Khổ – Dukkha

Khổ – Dukkha

PTMC:

Thế Đời là một bể khổ ư ? Thưa Sư.

@:

Có vị “thầy” (?!) giảng dạy, viết sách dạy mọi người rằng: “Đời không phải là khổ, chỉ có bản thân mình tự làm khổ mình bằng vô minh và tham ái mà thôi”.

Phần thứ hai trong câu nói trên là đúng theo lời Phật dạy về nguyên nhân của Khổ, phần đầu của câu nói trên “Đời không phải là khổ” – là hoàn toàn sai, chỉ là suy luận thiển cận, sai lầm của vị đó, là vọng tưởng, là tà kiến đảo điên, hoàn toàn trái với chân lý về Khổ do Đức Phật đã truyền dạy.

Chân lý Khổ tồn tại, hiện hữu và vận hành cho dù ai đó có biết hay không biết, thừa nhận hay không thừa nhận, thích hay không thích.

Chân lý đó là: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã.

Khổ không chỉ trong kiếp sống này, mà sinh tử luân hồi là khổ; sinh, lão, bệnh, tử là khổ, ái biệt ly là khổ, oan gia hội là khổ, cầu bất đắc là khổ, ngũ uẩn là khổ, hết kiếp này sang kiếp khác. Hễ còn tái sinh là còn khổ.

Đây là chân lý.

Khi không liễu tri Chân lý về Khổ này mà coi cuộc đời không phải là khổ thì đó là vô minh.

Vì vô minh không thấy đời sống này là Khổ, không thấy hiện hữu trong tam giới này là Khổ nên chắc chắn sẽ còn tham ái, dính mắc, chấp thủ vào đời sống, không thể đoạn tận vô minh và tham ái. Chính vì cuộc sống là Khổ do vô thường biến đổi không ngừng, nên khi bám víu tham ái chấp thủ vào Khổ thì sẽ là Khổ chồng lên Khổ, Khổ bám vào Khổ, vĩnh viễn khổ đau phiền não trong sinh tử luân hồi. Do đó khuyên dạy mọi người chỉ biết hô khẩu hiệu “đừng vô minh và tham ái” trong khi lại khẳng định rằng “cuộc đời không phải là Khổ” là điều hết sức nhảm nhí, trái với sự thật.

Sự thật này được Đức Phật gọi là Khổ đế, và là chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế (hay Tứ Thánh Đế):

“Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ.”

Ba chân lý còn lại là Chân lý về nguyên nhân của Khổ Tham ái và Vô minh – Tập Đế,

Chân lý về sự tận diệt của Khổ: Niết Bàn – Diệt Đế,

Chân lý về con đường con đường giải thoát khỏi mọi khổ đau: Bát Thánh Đạo – Đạo Đế.

Khổ Đế cần được thấu triệt,

Tập Đế cần được đoạn diệt,

Diệt Đế cần được thực chứng,

Đạo Đế cần được thực hành viên mãn.

Đây là cốt tủy của Đạo Phật. Đạo Phật là Đạo Giải thoát khỏi mọi khổ đau phiền não một cách hoàn toàn và vĩnh viễn, chấm dứt sinh tử luân hồi bằng trí tuệ có được do tu tập Đạo Đế tức Bát Thánh Đạo bao gồm Giới Định Tuệ. Người nào thấu triệt, thực chứng được chân lý về khổ, người đó sẽ thấu triệt, thực chứng ba chân lý còn lại, đạt tới giác ngộ giải thoát mọi khổ đau phiền não – hoàn toàn và vĩnh viễn.

Nguyện cho tất cả mọi người cùng chư thiên được biết tới và tu tập theo chánh pháp này, sớm đạt tới hạnh phúc thật sự, tự do thật sự.

Trong tâm từ,

TK Viên Phúc

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ, V-420, Kinh Chuyển Pháp Luân, Dhammcakkappavattana sutta

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải được nói là năm thủ uẩn. Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.

[13. III. Uẩn (S.v,425)]

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải trả lời là sáu nội xứ. Thế nào là sáu? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.

[14. IV. Xứ (S.v,426)]

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

– Này các Tỷ–kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?

Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ–kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ–kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.

Nhưng nay, này các Tỷ–kheo, Thánh đế về Khổ này đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ tập đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt. Ðược chặt đứt là hữu ái, được đoạn tận là những gì đưa đến tái sanh (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy… bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Do không như thật thấy,

Bốn sự thật bậc Thánh,

Phải lâu ngày luân chuyển,

Trải qua nhiều đời sống.

Khi chúng được thấy rõ,

Mầm tái sanh nhổ sạch,

Gốc khổ được đoạn tận,

Nay không còn tái sanh.

[21.I. Minh (1) (S.v,431)]

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

KHỔ CỦA LOÀI NGƯỜI

… khổ của loài người, – bởi khổ bắt nguồn từ việc nhập thai, – bởi khổ bắt nguồn từ việc trụ thai, – bởi khổ bắt nguồn từ việc ra khỏi thai, – bởi khổ gắn liền sau khi sanh ra, – bởi khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra, – bởi khổ do sự ra sức của bản thân, – bởi khổ do sự ra sức của kẻ khác, – bởi khổ do (thọ) khổ, – bởi khổ do pháp tạo tác, – bởi khổ do sự biến đổi, – bởi khổ do bệnh ở mặt, – do bệnh ở tai trong, – do bệnh ở mũi, – do bệnh ở lưỡi, – do bệnh thân, – do bệnh ở đầu, do bệnh ở lỗ tai, – do bệnh ở miệng, – do bệnh ở răng – bởi ho, – bởi suyễn, – bởi sổ mũi, – bởi nhiệt, – bởi cảm sốt, – bởi đau bụng, – bởi xây xẩm, – bởi kiết lỵ, – bởi đau bụng, – bởi dịch tả, – bởi phong cùi, – bởi khối u, – bởi bệnh chàm, – bởi lao phổi, – bởi động kinh, – bởi mụt, – bởi nhọt, – bởi ghẻ ngứa, – bởi sảy, – bởi loét tay chân, – bởi máu, – bởi mật, – bởi bệnh tiểu đường, – bởi bệnh trĩ, – bởi ghẻ lở, bởi loét hậu môn, – bởi bệnh phát khởi từ mật, – bởi bệnh phát khởi từ đàm, – bởi bệnh phát khởi từ gió, – bởi bệnh tổng hợp do mật – đàm – gió, – bởi bệnh sanh lên vì thay đổi thời tiết, – bởi bệnh sanh lên vì bốn oai nghi không đồng đều, – bởi bệnh thuộc dạng cấp tính, – bởi bệnh sanh lên vì quả của nghiệp, – bởi lạnh, – bởi nóng, bởi đói, – bởi khát, – bởi đại tiện, bởi tiểu tiện, bởi khổ do sự xúc chạm với ruồi muỗi gió nắng và các loài bò sát, – bởi khổ do cái chết của mẹ, – bởi khổ do cái chết của cha, – bởi khổ do cái chết của anh (em) trai, – bởi khổ do cái chết của chị (em) gái, – bởi khổ do cái chết của con trai, – bởi khổ do cái chết của con gái, – bởi khổ do cái chết của thân quyến, – bởi khổ do sự tổn hại về của cải, – bởi khổ do sự tổn hại vì bệnh tật, – bởi khổ do sự tổn hại về giới, đang chao động bởi khổ do sự tổn hại về kiến thức, đang lay động, đang xáo động, đang run rẩy, đang chấn động, đang rung động.

(theo MAHĀNIDDESA – ĐẠI DIỄN GIẢI, do Ngài Indacanda dịch)

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – chương 45: tương ưng ðạo – vii: phẩm tầm cầu (esanavaggo) – 171. Khổ Tánh (Dukkhatà) (I–IV)

– Này các Tỷ–kheo, có ba khổ tánh này. Thế nào là ba? Khổ khổ tánh, hành khổ tánh, hoại khổ tánh. Chính vì mục đích thắng tri … liễu tri … đoạn diệt … đoạn tận ba khổ tánh này, này các Tỷ–kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

Tương Ưng Bộ Kinh – chương 45: tương ưng ðạo – vii: phẩm tầm cầu (esanavaggo) – 170. Hữu (I–IV)

– Này các Tỷ–kheo, có ba hữu này. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Chính vì mục đích thắng tri … liễu tri … đoạn diệt … đoạn tận ba hữu này, này các Tỷ–kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – x. phẩm lợi ích – (X) (105) Hữu

– Này các Tỷ–kheo, có ba hữu này cần phải đoạn tận, cần phải được học tập trong học tập trong ba học pháp. Thế nào là ba hữu cần phải đoạn tận?

Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ba hữu này cần phải đoạn tận.

Trong ba học pháp nào, cần phải học tập?

Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Trong ba học pháp này, cần phải học tập.

Này các Tỷ–kheo, khi nào Tỷ–kheo đã đoạn tận ba hữu này, đã học tập trong ba học pháp này, Tỷ–kheo ấy, này các Tỷ–kheo, được gọi là Tỷ–kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử do chơn chánh thực hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.

Bài viết liên quan

  • Ngu Thì Khổ, Web, FB
  • Cuộc Đời Là Đau Khổ Hay Không Đau Khổ? Có Lối Thoát Hay Không Có Lối Thoát?, Web, FB
  • Người Già Cao Tuổi, Đầy Bệnh Hoạn, Luôn Ốm Đau Bằng Cách Nào Có Thể Đạt Tới Hạnh Phúc, An Lạc Lâu Dài?, Web, FB
  • Khổ – Dukkha, Web, FB
  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
  • Về Kinh Chuyển Pháp Luân – Bài Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật., Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
  • Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
  • Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Phá Hòa Hợp Tăng Và Quả Báo Của Phá Hòa Hợp Tăng, Web, FB