Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 1/5: Cư sĩ hộ tăng cần biết)
TU SĨ VÀ TIỀN BẠC
Phần 1/5: Cư sĩ hộ tăng cần biết
Tỳ khưu, Sa di tự mình nhận, giữ, chi tiêu tiền bạc với bất kỳ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ thái độ nào cũng là phạm giới. Nếu tỳ khưu không giữ được giới này thì cần hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, xả bỏ, sám hối tránh tái phạm chứ tuyệt đối không nên công khai nguỵ biện, cổ vũ bị phạm thêm tội nặng.
⚀ Ghi chú 1:
Giới luật là giới luật. Phạm tội là phạm tội. Không thể bằng các cách biện minh nguỵ biện mà có thể làm cho một tỳ khưu phạm tội trở lên trong sạch. Mà tỳ khưu không trong sạch thì không thể thấy Pháp, Đức Phật đã đặt ra chế định dứt khoát và rõ ràng như sau:
“Này Thôn trưởng, các Sa–môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc.
Các Sa–môn Thích tử không được giữ vàng bạc.
Các Sa–môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc.
Các Sa–môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc.
Họ đã ly khai vàng và bạc.
Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục trưởng dưỡng. Ðối với ai được phép dùng năm dục trưởng dưỡng, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa–môn pháp, phi Thích tử pháp.
Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, KHÔNG BẤT CỨ MỘT LÝ DO GÌ TA NÓI RẰNG VÀNG, BẠC ĐƯỢC CHẤP NHẬN, ĐƯỢC TÌM CẦU.”
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 42: Tương ưng thôn trưởng – 10. Manicùlam (Châu báu trên đỉnh đầu)
Trong Giới Bổn Patimokkha dành cho Tỳ khưu, mục tội phạm Ưng xả đối trị điều 18, 19, 20 cũng ghi rõ chế định do Đức Thế Tôn qui định:
18. Yo pana bhikkhu jātarūparajataṃ uggaṇheyya vā uggaṇhāpeyya vā upanikkhittaṃ vā sādiyeyya nissaggiyaṃ pācittiyaṃ.
18. VỊ TỲ–KHEO NÀO VUI THÍCH NHẬN LẤY, HOẶC SAI NHẬN LẤY, HOẶC CẤT TRỮ VÀNG VÀ BẠC, PHẠM ƯNG XẢ ĐỐI TRỊ.
19. Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ rūpiyasaṃvoharaṃ samāpajjeyya nissaggiyaṃ pācitti–yaṃ.
19. VỊ TỲ–KHEO NÀO DỰ VIỆC MUA BÁN BẰNG TIỀN BẠC DƯỚI MỌI HÌNH THỨC PHẠM ƯNG XẢ ĐỐI TRỊ.
20. Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ kayavikkayaṃ samāpajjeyya nissaggiyaṃ pācittiyaṃ.
20. VỊ TỲ–KHEO NÀO DỰ VIỆC THƯƠNG MẠI BẰNG MỌI HÌNH THỨC, PHẠM ƯNG XẢ ĐỐI TRỊ.
[Giới Bổn Patimokkha – Ưng xả đối trị Nissaggiyā pācittiyā 18, 19, 20]
⚁ Ghi chú 2:
Theyyaparibhoga – Thọ dụng như kẻ trộm:
Tỳ–khưu phá giới, rồi ẩn mình thọ dùng vật dụng của thí chủ chung với tăng gọi là trộm vật dụng của thí chủ đem dùng, vì thí chủ chỉ tìm dâng cúng đến Tỳ–khưu có giới để mong hưởng được nhiều quả phước.
Chẳng phải họ tìm dâng đến Tỳ–khưu phá giới đâu, Tỳ–khưu phá giới cố che mắt người, thọ lãnh và dùng vật dụng, cho nên gọi là trộm của thí chủ.
Chẳng những chỉ thế thôi, cũng còn gọi là cướp của các Tỳ–khưu có giới trong sạch nữa. Vì các vật họ dâng cho sự tín ngưỡng ấy, đức Thế Tôn chỉ cho phép các bậc Tỳ–khưu, có giới được thọ hưởng, mà Tỳ–khưu phá giới lại ẩn mình, che mắt thí chủ, nhận lãnh để dùng. Cho nên gọi là cướp đoạt vật dụng của Tỳ–khưu có giới.
(Tứ thanh tịnh giới – TK Hộ Tông)
⚂ Ghi chú 3:
❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊
PHẦN 1 – Cư Sĩ Hộ Tăng Cần Biết
❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊❊
Quý vị có biết rằng Đức Phật không cho phép các tu sĩ và sa di nhận tiền bạc?
Chắc chắn là quý vị đã để ý thấy đại đa số các tu sĩ nhận và sử dụng tiền bạc. Đây là một trong những yếu tố sẽ dẫn tới việc Giáo Pháp của Đức Phật biến mất. Quý vị có thể góp phần để duy trì Phật Pháp được tồn tại bằng cách học tập cách cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép.
Trong mục này chúng ta sẽ liệt kê những điểm chính mà một cư sĩ nên ghi nhớ để một tu sĩ (Tỳ khưu) có thể có được những vật dụng cần thiết mà không vi phạm những giới luật của Vinaya.
1. Không bao giờ cúng dường tiền cho các Tỳ khưu, nhưng chỉ cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép chẳng hạn như các bộ y, thuốc men, sách, hay vé để đi lại. Nếu quý vị không chắc chắn về những gì một Tỳ khưu cần có thì quý vị có thể hỏi họ, hoặc mời họ yêu cầu quý vị nếu họ cần thứ gì đó.
2. Một ngân quỹ dành để mua những vật dụng cần thiết có thể được để lại cho một kappiya (người phục vụ cho một Tỳ khưu) và ông ta nên được chỉ dẫn để mua và cúng dường những vật dụng cần thiết cho một Tỳ khưu, một nhóm Tỳ khưu, hay Tăng đoàn của một tu viện. Đừng hỏi Tỳ khưu: ‘Nên trao số tiền này cho ai?’ Nếu quý vị hỏi theo cách này thì một Tỳ khưu không được phép chỉ rõ một kappiya. Chỉ nên nói: ‘Thưa Sư, con muốn cúng dường những vật dụng cần thiết cho Sư. Ai là kappiya của Sư?’
3. Khi đã cho kappiya biết, quý vị thông báo cho Tỳ khưu bằng cách nói: ‘Con đã để lại một món tiền trị giá ‘x’ đô la cho kappiya của Sư. Khi Sư cần những vật dụng cần thiết Sư cứ hỏi họ và họ sẽ dâng cho Sư những vật dụng đó.’
4. Nếu quý vị đã biết ai là kappiya của Tỳ khưu thì khi đó quý vị chỉ cần để lại món tiền cho kappiya và thông báo cho Tỳ khưu như mục 3 ở trên.
Xin đọc kỹ những điều trên và lưu ý tới những gì được nói trong đó. Thủ tục ở trên được Đức Phật cho phép trong phần được gọi là ‘thừa nhận mendaka’. Nó được tìm thấy trong Bhesajja Khandhaka của Mahavagga (Đại Phẩm) trong Vinaya Pitaka (Tạng Luật).
Bài viết liên quan
- Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 1/5:- Những Điều Cư Sĩ Hộ Tăng Cần Biết), Web, FB
- Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 2/5: Sai Lầm Trong Việc Nhận Tiền), Web, FB
- Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 3/5: Những Giới Luật Liên Quan Tới Tiền Bạc), Web, FB
- Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 4/5: Việc Bị Thu Hồi Và Sám Hối), Web, FB
- Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 5/5: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw), Web, FB
Audio Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala Tại Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
- Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada:, Youtube, Archive
- Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 3 Đại Phẩm – Mahāvagga, Youtube, Archive
- Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 4 Tiểu Phẩm – Cullavagga, Archive
- Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 5 Tập Yếu – Parivāra, Archive