Ngày Trăng Tròn Tháng Kason: Ngày Đức Phật

Vesak 2020, May 6 – Buddha Day

Ngày trăng tròn tháng Kason: Ngày Đức Phật

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

Full Moon Day of Kason – Theo lịch Myanmar, hôm nay là ngày rằm tháng Kason, ngày lễ phát lộ thanh tịnh Bố tát (Uposatha), và cũng là ngày kỷ niệm Bồ Tát đản sinh, Giác Ngộ Thành Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Thế Tôn Bát Niết Bàn.

Người dân Myanmar nhân dịp này thường ⚀ giữ Bát quan trai giới; ⚁ làm phước thiện cúng dường tới chư tăng; ⚂ tới các chùa, tu viện, các bảo tháp, các thiền viện để làm lễ tưới nước cây Bồ Đề; và ⚃ đọc tụng Bài kinh Chuyển Pháp Luân vì ngày lễ này được gọi là Ngày Giác Ngộ, chứ không gọi là Ngày Bồ tát đản sinh như ở Việt Nam.

Cách cúng dường tri ân Đức Phật cao thượng nhất là thực hành theo lời Phật dạy để có thể tự mình chứng đắc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

“Này Ananda, nếu có Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.”

(Đại kinh Bát Niết Bàn)

Vậy chúng ta hãy nhân dịp lễ kỷ niệm Vesak hôm nay cùng ôn lại lời Phật dạy về con đường tu chứng giác ngộ giải thoát để có thể tiến bước vững chắc, không sợ sai đường lạc lối, không bỏ phí cơ hội quí hiếm được làm người, không bỏ phí cơ hội được gặp và tu tập Chánh pháp còn tỏa sáng trên thế gian.

Sādhu! Lành thay!

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀

Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát

❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀

MỘT LỘ TRÌNH RÕ RÀNG, CỤ THỂ, ĐẦY ĐỦ, ĐÚNG ĐẮN ĐỂ THỰC HÀNH TU TẬP DẪN ĐẾN ‘CHÁNH ĐỊNH – SAMMĀSAMĀDHI’ – TỨC CÁC TẦNG ‘THIỀN – JHĀNA’, VÀ CHỨNG ĐẮC TAM MINH BỞI ‘BỐN NIỆM XỨ – CATTĀRO SATIPAṬṬHĀNĀ’

❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀❀

– Câu hỏi NQH: Thưa Ngài Sumaṅgalā Bhikkhu Viên Phúc, con đã tìm hiểu Đạo Phật được nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thực hành mà đạt đến được các tầng Thiền. Theo con Thiền Định là rất khó. Theo Kinh điển thì thực hành pháp Tứ Niệm Xứ sẽ có thể dẫn tới các tầng Thiền, con hiểu như vậy có đúng không ạ? Nếu không đúng thì xin Ngài chỉ dạy thêm về phương pháp đắc Thiền, vì “ly dục ly bất thiện pháp” thực hành cụ thể như thế nào thì con chưa hiểu. Con cảm ơn Ngài!

– @ Trả lời: Đúng vậy, đắc Thiền là pháp thượng nhân không phải dễ dàng gì cho tất cả mọi hành giả, nhưng không phải là không thể đắc Thiền;

và thực hành Tứ Niệm Xứ viên mãn chắc chắn thể nhập các tầng ‘thiền – jhana’ (‘Định – samādhi’)

hoặc ⒜ theo loại đề mục “Khái niệm Tục đế”, dành cho ‘Tu tập Chỉ – Samatha bhāvanā’,

hoặc ⒝ theo loại đề mục “Chân đế Danh và Sắc”, dành cho ‘tu tập Quán – Vipassnā bhāvanā’,

và chắc chắn sẽ thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết bàn, như Đức Phật đã khẳng định về 7 lợi ích của Tứ Niệm Xứ [1].

Các lợi ích hiệp thế khác nữa như các loại thần thông, cùng với các lợi ích siêu thế của tu tập viên mãn Tứ Niệm Xứ cũng được chỉ ra trong Tương Ưng Anuruddha [2].

Để thực hành, tu tập đạt được “Định Samādhi”, tức thể nhập các tầng ‘Thiền – Jhāna’, nhờ ⒜ tu tập ‘Chỉ – Samatha’ hay nhờ ⒝ tu tập ‘Quán – Vipassnā’, thì trước tiên hành giả cần tuân thủ nghiêm mật Lộ trình với các bước chuẩn bị cơ sở nền tảng sau:

– phải tu tập vun bồi thiểu dục tri túc [3a], tiết độ trong ăn uống [3b],

– phải giữ Giới thanh tịnh [4],

– phải Thu thúc các căn giác quan [5a], Chú tâm cảnh giác [5b],

– phải Chánh Niệm Tỉnh Giác liên tục, mọi lúc mọi nơi [6],

– phải diệt trừ 5 triền cái, các chướng ngại tâm là Tham dục, Sân hận, Hôn Trầm Thụy Miên, Trạo Cử Hối Tiếc [7]:

“Vị ấy

thành tựu Thánh giới uẩn này,

thành tựu Thánh hộ trì các căn này, và

thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này,

Vị ấy từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú ‘Thiền thứ nhất – Pathama–Jhāna’, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.… “.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
Và trong pháp ‘Tu Quán – Vipassnā bhāvanā’ thì Thế Nào Là Tu Tập Định (Samādhi Bhāvanā) Cùng Với Tu Tập Tứ Niệm Xứ (Cattāro Satipaṭṭhānā)? Điều này được bậc Thánh Alahán, Trưởng Lão Ni Dhammadinna đã chỉ rõ và được Đức Phật xác quyết, đó là [8]:

“⑴ ‘Nhất Tâm – Cittassa ekaggatā’ là Định;

⑵ ‘Bốn Niệm Xứ – Cattāro satipaṭṭhānā’ là Định tướng;

⑶ ‘Bốn Tinh cần – Cattāro sammappadhānā’ là Định tư cụ [điều kiện tiên quyết];

⑷ ‘Sự luyện tập – Āsevanā’, ‘Sự tu tập – Bhāvanā’, ‘Sự tái tu tập – Bahulīkammaṃ’ của những pháp ấy là ‘Định tu tập – Samādhibhāvanā’ ở đây vậy.”

Nguồn trích dẫn:  Trung bộ kinh – 44. Tiểu kinh Phương quảng
Với các bước tu tập chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ như vậy, hành giả vững chắc tiếp tục tu tập vun bồi ‘Thiền minh sát – Vipassnā jhāna’ với Như Lý tác ý [9], chú tâm vào vô thường, khổ, vô ngã.

Và khi chú tâm chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn, liên tục

– vào đặc tính Vô Thường thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassana’ đạt được các tầng ‘Thiền minh sát – Vipassnā jhāna’ là ‘Vô tướng định – Animitta samādhi’;

– vào đặc tính Khổ thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassana’ đạt được ‘Vô Nguyện định – Appaṇihita samādhi’;

– vào đặc tính Vô Ngã thì pháp ‘Quán minh sát – Vipassana’ đạt được ‘Không định – Suññata samādhi’.

Ba Định này phát sinh khi tâm luôn luôn tập trung quán sát sự sinh ra và diệt đi ngay tức thì của mọi hiện tượng trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp, từ đó có được Tuệ giác thấy rõ như thật mọi Pháp như chúng đang là, tức là thấy như thật các Pháp đang sinh diệt: các Pháp đang là Vô Thường, đang là Khổ, đang là Vô Ngã.

“Chỉ còn là nhất tâm hay biết về sự sinh diệt, đổi thay, vô thường, khổ, vô ngã của Danh Sắc Chân đế; đi cùng các chi thiền còn lại (tầm, tứ, hỷ, xả) tùy theo các tầng ‘Thiền – jhāna’ mà nó đạt được – nên gọi là Vô tướng định, hoặc Vô nguyện định, hoặc là Không định”.

Ba loại Định: Không định, hoặc Vô tướng định, hoặc Vô nguyện định là Chánh Định trong Bát Thánh Đạo hiệp thế – các Định này (còn được gọi là ‘Thiền thẩm định tướng – Lakkhaṇūpanijjhāna’, hoặc cũng gọi là ‘Thiền Minh sát’ hay ‘Thiền quán – Vipassanājhāna’) vẫn lấy sự sinh diệt của Danh, Sắc Chân đế làm đối tượng; khi loại Định này viên mãn sẽ chuyển thành Thánh Chánh Định trong Bát Thánh Đạo siêu thế, tức Thánh Định siêu thế sẽ lấy Niết bàn làm đối tượng, vượt ra khỏi Tam Giới, đạt tới Thánh Đạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, đoạn tận Phiền não ngủ ngầm, giác ngộ giải thoát.

‘Không định – suññata samādhi’:

Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Minh Sát – Vipassana’) với đề mục là đặc tính Vô ngã (anattā) của tất cả các pháp: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô ngã, tác ý tất cả trống không, không có tự ngã, không có ngã sở, không có ngã mạn – vì tất cả không thể điều khiển, làm chủ theo ý muốn của bất kỳ ai cả, chúng chỉ có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác có mặt, và sẽ không có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác không có mặt. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là ‘Không giải thoát – Suññato Vimokkho’.

‘Vô tướng định – Animitta samādhi’:

‘Định – Samādhi’ được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Minh Sát – Vipassana’) với đề mục là đặc tính Vô thường (anicca) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô thường, không tác ý đến tất cả các tướng, tác ý vô tướng giới – vì tất cả luôn biến chuyển, thay đổi không đứng yên, không cố định trong bất cứ hình tướng nào. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là ‘Vô tướng giải thoát – Animitto Vimokkho’.

✶ ‘Vô nguyện định – Appaṇihita samādhi’:

‘Định – Samādhi’ được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (‘Minh Sát – Vipassana’) với đề mục là đặc tính Khổ (dukkha) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là khổ, không tác ý bất kỳ sự khát khao, ham muốn, ước nguyện điều gì – vì tất cả đều là khổ và dẫn đến khổ. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là ‘Vô nguyện giải thoát – Appa–ṇihito Vimokkho’.

Với Không định, hoặc với Vô tướng định, hoặc với Vô nguyện định hành giả sẽ thấy sự vật như thật, như nó đang là, tức là thấy chúng đang vô ngã, vô thường, khổ – thấy rõ như thật: đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ diệt, đây là Con Đường Dẫn Đến Khổ Diệt [10]. Từ đó phát sinh nhàm chán, ly tham, không bám víu vào bất cứ điều gì trên đời, được giải thoát.

Bằng cách thực hành tu tập như vậy, hành giả đang ở trên con đường thắng tri tham ái bởi ba loại ‘Định – Samādhi’ nêu trên [11], dẫn đến Vô Vi, Niết bàn [12].

Đây chính là Đạo lộ thứ tư trong bốn Đạo lộ dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn, chứng ngộ Đạo, Quả Alahán [13] – ba Đạo lộ còn lại là tu tập ⑴ ‘Chỉ – Samatha’ trước, ‘Quán – Vipassnā’ sau; ⑵ ‘Quán – Vipassnā’ trước, ‘Chỉ – Samatha’ sau, ⑶ ‘Chỉ – Vipassnā’ và ‘Quán – Vipassnā’ đồng tu [13]:

“… Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ–kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Này chư Hiền, Tỷ–kheo hay Tỷ–kheo–ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A–la–hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – XVII. Phẩm đạo hành – (X) (170) Gắn Liền Cột Chặt
Trên đây là các bước cụ thể, cần tuân thủ nghiêm mật của Lộ trình tu tập để đắc ‘Định – Samādhi’ – thể nhập các tầng ‘Thiền – Jhāna’ [14], và chứng đắc Tam minh [15] đã được Đức Phật đảm bảo trong nhiều bài kinh, ví dụ như trong Tiểu kinh Dụ dấu chân voi [16], hoặc [17].

Nếu chưa thật sự sống thiểu dục tri túc, tiết độ trong ăn uống, chưa thành tựu viên mãn giới thanh tịnh, chưa thu thúc lục căn giác quan và chú tâm cảnh giác, chưa chánh niệm, tỉnh giác liên tục mọi lúc mọi nơi, và chưa đoạn trừ năm chướng ngại tâm, thì không thể đạt được bất cứ loại ‘Định – Samādhi’ nào, và do vậy không thể có ‘Tuệ giác – Paññā’ thấy như thật mọi Pháp như nó đang là, cho dù là đã tu ‘Chỉ – Samatha’ hay tu ‘Quán – Vipassanā’ lâu năm.

Lộ trình thực hành tu tập dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn này chính là Bát Thánh Đạo [18], và Lộ trình này cũng còn được gọi bằng các tên khác nhau trong Phật giáo Nguyên thủy Theravada như là Con Đường Cổ Xưa = Cỗ xe Pháp (Pháp Thừa) tối thượng = Con Đường Thanh Tịnh Độc Nhất = Trung Đạo = Thanh Tịnh Đạo = Khổ diệt đạo Thánh đế = Con Đường Dẫn Đến Bất Tử = Con Đường Dẫn Đến Niết Bàn = Tam Học Giới – Định – Tuệ.

Bát Thánh Đạo chỉ có trong Đạo Phật [19]. Ngoại Đạo không có Bát Thánh Đạo, không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn [19].

Đây là cống hiến, đóng góp vô thượng, không thể nghĩ bàn của Đức Phật đối với toàn thể chư thiên và loài người.

Cơ hội thật khó là được làm người! [20], [21]

Cơ hội thật khó là Như Lai xuất hiện ở đời! [21]

Cơ hội thật khó là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời! [21]

Xin tất cả các quý vị đạo hữu hãy nắm lấy không bao giờ từ bỏ cơ hội quý hiếm này cho đến hơi thở cuối cùng của mình.

Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây!

Nguyện cho quý vị đạo hữu luôn được oai đức Tam bảo hộ trì không bị sai đường lạc lối trên con đường dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

Chú thích:

[1] Bẩy lợi ích tu tập Tứ Niệm Xứ

Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya – 22. Đại kinh Niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta)

“Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất,

❶ đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh,

❷ vượt khỏi sầu,

❸ vượt khỏi bi,

❹ diệt trừ khổ,

❺ diệt trừ ưu,

❻ thành tựu chánh lý,

❼ chứng ngộ Niết bàn.

Ðó là Bốn niệm xứ.”

[2] Các thành quả khác của tu tập Tứ Niệm Xứ

Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [52] Chương VIII Tương Ưng Anuruddha
Tôn giả Anuruddha:

“Những ai thối thất bốn niệm xứ, cũng thối thất đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những ai thành tựu bốn niệm xứ thì cũng thực hiện được Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.

“… do tu tập, làm cho sung mãn Tứ Niệm Xứ, ⚀ nên tôi chứng được đại thắng trí;… ⚀ nên tôi thắng tri được một ngàn thế giới;… ⚀ nên tôi thực hiện nhiều loại thần thông;… ⚀ nên tôi nhớ được ngàn kiếp;… ⚁ nên tôi chứng được thiên nhĩ thông;… ⚀ nên tôi với tâm của mình biết được tâm của nhiều loại hữu tình khác, nhiều loại người khác;… ⚀ nên tôi như thực rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ;… ⚀ nên tôi như thật rõ biết quả dị thục các nghiệp báo quá khứ, vị lai, hiện tại;… ⚀ nên tôi như thật rõ biết con đường đưa đến tất cả cảnh giới… ⚀ nên tôi như thật rõ biết thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại sai biệt;… ⚀ nên tôi như thật rõ biết chỉ hướng sai biệt của các loại hữu tình;… ⚀ nên tôi như thật rõ biết các căn thượng hạ của các loại hữu tình và các loại người;… ⚀ nên tôi như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền chứng, về Thiền, về Giải thoát, về Ðịnh… ⚀ nên tôi nhớ được nhiều đời quá khứ;… ⚀ nên tôi chứng được thiên nhãn thanh tịnh;… ⚀ do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí, tôi chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát.”

[3a]Thiểu dục Tri túc, tức Tâm viễn ly

Tương Ưng Bộ – Tập II – Thiên Nhân Duyên – [16] Chương V: Tương Ưng Kassapa
Do vậy, này các Tỷ–kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại y nào, và chúng tôi sẽ là người tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại y nào. Và không vì y, chúng tôi sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được y, chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được y, chúng tôi sẽ dùng y ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.

Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào…

… với bất cứ loại sàng tọa nào…

… với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào, và chúng tôi sẽ là người tán thán sự tri túc với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào. Và không vì thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, các ông cần phải học tập”.

[3b] Tiết độ trong ăn uống

Tăng chi kinh – II. Phẩm người đóng xe – 16. Con Ðường Không Có Lỗi Lầm
Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo tiết độ trong ăn uống?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hộ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, là Tỷ–kheo tiết độ trong ăn uống.

[4] Thành tựu Giới thanh tịnh

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
… vị ấy thành tựu học giới và nếp sống các Tỷ–kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót tất cả chúng sanh và các loài hữu tình, từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp, từ bỏ không phạm hạnh, sống theo phạm hạnh, sống tránh xa (không phạm hạnh), từ bỏ dâm dục tục pháp.

Từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, vị ấy nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không phản lại đời, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói lời độc ác, tránh xa nói lời độc ác, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tại, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy từ bỏ nói phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hột giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ ăn phi thời; từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ trang sức bằng vòng hoa hương liệu, dầu thoa, các thời trang, các thời sức; từ bỏ dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ nhận các hạt sống; từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, con gái; từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ nhận cừu và dê; từ bỏ nhận gia cầm và heo; từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ nhận ruộng nương và đất đai; từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy bằng lòng (tri túc) với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y bát). Ví như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Tỷ–kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y bát).

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không lỗi lầm.

[5a] Hộ trì các căn giác quan

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
“Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.

Khi tai nghe tiếng…

… mũi ngửi hương…

… lưỡi nếm vị…

… thân cảm xúc…

Khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi và các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không vẩn đục.”

[5b] Chú tâm cảnh giác

Tăng chi kinh – II. Phẩm người đóng xe – 16. Con Ðường Không Có Lỗi Lầm
Và này các Tỷ–kheo, như thế nào là Tỷ–kheo chú tâm cảnh giác?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi,, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo chú tâm cảnh giác.

[6] Chánh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
“Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, y bát đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.”

[7] Diệt trừ 5 triền cái chướng ngại tâm

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
“… vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận, từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá, từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Vị ấy từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.… “

[8] Thế Nào Là Tu Tập Định (samādhi bhāvanā) Cùng Với Tu Tập Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhānā)?

Trung bộ kinh – 44. Tiểu kinh Phương quảng
“– Thưa Ni sư [Dhammadinna] thế nào là ⑴ ‘Định – Samādhi’, ⑵ thế nào là ‘Định tướng – Samādhinimittā’, ⑶ thế nào là ‘Định tư cụ – Samādhiparikkhārā’ [điều kiện tiên quyết], ⑷ thế nào là ‘Định tu tập – Samādhibhāvanā’?

– Hiền giả Visākha,

⑴ ‘Nhất Tâm – Cittassa ekaggatā’ là Định;

⑵ ‘Bốn Niệm Xứ – Cattāro satipaṭṭhānā’ là Định tướng;

⑶ ‘Bốn Tinh cần – Cattāro sammappadhānā’ là Định tư cụ [điều kiện tiên quyết];

⑷ ‘Sự luyện tập – Āsevanā’, ‘Sự tu tập – Bhāvanā’, ‘Sự tái tu tập – Bahulīkammaṃ’ của những pháp ấy là ‘Định tu tập – Samādhibhāvanā’ ở đây vậy.”

[9] Như lý tác ý

Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya – 2. Kinh Tất cả các lậu hoặc
“Vị ấy như lý tác ý: “Ðây là khổ”, như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”, như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ–kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.”

*****

Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – II: Phẩm Thuyết Pháp – 122. Vị Giữ Giới

“Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ–kheo giữ giới do NHƯ LÝ TÁC Ý năm thủ uẩn này là ① vô thường, ② khổ, ③ bệnh hoạn, ④ ung nhọt, ⑤ mũi tên, ⑥ bất hạnh, ⑦ ốm đau, ⑧ người lạ, ⑨ hủy hoại, ⑩ rỗng không, ⑪ vô ngã, CÓ THỂ CHỨNG ĐƯỢC QỦA DỰ LƯU.

… CÓ THỂ CHỨNG ĐƯỢC QỦA NHẤT LAI.

… CÓ THỂ CHỨNG ĐƯỢC QỦA BẤT LAI.

… CÓ THỂ CHỨNG ĐƯỢC QỦA ALAHÁN.”

[10] Thấy rõ như thật bởi Định

Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: tương ưng sự thật – I: Phẩm Định – 1. Ðịnh
Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định (samādhi). Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết (pajànati).

Và như thật rõ biết gì?

① Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.

② Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.

③ Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.

④ Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định.

Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết.

Do vậy, này các Tỷ–kheo,

① một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”;

② một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”;

③ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”;

④ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

[11] Thắng tri tham ái bởi tu tập Không định, vô tướng định, vô nguyện định.

Tăng chi bộ kinh -Aṅguttara nikāya, xvi. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh
– Ðể thắng tri THAM ÁI, này các Tỷ–kheo, ba pháp cần phải tu tập.

Thế nào là ba?

⚀ Không định,

⚁ vô tướng định,

⚂ vô nguyện định.

Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ–kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Này các Tỷ–kheo, để ① biến tri, ② biến diệt, ③ đoạn tận, ④ diệt tận, ⑤ trừ diệt, ⑤ ly tham, ⑥ đoạn diệt, ⑦ trừ khử, ⑧ từ bỏ THAM, ba pháp này, này các Tỷ–kheo, cần phải tu tập.

Này các Tỷ–kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân… từ bỏ si… từ bỏ phẫn nộ… từ bỏ hận… từ bỏ giả dối… từ bỏ não hại… từ bỏ tật đố… từ bỏ xan lẫn… từ bỏ man trá… từ bỏ phản bội… từ bỏ ngoan cố… từ bỏ bồng bột nông nổi… từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn… từ bỏ kiêu… từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ–kheo, cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

[12] Con Đường Nào Dẫn Đến Vô Vi, Niết Bàn?

– KHÔNG ĐỊNH, VÔ TƯỚNG ĐỊNH, VÔ NGUYỆN ĐỊNH

Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya,Tập IV – Thiên Sáu Xứ – [43] Chương IX – Tương Ưng Vô Vi – Phần Một – Phẩm Một – IV. Không

– Và này các Tỷ–kheo, thế nào là con đường đưa đến VÔ VI?

⚀ Không định,

⚁ Vô tướng định,

⚂ Vô nguyện định.

Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

[Tương tự như trên, thay VÔ VI bởi:

II. Ðích Cuối Cùng (Antam) (S.iv,368), III. Vô Lậu (S.iv,360), IV. Sự Thật (Saccam), V. Bờ Bên Kia (Pàram), VI. Tế Nhị (Nipunam), VII. Khó Thấy Ðược (Sududdasam), VIII. Không Già (Ajajjaram), X. Thường Hằng (Dhuvam), X. Không Suy Yếu (Apalokitam), XI. Không Thấy (Anidassanam), XII. Không Lý Luận (Nippapam), XIII. Tịch Tịnh (Santam), XIV. Bất Tử (Amatam), XV. Thù Thắng (Paniitam), XVI. An Lạc (Sivam), XVII. An Ổn (Khemam), XVIII. Ái Ðoạn Tận, XIX. Bất Khả Tư Nghì (Acchariyam), XX. Hy Hữu (Abhutam), XXI. Không Tai Họa (Anìtika), XXII. Không Bị Tai Họa (Anitakdhamma), XXIII. Niết Bàn, XXIV. Không Tồn Tại (Avyàpajjho), XXV. Ly Tham (Viràgo), XXVI. Thanh Tịnh, XXVII. Giải Thoát (Mutti), XXVIII. Không Chứa Giữ (Anàlayo), XXIX. Ngọn Ðèn (Dipa), XXX. Hang ẩn (Lena), XXXI. Pháo Ðài (Tànam), XXXII. Quy Y (Saranam), XXXIII. Ðến Bờ Bên Kia (Paràyanam)]

[13] Bốn Đạo lộ dẫn đến chứng đắc Đạo Quả Alahán, Giác Ngộ Hoàn toàn

Tăng chi bộ kinh – Aṅguttara nikāya – xvii. Phẩm đạo hành – (X) (170) Gắn Liền Cột Chặt
⚀ Ở đây, này chư Hiền, Tỷ–kheo tu tập ‘QUÁN – VIPASSANĀ’, có ‘CHỈ – SAMATHA’ đi trước; do vị ấy tu tập quán có chỉ đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

⚁ Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ–kheo tu tập CHỈ, có QUÁN đi trước. Do vị ấy tu tập chỉ có quán đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

⚂ Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ–kheo tu tập CẢ HAI CHỈ VÀ QUÁN gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

⚃ Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ–kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Này chư Hiền, Tỷ–kheo hay Tỷ–kheo–ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A–la–hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này.

[14] Đắc ‘Định – Samādhi’ – thể nhập các tầng Thiền jhāna

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
“Vị ấy từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.…

Lại nữa, này Bà–la–môn, Tỷ–kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc, do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. …

Lại nữa, này Bà–la–môn, Tỷ–kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. …

Lại nữa, này Bà–la–môn, Tỷ–kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. … “

[15] Chứng đắc Tam minh

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. …

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ ràng, chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. …

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.

[16] Lộ trình tu tập đắc ‘Định – Samādhi’ – thể nhập các tầng ‘Thiền – Jhāna’, và chứng đắc Tam minh:

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

[17] Lộ trình tu tập đắc ‘Định – Samādhi’ – thể nhập các tầng ‘Thiền – Jhāna’, và chứng đắc Tam minh:

Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya – 39. Ðại kinh Xóm ngựa

[18] Bát Thánh Đạo = Con Đường Cổ Xưa = Cỗ xe Pháp (Pháp Thừa) tối thượng

= Con Đường Thanh Tịnh Độc Nhất = Trung Đạo = Khổ diệt đạo Thánh đế = Con Đường Dẫn Đến Bất Tử = Con Đường Dẫn Đến Niết Bàn = Tam Học Giới – Định – Tuệ.

Trường Bộ Kinh – 22. Đại kinh Tứ Niệm Xứ
“Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế.

Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là

① Chánh tri kiến, ② Chánh tư duy, ③ Chánh ngữ, ④ Chánh nghiệp, ⑤ Chánh mạng, ⑥ Chánh tin tấn, ⑦ Chánh niệm, ⑧ Chánh định.”

[19] Ngoài Đạo Phật không có đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh,

đắc tuệ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn

Trường bộ kinh: Đại kinh Bát Niết Bàn
“Nầy Subhada, giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát Chánh Đạo nên giáo pháp đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).

Các hệ giáo pháp khác đều không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát.

Nầy Subhada, khi nào các vị sa môn tu tập và truyền giảng Chánh Pháp một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A la hán giải thoát.”

[20] Cơ hội thật khó là được làm người!

Tương Ưng Bộ – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật – 47. VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)
… Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ–kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại.

Vì sao?

Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ–kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt.

Vì sao?

Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Kkhổ Diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Do vậy, này các Tỷ–kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Diệt, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

[21] Thật khó là được làm người! Thật khó là Như Lai xuất hiện ở đời! Thật là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời!

Tương Ưng Bộ – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương 56: Tương ưng sự thật – V: Phẩm vực thẳm – 48. Lỗ Khóa (3)
… Ví như, này các Tỷ–kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ–kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?

—Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!

—Thật khó được vậy, này các Tỷ–kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ–kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ–kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.

Nhưng nay, này các Tỷ–kheo, các Ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A–la–hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.

Do vậy, này các Tỷ–kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ Diệt, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Bài Giảng Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar. Tối 30/10/2018, Archive

Bài viết liên quan

  • Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, Web, FB
  • Tứ Niệm Xứ Tu Tập, Làm Cho Sung Mãn Đem Lại Thành Quả Gì?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Tập Định (Samādhi Bhāvanā) Cùng Với Tu Tập Tứ Niệm Xứ (Cattāro Satipaṭṭhānā)?, Web, FB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Sự Khác Nhau Rất Lớn Giữa Chỉ – Samatha Và Định – Samādhi Quán – Vipassanā Và Tuệ – Paññā, Web, FB
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định, Web, FB
  • Ðịnh (Samādhi) Là Gì? Thế Nào Là Con Bò Núi Ngu Ngốc?, Web, FB
  • Có Cần Tu Tập Thiền Hay Không, Web, FB
  • Không Chánh Định Không Thể Có Bát Thánh Đạo, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 6 Tháng 5, 2020