Câu Chuyện Đản Sanh
Lời nói đầu tiên sau khi đản sanh.
Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc tối thắng ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa”.
ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN
(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)
Bài 1/3: Câu Chuyện Đản Sanh
Này các Tỷ–kheo, thông lệ là như vậy:
(Trong kinh này Đức Phật Gotama kể về các thông lệ đản sanh thông qua câu chuyện về Đức Phật Vipassì – Tỳ–bà–thi)
⒈ Bồ–tát sau khi từ giã cảnh giới Ðâu–suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai. Thông lệ là như vậy.
⒉ Khi Bồ–tát từ giã cảnh giới Ðâu–suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa–môn, Bà–la–môn, các vị hoàng tử và dân chúng.
Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: “Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây”. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu ấy, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Thông lệ là như vậy.
⒊ Khi vị Bồ –tát nhập mẫu thai, bốn vị Thiên tử đứng canh gác bốn phương trời và nói: “Không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ–tát.” Thông lệ là như vậy.
⒋ Khi vị Bồ–tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ–tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu men, rượu nấu. Thông lệ là như vậy.
⒌ Khi vị Bồ–tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ–tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và không vị phạm tiết hạnh với bất kỳ người đàn ông nào dầu người này có tâm ái nhiễm đối với bà. Thông lệ là như vậy.
⒍ Khi vị Bồ–tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ–tát có được năm món dục lạc đầy đủ, tận hưởng, trọn hưởng năm món dục lạc ấy. Thông lệ là như vậy.
⒎ Khi vị Bồ–tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ–tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ–tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.
Này các Tỷ–kheo, ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt.
Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: “Ðây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Ðây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lạt”. Cũng vậy, này các Tỷ–kheo, khi vị Bồ–tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ–tát không một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ–tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Thông lệ là như vậy.
⒏ Sau khi sanh vị Bồ–tát bảy ngày, mẹ vị Bồ–tát mệnh chung và sanh lên cảnh trời Ðâu suất. Thông lệ là như vậy.
⒐ Trong khi các người đàn bà khác mang bầu thai trong bụng chín tháng hay mười tháng rồi mới sanh, mẹ vị Bồ–tát sanh vị Bồ–tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ–tát mang vị Bồ–tát trong bụng mười tháng trời mới sanh. Thông lệ là như vậy.
⒐ Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ–tát sanh vị Bồ–tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ–tát đứng mà sanh vị Bồ–tát. Thông lệ là như vậy.
⒑ Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Thông lệ là như vậy.
⒒ Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, vị Bồ–tát không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân”. Thông lệ là như vậy.
⒓ Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh thịnh, trong sạch.
Này các Tỷ–kheo, như viên ngọc ma–ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba–la–nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba–la–nại, tấm vải Ba–la–nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này các Tỷ–kheo. Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Thông lệ là như vậy.
⒔ Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ–tát và cho bà mẹ. Thông lệ là như vậy.
⒕ Vị Bồ–tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc tối thắng ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa”. Thông lệ là như vậy.
⒖ Khi vị Bồ–tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa–môn, Bà–la–môn, các vị hoàng tử và dân chúng.
Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra.
Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: “Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây”. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Thông lệ là như vậy.
Này các Tỷ–kheo, khi hoàng tử sinh ra, vua được báo tin: “Ðại vương đã được sinh một hoàng tử”. Này các Tỷ–kheo, khi thấy hoàng tử xong, vua liền cho mời các vị Bà–la–môn đoán tướng và nói: “Này các Hiền giả, hãy xem tướng cho Hoàng tử”.
Này các Tỷ–kheo, khi xem tướng Hoàng tử xong, các vị Bà–la–môn đoán tướng tâu với vua: “Ðại vương hãy hân hoan; Ðại vương đã sinh một bậc vĩ nhân! May mắn thay cho Ðại vương, đại hạnh thay cho Ðại vương đã được một Hoàng tử như vậy sanh trong gia đình. Tâu Ðại vương, Hoàng tử này có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân. Ai có đủ ba mươi hai tướng tốt này sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác.
Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu.
Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời”.
⑴ “Ðại vương, Hoàng tử này có lòng bàn chân bằng phẳng, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại nhân.
⑵ “Ðại vương, dưới hai bàn chân của Hoàng tử này, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ, tướng này được xem là tướng của bậc Ðại nhân.
⑶ “Ðại vương, Hoàng tử này có gót chân thon dài… (như trước)
⑷ “Ðại vương, Hoàng tử này có ngón tay, ngón chân dài…
⑸ “Ðại vương, Hoàng tử này có tay chân mềm mại…
⑹ “Ðại vương, Hoàng tử này có tay chân có màn da lưới…
⑺ “Ðại vương, Hoàng tử này có mắt cá tròn như con sò…
⑻ “Ðại vương, Hoàng tử này có ống chân như con dê rừng…
⑼ “Ðại vương, Hoàng tử này đứng thẳng, không co lưng xuống có thể rờ từ đầu gối với hai bàn tay…
⑽ “Ðại vương, Hoàng tử này có tướng mã âm tàng…
⑾ “Ðại vương, Hoàng tử này có màu da như đồng, màu sắc như vàng…
⑿ “Ðại vương, Hoàng tử này có da trơn mướt khiến bụi không thể bám dính vào…
⒀ “Ðại vương, Hoàng tử này có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông…
⒁ “Ðại vương, Hoàng tử này có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt…
⒂ “Ðại vương, Hoàng tử này có thân hình cao thẳng…
⒃ “Ðại vương, Hoàng tử này có bảy chỗ tròn đầy…
⒄ “Ðại vương, Hoàng tử này có nửa thân trước như con sư tử…
⒅ “Ðại vương, Hoàng tử này không có lõm khuyết giữa hai vai…
⒆ “Ðại vương, Hoàng tử này có thân thể cân đối như cây bàng (nigrodha: ni–câu–luật). Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân…
⒇ “Ðại vương, Hoàng tử này có bán thân trên vuông tròn…
(21) “Ðại vương, Hoàng tử này có vị giác hết sức sắc bén…
(22) “Ðại vương, Hoàng tử này có quai hàm như con sư tử..
(23) “Ðại vương, Hoàng tử này có bốn mươi răng…
(24) “Ðại vương, Hoàng tử này có răng đều đặn…
(25) “Ðại vương, Hoàng tử này có răng không khuyết hở…
(26) “Ðại vương, Hoàng tử này có răng cửa (thái xỉ) trơn láng…
(27) “Ðại vương, Hoàng tử này có tướng lưỡi rộng dài…
(28) “Ðại vương, Hoàng tử này có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca–lăng–tần–già (Karavika)…
(29) “Ðại vương, Hoàng tử này có hai mắt màu xanh đậm…
(30) “Ðại vương, Hoàng tử này có lông mi con bò cái…
(31) “Ðại vương, Hoàng tử này giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ…
(32) “Ðại vương, Hoàng tử này có nhục kế trên đầu, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại nhân.
“Ðại vương, Hoàng tử có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân, với ba mươi hai tướng tốt này, Hoàng tử sẽ chọn đi hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, Hoàng tử sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành sở hữu của Ngài, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao.
Nếu Hoàng tử từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, Hoàng tử sẽ thành bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời”.
– Tỳ Khưu Viên Phúc: Hiệu đính theo bản dịch của HT Thích Minh Châu: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya 14. Kinh Ðại bổn (Mahàpadàna sutta)
Tài liệu tham khảo liên quan
- Tỳ Khưu Hộ Pháp: “Ý Nghĩa Rằm Tháng Tư”
- Tỳ Khưu Samādhipuñño Định Phúc: “Ba Mươi Thông Lệ Chư Phật Chánh Đẳng Giác – Sadhammatākathā”
ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN
(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)
Bài Viết Liên Quan
- Ý Nghĩa Kỷ Niệm Đại Lễ Tam Hợp Vesak, Web, FB
- Bồ Tát Đạo Là Gì, Web, FB
- “Giải Thoát Đạo” Khác “Bồ Tát Đạo” Như Thế Nào?, Web, FB
- Những Phẩm Chất Căn Bản Giúp Việc Thành Tựu 10 Ba-La-Mật Thành Phật Là Gì?, Web, FB
- Thư Tổng Thống Obama Chúc Mừng Vesak 2016, FB
- Thông Điệp Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Về Lễ Vesak 2018, FB
- Vesak 2019 At Tamchuc, Vietnam, FB
- Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , Web, FB
- Happy Vesak Day!, FB
- Audio Pháp Thoại Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar
- Bài Pháp Thoại 1: Các Thông Lệ Khi Bồ Tát Đản Sinh Kiếp Cuối Cùng, Archive
- Bài Pháp Thoại 2: Câu Chuyện Về Bồ Tát Giác Ngộ Thành Phật Chánh Đẳng Giác, Archive
- Bài Pháp Thoại 3: Bồ Tát Tu Tập Khổ Hạnh – Chuyển Pháp Luân – Kinh Vô Ngã Tướng, Archive
- Bài Pháp Thoại 4: Những Câu Chuyện Trước Khi Đức Phật Nhập Niết Bàn, Archive