinh cộng trú. Trước hết, nó được chia sẻ cho gia đình sâu bọ. Nơi thân này, có các loại chúng sinh sống bám vào lớp da ngoài, lấy da ngoài làm thức ăn, có những chúng sinh sống bám vào lớp da trong, lấy da trong làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào thịt, lấy thịt làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào gân, lấy gân làm thức ăn, những chúng sinh sống bám vào xương, lấy xương làm thực phẩm, những chúng sinh sống bám vào tuỷ, lấy tuỷ làm thực phẩm. Và tại đấy chúng sinh già, chết, bài tiết phẩn tiểu, thân thể là nhà bảo sanh của chúng, là dưỡng đường của chúng, nghĩa địa của chúng, chỗ đại tiện, tiểu tiện của chúng. Thân thể cũng có thể đi đến chết chóc vì một cuộc nổi loạn của những sâu bọ này. Không những thân này được san sẻ với tám mươi gia đình sâu bọ, mà còn san sẻ với hàng trăm thứ bịnh nội thương và nhiều nguyên nhân gây ra chết chóc từ bên ngoài như rắn rết, bò cạp, v.v…

Như một cái mục tiêu dựng lên ở ngã tư đường thì tên nhọn, cọc nhọn, đá, v.v… bay tới từ mọi phía và trúng nhằm nó, cũng thế mọi thứ tai nạn giáng trên thân thể, và nó có thể đi đến chết chóc do những tai nạn này.

Bởi vậy đức Thế tôn nói: “Ở đây, này các tỷ kheo, khi ngày tàn đêm xuống, một tỷ kheo suy nghĩ như sau: ta có thể lâm vào chết chóc bằng nhiều cách. Một con rắn có thể mổ ta, hoặc một con bò cạp hay con rết có thể đốt ta. Ta có thể chết vì lý do ấy, hoặc ta có thể vấp ngã, hoặc ta có thể chết vì trúng thực, vì mật bị đảo lộn, vì đàm bị đảo lộn, vì phong bị đảo lộn, làm khô những khớp xương của ta như dao nhọn”. (A. iii, 306)

Ðó là cách tưởng niệm cái chết bằng cách tưởng thân xác là chỗ ở của nhiều chúng sinh cộng trú.

⑸ Về sự mong manh của đời sống:

sự sống này bất lực và mong manh. Và đời sống con người gắn liền với hơi thở, gắn liền với những uy nghi đi đứng nằm ngồi, gắn liền với lạnh và nóng, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn.

Sự sống chỉ xảy ra khi hơi thở vào và hơi thở ra có đều đặn. Nhưng khi hơi gió trong lỗ mũi đã đi ra mà không vào lại, và khi nó đi vào mà không ra lại, thì khi ấy một con người được kể là đã chết.

Sự sống cũng chỉ có, khi bốn uy nghi được điều hoà, khi một trong bốn uy nghi trội hẳn ba cái kia, thì sự sống bị gián đoạn.

Sự sống cũng chỉ có khi nóng lạnh điều hoà. Khi quá nóng hoặc quá lạnh thì con người không thể sống.

Sự sống cũng chỉ xảy đến khi bốn đại điều hoà. Nhưng với sự rối loạn của địa đại, ngay cả một người mạnh cũng có thể chết nếu thân thể trở nên cững đờ, hoặc bị rối loạn một trong bốn đại khởi từ thuỷ đại, nếu thân thể trở nên mềm nhũn và thối vì tiêu chảy v.v… Hay nếu thân bị một cơn sốt hoành hành, hay nếu nó bị cắt đứt những đường gân nối các khớp xương (xem Ch. XI, 102)

Và sự sống cũng chỉ xảy ra nơi một người được thực phẩm đúng thời, nếu không được ăn, thì hết sống.

Ðây là cách tưởng chết trong sự mong manh của đời sống.

⑹ Vô tướng bất định:

nghĩa là không định đoạt được (bất định). Nghĩa là cái chết không thể đoán trước được. Với tất cả chúng sanh thì:

① tuổi thọ,

② bệnh tật,

③ thời gian,

④ nơi chốn thân xác này được đặt xuống,

⑤ số phận;

Thế gian không bao giời biết được những điều này,

Không có dấu hiệu gì báo trước những sự kiện ấy.

① Tuổi thọ:

Ở đây, trước hết thọ mạng không tướng bất định vì không thể định đoạt những điều sau: phải sống chừng ấy thời gian, không nhiều hơn. Vì hữu tình chết vào nhiều giai đoạn khi còn là bào thai, vào giai đoạn như sữa đông (kalala) vào giai đoạn abbuda, pessi, ghana, vào lúc một tháng, hai tháng, ba tháng, bốn tháng, năm tháng, mười tháng, và vào lúc ra khỏi bụng mẹ. Sau đó hoặc chúng chết trước năm mươi tuổi hoặc sau năm mươi tuổi.

② Bệnh Tật:

Bệnh không tướng bất định vì không thể định như sau: các hữu tình chỉ chết vì bệnh này, không chết vì bệnh nào khác. Chúng sinh thường chết vì đủ thứ bệnh khởi từ bệnh mắt, tai…. (xem A. v, 110)

③ Thời Gian Chết:

Thời gian chết không tướng bất định vì không thể định đoạt rằng ta phải chết vào lúc này, không vào lúc nào khác. Vì các hữu tình có thể chết bất cứ vào thời khoảng nào, sáng hay trưa v.v…

④ Nơi Chốn:

Nơi chốn thân xác sẽ được đặt xuống cũng không tướng bất định, bởi vì không thể định rằng, khi người ta chết, chúng phải để thây của chúng nằm xuống tại chỗ này, không chỗ nào khác. Vì người sinh trong làng có thể chết để thây ở ngoài làng, người sinh ngoài làng, có thể chết để thây trong làng. Cũng thế, có kẻ sinh ra trên nước mà chết để thây trên đất, có kẻ sinh ra trên đất, chết để thân trên nước. Tương tự nhiều cách.

⑤ Số Phận:

Số phận cũng không tướng bất định vì không thể định rằng một kẻ chết chỗ kia phải tái sinh tại chỗ này. Vì có người chết từ thiên giới mà tái sinh ở cõi người, có người chết ở nhân gian mà tái sinh ở cõi trời v.v… Và với cách ấy thế giới xoay vần, chúng sinh xoay chuyển trong năm sanh thú (cõi) như con bò được gắn vào một cái máy.

Ðây là tưởng đến cái chết vô tướng bất định.

⑺ Giới hạn ngắn ngủi của đời người:

cõi người ngày nay có giới hạn ngắn ngủi. Một người sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm tuổi. Do đó đức Thế tôn nói: “Này các tỷ kheo, đời người ngắn ngủi. Có đời sống mới phải đi đến, có các nghiệp thiện phải làm, có đời phạm hạnh phải được sống. Ðối với cái gì đã sinh ra, không có chuyện không chết. Người nào sống lâu cũng chỉ sống trên dưới một trăm năm.

Loài người thọ mạng ngắn

Bậc trí phải âu lo

Lữa cháy đầu, hãy sống

Tử vong rồi phải đến (S. i. 108)

Ðức Thế tôn lại nói: “Hỡi các tỷ kheo, ngày xưa có một bậc đạo sư tên Araka..” (A. iv. 136) toàn thể kinh này cần được dẫn với bảy ví dụ.

Và Phật còn dạy thêm: “Này có Tỳ kheo, khi một Tỳ kheo tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế tôn như vậy ta đã làm nhiều”. Một vị khác: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều”. Một vị khác nữa: “Mong rằng trong thời gian một bữa ăn, ta sống tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều”. Và một vị nữa tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống trong khoảng thời gian nhai và nuốt bốn năm miếng, tác ý đến lời dạy của Thế tôn. Như vậy ta đã làm nhiều”. Ðây là những tỷ kheo trú phóng dật, giải đãi tu tập niệm chết để phá trừ lậu hoặc.

“Và này các tỷ kheo, khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: Mong rằng ta sống thời gian nhai nuốt một miếng ăn, tác ý đến lời dạy của Thế tôn, như vậy ta đã làm nhiều”. Khi một tỷ kheo tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống khoảng thời gian hơi thở vào ra, hay trong khoảng thời gian hơi thở ra vào, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, như vậy ta đã làm nhiều”. Ðây gọi là những tỷ kheo trú trong tinh cần, sắc bén tu tập niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc”. (A. iii. 305–6)

Cuộc đời quả thật ngắn ngủi đến độ không chắc nó có kéo dài trong khoảng kịp nhai nuốt bốn hay năm miếng.

Ðây là niệm chết bằng cách tưởng đến thời khắc ngắn ngủi.

⑻ Về tánh cách ngắn ngủi trong sát–na:

Nói cho cùng, đời sống chúng sanh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây: “Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai.

“Sự sống con người, lạc khổ,

Chỉ những thứ này

Họp lại trong một niệm thoáng qua

Các uẩn đã diệt của những

Người đã chết hay còn sống

Ðều giống nhau, một đi không trở lại

Không có thế giới sanh

Nếu ý thức không sanh

Khi ý thức có mặt,

Thì thế giới tồn tại

Khi ý thức tan rã,

Thế giới chết;

Theo ý nghĩa tuyệt đối

Là như vậy”.

Trên đây là niệm chết theo nghĩa sự ngắn ngủi trong sát na.

Kết Luận

Khi hành giả tưởng niệm bằng một trong tám cách nói trên, tâm vị ấy đạt được chánh niệm an trú với chết là đối tượng, những triền cái bị áp đảo, và những thiền chi xuất hiện.

Nhưng vì đối tượng ở đây là những trạng thái mang tính chất cá biệt và sẽ làm khởi dậy ý thức cấp bách, nên thiền này không đạt đến định an chỉ mà chỉ đến định cần hành.

Một tỷ kheo niệm chết luôn luôn tinh cần tinh tấn.

Vị ấy được sự không tham luyến đối với bất cứ loại hiện hữu nào.

Vị ấy chinh phục được sự bám víu vào đời sống.

Vị ấy luôn tránh các ác pháp và tránh tích trữ nhiều.

Vị ấy không bị cấu uế của lòng tham bốn vật dụng.

Vô thường tưởng dần dần phát triển trong tâm vị ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã.

Trong khi những chúng sinh chưa tu tập tử tưởng thường là nạn nhân của hãi hùng, kinh sợ, bối rối vào lúc chết, như thể thình lình bị dã thú vồ, bị ma quỷ bắt, rắn mổ, kẻ cướp hay sát nhân sấn tời, thì người tu tập niệm chết ngược lại chết một cách tỉnh giác không vọng tưởng, vô uý, không rơi vào bất cứ một tình trạng nào như trên. Và cho dù không đạt đến bất tử ngay trong hiện tại, ít ra vị ấy cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung.

Người thực sự có trí

Thì công việc thường xuyên

Là tưởng niệm cái chết

Có năng lực phi thường

Trên đây là đoạn nói về niệm chết với giải thích chi tiết.

Nguồn trích dẫn: Thanh Tịnh Ðạo – Chương VIII (a) Ðịnh: Những Ðề Mục Quán Khác Bằng Tùy Niệm (Anussati Kammatthàna- niddesa)

Bài viết liên quan

  • Vô Phương Cứu Chữa Chăng, Web, FB
  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
  • Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, Web, FB
  • Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Sự Khác Nhau Rất Lớn Giữa Chỉ – Samatha Và Định – Samādhi, Web, FB
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định – Trong Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana., Web, FB
  • Khéo An Trú Trong Tứ Niệm Xứ Hoặc Tu Tập ‘Vô Tướng Định – Animitto Samādhi’ Để Đoạn Diệt Không Còn Dư Tàn Ba Bất Thiện Tư Duy: Dục Tư Duy, Sân Tư Duy, Hại Tư Duy., Web, FB
  • Ðịnh (Samādhi) Là Gì? Thế Nào Là Con Bò Núi Ngu Ngốc?, Web, FB
  • Tập Thể Dục Không Thể Đánh Bại Kẻ Thù, Web, FB
  • Không Chánh Định Không Thể Có Bát Thánh Đạo. Không Bát Thánh Đạo Không Thể Có Bậc Thánh Giác Ngộ Giải Thoát., Web, FB
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, Như Nó Đang Là, Vì Chánh Niệm Mới Chỉ Là Điều Kiện Cần, Không Phải Là Điều Kiện Đủ. Chánh Định Mới Là Điều Kiện Cần Và Đủ., Web, FB
  • Quán Thọ Như Thế Nào Để Đạt Tới Ái Tận Giải Thoát, Cứu Cánh Viên Mãn, Chứng Đạt Niết Bàn?, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
  • Khi Thiền, Nếu Chúng Ta Cứ Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức Hay Tê Cứng Mà Không Chịu Thay Đổi Oai Nghi Liền, Thì Thực Sự Đó Có Phải Là Tự Ép Xác Hay Khổ Hạnh (Atta-Kilamatha-Nuyoga) Không?, Web, FB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB
  • Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Archive
  • Hiềm Hận Cần Được Trừ Khử Như Thế Nào?, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 1/2, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 1, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 3, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 4, Web, FB
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Đến Như Thế Nào Là Không Biết Đủ Đối Với Thiện Pháp Và Không Thối Chuyển Đối Với Tinh Cần?, Web, FB
  • Hàng Ngày Không Quên: Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB
  • Vị Thầy Chân Chính: Một Trợ Duyên Tối Quan Trọng Không Thể Thiếu, Web, FB
  • Tìm Gặp Thiện Tri Thức, Web, FB
  • Tôn Giả Nhất Cú Và Tôn Giả Cùla-Panthaka, Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không? “Ta Là Phật Đã Thành, Các Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành” Có Phải Là Phật Ngôn Không?, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
  • Bài 1/5: Kiến Thanh Tịnh – Ditthivisuddhi, Web, FB
  • Bài 2/5: Đoạn Nghi Thanh Tịnh – Kankhàvitarana-Visuddhi, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/2, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 3/3, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 2/2, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB
  • Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 26 Tháng 9, 2018