Kathina: nguyên do kathina? Đặc ân cho các vị tỳ khưu? Lợi ích cho các thí chủ


Foto: Ảnh chụp tai Đại lễ Kathina 2013, Tu viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

KATHINA: NGUYÊN DO KATHINA? ĐẶC ÂN CHO CÁC VỊ TỲ KHƯU? LỢI ÍCH CHO CÁC THÍ CHỦ

(Nguyên do Kathina? Đặc ân cho các vị Tỳ khưu? Lợi ích cho các thí chủ?)

Thường thường Kathina được tổ chức sau Pavarana (ND: Lễ Mời Phê Bình của các vị Tỳ khưu sau ba tháng An cư mùa mưa). Việc thành tựu được gọi là “Kathinattharo” (Kathina + attharo), có nghĩa là năm đặc ân (anisamsa) được trải khắp mọi nơi trong Tu viện một cách vững chắc, không để lọt ra ngoài. Nó chắc chắn và bền vững như sợi dây được thu gom và tích giữ. Do vậy, việc mở rộng các đặc ân này tới mọi nơi trong Tu viện theo những điều luật Vinaya được gọi là Đại lễ Kathina.

Nguyên do Kathina

Thủa đó, Đức Phật đang ở Tu viện Jetavana, tại Savatthi. Lúc bấy giờ có ba mươi anh em được gọi là Bhaddavaggiya, là con trai cùng cha khác mẹ của Vua Kosala. Họ đã trở thành Tỳ khưu thực hành Giáo pháp của Đức Phật và đã là những bậc thánh Sotapana, Sakadagami, và Angami (ND: Thánh Nhập Lưu – Thất Lai, Thánh Nhất Lai, và Thánh Bất Lai).

Một ngày nọ, họ quyết định đi gặp Đức Phật tại Savatthi. Tuy nhiên, do Vassa (ND: An cư mùa mưa) đã tới nên nên họ đã không thể đến Savatthi đúng thời. Họ tạm dừng ở Sakila, trên đường tới Savatthi, để nhập kỳ Vassa. Họ đã rất bất hạnh khi phải trải qua thời gian xa cách Đức Thế Tôn. Ngay sau Vassa họ đã lên đường tới Savatthi mặc dù trời vẫn đang còn mưa.

Trong thời bấy giờ, các Tỳ khưu có rất ít nhu cầu và họ chỉ sở hữu một bộ gồm ba y (ND: y dưới, y trên, y khoác ngoài) và một bát. Những chiếc y này đều được may bằng tay và vì vậy chúng rất dày và thô. Do đó khi bị ướt và vấy bùn, chúng rất nặng. Khi tới được Savatthi họ đã vô cùng kiệt quệ.

Khi thấy hoàn cảnh của họ, Đức Phật đã nhìn lại quá khứ và thấy các y Kathina đã được các Đức Phật trước đây cho phép. Với tâm từ tới anh em Bhaddavagiya, Đức Phật đã cho phép họ nhận các y Kathina.

Kathina kéo dài một tháng, từ ngày đầu kỳ trăng khuyết của Thadingyut (khoảng giữa tháng 10 DL) cho tới ngày trăng tròn của Tazaung–daing (khoảng giữa tháng 11 DL). Chỉ những Tỳ Khưu đã ở tại Tu viện liên tục trong suốt kỳ Vassa là được quyền hưởng các đặc ân Kathina.

Các đặc ân – lợi ích

Các đặc ân riêng cho các vị Tỳ khưu

1) Trong kỳ An cư mùa mưa, vị Tỳ khưu không được du hành hoặc đến thăm gia cư nếu không có sự cho phép đặc biệt của Sangha (ND: Tăng đoàn). Vị Tỳ khưu có thể du hành ngoài Tu viện tối đa là bẩy ngày trong trường hợp khẩn thiết với sự cho phép đặc biệt của Sangha. Tuy nhiên do việc thành tựu Pavarana và Kathina, vị Tỳ khưu được phép du hành hoặc tới thăm gia cư mà không cần sự cho phép của Sangha. Đây là đặc ân thứ nhất – Anamantacaro.

2) Theo Vinaya (ND: Luật tạng), vị Tỳ khưu có thể sở hữu một bộ gồm ba y (ticivaram) đã được xác quyết là chỉ thuộc về vị Tỳ khưu này, và không được phép rời xa bất kể khi đi đâu, đặc biệt là vào thời điểm phân cách ngày mới, nếu không vậy, vị Tỳ khưu đã bỏ lại những y này và bị coi là đã phạm lỗi. Nay, bởi việc thành tựu Kathina, vị Tỳ khưu được phép du hành mà không cần mang theo mình cả bộ y đầy đủ. Đây là đặc ân thứ hai – Asamadanacaro.

3) Thông thường vị Tỳ khưu không được phép giữ quá một bộ gồm ba y. Thời xa xưa, các vị Tỳ khưu thường giữ nhiều bộ y, và khi du hành họ phải mang theo các bọc y này, trông rất lố bịch, và bị người dân chỉ trích. Người dân phàn nàn rằng các vị Tỳ khưu đã khước từ tham dục thế gian mà vẫn còn tích giữ tài sản. Thấy vậy, Đức Phật đã tự mình thử để biết bao nhiêu y là đủ cần để bảo vệ cơ thể trong các điều kiện thời tiết. Ngài đã vấn y tuần tự từng chiếc và thấy rằng một bộ gồm ba y (ND: y dưới, y trên, y khoác ngoài) là vừa đủ cho vị Tỳ khưu trong mọi thời điểm cả ngày và đêm. Do vậy mà có điều luật này.

Tuy nhiên, vị Tỳ khưu có thể tránh điều này bằng cách giao phó những y vượt quá giới hạn mà vị này thường sử dụng trong thực tế tới một vị Tỳ khưu khác, ví dụ vikappana (thay thế). Cách này là cách thay thế cho việc sử dụng y đã được xác quyết chỉ thuộc về một cá nhân, trong vòng 10 ngày, đối với y được dâng cúng bởi thí chủ. Bằng việc thành tựu Paravana và Kathina, vị Tỳ khưu được miễn trừ khỏi điều luật này, và có thể giữ nhiều bộ y (mà không cần giao phó) trong vòng 5 tháng kể từ ngày Kathina, tức là đến tháng 3 năm tiếp sau. Đây là đặc ân thứ ba – Yavadathacivara – có thể giữ nhiều y theo nhu cầu trong vòng 5 tháng tới.

4) Đặc ân thứ tư là Ganabhojana – cho phép vị Tỳ khưu nhận lời mời thọ thực. Thông thường vị Tỳ khưu bị giới hạn trong việc chấp nhận lời mời thọ thực không chính thức hoặc không phù hợp, khi bốn vị Tỳ khưu hoặc nhiều hơn cùng tham gia. Các điều Luật Vinaya cũng không cho phép vị Tỳ khưu khước từ lời thỉnh mời đầu tiên vì ưu tiên lời mời thứ hai.

5) Đặc ân thứ năm là Yo ca Tatthacivaruppado – Các y dâng cúng nhân dịp Đại lễ Kathina thuộc về vị Tỳ khưu đã thành tựu vẹn toàn cả hai Paravana và Kathina trong cùng một Tu viện, và vị này có quyền sử dụng chúng trong thời gian xác định là 5 tháng.

Đây là năm đặc ân được tích dồn một cách vững chắc cho vị Tỳ khưu, người được coi là đã đạt được Kathina – anisamsa (Hạnh phúc vững chắc). Đây là cách thức năm đặc ân được trải khắp toàn khu vực Tu viện một cách chắc chắn, và được biết tới như là Kathinatthara – Truyền trải Kathina.

Các lợi ích cho các thí chủ

Cũng có năm lợi ích tích dồn cho các thí chủ.

1) Bởi đức hạnh tự nguyện cống hiến (cetana) để các vị Tỳ khưu có thể du hành mà không cần đến sự cho phép của Sangha, các thí chủ cũng sẽ có được lợi ích trong việc du hành từ chỗ này tới chỗ kia không bị chướng ngại.

2) Bởi việc giúp các vị Tỳ khưu làm nhẹ bớt gánh nặng trong trách nhiệm luôn không rời các y áo, các thí chủ cũng sẽ có được lợi ích trong việc thực hiện các nhiệm vụ không chút khó khăn.

3) Bởi việc giúp để các vị Tỳ khưu có thể cùng hưởng thọ thực mà không vướng mắc các qui định của Vinya (Luật), các thí chủ cũng sẽ không gặp bất cứ tai hại gì liên quan đến thực phẩm.

4) Bởi việc giúp để các vị Tỳ khưu có đặc ân được giữ các y trong thời gian hạn định mà không vướng mắc các qui định của Vinya (Luật), các thí chủ sẽ có được lợi ích trong việc giữ tài sản của mình an toàn.

5) Thành tựu Kathina đảm bảo cho các vị Tỳ khưu những đặc ân trong việc chia sẻ các y áo và các vật dụng được dâng cúng tại Tu viện. Bởi thiện nghiệp này các thí chủ sẽ có được tài sản của mình một cách chân chánh.

Do vậy, việc cúng dường y trong Đại lễ kathina luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các vị Tỳ khưu tham gia cơ hội này sẽ được làm giảm nhẹ các điều luật trong một số phạm vi. Tương tự, bởi đức hạnh của thiện nghiệp của họ, các thí chủ sẽ có được các lợi ích dặc biệt.

(TK Viên Phúc lược dịch từ “On the Path to Freedom” của Ngài Sayadaw U Pandita)

Bài viết liên quan

  • Như nước nhỏ từng hạt, rồi bình cũng tràn đầy (Pháp cú 122), Web, FB
  • Kathina: nguyên do kathina? Đặc ân cho các vị tỳ khưu? Lợi ích cho các thí chủ, Web, FB
  • Phước báu cúng dường y kathina tới sangha – tăng đoàn, Web Link
  • Lễ cúng dường y kathina 8/11/2020 tại tharmanaykyaw mahagandayon monastery yangon myanmar đã thành tựu viên mãn, Web Link
  • Kathina 2019 perfect fulfillment – thành tựu viên mãn, Web Link
  • Đại lễ kathina 2019 tại thiền viện tharmanaykyaw đã sẵn sàng, Web Link
  • Kathina 2018 thành tựu viên mãn, Web Link
  • Đại lễ cúng dường dâng y kathina đã sẵn sàng, Web, FB
  • Cô thí chủ – nữ tu tâm từ metta tác bạch cúng dường dâng y kathina tới tăng đoàn sangha tại đại lễ kathina 2017, thiền viện tharmanaykyaw mahagandhayon monastery yangon myanmar 8/10/2017., Web Link
  • Ảnh chụp tại đại lễ cúng dường dâng y kathina tới tăng đoàn sangha tại thiền viện ta ma nê chô, yangon myanmar, 8/10/2017., Web Link
  • Đại lễ cúng dường y kathina 2014, Web Link
  • Kathina robes offring ceremony at tharmanaykyaw mahagandhayon monastery, yangon, myanmar – 9 oct 2014., Web Link