(I) Vai Trò Của Vị Thầy Tâm Linh – Hành Trình Dẫn Đến Giác Ngộ Giải Thoát Của Mae Chee Kaew

(I) Vai Trò Của Vị Thầy Tâm Linh

Hành Trình Dẫn Đến Giác Ngộ Giải Thoát Của Mae Chee Kaew

Câu chuyện sinh động, tuyệt vời về việc Ngài Ajaan Mahā Boowa đã cương quyết uốn nắn sai lạc, giúp Mae Chee Kaew trở về con đường chân chính dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Là đệ tử thân cận của Ajaan Mun, Ajaan Mahā Boowa rất thắc mắc. Tại sao Ajaan Mun lại cấm cô hành thiền? Ngay khi cô kể cho Ajaan Mahā Boowa về những linh ảnh phong phú của mình, ngài đã hiểu lý do.

Khi gặp được Ajaan Mahā Boowa, Mae Chee Kaew đã chìm đắm sâu vào việc tiếp xúc những hiện tượng kỳ lạ và khác thường trong khi hành thiền định hơn mười năm rồi. Nếu cô không thấy hình ảnh gì thì cô tin rằng cô không đạt được lợi ích từ việc hành thiền. Đã hoàn toàn nghiện những chuyến du ngoạn tâm linh, cô tự thuyết phục mình rằng đó chính là con đường chân chính đi đến Niết bàn, và chấm dứt tất cả đau khổ.

Ngay lập tức, Ajaan Mahā Boowa nhận ra sai lầm căn bản của cô. Nếu không có vị thiền sư giỏi để kiềm chế sự thái quá của cô, cô sẽ dễ dàng bị tâm năng động và tính ưa mạo hiểm làm hiểu sai lệch những trải nghiệm của mình và hướng cô đi lệch đến mục tiêu sai lầm. Nhưng ngài cũng biết rằng người có tâm mạnh mẽ như cô có thể tiến rất nhanh trên đường Đạo khi học được cách rèn luyện tâm đúng cách.

Cũng như Ajaan Mun, Ajaan Mahā Boowa nhận ra rằng Mae Chee Kaew có thể dùng những khả năng đặc biệt của mình theo nhiều cách tuyệt vời và sâu sắc để giải thoát mình ra khỏi khổ đau và giúp các chúng sinh khác cũng làm được như vậy.

Từ đó, Mae Chee Kaew thường xuyên tới thăm Ajaan Mahā Boowa ở ngọn núi mà ngài đang an cư. Mỗi tuần một lần, lúc chiều muộn của ngày tụng giới, cô và các tu nữ ở Baan Huay Sai theo đường núi đến đảnh lễ Ajaan Mahā Boowa, rồi nghe ngài giảng một bài Pháp đầy cảm hứng. Khi ngài giảng xong, ngài hỏi các tu nữ về việc hành thiền.

Mỗi lần Ajaan Mahā Boowa hỏi đến Mae Chee Kaew, cô chỉ nói về các hiện tượng đặc biệt, các loại quỷ thần khác nhau và các loại thần không thân mà cô gặp. Những cuộc dạo chơi trên thiên đàng và địa ngục cho cô hiểu biết trực tiếp về các chúng sinh khác nhau sống ở đó. Cô tả trạng thái tinh thần của quỷ thần và tình trạng sống của họ một cách chi tiết, và nghiệp quá khứ của họ thế nào mà dẫn đến việc tái sinh ở các cõi đó.

Rõ ràng là Mae Chee Kaew đã bị đắm say bởi những hình ảnh kỳ lạ này và sự hiểu biết đặc biệt chúng mang lại. Điều này làm Ajaan Mahā Boowa lo ngại. Ngài rất ngạc nhiên về khả năng thần thông đặc biệt của cô, nhưng cũng nhận ra rằng cô chưa đủ khả năng kiểm soát tâm mình để tự hành thiền một cách an toàn.

Thay vì hướng sự chú ý ra ngoài để đón nhận những hiện tượng bên ngoài, ngài muốn cô học cách chú tâm chắc chắn trong thân và tâm của cô. Chỉ có cách giữ sự tỉnh giác chắc chắn ở bên trong, cô mới có thể vượt qua những ô nhiễm của tâm đang ngăn cô hành thiền tiến lên mức cao hơn.

Ajaan Mahā Boowa giải thích rằng mục tiêu đầu tiên của thiền là phát triển Chánh Định. Để thực hành định đúng, cô phải buông bỏ được những ám ảnh về ý nghĩ và hình ảnh lọt vào trong nhận thức của cô. Cô phải để tâm của mình thoát khỏi những giới hạn không cần thiết gây nên bởi thói quen tập trung vào nội dung của suy nghĩ và hình ảnh. Nhờ việc thực hành thiền định đúng đắn, cô có thể trực tiếp kinh nghiệm được bản chất biết cốt lõi của tâm. Điều này sẽ cho phép cô nghiên cứu các hiện tượng tinh thần và vật chất một cách khách quan không dính mắc.

Cốt lõi biết của tâm là sự hay biết rộng lớn hơn nhiều so với việc nhận thức các hình ảnh, ý nghĩ và cảm xúc. Đó là thế giới nội tâm không bị chướng ngại, chứa đựng tất cả nhưng không giữ lại gì. Khi sức mạnh giác ngộ tâm linh này được phát triển, nó có thể được làm mới và sâu sắc vô giới hạn. Trước khi sự đột phá đó xảy ra, quá chú ý đến những hiện tượng bên ngoài làm sao nhãng khỏi mục đích ban đầu: đạt được đến cội nguồn của chính sự nhận biết.

Ban đầu, Ajaan Mahā Boowa chỉ đơn giản nghe Mae Chee Kaew kể về những chuyến du ngoạn khác thường của cô. Ngài cẩn thận đánh giá tình trạng năng lượng tâm linh của cô, và nhẹ nhàng cố gắng thuyết phục cô lái luồng tâm thức vào bên trong đến tận cội nguồn của nó.

Ngài luôn lặp lại rằng nhận thức là một chức năng của tâm, không phải là bản chất của tâm. Cô phải buông bỏ nhận thức và sự biết có điều kiện của thức để cốt lõi thực sự của tâm có thể tỏa sáng.

Khi Ajaan Mahā Boowa nhận thấy rằng sau vài tuần cô vẫn lờ những lời khuyên của ngài đi, ngài nhấn mạnh rằng cô nên giữ định tâm của cô hoàn toàn tập trung ở bên trong vào một khoảng thời gian nhất định nào đó khi hành thiền. Thỉnh thoảng cô vẫn có thể hướng sự nhận biết để quan sát những hiện tượng bên ngoài. Nhưng cô cũng phải bắt tâm ở nhà vào những lúc khác.

Ngài giục giã cô khẩn thiết học cách kiểm soát tâm sao cho cô có thể điều khiển dòng tâm thức hoặc vào trong hoặc hướng ra ngoài như cô muốn.

Vì những hình ảnh cô thấy liên quan đến việc tiếp xúc với các trường xúc giác bên trong, Mae Chee Kaew coi đó là những khám phá về chính tâm mình. Cô tin rằng bằng việc khảo sát những hiện tượng xuất hiện trong khi thiền định, cô có thể học được sự thật về nhận biết qua tâm thức đã nắm bắt các hiện tượng đó. Bướng bỉnh làm theo cách của mình, và không muốn thay đổi cách tiếp cận, cô bắt đầu lộ rõ việc phản đối lại lời dạy của Ajaan Mahā Boowa, lấy lý do là thiền của cô vẫn luôn cho cô sự hiểu biết và tuệ giác về bản chất thâm sâu. Cô không thấy có lý do gì phải thay đổi.

Ajaan Mahā Boowa kiên trì giải thích rằng những hiện tượng cô chứng kiến được chỉ là những hiện tượng tồn tại tự nhiên trong thế gian. Chúng không hề đặc biệt hơn những gì cô nhìn được bằng mắt thường. Mặc dù những thế giới xuất hiện trong cái thấy bằng tâm của cô là các cõi giới chân thật và riêng biệt như cõi người, các cõi đó cũng chỉ là đối tượng bên ngoài đối với sự nhận biết nắm bắt được các hiện tượng này. Mặc dù các đối tượng này không phải là vật chất hữu hình mà ta có thể sờ nắm hay nhìn thấy được như các đối tượng vật chất của nhận thức, chúng vẫn tách biệt khỏi cái biết nhận biết chúng.

Về bản chất, đứng từ góc nhìn của người quan sát, không có sự khác biệt giữa đối tượng vật chất và đối tượng tinh thần. Tất cả các đối tượng đều ở thế giới bên ngoài. Ngài muốn cô quay ngược hướng chú ý của mình, dừng dòng tâm thức hướng ra ngoài, phải hướng nó vào bên trong để nhận ra cốt lõi thực sự của tâm – chính là nguồn gốc của bản thân sự nhận biết.

Mae Chee Kaew tiếp tục phản đối rằng khác với mắt thường, mắt bên trong có thể nhìn thấy những thứ tuyệt vời và kỳ lạ bất thường khác. Mắt bên trong có khả năng nhìn được nhiều loại ma quỷ và các thần thức khác. Nó có thể nhìn thấy và giao tiếp với chư thiên ở tất cả các cõi trời. Nó có thể nhìn thấy các mối liên hệ với kiếp trước và có thể thấy các sự kiện trong tương lai một cách chính xác. Cô giữ lập trường rằng loại hiểu biết và hình ảnh này cao cấp hơn những cái nhận biết được bằng các giác quan bình thường.

Ajaan Mahā Boowa không chấp nhận mãi sự bướng bỉnh đó. Đột nhiên thay đổi chiến thuật, ngài yêu cầu, với một thái độ cương quyết dứt khoát mãnh liệt và mạnh mẽ, rằng cô phải ngăn tâm cô mạo hiểm hướng ra ngoài nắm bắt các hiện tượng thần linh. Sự hiểu biết sai hướng đó sẽ không bao giờ giúp cô vượt qua được những nguyên nhân sâu xa của sinh, lão, bệnh và tử. Ngài nhắc cô rằng ngài đang dạy những điều tốt cho cô, và nói rõ rằng ngài muốn lời chỉ dẫn của ngài phải được tuân theo.

Bất chấp lời khuyên dạy của Ajaan Mahā Boowa, Mae Chee Kaew thấy tự tin vào kiến thức và sự hiểu biết của chính mình tới mức cô vẫn tiếp tục hành thiền theo cách cũ, và sau đó lại tranh luận với ngài về giá trị thực của nó.

Chán ngán và vô cùng mệt mỏi với thái độ không khoan nhượng của cô, Ajaan Mahā Boowa trở nên quyết liệt. Ngài lên giọng và cử chỉ mạnh mẽ khi ngài cấm cô hướng sự nhận biết ra ngoài để tiếp xúc với các hiện tượng bên ngoài. Bằng lời nói dứt khoát, ngài ra lệnh cho cô phải quay ngược sự hướng tâm và giữ tâm luôn ở bên trong vào mọi lúc. Ngài không nhượng bộ. Chỉ có cách theo sự chỉ dẫn của ngài và thực hành chăm chỉ, cô mới có thể tiêu diệt những ô nhiễm đang làm mờ tâm cô.

Vào một buổi chiều muộn nọ, vì Mae Chee Kaew tiếp tục ương bướng bảo vệ lý luận của mình, Ajaan Mahā Boowa đột nhiên không nói chuyện nữa, và đuổi cô đi khỏi chỗ ngài một cách cụt lủn. Ngài bảo thẳng cô rời khỏi hang ngay lập tức và đừng bao giờ quay lại. Dùng những từ ngữ gay gắt và mạnh mẽ, ngài đuổi cô đi trước mặt các cô tu nữ khác.

Mae Chee Kaew sửng sốt trước sự mãnh liệt trong lời nói và sự nghiêm nghị trong ngữ điệu của ngài. Sự thể như thế này chưa bao giờ xảy đến với cô. Mae Chee Kaew rời hang của Ajaan Mahā Boowa trong nước mắt, cảm thấy tan vỡ hoàn toàn, niềm tin của cô bị đảo lộn. Với lời quở trách nghiêm khắc của ngài văng vẳng bên tai, cô đi trên con đường dài trở về ni viện với cảm giác rằng cô sẽ không bao giờ gặp lại ngài nữa.

Vô cùng nản lòng, Mae Chee Kaew lê bước xuống con đường núi dốc, ôm chặt suy nghĩ về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của mình. Ngay từ giây phút đầu tiên khi nhìn thấy Ajaan Mahā Boowa, cô tin rằng cô có thể nương tựa vào ngài như một người thầy đúng đắn để hướng dẫn cô hành thiền. Bây giờ, ngài đã không khách khí đuổi cô đi, cô có thể trông cậy vào ai để có được sự chỉ dẫn tinh thông đây? Sau bao nhiêu năm tìm kiếm một người thầy như vậy, giờ đây Mae Chee Kaew cảm thấy mất phương hướng hoàn toàn.

Bước qua cổng ni viện lúc chạng vạng tối, Mae Chee Kaew rảo bước về chòi của mình. Cô cần có thời gian ở một mình, thời gian để suy nghĩ kỹ càng những sự kiện đầy chấn động trong ngày.

Nhưng không gian quen thuộc trong chòi giờ đây thấy rất khác lạ, dường như cô bỗng nhiên trở thành một người xa lạ trong nhà của mình. Khi màn đêm đã bao phủ quanh tâm trạng trầm tư của cô, trăng và sao cảm thấy như mờ tối và kém hân hoan hơn trước.

Bị chấn động và không yên tâm về bản thân mình, Mae Chee Kaew cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải thay đổi.Suy ngẫm mãi về hoàn cảnh khó khăn của mình, Mae Chee Kaew cuối cùng cũng nhận ra rằng Ajaan Mahā Boowa có lý do chính đáng để đuổi cô đi; cô đã ngoan cố không làm theo lời dạy của ngài, mà cũng không cố gắng thay đổi.

Càng suy nghĩ sâu bao nhiêu, cô càng thấy rõ rằng thái độ kiêu căng của chính cô đáng bị phê phán. Rõ ràng là ngài đã có lý do đúng đắn để không chấp nhận cách hành thiền của cô và chỉ cho cô hướng đi khác.

Nhưng tại sao cô không chấp nhận sự chỉ dạy của ngài? Cô đã chẳng đi được tới đâu với việc từ chối lời khuyên của ngài một cách cứng đầu cứng cổ chỉ vì chiều theo sự đam mê ích kỷ của cô.

Nếu cô cứ đơn giản làm theo cách ngài bảo thì có làm sao? Ít nhất cô cũng phải thử, thay vì luôn luôn từ chối một cách bướng bỉnh. Thấy lỗi của mình, cô tự mắng mình: cô nhận ngài làm thầy; thế tại sao cô không chấp nhận những gì ngài dạy? Cứ làm những điều ngài bảo thì cô sẽ biết được sự thực về lời ngài dạy.

Khi rạng sáng, màn sương của sự hồ nghi bắt đầu tan, và cô quyết định phải nhanh chóng chấn chỉnh lại mình. Cô sẽ buộc tâm mình tuân theo lời dạy đó, và sẵn sàng chấp nhận kết quả.

Sáng hôm sau, ngay sau bữa ăn, Mae Chee Kaew miễn cho mình không làm nhiệm vụ hàng ngày và về chòi ngay. Với cảm giác cấp bách nghiêm trọng, cô ngồi xuống hành thiền, muốn bắt buộc sự nhận biết của mình phải được giữ trong thân và tâm. Cô quyết tâm ngăn tâm mình hướng ngoại để tiếp xúc với bất kỳ hiện tượng bên ngoài nào. Cô đã biết được quỷ thần, chư thiên và các phi nhân khác lâu đến nỗi họ không còn quan trọng đặc biệt đối với cô.

Mỗi lần cô hướng chú ý ra ngoài khi hành thiền, cô gặp phi nhân. Mặc dù cô thấy phi nhân theo cách giống như những người khác nhìn thấy bằng mắt thường, Mae Chee Kaew không thu được lợi ích thực sự nào từ khả năng ấy. Những ô nhiễm liên tục làm phiền não tâm cô vẫn không bị ảnh hưởng gì. Chỉ bằng việc tập trung vào bên trong và theo dõi sát sao chuyển động của tâm thức cô mới có thể hiểu được những ô nhiễm tinh thần đó và vượt qua được ảnh hưởng của chúng.

Hoàn toàn chấp nhận nguyên tắc này, cô tập trung chú ý trọn vẹn vào việc niệm thầm buddho trong tâm, và tiếp tục cho đến khi tất cả mọi ý nghĩ ngừng lại và luồng tâm thức quy tụ trở thành nhất tâm sâu sắc ở bên trong.

Sử dụng toàn bộ năng lực của lòng quyết tâm mới có, cô duy trì sự tập trung trong tâm cho đến khi toàn bộ tấm thân vật lý của cô biến khỏi nhận biết và tâm cô trở nên tĩnh lặng hoàn toàn.

Lúc này, hình ảnh là một dấu hiệu của Pháp. Mở mắt bên trong, cô thấy Ajaan Mahā Boowa tiến lại phía cô, cầm trên tay một con dao sắc và sáng. Chỉ con dao thẳng về phía thân cô, ngài nói ngài sẽ trình bày cách thức đúng đắn để tìm hiểu thân vật lý.

Rồi ngài bắt đầu chặt một cách có thứ tự thân cô ra làm nhiều mảnh. Tiếp tục cắt bằng con dao sắc, ngài chia cắt thân cô, cắt nó thành từng miếng nhỏ dần. Mae Chee Kaew sững sờ nhìn trân trân khi các phần của thân rơi xuống nền đất xung quanh mình. Cô nhìn Ajaan Mahā Boowa cắt rời từng phần nhỏ thành những phần nhỏ hơn nữa cho đến khi thân cô không còn gì ngoại trừ một đống rời rạc gồm thịt, xương và gân.

Chỉ vào sự nhận biết bên trong của cô, Ajaan Mahā Boowa hỏi: “Phần nào là một con người? Hãy nhìn tất cả chúng đây và so sánh chúng. Phần nào là đàn bà? Phần nào là đàn ông? Phần nào quyến rũ? Phần nào đáng mong muốn?”Lúc đó, cô đối diện với một đống các bộ phận thân người đầy máu me. Bản chất của chúng kinh tởm tới mức cô mất hết tinh thần khi nghĩ rằng cô đã dính mắc vào đó bao lâu nay rồi. Cô tiếp tục theo dõi những phần còn lại của thân mình phân tán dần cho đến khi cuối cùng không còn gì sót lại.

Lúc đó, tâm của cô cảm thấy như rút vào bên trong, và dòng tâm thức của cô quay đảo ngược hướng, rơi vào bệ của định, và quy tụ về chính giữa trung tâm cô. Chỉ còn sự nhận biết đơn thuần và hài hòa còn lại, đơn độc một mình. Bản chất nhận biết của tâm thanh sạch vô cùng tới mức không thể nào tả được. Đơn giản là nó biết – một trạng thái hết sức vi tế của nhận biết ở bên trong tràn ngập.

Bằng cách quay ngược hẳn sự tập trung vào trong, Mae Chee Kaew đã ngưng được dòng tâm thức thông thường và nhận ra cốt lõi thực sự của tâm – bản chất hay nguồn gốc của sự nhận biết.

Trong vùng trung tâm của tâm cô trải nghiệm một cảm giác không thể nắm bắt được của không gian rộng lớn vô cùng, không thể đo lường được bản chất kỳ diệu về tính chất không hình tướng của nhận biết.

Khi tập trung vào trong, cô bỗng nhiên quên việc đang tập trung, và rơi vào sự yên lặng hoàn toàn. Không một mảy may suy nghĩ nào khởi lên. Tất cả là sự rỗng rang im lặng. Thân và tâm trong trạng thái tự do tuyệt vời, và mọi đối tượng, kể cả thân cô – đều biến mất không dấu tích. Hoàn toàn vắng lặng, tâm cô giữ yên trong sự tĩnh mịch của chính nó trong nhiều giờ.

Ngay khi tâm cô thoát khỏi trạng thái thiền định sâu, cô phát hiện ra sự chuyển động vi tế của tâm thức – gần như là không thể nhận ra được, đầu tiên nó bắt đầu bắt nguồn từ gốc của tâm, và chuyển dịch khỏi trung tâm. Khi đà của tâm thức mạnh lên, cô thấy rõ sự thôi thúc tức thì và mạnh mẽ bắt tâm chuyển chú ý ra hướng ngoại, theo xu hướng nắm bắt các hiện tượng bên ngoài. Xu hướng đó là một phần bản tính tự nhiên của cô, mạnh đến nỗi trước đây cô không hề nhận ra.

Đột nhiên, dòng tâm thức hướng ngoại nổi bật lên trên nền vắng lặng sáng suốt của cốt lõi chân thực của tâm. Để quay ngược dòng tâm thức bình thường và giữ sự nhận biết chắc chắn ở trung tâm bên trong, cô buộc phải đấu tranh mạnh mẽ để chống lại khuynh hướng hướng ngoại của tâm.

Cô nghĩ đến Ajaan Mahā Boowa và suy ngẫm về lời trách mắng gay gắt của ngài. Bây giờ đã thấy chắc chắn là ngài đúng, cô lại gia tăng quyết tâm kiềm chế những xu hướng bất thường của tâm mình.

Suốt mấy ngày sau đó, Mae Chee Kaew tập trung vào việc tìm một phương pháp tin cậy để cột chặt sự nhận biết vững chắc ở bên trong. Ra khỏi định sâu, cô thấu hiểu rõ ràng thử thách phải kiểm soát luồng tâm hướng ngoại, và không cho phép chuyển động theo bản năng của nó chiếm được ưu thế và lôi kéo sự chú ý của cô.

Hoạt động hướng ngoại của tâm luôn đi kèm với hoạt động suy nghĩ và tưởng tượng. Tâm thức chuyển động, xoay vần đó tạo ra và duy trì toàn bộ thế giới hữu tình. Nhưng khi không có một suy nghĩ nào khởi lên, chánh niệm tự nhiên xuất hiện.

Trong khoảnh khắc chú ý đơn thuần, sự hay biết về hiện tại trở nên sáng suốt, nhưng thư giãn. Nó không thuộc vào các yếu tố của thân và tâm, nơi ảo tưởng tinh thần và vật chất có mặt.

Trước đây, khi ra khỏi định, các loại hình ảnh hiện ra trong sự nhận biết của cô không có lý do gì rõ ràng, cuốn hút tâm cô theo hướng của chúng. Cô cảm thấy cô không thể đuổi chúng đi khỏi kể cả khi cô muốn như vậy, và thậm chí cô cảm thấy dễ chịu khi chấp nhận các hình ảnh đó.

Khi sự nhất tâm được duy trì đến khi chánh niệm thuần túy khởi sinh, cô chứng kiến sự sinh và diệt từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác của vô số ý nghĩ và hình ảnh, trong khi vẫn giữ được sự bình thản không dính mắc. Khi thấy sự chuyển biến căn bản của tỉnh giác, cô nhận ra giá trị của việc tiếp thu hướng dẫn của một người thầy thực thụ.

Khi cô đã vững tin là cô có thể thuần thục trong việc đảo chiều luồng tâm hiếu động của mình bằng nhất tâm và giữ nó trú trong hiện tại, cô quyết định đánh liều đối mặt với sự không hài lòng của Ajaan Mahā Boowa và quay lại hang Nok An để cô có thể trình bày về tiến triển trong thiền của mình một cách tôn kính.

Khi cô đến hang, cô được đón bằng sắc mặt không cởi mở và nghiêm khắc của Ajaan Mahā Boowa.“Tại sao cô còn đến nữa?” ngài quát. “Tôi đã bảo cô tránh xa! Đây không có chỗ cho nhà hiền triết vĩ đại!”

Cô van nài ngài cho phép cô nói, lắng nghe điều cô cần phải nói. Cô giải thích rằng trải nghiệm đau đớn khi bị đuổi đi đã làm cô nhận ra lỗi lầm và đã nghiêm túc làm theo lời khuyên của ngài chú ý vào bên trong. Rất tỉ mỉ chính xác, cô đã mô tả hướng đi mới trong thiền của mình, và việc cô đã học cách duy trì tâm không dính mắc như thế nào.

Cô biết cô đã sai khi đề cao sự hiểu biết lệch lạc của mình về các hiện tượng tâm linh, mà bây giờ cô đã nhận ra là nó chẳng đưa cô đi đến đâu hết cả. Cô đã thực tập chăm chỉ vài ngày và phát hiện được cách kiểm soát xu hướng năng động của tâm mình cho đến khi cuối cùng cô đã thành công trong việc giữ nó vững chắc ở bên trong.

Với lòng biết ơn vô hạn và sự cảm nhận thành công, cô quay lại để lạy thầy mình và xin được tha thứ. Chỉ những ai hành thiền mới có thể thực sự hiểu con đường tâm linh.

Nhưng học thiền đúng cách đòi hỏi cần phải có sự hướng dẫn của một người thầy tài giỏi. Thầy không thể phạm một sai lầm dù là nhỏ nhất, đặc biệt khi đệ tử của mình đang thiền ở bậc rất cao, người thầy phải biết nhiều hơn trò để trò có thể thành kính tuân theo sự chỉ dẫn của thầy. Thật là sai lầm nếu vị thầy dạy những điều vượt ra khỏi sự hiểu biết của mình. Đệ tử sẽ không thu được lợi ích từ sự hướng dẫn đó. Khi việc dạy được dựa vào sự trải nghiệm trực tiếp về chân lý thu được từ hiểu biết xuyên thấu, một đệ tử giỏi sẽ có thể tiến rất nhanh trên con đường trí tuệ.

Thấy rằng thiền của cô bây giờ đã vững chắc trên con đường đúng, Ajaan Mahā Boowa rộng lòng nhận cô quay lại.

Ngài nói với cô rằng cô đã sống với ma quỷ của tâm mình quá lâu rồi. Việc say sưa theo đuổi sự trôi nổi của luồng tâm thức đã làm cô sống trong sự chi phối của ma quỷ và các thần linh, và làm nô lệ cho những ảo ảnh được dựng lên bởi chính tâm mình. Bằng việc quay luồng tâm thức trở về chính nó, cô đã tạm thời cắt đứt được xu hướng của nó, và khôi phục tâm trở lại với cội nguồn của nó.

Cái cô đã trải nghiệm được chính là cốt lõi của tâm – bản chất biết sẵn có của tâm. Nhận thức là một chức năng của cốt lõi của tâm, nhưng hoạt động nhận thức là tạm thời, ngắn ngủi và thiếu sự tỉnh giác sẵn có của tâm.

Các trạng thái của thức tồn tại cùng với sự tỉnh giác biết chúng, và cốt lõi biết của tâm chính là gốc rễ và chính là cội nguồn của sự nhận biết đó. Các trạng thái tạm thời của tâm sinh và diệt trong luồng tâm thức chỉ thuần túy là những hiện tượng do nhân duyên.

Vì cốt lõi của tâm không do nhân duyên nào cả, nó là hiện thực bền vững duy nhất. Tâm thức trôi chảy tự nhiên ra khỏi gốc của tâm, chuyển động từ trung tâm của tâm lên bề mặt. Tâm thức trên bề mặt liên tục thay đổi hình thức và nội dung khi nó bị gợn lên bởi các luồng gió tham, sân, si.

Nhưng cốt lõi thực sự của tâm không làm gì và không thể hiện trạng thái gì. Là nhận thức thuần túy, nó đơn giản chỉ là biết. Những hoạt động phát sinh từ cốt lõi của tâm, như nhận biết về thế giới vật chất hay thế giới tinh thần là những trạng thái của thức bắt nguồn từ tâm.

Vì tâm thức là thể hiện của các hoạt động và trạng thái của tâm, mà theo bản chất tự nhiên thì chúng luôn sinh và diệt, sự nhận biết của tâm thức luôn luôn thay đổi và không đáng tin cậy.

Khi luồng tâm thức hướng ra ngoài tiếp xúc với các giác quan, nhận biết bị đồng hóa với đối tượng của nó. Khi thức tiếp xúc với mắt, cảnh tạo điều kiện cho thức, và thức trở thành nhìn thấy. Khi tâm thức tiếp xúc với tai, âm thanh làm duyên cho thức, và thức trở thành nghe thấy, và tương tự như vậy.

Do đó, khi thức khởi sinh, cốt lõi của tâm bị mờ đi, không thể tìm thấy được nữa. Không phải là cốt lõi đó biến mất, mà bản chất biết của tâm đã bị chuyển hóa thành thức.

Bình thường, khi con người để cho mắt và tai chạy theo hình ảnh và âm thanh, họ gắn kết tình cảm với những gì thu nhận được, sự bình tĩnh chỉ trở lại khi những đối tượng giác quan đó biến mất.

Do luôn bị cuộc diễu hành không ngừng của ma và quỷ thần ám ảnh trong tâm thức bình thường, con người bỏ quên hoàn toàn cốt lõi thực sự của tâm. Bằng cách quay ngược luồng tâm thức, ý nghĩ bị cắt quãng và ngưng lại. Khi ý nghĩ biến mất, tâm thức thể nhập vào trong, hòa vào cốt lõi nhận biết của tâm.

Khi thực hành liên tục, nền tảng này không thể bị lay chuyển trong mọi hoàn cảnh. Khi đó, kể cả khi tâm ra khỏi thiền định, nó vẫn thấy vững chắc như thể không gì có thể làm nhiễu được sự tập trung vào trong của tâm.

Mặc dù định không chấm dứt được đau khổ, định vẫn là một nền tảng lý tưởng để bước vào một cuộc tấn công các ô nhiễm tinh thần gây nên đau khổ.

Việc quan sát trở nên tự nhiên và bản năng, và chánh niệm luôn có mặt. Sự tập trung tức thời và sắc bén này bổ trợ cho công việc khảo sát và quán chiếu của trí tuệ. Sự an định mạnh mẽ nhờ thiền định trở thành nền tảng tuyệt vời cho việc phát triển sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự tồn tại.

Có hai mục đích chính trong việc làm ý nghĩ ngưng lại. Một là để mở đường làm rõ bản chất của suy nghĩ, qua việc phân biệt ý nghĩ bột phát và theo thói quen với việc suy nghĩ tập trung và thận trọng, có cân nhắc. Hai là để dọn chỗ cho hoạt động có ý thức của sự hiểu biết không theo khái niệm. Cả hai mục đích này đều là các khía cạnh không tách riêng được của trí tuệ.

Khi thực hành đúng, định có thể ngưng suy nghĩ một cách tạm thời, nhưng nó không bóp méo nguyên nhân. Nó cho phép suy nghĩ một cách có chủ ý hơn là bắt buộc. Cách sử dụng tâm như vậy mở ra không gian rộng lớn hơn để ý nghĩ có khả năng suy nghĩ và quan sát với sự trong sáng không bị dính mắc. Nhận biết trực tiếp chỉ thoáng nhìn có thể thấy ngay dòng ý nghĩ dẫn đi đâu. Sử dụng hiểu biết trực tiếp và độc lập, ta có thể bỏ qua những ý nghĩ vô ích và bắt lấy những ý nghĩ có ích, do đó có thể xây dựng được một nền tảng vững chắc cho trí tuệ siêu việt.

Một khi tâm chưa đạt được sự tĩnh lặng tối cao, nó không thể nghĩ đúng. Suy nghĩ khởi lên do đà thường có của tâm thức là suy nghĩ lung tung, không phải suy nghĩ thực chất. Hiểu biết đạt được từ suy nghĩ quy ước là sự hiểu biết nông cạn và không đáng tin cậy. Nó thiếu sự hiểu biết bản chất của trí tuệ chân thật.

Một tâm không bị xao lãng bởi những suy nghĩ và các cảm xúc bên ngoài chỉ tập trung duy nhất vào trường nhận biết và khảo sát những hiện tượng khởi sinh ở đó dưới ánh sáng của sự thật, không bị ảnh hưởng bởi võ đoán hay suy luận. Đấy là một nguyên tắc quan trọng.

Quá trình khám phá diễn ra suôn sẻ nhờ sự khéo léo và thuần thục. Không bao giờ bị xao lãng hoặc bị lạc hướng bởi phỏng đoán, trí tuệ thực sự khảo cứu, quán chiếu và hiểu ở mức độ rất thấu đáo.

Vì Mae Chee Kaew đã bị trói buộc bởi sản phẩm của tâm thức rất lâu rồi, và do đó đã xa lìa khỏi cốt lõi của nó, cô rất cần trải nghiệm trực tiếp cốt lõi thực sự của tâm.

Nhưng trải nghiệm cốt lõi thực sự của tâm là phương tiện chứ không phải là điểm đích – phương tiện để giải phóng tâm khỏi những chướng ngại thô trong tâm, và tạo nên một nền tảng vững chắc để tiếp tục tu tập.

Ajaan Mahā Boowa đã cảnh báo cô rằng trải nghiệm được cốt lõi của tâm có thể dễ dàng dẫn cô đến cảm giác sai lầm khi tin vào sự hiểu biết khởi lên từ nhận biết có ý thức.

Do đó, một điều cấp bách là mọi thứ sinh khởi từ tâm cần phải được nghiên cứu một cách kỹ càng. Mỗi lần ra khỏi trạng thái định sâu, cô cần phải soát xét lại các hoạt động của tâm thức để tìm ra ô nhiễm vẫn còn sót lại của các duyên đắm chìm trong tâm vẫn đang bị sai sử bởi các dính mắc dai dẳng vào sắc thân, vào các hình tượng tâm linh và sự hình thành ý nghĩ.

Theo hướng đó, Ajaan Mahā Boowa dạy Mae Chee Kaew cách tập kích sâu hơn vào trong tâm cô để có thể học cách nhổ tận gốc các ô nhiễm tinh thần đã bọc chặt quanh tâm cô.

Ngài nhấn mạnh rằng tâm – chứ không phải nhận biết về vô số các hiện tượng trong thế giới quy ước – là cốt lõi của việc thực hành Phật Pháp. Ngài thôi thúc cô trước tiên hướng năng lượng tinh thần vào việc làm sáng tỏ bí ẩn của thân vật chất, và vào sự dính mắc không thể tránh khỏi của tâm vào sắc tướng.

Ngài nhắc cô rằng sự vun bồi trí tuệ bắt đầu từ thân người, với mục tiêu là để thâm nhập trực tiếp vào bản chất thực sự của thân. Khi tìm hiểu thân, ngài dạy cô lợi dụng sức mạnh của quan sát tự nhiên như là một kỹ thuật quán chiếu.

Do đó, để tránh rơi vào những khuôn mẫu suy nghĩ có sẵn – dựa trên cách diễn giải theo thói quen và được bổ sung bởi ước đoán và giả định – Mae Chee Kaew phải có chánh niệm, tỉnh giác sắc bén ngay nơi tâm thức phát khởi từ cốt lõi thực sự của tâm. Để cho hiểu biết tự nhiên sinh khởi cần phải vượt qua hạn chế của suy nghĩ và tưởng tượng thông thường.

Điều đó có nghĩa là cần nhận biết đối tượng được khảo cứu ngay khi nó xuất hiện trong tâm, tất cả ngay lập tức mà không đặt khái niệm. Nếu cô cho phép tâm thức phân biệt hoạt động, bằng cách đặt tên và dán mác cho sự hình thành tâm ý thì tiến trình sản xuất các khái niệm theo thói quen sẵn có sẽ tạo ra vô số suy nghĩ và dẫn đến vô vàn lẫn lộn – đó chính là sự đối nghịch đối với sự hiểu biết chân thật.

Bằng cách quan sát tự nhiên các hiện tượng với chánh niệm rõ ràng, cô có thể phát triển được sự tự do thoát khỏi các đối tượng của nhận thức, và đạt được sự thanh tịnh tự nhiên của trí tuệ, không bị ngăn che.


Nguồn trích dẫn:Mae Chee Kaew – Hành trình tới Giác ngộ và Giải thoát. Tác giả: Ajaan Dick Sīlaratano

Audio. Youtube: Phần 1Phần 2

Bài viết liên quan

  • (I) Vai Trò Của Vị Thầy Tâm Linh, WebFB
  • (Ii) “Tấm Thân Này”: Trải Nghiệm Pháp , WebFB
  • (Iii) Phát Triển Minh Sát Tuệ, WebFB
  • (Iv) Vượt Qua Hào Quang Lung Linh Của Cái Tôi, WebFB
  • Những Bài Học Vô Giá – Hành Trình Dẫn Đến Giác Ngộ Giải Thoát Của Mae Chee Kaew, WebFB
  • Audio – Lợi Ích Tu Tập Tứ Niệm Xứ. Bài Giảng Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar. Tối 30/10/2018, Archive
  • Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát, WebFB
  • Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, WebFB
  • Tứ Niệm Xứ Tu Tập, Làm Cho Sung Mãn Đem Lại Thành Quả Gì?, WebFB
  • Thế Nào Là Tu Tập Định (Samādhi Bhāvanā) Cùng Với Tu Tập Tứ Niệm Xứ (Cattāro Satipaṭṭhānā)?, WebFB
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, WebFB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, WebFB
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, WebFB
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, WebFB
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định, WebFB
  • Ðịnh (Samādhi) Là Gì? Thế Nào Là Con Bò Núi Ngu Ngốc?, WebFB
  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, WebFB
  • Không Chánh Định Không Thể Có Bát Thánh Đạo. Không Bát Thánh Đạo Không Thể Có Bậc Thánh Giác Ngộ Giải Thoát, WebFB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, WebFB
  • Khi Thiền, Nếu Chúng Ta Cứ Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức Hay Tê Cứng Mà Không Chịu Thay Đổi Oai Nghi Liền, Thì Thực Sự Đó Có Phải Là Tự Ép Xác Hay Khổ Hạnh (Atta-Kilamatha-Nuyoga) Không?, WebFB
  • Phật Giáo (Buddhasasana) Là Gì?, WebFB
  • Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, WebFB
  • “Hoàn Toàn Và Vĩnh Viễn”: Sự Thật Về Đạo Phật Giải Thoát, WebFB
  • 969 Là Gì, WebFB
  • Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hà nh Từ Từ, WebFB
  • Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ?, WebFB
  • Trong Pháp Và Luật Này Có Một Tuần Tự Học Tập, Một Tuần Tự Công Trình, Một Tuần Tự Đạo Lộ?, WebFB
  • Bậc trí theo tuần tự (Pháp Cú 239), WebFB
  • Chớ quên lợi ích của chính mình (Pháp Cú 166), WebFB
  • Quí Vị Thiền Vì Mục Đích Gì, WebFB
  • Giới Luật “Chỉ Là Phương Tiện”?, WebFB
  • “Hoàn Toàn Và Vĩnh Viễn”: Sự Thật Về Đạo Phật Giải Thoát , WebFB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, WebFB
  • “Giải Thoát Đạo” Khác “Bồ Tát Đạo” Như Thế Nào?, WebFB
  • Bồ Tát Đạo Là Gì, WebFB
  • Những Phẩm Chất Căn Bản Giúp Việc Thành Tựu 10 Ba-La-Mật Thành Phật Là Gì?, WebFB
  • Pháp Học, Pháp Hành Và Pháp Thành, WebFB
  • Vị Thầy Hộ Trì, WebFB
  • Vị Thầy Chân Chính: Một Trợ Duyên Tối Quan Trọng Không Thể Thiếu, WebFB
  • Theo Thầy, WebFB
  • Thầy & Trò, WebFB
  • Phải Tự Mình Bước Đi, Sau Khi Đã Được Chỉ Đường, Thì Mới Có Thể Tới Đích. , WebFB
  • Tất Cả Pháp Lấy Gì Làm Căn Bản, WebFB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, WebFB
  • Cetanā – Tác Ý Tư Tâm Sở Và Manasikāra – Tác Ý Chú Tâm Khác Nhau Như Thế Nào?, WebFB
  • Audio Video: Thiền Minh Sát Vipassana: Lý Thuyết & Thực Hành, Youtube
  • Audio – Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Audio – Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube

Bài viết Facebook, ngày 31 tháng 5, 2020