Bài 4.2.1 Có Bao Nhiêu Loại Dāna Theo Nhóm Hai❓[Bố Thí Pāramī (Ba–La–Mật]

Bài 4.2.1 CÓ BAO NHIÊU LOẠI DĀNA THEO NHÓM HAI❓[BỐ THÍ PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT]

by Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon, Yangon, Myanmar

Publication date 2023–10–24

Bài 4.2.1 CÓ BAO NHIÊU LOẠI DĀNA THEO NHÓM HAI❓[BỐ THÍ PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT]

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224927983812232&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

––––––––––––––––––––––––––––––

🍀 SỰ PHÂN LOẠI BỐ THÍ THEO NHÓM HAI

––––––––––––––––––––––––––––––

1. Āmisa–dāna / Dhamma–dāna (Bố thí tài vật / Pháp thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸a) Āmisa–dāna (Bố thí tài vật – Tài thí):

gồm có thức ăn, y áo, thuốc men, trú xá v.v… cũng được gọi là Bố thí tứ sự (paccaya dāna) (khi những vật thí là vật dụng của Sa–môn).

Giảng dạy Pháp trong hình thức thuyết giảng v.v… là việc bố thí Pháp. Đức Phật dạy rằng – việc bố thí Pháp là loại bố thí cao thượng nhất trong tất cả các loại bố thí.

🔹 Có câu hỏi được đặt ra là xây chùa và dựng tượng Phật thuộc loại bố thí nào?

Có một số người cho rằng xây chùa và dựng tượng Phật tuy bao gồm sự từ bỏ số lớn của cải, nhưng nó không phải là hành động bố thí.

Vì họ nói rằng một hành động cho mà trở thành sự dāna phải tròn đủ ba điều kiện: người nhận, người cho và vật cho.

Dựng tượng và xây chùa rõ ràng là có người cho nhưng ai nhận vật thí của người ấy? Nếu không có người nhận vật thí thì làm sao có hành động dāna? Theo quan điểm của họ, chùa và tượng Phật không phải là vật thí.

Hơn nữa, chùa và tượng Phật là đối tượng để niệm tưởng về ân đức của Phật.

Người xây chùa, dựng tượng thì trong tâm của họ không có người nhận đặc biệt nào để cho đi.

Người ấy xây dựng chùa để giúp tạo ra hình ảnh sống động về Đức Phật ở trong tâm của người chiêm bái, giúp người kia thực hành pháp, niệm tưởng về ân Đức Phật.

Do vậy, theo họ việc xây chùa dựng tượng có liên quan đến pháp thiền niệm Phật, không phải là hành động bố thí.

Lại nữa, một số người cho rằng vì người xây chùa và tôn trí tượng Phật làm những công việc này để tỏ sự tôn kính nhất đến Đức Phật, nên hành động của người ấy phải được xem là hành động tôn kính (apacāyana), là một trong mười điều phước (puññakiriya–vatthu).

Họ nói thêm rằng bởi vì loại phước này – là tôn kính những bậc đáng tôn kính, là pháp hành về giới (cāritta–sīla), nó thuộc về sự thọ trì giới, không phải pháp thiền niệm Phật.

Nhưng không phải phước của sự niệm Phật cũng chẳng phải phước của sự tôn kính liên quan sự từ bỏ vật thí.

Trong khi đó, xây chùa và tôn trí tượng Phật đòi hỏi một số tiền chi phí lớn. Do đó những việc phước này phải được xem là thuộc về sự bố thí.

Ở đây, câu hỏi có thể đặt ra “Nếu nó thuộc về sự dāna, phải chăng đó là hành động dāna khi không có người nhận?”

Theo các bộ Kinh, việc cho được xem là hành động dāna hay không thì phải được phán xét qua bốn định nghĩa: đặc tính, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân gần.

Chúng tôi đã nêu ra bốn định nghĩa ở trên rồi. Bây giờ ứng dụng vào vấn đề hiện tại.

Chúng ta thấy đặc tính là sự từ bỏ vì người xây chùa và tôn tạo tượng Phật có sự từ bỏ một số tiền lớn.

Về phận sự, có sự tiêu diệt luyến ái đối với vật cúng dường.

Người bố thí biết rằng hành động bố thí của vị ấy sẽ đem lại kết quả là được sanh vào cõi người hoặc cõi chư thiên và có được tài sản lớn.

Và cuối cùng về nguyên nhân gần, có vật cho.

Như vậy bốn đặc điểm cần thiết đối với việc cho để thực sự trở thành hành động dāna đều hiện hữu ở đây và do đó chúng ta có thể kết luận rằng xây chùa và tôn trí tượng Phật thực sự là hành động dāna.

Về câu hỏi: Ai nhận vật thí? Tất cả chư thiên và nhân loại đến lễ bái ở chùa tháp và tượng Phật để niệm tưởng ân Đức Phật là những người nhận.

Tất cả mọi thứ trong thế gian đều được dùng theo nhiều cách khác nhau tùy theo đặc tính của chúng. Vật thực được dùng để ăn; y phục dùng để mặc; vật thờ cúng dùng để tôn kính lễ bái.

Nếu hồ nước và giếng được đào ở gần đường công cộng thì dân chúng có thể đến lấy nước đem về uống, giặt rửa.

Người đào giếng, hồ (tức là người bố thí) khi cho đào chúng, trong tâm của người ấy sẽ không có người nhận cụ thể nào.

Khi khách lữ hành đi qua con đường ấy, dùng vật thí (nước), không ai có thể nói rằng vật thí của người đào giếng không phải là hành động bố thí.

Kết luận, thật thích hợp để nói rằng người xây chùa tôn trí tượng Phật là người dāna – chùa và tượng Phật là vật thí, chư thiên và nhân loại đến lễ bái là những người thọ nhận vật dāna.

🔹 Liệu lễ rót nước có cần thiết cho việc bố thí để được gọi là hành động bố thí?

Vấn đề cần xét ở đây là có cần tổ chức lễ rót nước để hình thành hành động dāna?

Thực ra, trong các bộ kinh không thấy đề cập đến yêu cầu này. Tuy nhiên, sự thực hành ấy có truyền thống lâu dài.

Trong phần Chú giải về chương Cīvarakkhandhaka của bộ Vinaya Mahāvagga, chúng tôi tìm thấy việc đề cập đến truyền thống rót nước.

“Có một sự chia rẽ giữa chư Tăng trong tịnh xá xảy ra trước thời gian dâng y. Khi đến ngày làm lễ, Phật tử dâng y đến một nhóm tỳ khưu kia, y chồng chất lên, làm lễ rót nước, họ tác bạch rằng: “Chúng con dâng đến nhóm tỳ khưu kia.”

Nói về cách phân phối y trong chư Tăng, bộ Đại chú giải nói rằng, nếu đó là nơi mà mọi người không coi trọng lễ rót nước thì số y thuộc về nhóm tỳ khưu được thí chủ dâng cúng trực tiếp. Nhóm tỳ khưu chỉ nhận lễ rót nước không có quyền đòi hỏi y.

Nhưng nếu đó là nơi mà mọi người coi trọng lễ rót nước thì nhóm tỳ khưu nhận lễ rót nước có quyền yêu cầu về y, vì lễ rót nước được tổ chức cho họ.

Nhóm tỳ khưu nhận y trực tiếp từ thí chủ cũng có quyền đòi hỏi được chia phần, vì họ đã sở hữu những chiếc y ấy rồi. Do đó, hai nhóm tỳ khưu phải chia đều cho nhau.

Phương pháp phân phối này là truyền thống thực hành ở những vùng nằm ở vùngbên kia đại dương.

Những vùng nằm bên kia đại dương, đối với Sri lanka ám chỉ “Xứ Jampudīpa, tức là Ấn Độ.” Do đó nên chú ý rằng lễ rót nước là lối thực hành theo truyền thống của người Ấn Độ.

Khi xét đến ý nghĩa – có những vùng mà người ta xem trọng lễ rót nước và có những vùng mà người ta không xem trọng lễ rót nước. Thế nên, không thể nói rằng việc cúng dường tạo thành hành động bố thí chỉ khi có lễ rót nước.

Lễ này chỉ quan trọng đối với những người thực hành theo truyền thống rót nước. Điều rõ ràng, đối với những người không thực hành theo truyền thống này thì lễ rót nước không cần thiết.

Vì vậy, cần lưu ý rằng lễ rót nước không phải là yếu tố tiên quyết để thành tựu hành động bố thí.

🔸 b) Dhamma–dāna (Pháp thí):

ngày nay có những người không có khả năng thuyết pháp nhưng vì muốn làm Pháp thí, đã mua kinh sách và bố thí.

Dù sự bố thí kinh sách như vậy không thực sự là Pháp thí, nhưng người đọc sẽ được lợi ích nhờ đọc được những pháp hành và lời chỉ dẫn đưa người ta đến Niết bàn, nên người bố thí có thể được xem là người bố thí Pháp.

Như trường hợp người không có thuốc để đến người bịnh, chỉ có toa thuốc trị bệnh. Khi thuốc được mua về theo toa và uống thì bịnh khỏi. Người kia không trực tiếp cho thuốc, nhưng nhờ toa thuốc của anh ta có hiệu nghiệm, anh ta đáng được xem là người chữa trị.

Cũng vậy, người bố thí kinh sách dù không trực tiếp thuyết pháp nhưng cũng giúp người đọc đạt được trí tuệ của Pháp và như vậy đáng được xem là người bố thí Pháp.

Kết luận phần này, hai loại bố thí được nêu ra ở trên – Tài thí (Amisa–dāna) và Pháp thí (Dhamma–dāna) cũng có thể được gọi là Amisa–pūja – Sự cúng dường bằng tài vật, và Dhamma–pūja – Sự cúng dường bằng thuyết giảng.

Chữ ‘Pūjā’ nghĩa là ‘tôn kính’ và thường được áp dụng khi một người nhỏ cúng dường đến người lớn hơn về tuổi tác hoặc địa vị.

Dựa vào cách xử dụng này một số người đã giải thích rằng dāna (bố thí) nên được phân chia thành “Pūjadāna” và “anuggahadāna”.

Pūjadāna (bố thí cúng dường) – người nhỏ tuổi hoặc địa vị thấp cúng dường đến người lớn tuổi hoặc có địa vị cao hơn.

Và anuggahadāna (bố thí giúp đỡ) – do thiện cảm của người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao bố thí đến người nhỏ tuổi hoặc có địa vị thấp.

Nhưng trong chương “Thọ ký”, chữ pūjā được dùng cho cả cao lẫn thấp và chữ anuggaha cũng được áp dụng cho cả hai trường hợp.

Nói chung, “anuggaha” được dùng khi những người lớn tuổi hoặc có địa vị cao thực hiện sự bố thí đến những người nhỏ tuổi, địa vị thấp hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhờ những cách dùng của “āmi–sānuggaha” và “dhammānuggaha” để mô tả sự giúp đỡ và ủng hộ cho sự tiến bộ và phát triển giáo pháp của Đức Phật.

Ở đây, chữ anuggaha được ứng dụng dành cho giáo pháp cao cả và thánh thiện nhất của Đức Phật.

Như vậy cần nhớ rằng sự phân chia thành pujadāna và anuggahadāna không phải là sự phân chia tuyệt đối thành hai phương diện của sự bố thí, đúng hơn chỉ là sự phân chia dành cho cách dùng thông thường.

2. Ajjhattika–dāna / Bāhira–dāna (Nội phần bố thí / Ngoại phần bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ajjhattika–dāna (Nội phần bố thí / Bố thí chính con người của mình): là cho mạng sống và tứ chi của chính mình.

🔸 Bāhira–dāna (Ngoại phần bố thí / Bố thí của cải ngoài thân): bao gồm cho tất cả những vật sở hữu ở ngoài thân của người bố thí.

Ngày nay chúng ta đọc báo thấy những tin tức nói về sự cúng dường tứ chi ở chùa hoặc đốt thân cúng dường.

Có một số bình luận về những việc bố thí cúng dường như vậy bao gồm tứ chi. Theo những bài bình luận ấy, sự cúng dường mạng sống và tứ chi như vậy là những hành động chỉ những Đại Bồ tát mới làm được, chứ không phải của những người tầm thường.

Người ta nghi ngờ rằng liệu những sự cúng dường như vậy mà do người bình thường thực hiện có đem lại phước báu nào không?

Chúng ta hãy xét xem những quan điểm như vậy là đúng hay sai?

Không phải vì một hành động cao cả nào đó mà nói rằng người ấy là một vị Bồ–tát; chỉ sau khi thực hành các pháp Ba–la–mật với hết khả năng của mình từng bước một, dần dần tiến hóa cho đến mức độ chín muồi người ta mới có thể trở thành vị Bồ–tát.

Có một vị văn hào thuở xưa đã viết như vầy: “Chỉ do sự mạo hiểm người ta mới nắm chắc sự tiến bộ liên tục trong những kiếp tái sanh về sau.” Do đó chúng ta đừng vội vàng kết án những người bố thí một phần thân thể của họ hoặc cả thân mạng.

Nếu một người do tác ý kiên cường (Tư) và niềm tin vững chắc, thật can đảm mới dám bố thí thân mạng của mình, chí đến dứt bỏ cả mạng sống, vị ấy thật sự đáng được tán dương là người Bố thí thân mạng – Ajjhattika–dāna.

3. Vatthu–dāna / Abhaya–dāna (Vật chất bố thí / Vô úy thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Vatthu–dāna (Vật chất bố thí) thì liên quan đến sự bố thí tài sản vật chất và

🔸 Abhaya–dāna (Vô uý thí) là cho sự an ổn về tính mạng hoặc tài sản. Pháp bố thí này thường là sự thể hiện lòng khoan dung, độ lượng của các vị vua.

4. Vattanissita–dāna / Vivattanissita–dāna (Hữu lậu bố thí / Vô lậu bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Vattanissita–dāna (Hữu lậu bố thí) là sự bố thí với tâm mong cầu được tài sản và niềm vui thích trong kiếp sau nghĩa là khổ đau trong luân hồi.

🔸 Vivattanissita–dāna (Vô lậu bố thí) là bố thí với ước nguyện chứng đắc Niết bàn, giải thoát sanh tử.

5. Sāvajja–dāna / Anavajja–dāna (Tội nhiễm bố thí / Vô tội nhiễm bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sāvajja–dāna (Tội nhiễm bố thí), ví dụ bố thí món thịt lấy từ sự giết chết con vật và

🔸 Anavajja–dāna (Vô tội nhiễm bố thí) là bố thí vật thực không do giết thịt để làm vật thực bố thí.

Chúng ta thấy trường hợp một số người đánh cá kiếm tiền từ sự bắt cá, họ quyết định bỏ nghề với suy nghĩ: “ Ta sẽ bỏ nghề đánh cá tội lỗi này và kiếm sống bằng nghề lương thiện”.

Nhưng khi bắt tay làm những nghề khác, họ thấy tài sản của họ bị suy giảm, trở lại nghề cũ thì việc làm ăn của họ phát đạt.

Đây là ví dụ về Tội nhiễm bố thí đã được làm trong những kiếp quá khứ cho quả trong kiếp hiện tại.

Vì hành động bố thí ấy có kèm theo hành động sát sanh, vào lúc cho quả cũng vậy, sự thành công chỉ đạt được khi được kết hợp với hành động sát sanh (bắt cá).

Nếu không được kết hợp với hành động sát sanh thì Tội nhiễm bố thí trong kiếp quá khứ không thể cho quả và tài sản của anh ta cũng suy giảm.

6. Sāhatthika–dāna / Anattika–dāna (Trực tiếp bố thí / Gián tiếp bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sāhatthika–dāna (Trực tiếp bố thí) là sự bố thí bằng chính tay người cho và

🔸 Anattika–dāna (Gián tiếp bố thí) là sự bố thí do người đại diện làm.

Theo bài kinh Tệ túc (Payasi) trong Đại Phẩm (Mahā Vagga), Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya), Trực tiếp bố thí có quả báu nhiều hơn Gián tiếp bố thí.

7. Sakkacca–dāna / Asakkacca–dāna (Cẩn trọng bố thí / Bất cẩn bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sakkacca–dāna (Cẩn trọng bố thí), ví dụ như bố thí hoa. Sau khi hái hoa đem về, người bố thí kết chúng thành tràng hoa và sắp xếp rất công phu để trông cho đẹp, xinh xắn rồi đem cúng dường, và

🔸 Asakkacca–dāna (Bất cẩn bố thí) là bố thí không có sự chuẩn bị cẩn thận. Khi hoa được hái về, bố thí đem dâng liền mà không có sự sắp xếp vì anh ta nghĩ rằng những bông hoa tự nó là vật thí cũng đủ rồi.

8. Ñāṇasampayutta–dāna / Ñāṇavippayutta–dāna (Hợp trí bố thí / Ly trí bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ñāṇasampayutta–dāna (Hợp trí bố thí) là sự bố thí được kết hợp với trí hiểu biết rõ ràng về những hành động có tác ý và kết quả do chúng tạo ra và

🔸 Ñāṇavippayutta–dāna (Ly trí bố thí) là hành động bố thí được thực hiện mà không có sự hiểu biết như vậy, chỉ theo những người bố thí khác mà làm.

Vấn đề là biết rõ nguyên nhân và kết quả chắc chắn của nó trong khi bố thí được thực hiện, cũng đủ để tạo nên hành động Hợp trí bố thí.

Về vấn đề này, cần có sự giải thích qua những lời khuyên sau đây:

“Bất cứ khi nào thực hiện một việc bố thí, cần phải có Tuệ quán (Vipassanā–ñāṇa) đi kèm theo như vầy: ‘Ta, người cho vật thí thì vô thường, vật thí cũng vô thường và người thọ thí cũng mang tính chất vô thường.’ Bạn nên quán như vậy bất cứ khi nào thực hành bố thí.”

Lời khuyên này được áp dụng chỉ để khuyến khích thực hành pháp Minh sát mà thôi. Không nên hiểu sai rằng nếu không thực hành pháp Quán như vậy, thì việc bố thí sẽ không có trí đi kèm.

Trên thực tế bất cứ ai muốn tu tập pháp Minh sát trước hết phải loại bỏ ý niệm về cái Ta, người kia, đàn ông, đàn bà tức là ảo tưởng về Ta, ảo tưởng về ngã và phải thấy rằng chúng chỉ là những khối vật chất và tinh thần mà thôi.

Sau đó phải tiếp tục quán niệm để giác ngộ ra rằng những danh uẩn và sắc uẩn này đều có đặc tánh vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Nếu không có sự phân tích danh sắc uẩn này, mà chỉ quán theo quan niêm thông thường, ví dụ chỉ tự nhủ rằng: ‘Ta là vô thường, vật thí là vô thường và người thọ thí là vô thường’ thì không thể có Tuệ quán thực sự.

9. Sasaṅkhārika–dāna / Asaṅkhārika–dāna (Hữu trợ bố thí / Vô trợ bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sasaṅkhārika–dāna (Hữu trợ bố thí) là sự hối thúc hoặc tha thiết nài xin một người nào đó bố thí khi người kia đang do dự hoặc làm nhưng miễn cưỡng. Một sự yêu cầu đơn giản không nên xem đó là sự hối thúc.

🔸 Asaṅkhārika–dāna (Vô trợ bố thí), ví dụ một người chưa có quyết định gì mà có người đến quyên góp từ thiện và anh ta bằng lòng cho ngay không do dự: “Đây là sự bố thí tự nguyện để đáp lại một sự yêu cầu đơn giản.

Cũng trường hợp như vậy, nhưng ở đây, người cho lúc đầu chần chừ và từ chối. Nhưng khi lời yêu cầu được lập lại với sự khẩn nài: “Xin hãy bố thí đừng ngần ngại,” anh ta mới đóng góp. Sự bố thí của anh ta được làm sau khi có sự hối thúc, nên nó được xem là Hữu trợ bố thí.

Trong trường hợp, không có người đến yêu cầu bố thí, người kia đầu tiên suy nghĩ sẽ bố thí rồi sau đó rút lại ý nghĩ ấy, nhưng sau khi tự thuyết phục, tự động viên, cuối cùng mới bố thí thì sự bố thí của anh ta thuộc loại Hữu trợ.

10. Somanassa–dāna / Upekkhā–dāna (Hoan hỷ bố thí / Xả bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Somanassa–dāna (Hoan hỷ bố thí) là bố thí với tâm hoan hỷ và vui vẻ và

🔸 Upekkhā–dāna (Xả bố thí) là bố thí với tâm không vui cũng không buồn, bình thản.

11. Dhammiya–dāna / Adhammiya–dāna (Hợp pháp bố thí / Phi pháp bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Dhammiya–dāna (Hợp pháp bố thí) là sự bố thí tài vật kiếm được đúng pháp bằng phương tiện chân chính và

🔸Adhammiya–dāna (Phi pháp bố thí) là sự bố thí tài vật kiếm được bằng phương tiện bất chính như trộm cắp, cướp đoạt.

Tuy việc kiếm của cải bằng phương tiện phi đạo đức, không hợp pháp, tuy nhiên sự bố thí của cải dồi dào vẫn là việc phước. Nhưng kết quả phát sanh từ loại bố thí này không thể lớn bằng kết quả của sự bố thí hợp pháp, giống như hai loại cây mọc lên từ hạt giống tốt và hạt giống xấu.

12. Dasa–dāna / Bhujissa–dāna (Nô lệ bố thí / Vô câu thúc bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Dasa–dāna (Nô lệ bố thí) là bố thí với ước vọng thành tựu dục lạc trần gian. Sự bố thí làm cho người ta bị nô lệ. Là kẻ nô lệ cho tham ái, người ta thực hiện loại bố thí này để phục vụ cho ông chủ của họ – ái dục, muốn thỏa mãn những ước muốn của nó và

🔸 Bhujissa–dāna (Vô câu thúc bố thí) là bố thí với ước nguyện chứng đắc Đạo Quả, Niết bàn – sự bố thí với quyết tâm đoạn diệt ái dục.

Chúng sanh trong vòng luân hồi vô tận thường muốn thọ hưởng những dục lạc khả ái về (sắc, thinh, hương, vị, xúc), ước muốn được thọ hưởng dục lạc được gọi là ái dục.

Vì cứ mãi chạy theo ái dục như vậy, nên người ta trở thành nô lệ của nó.

Suốt cuộc đời làm nô lệ cho ái dục mà vẫn không thỏa mãn, chúng ta bố thí để kiếp sau có được cuộc sống sung sướng.

Loại bố thí này có kèm theo ước muốn mãnh liệt được thọ hưởng dục lạc liên tục trong những kiếp sau nên được gọi là Nô lệ bố thí.

Nhưng khi chúng ta được may mắn nghe pháp của Đức Phật, chúng ta hiểu sức mạnh của ái dục này, sự mong muốn vô bờ bến của nó, sự đau khổ mà chúng ta phải thọ lãnh khi chạy theo nó.

Đến lúc ấy, chúng ta mới lập quyết tâm: “Tôi sẽ không bao giờ làm nô lệ cho ái dục kinh khủng này nữa. Tôi quyết tâm không làm thỏa mãn những mong muốn của nó. Tôi sẽ tiêu diệt nó.” và để đoạn tận ái dục này, người ta bố thí với ước nguyện chứng đắc Đạo Quả, Niết bàn. Sự bố thí với ước nguyện như vậy được gọi là Vô câu thúc bố thí hay Giải thoát bố thí.

13. Thāvara–dāna / Athāvara–dāna (Định lập bố thí / Bất định lập bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Thāvara–dāna (Định lập bố thí) là bố thí những vật thí có tính chất trường cửu, bất động như chùa tháp. tịnh xá, nhà nghỉ và đào giếng, đào hồ…

🔸 Athāvara–dāna (Bất định lập bố thí) là bố thí những vật thí có tính chất di động, sử dụng tạm thời như vật thực, y phục, v.v…

14. Saparivāra–dāna / Aparivāra–dāna

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Saparivāra–dāna là sự bố thí gồm cả vật chính và vật phụ ví như trong việc bố thí y áo gồm có y và những vật phụ thuộc khác.

🔸 Aparivāra–dāna là bố thí chỉ gồm có vật chính mà không có vật phụ thuộc đi kèm. Những tướng đặc biệt trên thân của chư Bồ–tát là kết quả phát sanh từ Saparivāra–dāna.

15. Nibaddha Dāna / Anibaddha Dāna (Định kỳ bố thí / Ngẫu nhiên bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Nibaddha–dāna (Định kỳ bố thí) là sự bố thí thường xuyên và đều đặn như bố thí vật thực đến chư Tăng.

🔸 Anibaddha–dāna (Ngẫu nhiên bố thí) là bố thí không thường xuyên, không định kỳ, chỉ ngẫu nhiên tùy hứng.

16. Paramattha Dāna / Aparamattha Dāna (Thủ trước bố thí / Vô thủ trước bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Paramattha–dāna (Thủ trước bố thí) là sự bố thí bị ô nhiễm bởi ái dục và tà kiến và

🔸Aparamattha–dāna (Vô thủ trước bố thí) là sự bố thí không bị ái dục và tà kiến làm ô nhiễm.

Theo Tạng Abhidhamma, người bị lầm lạc chỉ do tà kiến, nhưng tà kiến lại luôn ở chung với ái dục. Khi tà kiến nhiễm vào tâm và dẫn dắt người ta đi sai đường thì tham ái cũng có tham dự. Cho nên cả tham ái và tà kiến đều được nêu ra ở trên.

Sau khi thực hiện một việc bố thí, nếu người ta tha thiết nguyện rằng: “Cầu cho tôi sớm chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn do nhờ quả phước thanh cao này” thì sự bố thí sẽ thuộc loại Vô lậu bố thí và nó sẽ làm duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.

Nhưng nếu không nguyện như vậy mà nguyện với tâm bị ô nhiểm bởi tham ái và tà kiến rằng: “Do quả phước này cầu cho tôi trở thành một vị thiên tối thắng như Đế Thích, vua của Đạo lợi thiên hay một vị thiên ở những cõi trời có thọ mạng lâu dài” thì sự bố thí của người ấy không thể làm duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Đó là Thủ trước bố thí.

Nhiều việc thiện có thể được thực hiện bên ngoài giáo pháp của Đức Phật nhưng sự bố thí thường là Thủ trước bố thí.

Chỉ trong giáo pháp của Đức Phật mới có Vô thủ trước bố thí. Thế nên, khi chúng ta may mắn gặp được giáo pháp của Đức Phật, chúng ta nên cố gắng thực hành loại Vô thủ trước bố thí (Aparamattha–dāna).

17. Ucchiṭṭha–dāna / Anucchiṭṭha–dāna (Tàn thực bố thí / Bố thí những thứ còn mới mẻ)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ucchiṭṭha–dāna (Tàn thực bố thí) là bố thí đồ dư thừa, phẩm chất xấu.

🔸 Anucchiṭṭha–dāna (Bố thí những thứ còn mới mẻ), ví dụ trong khi dọn ra các món vật thực cho bữa ăn, mà có người xin xuất hiện, người kia cho trước một ít vật thực từ đó, sự bố thí ấy được xem là Tối thượng thí (Agga–dāna) và nó cũng là Anucchiṭṭha–dāna, bởi vì vật cúng dường không phải là thức ăn dư thừa.

Nếu người xin đến khi chủ nhà đang ăn và chủ nhà bố thí vật thực từ bàn ăn ấy, sự bố thí ấy cũng được xem là Anucchiṭṭha–dāna – được xem là vật thí quý báu.

Sau khi người ta ăn xong, bố thí bằng vật thực dư thừa gọi là Tàn thực thí.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, sự bố thí khiêm nhường của một người không có gì khác để cho ngoài đồ tàn thực, cũng được gọi là Anucchiṭṭha–dāna.

Khi nào người cho có khả năng cho vật thí tốt hơn mà không cho thì được gọi là Ucchiṭṭha–dāna.

18. Sajīva–dāna / Accaya–dāna

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sajīva–dāna là sự bố thí được thực hiện trong khi người ta đang còn sống.

🔸 Accaya–dāna là sự bố thí được thực hiện sau khi người ta chết theo lời di chúc: “Tôi sẽ cho cái này đến người này sau khi tôi chết, người được chỉ định trong di chúc sẽ được thừa hưởng nó.”

Vị tỳ khưu không được phép thực hiện sự bố thí Accaya–dāna, nghĩa là vị ấy không thể để dành tài sản của mình để cho kẻ khác sau khi vị ấy chết.

Nếu vị tỳ khưu ấy có làm như vậy thì cũng không thành tựu việc bố thí. Người thọ lãnh sau này cũng không có quyền sở hữu di sản ấy.

Nếu trong khi còn sống, vị tỳ khưu cho tài sản của mình đến một vị tỳ khưu khác, thì người thọ lãnh có quyền thừa hưởng di sản được cho.

Hoặc khi vị tỳ khưu còn sống, một số tỳ khưu thường sống chung với vị ấy (Vissāssagaha) có thể lấy chia ra mà dùng.

Hoặc nếu vị ấy cùng xài chung một vật gì đó với một vị tỳ khưu khác, khi vị ấy chết thì vị tỳ khưu còn sống trở thành chủ nhân duy nhất.

Nếu không có những lý do này, thì tài sản của vị tỳ khưu trở thành tài sản của Tăng khi vị ấy chết.

Do đó, di chúc bố thí chỉ hợp pháp và khả thi đối với người tại gia cư sĩ mà thôi.

19. Puggalika–dāna / Saṅghadāna–dāna (Cá nhân tuyển thí / Tăng thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Puggalika–dāna (Cá nhân tuyển thí) là bố thí đến riêng một người hoặc hai người.

🔸 Saṅghadāna (Tăng thí) là bố thí đến toàn thể hội chúng tỳ khưu Tăng có nghĩa là nhóm tập thể hay hội chúng.

Ở đây Tăng ám chỉ toàn thể hội chúng Thánh đệ tử của Đức Phật.

Khi có ý định bố thí đến Tăng, người thí chủ không được mang ý nghĩ riêng về những vị Thánh đệ tử trong Tăng chúng mà phải nghĩ về toàn thể chúng Tăng. Chỉ khi đó sự cúng dường của vị ấy mới thuộc loại Tăng thí.

20. Akāla–dāna / Kāla–dāna (Bất định kỳ bố thí/ Định kỳ bố thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Akāla–dāna (Bất định kỳ bố thí) là tất cả những sự bố thí được thực hiện tùy hứng không liên quan đến thời gian đặc biệt nào.

🔸 Kāla–dāna (Định kỳ bố thí) là sự bố thí xảy ra trong những trường hợp đặc biệt.

Sự cúng dường y Kaṭhina suốt một tháng sau mùa an cư kiết hạ của chư Tăng, cúng dường y bắt đầu mùa an cư, bố thí vật thực riêng dành cho tỳ khưu bịnh, tỳ khưu ở phương xa đến, tỳ khưu lên đường đi xa là những sự bố thí xảy ra trong những trường hợp đặc biệt với mục đích đặc biệt được gọi là Định kỳ bố thí.

Định kỳ bố thí có phước lớn hơn Bất định kỳ bố thí bởi vì sự bố thí ấy đáp ứng được nhu cầu đặc biệt trong thời gian đặc biệt. Nhân của Định kỳ bố thí sẽ cho quả đặc biệt vào lúc người ta cần đến.

Ví dụ: Nếu người thí chủ muốn ăn một món đặc biệt nào đó thì ước muốn của ông ta sẽ được thành tựu ngay. Cũng vậy, nếu ông ta muốn có y phục đặc biệt để mặc thì ông ta sẽ nhận được chúng.

21. Paccakkha Dāna / Apaccakkha Dāna (Sự bố thí có mặt thí chủ / Sự bố thí vắng mặt thí chủ)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Paccakkha–dāna (Sự bố thí có mặt thí chủ): Chữ Pāḷi – Paccakkha do hai chữ pati và akkha kết hợp – pati nghĩa là theo hướng, akkha nghĩa là ngũ căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Dù chữ paccakkha thường được hiểu là “trước mắt”, nghĩa đầy đủ của nó là “có thể biết được bằng các căn”.

Như vậy paccakkha–dāna có nghĩa rộng hơn, không chỉ là loại bố thí mà thí chủ thấy tận mắt mà còn kể luôn cả những căn khác, nghĩa là nghe được, ngửi được và sờ mó được nó.

Về vấn đề này, cần lưu ý rằng những sự bố thí có mặt thí chủ, paccakkha–dana, không hẳn giống như sự bố thí tận tay (sāhatthika–dāna).

🔸 Apaccakkha–dāna (Sự bố thí vắng mặt thí chủ) là những sự bố thí có mặt thí chủ, theo yêu cầu của thí chủ mà không do chính tay thí chủ cúng dường là thuộc loại anattikadāna, sự bố thí theo yêu cầu của thí chủ.

23. Sadisa–dāna / Asadisa–dāna (Đẳng thí / Vô song thí)

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Sadisa–dāna (Đẳng thí) là sự bố thí mà người khác cũng có thể làm.

🔸 Asadisa–dāna (Vô song thí) là sự bố thí mà không ai có thể theo kịp.

Khi những sự bố thí được thực hiện trong tinh thần tranh đua, các thí chủ thường ra sức làm trội hơn vị thí chủ trước về lượng cũng như về chất. Trong những cuộc bố thí thi đua như vậy, những sự bố thí tỏ ra vô song, không ai theo nổi thì được gọi là Vô song thí.

Theo Chú giải Pháp cú kinh như đã giải thích trong câu chuyện về Vô song thí ở phẩm Lokavagga, chỉ một thí chủ làm được Vô song thí trong suốt thời kỳ của mỗi vị Phật.

Câu chuyện được kể ra như sau:

Một thời nọ, Đức Thế Tôn sau khi đi chu du hoằng pháp, có 500 vị A–la–hán tháp tùng, đã về lại Jetavana Tịnh Xá. Vua Pasenadi của nước Kosala tỏ sự tôn kính Đức Thế Tôn và 500 đệ tử của Ngài bằng cách thỉnh Đức Thế Tôn và chúng Thinh văn đệ tử đến hoàng cung và cúng dường long trọng đến các Ngài.

Vua cũng cho mời dân chúng ở thành Sāvatthi đến dự lễ cúng dường của nhà vua để họ có thể xem và tùy hỷ với phước báu của vua.

Ngày hôm sau, dân chúng của thành Sāvatthi vì muốn trội hơn đức vua, bèn đem tất cả những thứ quí giá nhất trong khắp thành phố và tổ chức một lễ bố thí cúng dường vượt trội những vật thí của đức vua dâng đến Đức Phật và chúng Tăng. Họ mời đức vua đến dự lễ của họ để quan sát và tùy hỉ việc phước của họ.

Chấp nhận sự thách thức của dân chúng, ngày hôm sau đức vua tổ chức một cuộc lễ cúng dường khác trội hơn.

Dân chúng cùng đức vua cứ thi đua nhau như vậy, tổng cộng đã có sáu lễ bố thí cúng dường mà vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Đến vòng thi thứ bảy, đức vua suy nghĩ một cách tuyệt vọng: “Thật rất khó để vượt trội sự cố gắng của dân chúng trong vòng thi thứ bảy này, và đời sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu ta, người cai trị toàn xứ sở mà để thua những người ở dưới quyền cai trị của mình.

Để an ủi đức vua, hoàng hậu Mallikā đã nghĩ ra một phương sách bố thí cúng dường mà dân chúng không thể nào địch lại được.

Nàng cho dựng lên một cái giả ốc lớn: 500 vị A–la–hán đại đệ tử của Đức Phật sẽ ngồi trong giả ốc ấy có 500 vị hoàng tử đứng quạt hầu và tưới nước thơm trong khắp giả ốc. Ở sau lưng 500 vị A–la–hán sẽ có 500 con voi đang quì và dùng vòi giữ 500 cái lọng che cho các Ngài.

Theo sự sắp xếp trên, người ta thấy thiếu một con voi thuần hóa mới đủ 500 con. Vì vậy, họ để một con voi hoang, hung dữ ở sau lưng tôn giả Aṅgulimāla và bắt nó giữ cái lọng trắng như những con voi khác.

Mọi người đều ngạc nhiên, sửng sốt khi thấy con voi dữ này cũng tham dự trong cuộc lễ và cầm chiếc lọng che tôn giả Aṅgulimāla một cách ngoan ngoãn.

Sau khi dâng cúng vật thực đến chúng Tăng, đức vua tuyên bố rằng: “Trẫm đã cúng dường tất cả mọi thứ trong cái giả ốc này, những thứ được phép và những thứ không được phép.”

Nghe lời tuyên bố này, dân chúng phải chấp nhận thua cuộc vị họ không có các hoàng tử, lọng trắng và những con voi như thế.

Như vậy thí chủ của Vô song thí trong thời kỳ của bậc Tối thượng trong ba cõi – Đức Phật Gotama, là vua Pasenadi của nước Kosala.

Cần lưu ý rằng mỗi vị Phật khác cũng có một thí chủ Vô song thí.

Chấm dứt Chương về Bố thí gồm những Nhóm Hai.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: CHƯƠNG 6 CÁC PHÁP BA–LA–MẬT (PĀRAMĪ) – ĐẠI PHẬT SỬ – MINGUN SAYADAW

––––––––––––––––––––––––––––––

Mọi bài viết, hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc và Website: http://ehipassiko.info có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép.

Ở cuối mỗi bài viết đều có các đường dẫn links đến các bài viết liên quan và tới nhóm đề tài hữu ích đối với các quý đạo hữu thực sự tầm cầu pháp học pháp hành.

Nguyện mong cho Chánh pháp của Đức Phật Gotama được lan tỏa rộng khắp mang lại lợi lạc cho chư thiên và loài người sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

––––––––––––––––––––––––––––––

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

––––––––––––––––––

BÀI 1: PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT) LÀ GÌ❓

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224859382897252&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

https://archive.org/details/dhamma–in–photo–balamat–20231011

BÀI 2: QUÁN XÉT VỀ CÁC PHÁP PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT) NHƯ THẾ NÀO❓

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224865248563890&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

https://archive.org/details/Dhamma–in–photo–balamat2–20231012

BÀI 3: ĐẶC TÍNH, CHỨC NĂNG, SỰ HIỆN KHỞI VÀ NGUYÊN NHÂN GẦN CỦA CÁC PHÁP PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT) LÀ GÌ❓

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224876200237675&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

https://archive.org/details/dhamma–in–photo–balamat3–20231014

BÀI 4.1: BỐ THÍ BA–LA–MẬT (DĀNA PĀRAMĪ)

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224884022193219&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

https://archive.org/details/dhamma–in–photo–balamat41–20231015

Bài 4.2.1 CÓ BAO NHIÊU LOẠI DĀNA THEO NHÓM HAI❓[BỐ THÍ PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT]

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224927983812232&id=1394710113&mibextid=Nif5oz

Bài 4.2.2 BỐ THÍ PUGGALIKA–DĀNA (CÁ NHÂN THÍ) VÀ SANGHIKA–DĀNA (TĂNG THÍ) NHƯ THẾ NÀO❓[BỐ THÍ PĀRAMĪ (BA–LA–MẬT]

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10224948022673191&id=1394710113&mibextid=Nif5oz