Giới Luật “Chỉ Là Phương Tiện”?

Photo: Ảnh chư tăng tại Thiền Viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, đi khất thực hàng ngày. Trong cả hai tấm hình Sư là người đi cuối cùng.

Giới Luật “Chỉ Là Phương Tiện”?

Ðức Phật có dạy: Giới Luật mà còn tồn tại đến lúc nào, thì giáo pháp của Như Lai cũng còn thịnh hành đến lúc ấy. Nếu khi nào Giới Luật mà mất đi thì giáo pháp của Như Lai cũng tiêu diệt, “Vinayo sàsana mùlam” – “Giới Luật là nền tảng của Phật Giáo”.

Trong Tam học Giới – Định – Tuệ, cốt tủy của Phật giáo, Đức Phật để ra nhiều công sức Để giảng giải, dạy dỗ các đệ tử của mình về Giới luật một cách vô cùng nghiêm khắc. Những lời giáo huấn này đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong Tam tạng kinh điển Phật giáo, nó tạo thành một trong ba tạng kinh điển là Luật tạng. Không có Giới thì không thể có Định, không có Định không thể có Tuệ, tức không có giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chính vì vậy Đức Phật vì lòng bi mẫn đã không hề nhân nhượng, thỏa hiệp mỗi khi khiển trách các Tỳ Khưu vi phạm giới luật, kể cả những lỗi nhỏ nhặt.

Và theo truyền thống phật giáo Nguyên thủy thì không ai có đủ thẩm quyền để thay đổi các điều luật đã được Đức Phật chế định. Các điều luật vẫn nguyên là như vậy, không có chuyện “nhiều qui định có bớt khắc khe hơn “, chỉ có chăng là chúng đã và đang được tuân thủ chặt chẽ hay tùy tiện, khác nhau ở mỗi nơi, mỗi nước, mỗi truyền thống, và tại từng vị tỳ khưu mà thôi. Và đặc biệt rất nguy hại do cho rằng đấy chỉ là “phương tiện” nên hiện tại có nhiều “tu sĩ ” trong một số truyền thống với tên gọi “Phật giáo” đã không nghiêm trì, tuân thủ các điều luật, Giới bổn Patimokkha, thậm chí họ còn tùy tiện thay đổi, làm trái với các điều luật này, không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng tới việc vun bồi các ba la mật giúp cho chính bản thân họ có được cơ hội giác ngộ giải thoát, mà còn hủy hoại thanh danh, uy tín của Tăng đoàn, đánh mất niềm tin nơi quần chúng.

Đức Phật đã khiển trách các Tỳ Khưu vi phạm giới luật bằng những câu như sau:

“Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa–môn, không được phép, không nên làm!

Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi đã xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời?

Này kẻ rồ dại, không phải ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc chứ không phải để đưa đến sự ràng buộc, đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ chứ không phải để đưa đến sự chấp thủ hay sao?

Này kẻ rồ dại, thế mà ở đây trong khi ta thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái thì ngươi lại nghĩ đến tham ái, thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc thì ngươi lại nghĩ đến sự ràng buộc, thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ thì ngươi lại nghĩ đến sự chấp thủ.

Này kẻ rồ dại, không phải ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái trong các ái, để đưa đến sự không còn đam mê trong các nỗi đam mê, để kềm chế sự khao khát, để trừ diệt sự vướng mắc, để cắt đứt vòng tái sanh, để diệt tận ái, để ly tham, để đưa đến sự tịch diệt, để đưa đến Niết Bàn hay sao?

Này kẻ rồ dại, không phải ta bằng nhiều phương thức đã đề cập đến sự từ bỏ các dục, đã đề cập đến sự hiểu rõ về các dục tưởng, đã đề cập đến sự kềm chế các nỗi khao khát về dục, đã đề cập đến sự trừ diệt các dục tầm, đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao?

…………

…………

Này kẻ rồ dại, sự việc (vi phạm giới luật) này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin.

Này kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc (vi phạm giới luật) này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”

……………

……………

“Này các tỳ khưu, như thế thì ta sẽ quy định điều học (giới luật) cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích:

1) Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng,

2) nhằm sự an lạc cho hội chúng,

3) nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu,

4) nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện,

5) nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại,

6) nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai,

7) nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin,

8) nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin,

9) nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp,

10) và nhằm sự hỗ trợ Luật. “

 

Tuyệt đại đa số chúng sinh là bị vô minh, tham ái che mờ không thể kinh nghiệm trực tiếp Khổ Đế (Chân lý về sự Khổ) một cách liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Nên họ bị ảo tưởng (tà kiến) là có thể và mong muốn tìm kiếm hạnh phúc, an lạc trong thế gian, trong các kiếp sống sinh tử luân hồi vô tận này.

Còn một số người khác thì chưa có đủ nhân duyên để gặp được Đạo giải thoát – Chánh pháp nguyên chất do Đức Thế Tôn truyền dạy, họ chưa được giảng giải chỉ rõ thế nào là Đạo Giải Thoát và họ bị lạc lối trong các phiên bản “Đạo Phật phát triển “, hay còn được gọi là “Đạo Bồ Tát”.

Đạo giải thoát là Đạo do Đức Phật truyền dạy, được bảo tồn và truyền giao tinh kiết và bền bỉ trong Phật giáo Nguyên thủy. Đạo Bồ tát với tâm Bồ đề là của “Phật giáo phát triển Trung hoa”, khác nhau căn bản trong bốn điểm cốt lõi sau:

1) Mục đích rốt ráo:

Giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau, khỏi sinh tử luân hồi (Giải Thoát đạo)

> <

Cứu giúp tất cả chúng sinh giác ngộ thành Phật (Bồ tát đạo),

2) Phương pháp tu tập:

Phương pháp do Đức Phật truyền dạy (Giải thoát đạo)

> <

Phương pháp do các Tổ Trung hoa truyền dạy (Bồ Tát đạo),

3) Thực hành giới luật:

Duy trì nghiêm mật không thay đổi (Giải thoát đạo)

> <

Thay đổi theo phong tục, tập quán địa phương, Trung hoa (Bồ Tát đạo),

4) Kinh điển Tam tạng:

Giữ nguyên trạng (Giải thoát đạo)

> <

Thêm vào nhiều kinh ngụy tạo (Bồ Tát đạo).

Nếu không được chỉ dẫn con đường Chánh pháp, quí vị sẽ bị sai đường, lạc lối, uổng phí một kiếp làm người vô cùng hi hữu.

Một khi quí vị đã có ý thức, và hiểu biết ban đầu đúng đắn về Phật Giáo Nguyên thủy, việc tiếp ngay là thực hành Giới Định Tuệ, con đường Bát Chính Đạo, theo truyền dạy của Đức Phật, đặc biệt là hành trì Giới luật, và đối người tại gia đó là Ngũ Giới. Phải coi Giới luật là phương tiện giúp mình có được Định, Tuệ đạt tới giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau, nên phải chấp trì bằng mọi giá, kể cả mạng sống của mình, chứ không phải là phương tiện mà mình có thể tùy tiện thay đổi, làm sai trái rồi tự ngụy biện cho rằng đấy “chỉ là phương tiện”, cuộc sống mới là quan trọng. Để đi đến đích rốt ráo không hề có con đường dễ dãi, mà ngược lại vô cùng khó khăn gian khổ. Nhưng kết quả đạt được là cao thượng, xứng đáng, và không phải là không thể.

Nguyện cho hồng ân Tam bảo luôn gia trì cho quí vị trên con đường gian nan nhưng cao thượng này.

Trong Tâm Từ

Tỳ Khưu Viên Phúc

Nguồn trích dẫn: Tạng Luật – Bộ Phân Tích Giới Bổn, Vinaya Pitaka – Suttavibhanga, Phân Tích Giới Tỳ-khưu – I (Bhikkhuvibhanga I), Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch)

Bài viết liên quan

  • Phật Nào? Pháp Nào? Tăng Nào? – Nương Tựa Nơi Đâu?, Web, FB
  • “Hoàn Toàn Và Vĩnh Viễn”: Sự Thật Về Đạo Phật Giải Thoát, Web, FB
  • Giả Và Thật, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
  • Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
  • Tà Kiến: “Tánh Biết Không Sinh Không Diệt”, Web, FB
  • Vô Phân Biệt Cái Gì?Và Phân Biệt Cái Gì?, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 3 tháng 5, 2015