Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 5/5: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw)

TU SĨ VÀ TIỀN BẠC

Phần 5/5: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa–Auk Tawya Sayadaw

Nguồn trích dẫn: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw

********************

⚀ – Câu Hỏi 50: Một số vị Tỳ–kheo dạy phương pháp thiền Pa–auk không tôn trọng Giới luật (Vinaya). Họ cố ý nhận tiền, chặt cây, v. v… và họ xem ra khá ngã mạn, thậm chí tới mức nghĩ rằng họ lớn hơn cả Tăng (Saṅgha). Cách cư xử của họ đã làm cho nhiều người hoài nghi phương pháp thiền Pa–Auk. Có điều gì đó sai với cách thực hành của họ hay với phương pháp thiền Pa–Auk không?

Trả Lời Câu Hỏi 50: Trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật có nói:

‘Yaṁ mayā sāvakānaṁ shikkhāpadaṁ paññattaṁ taṁ mama sāvaka jīvitahetupi nātikkamanti.’

– ‘Các vị đệ tử của ta, cho dù vì sinh mạng, cũng không bao giờ vượt qua một học giới ta đã ban hành cho các vị đệ tử.’

Như vậy, nếu các vị Tỳ–kheo ấy là những bậc thánh, chắc chắn họ sẽ không cố ý phạm bất cứ một tội nào ngay cả vì nhân sinh mạng của họ.

Hơn nữa, một bậc thánh còn có niềm tin bất động nơi Đức Phật, Giáo Pháp, Chư Tăng, và tam học (Giới Định Tuệ).

Nếu các vị ấy là những bậc thánh, họ sẽ có niềm tin trọn vẹn nơi Giới Luật (Vinaya), vốn là Pháp (Dhamma) thuộc về giới học và do chính Đức Phật ban hành.

Vì thế quý vị có thể an toàn mà nói rằng họ không phải là các bậc thánh.

Liên quan tới điều này tôi sẽ kể cho quý vị nghe một tình trạng có thực. Một số trong những người này không thực hành dưới sự hướng dẫn của tôi mà dưới sự hướng dẫn của các vị thiền sư khác rất có lòng khoan dung. Và một vài trong số những người hành thiền Minh Sát (Vipassana) dưới sự hướng dẫn của tôi nghĩ rằng các vị kia đã hoàn tất khóa thiền, nhưng thực ra thì họ chưa. Khi tôi kiểm tra họ, họ không thể vượt qua được những trắc nghiệm của tôi. Bởi vì đôi lúc tôi không nói thẳng với họ rằng sự trình bày của họ là không đúng mà chỉ yêu cầu họ kiểm tra thêm, sau một thời gian họ nghĩ rằng họ đã thành công. Và một số ra đi ngay cả trước khi được thử nghiệm lại.

⚁ – Câu Hỏi 106: Một vị sư hay tu nữ nhận tiền có thể đắc đạo quả nhập lưu được không?

Trả Lời Câu Hỏi 106: Theo giáo lý Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda), nếu một vị Tỳ–kheo là Tỳ–kheo thực nhận tiền, vị ấy không thể nào đạt đến đạo quả nhập lưu được. Tuy nhiên có một số vị Tỳ–kheo nhận tiền nói rằng họ đã đạt đến đạo quả nhập lưu. Nếu họ là Tỳ–kheo thực thì đó là điều không thể có. Liên quan tới điều này tôi muốn giải thích cho quý vị hiểu một số giới luật của Theravāda. Đối với một người muốn trở thành Tỳ–kheo thực, họ phải thành tựu năm yếu tố.

Thứ nhất – Giới tử hợp lệ (vatthusampatti), nghĩa là giới tử (người xin thọ giới) phải không có những lầm lỗi. Người ấy không phạm vào tội giết cha, giết mẹ, giết một bậc A–la–hán, cố ý làm cho Đức Phật bị thương, phá hòa hợp Tăng, hành dâm với một Tỳ–kheo Ni hay Sa–di Ni, người ấy còn phải không có tà kiến cố định (tức không tin nghiệp và quả của nghiệp) và ít nhất phải đủ 20 tuổi.

Yếu tố thứ hai – Tăng chúng hợp lệ (Purisasampatti), nghĩa là khi vị ấy thọ giới phải có ít nhất năm vị Tỳ–kheo thực nếu (tăng sự thực hiện) ở ngoài Ấn–độ, và ít nhất mười Tỳ–kheo thực nếu ở trong Ấn–độ, kể cả vị thầy tế độ, để thực hiện Tăng sự. Nếu một, hai hoặc ba trong số các vị Tỳ–kheo ấy đã phạm pārājika (tội bất cộng trụ), hoặc nếu một hay vài trong số các vị Tỳ–kheo ấy khi thọ giới không hợp với giới luật, thì tăng sự kể như không có giá trị.

Yếu tố thứ ba – Ranh giới hợp lệ (Sīmāsampatti), nghĩa là ranh giới (sīmā) phải hợp luật. Nếu ranh giới không hợp luật, chẳng hạn, phòng hành uposatha được nối với bất cứ toà nhà nào bên ngoài ranh giới với các loại dây (dây thép, dây điện), ống nước v.v…, thì tăng sự kể như không giá trị. Và khoảng cách giữa các vị Tỳ–kheo tham dự tăng sự phải nằm trong tầm một cánh tay (hatthapasa).

Yếu tố thứ tư – Tuyên ngôn hợp lệ (ñattisampatti), nghĩa là một trong các vị Tỳ–kheo phải đọc tuyên ngôn để thông báo cho số vị còn lại biết rằng giới tử thỉnh cầu được tu lên bậc trên (upasampada—tu tỳ kheo) với vị (…) là thầy tế độ. Sau đó còn phải được tiếp theo bởi ba lần thông báo. Nếu tuyên ngôn và thông báo tụng không đúng thứ tự hay không tụng đầy đủ, tăng sự kể như không hợp lệ.

Yếu tố thứ năm – Tăng sự hợp lệ (kammavācasampatti), nghĩa là tuyên ngôn tăng sự phải được đọc đúng theo văn phạm. Nếu văn phạm dùng sai, tăng sự kể như không hợp lệ và giới tử không thể trở thành một vị Tỳ–kheo thực thụ.

Khi năm yếu tố vừa đề cập được thành tựu, thì tăng sự kể như hợp lệ và giới tử trở thành một vị Tỳ–kheo thực thụ.

Nếu một vị Tỳ–kheo thực này nhận tiền và thực hành thiền chỉ và thiền minh sát, vị ấy không thể đạt đến đạo quả nhập lưu được.

Còn nếu một vị Tỳ–kheo nhận tiền nhưng vẫn đắc đạo quả nhập lưu, thì chắc chắn vị ấy không phải là một vị Tỳ–kheo thực.

Ngày nay trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda) không còn Tỳ–kheo Ni (Bhikkhuni) và Sa–di ni (sāmaṇerī) nữa, vì thế chúng tôi không thể nói về họ. Tuy nhiên, chúng tôi có hình thức ‘silashins’; mà chúng ta có thể gọi họ là tu nữ. Nhiều vị Trưởng–lão (Mahāthera) nói rằng vì họ mặc y nên họ phải giữ thập giới, vì thế họ cũng không nên nhận tiền. Nhưng nếu họ muốn nhận tiền họ có thể làm điều đó theo ý muốn của họ.

Bài viết liên quan

  • Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 1/5:- Những Điều Cư Sĩ Hộ Tăng Cần Biết), Web, FB
  • Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 2/5: Sai Lầm Trong Việc Nhận Tiền), Web, FB
  • Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 3/5: Những Giới Luật Liên Quan Tới Tiền Bạc), Web, FB
  • Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 4/5: Việc Bị Thu Hồi Và Sám Hối), Web, FB
  • Tu Sĩ Và Tiền Bạc (Phần 5/5: Hỏi Và Đáp Với Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw), Web, FB

Audio Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala Tại Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada:, Youtube, Archive
  • Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 3 Đại Phẩm – Mahāvagga, Youtube, Archive
  • Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 4 Tiểu Phẩm – Cullavagga, Archive
  • Giới Thiệu Chi Tiết Tạng Luật – Vinayapiṭaka: Phần 5 Tập Yếu – Parivāra, Archive