Xưng Hô Thế Nào Cho Đúng
[lwptoc]
XƯNG HÔ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
– DN: Kính bạch Sư, con xin hỏi: có con gái xuất gia thì mình phải xưng hô như thế nào cho đúng?! Con kính xin cám ơn Sư 🙏.
– DT: Thưa Sư, cho con hỏi. Khi cha mẹ quỳ xuống đảnh lễ con đã là bậc xuất gia có được không ạ?
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
Khi xuất gia thì người tu sĩ chân chính, trên cả hai phương diện danh nghĩa và thực tế, đã từ bỏ cuộc sống gia đình, cha mẹ, vợ chồng con cháu… v. v…, để sống cuộc sống không trói buộc, không gia đình, không nhà cửa, không tài sản:
“Chật hẹp thay đời sống tại gia, đầy những bụi đời! Còn xuất gia như đời sống ngoài trời. Thật không dễ dàng ở trong gia đình có thể sống Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà–sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. (Tương Ưng Bộ Kinh [1]).
Và sau khi cạo bỏ tóc, đắp áo cà–sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy xuất gia như vậy, theo đuổi mục tiêu lý tưởng Thánh thiện là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn theo con đường do Đức Phật chỉ dạy:
“Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Thánh cầu?
Ở đây, này các Tỷ–kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết–bàn;
tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết–bàn;
tự mình bị bệnh… cái không bệnh…
tự mình bị chết… cái bất tử…
tự mình bị sầu… cái không sầu…
tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết–bàn.
Này các Tỷ–kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu.
Rồi này các Tỷ–kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà–sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
TA XUẤT GIA NHƯ VẬY, MỘT NGƯỜI ĐI TÌM CÁI GÌ CHÍ THIỆN, TÌM CẦU VÔ THƯỢNG TỐI THẮNG AN TỊNH ĐẠO LỘ.” (Trung Bộ Kinh – 26. Kinh Thánh Cầu – [2])
Tuy trước khi xuất gia vị tu sĩ là con hoặc cháu trong quan hệ gia đình, nhưng về quan hệ trong xã hội hiện tại, kể từ lúc xuất gia, thì người xuất gia chân chính rất xứng đáng được tôn trọng bởi giới hạnh trong sạch, bởi tấm lòng từ, bi, hỷ, xả và trên hết bởi sự xả thân vì lý tưởng cao quí hướng tới trí tuệ dẫn đến giác ngộ giải thoát, góp phần tạo dựng một thế giới an bình, hạnh phúc cho mọi chúng sinh.
Vì lẽ đó, nên xưng hô cho đúng cách, bày tỏ được lòng tôn kính và tự hào của mình đối với những vị thân quyến trong gia đình, đã xuất gia chân chính, nguyện suốt đời nối bước trên con đường thánh thiện do Đức Thế Tôn chỉ dạy. Không nên quá thân mật, quá dễ dãi, quá tùy tiện trong cách xưng hô làm nhân gây tăng trưởng bản ngã cống cao, cố chấp.
Mà hãy sử dụng các cách biểu đạt tôn nghiêm, trân quí như trong trường này, đạo hữu có con gái xuất gia, nên chắp tay hướng đến vị nữ tu: Thưa cô, Bạch cô, Mong cô v. v…
Và nếu vị xuất gia là Tỳ khưu thì nên chắp tay Thưa [hoặc Kính thưa /Bạch / Kính bạch /Mong…] Đại sư (tiếng Miến: Saydaw) / Đại Trưởng Lão = Maha Thera / Trưởng Lão = Thera / Đại đức / hoặc Ngài = Bhante (tiếng Pali) /Thầy /Sư /Hòa Thượng / Thượng Tọa… v. v…. Tuyệt đối tránh kiểu thân mật xuồng xã, vô phép, à ơi, gọi nói trống không, hoặc ‘Thầy ơi’, ‘Sư ơi’… … v. v…… theo kiểu “gần Chùa gọi Bụt bằng ‘anh'”
Còn bản thân có thể xưng bằng Pháp danh, bằng tôi, bằng tên của mình, v. v…
Trường hợp bản thân kính trọng vị xuất gia như vị Thầy tâm linh dẫn dắt mình trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát thì trong tiếng Việt thường có thể tự xưng là ‘con’ theo truyền thống tôn sư trọng đạo coi vị Thầy như người cha – Sư Phụ – dạy dỗ, chăm lo, dìu dắt cho người con.
Vô lễ, hỗn hào, bất kính, bất tín, lười biếng, vô ơn, dối trá, hung ác, tham lam, kiêu mạn, không hổ thẹn tội lỗi, không ghê sợ tội lỗi, tà kiến … v.v… tất cả những người không có ý thức phòng, tránh, đoạn trừ những bất thiện tâm này đều không có chân đứng trong Phật giáo.
Việc cần làm đầu tiên tiên và cũng là việc cần làm suốt đời cho đến khi thân hoại mạng chung là phải vun bồi hết lòng cung kính, tín tâm khi Quy y Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, thọ trì Ngũ Giới cho trong sạch, tu tập Tâm và Tuệ.
Sự cung kính là một trong 10 phước nghiệp, quí đạo hữu thành tâm vun tạo phước nghiệp cung kính thì sẽ được hưởng thành quả ngay trong kiếp sống này và mai sau, ví dụ như được có cơ hội gần gũi với các bậc Thiện tri thức, được lắng nghe Diệu pháp, vun bồi tín tâm nơi Tam Bảo, và khi thân hoại mạng chung được tái sinh vào cảnh giới thiện thú, nếu tái sinh trong loài người thì có được Quyền thế lớn, Gia đình cao quí, Trí tuệ đầy đủ… v. v… (Xem Chú thích [1])
Các vị tu sĩ xuất gia chỉ là biểu tượng, là phước điền cao thượng để giúp quí đạo hữu có cơ hội gieo trồng, vun bồi công đức, phước báu của chính bản thân quí vị, chứ các vị tu sĩ xuất gia đâu có tạo được công đức gì khi đó, trái lại nếu tiếp nhận sự cung kính, hoặc lợi dưỡng đó với sự ưng thích, tham đắm thì chắc chắn sẽ bị các pháp đó trói buộc, sai sử, hành hạ.
Xem bài viết: LỢI ĐẮC – CUNG KÍNH – DANH VỌNG MANG LẠI KHỔ LỤY GÌ CHO CÁC TỲ–KHEO? , Web, FB
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Thiên Uẩn – Tương Ưng Uẩn – VIII Người khất thực
Tôn kính các vị xuất gia là một trong 10 phước nghiệp, 10 nguồn công đức bao gồm: ① bố thí, ② trì giới, ③ hành thiền, ④ hồi hướng công đức, ⑤ tùy hỷ công đức, ⑥ cung kính, ⑦ phục vụ, ⑧ nghe pháp, ⑨ thí pháp, ⑩ sửa đổi tà kiến, mà mỗi người cần vun bồi hàng ngày để làm tư lương trên hành trình vượt qua các kiếp nạn trong các kiếp sống luân hồi cho đến ngày giải thoát hoàn toàn.
Vì vậy những người xuất gia chân chính là những người đáng kính trọng, đáng chắp tay, đáng đảnh lễ, là phước điền cao thượng trên thế gian. Những ai cung kính các bậc xuất gia, dù trước đây họ là con, cháu mình, đều tạo được phước báu vô lượng như: tái sinh vào cảnh thiện thú tốt lành, có được quyền thế lớn, thuộc giòng dõi cao quí, có trí tuệ đầy đủ… … v. v…… [3], và vun bồi trợ duyên tốt lành dẫn đến giác ngộ giải thoát cho chính bản thân mình ngay trong kiếp sống này hoặc các kiếp sống mai sau.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
––––––––––––––––––––––––––––––
– TN: Sadhu sadhu sadhu 🙏 con kính bạch Sư cho con hỏi; người tu nữ chỗ trú ngụ nơi nào hợp lệ, khi xuất gia trở thành tu nữ rồi có được về nhà đi dạy học nhận lương không thưa Sư 🙏🙏🙏
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
Nữ tu chỉ phải giữ tám giới, tuy nhiên đã xuất gia thì nên bám vào mục đích rốt ráo của xuất gia là thành tựu pháp học pháp hành và pháp thành Chánh pháp, cần sống trong tu viện cùng các đồng phạm hạnh và không làm các công việc của người tại gia để kiếm sống. Nếu không thể như vậy thì xả y, về nhà ở tại gia giữ 5 giới hoặc 8 giới cho khỏi bị cắn rứt, mặc cảm bởi tâm giống của người trộm cắp, mắc nợ, mỗi khi nhận đồ bố thí cúng dường của các thiện nam tín nữ. Như Đức Phật đã cảnh tỉnh vị xuất gia mà không theo đuổi mục đích giải thoát thì cả hai Đạo và Đời đều bị hư hoại trở thành vô dụng như que củi cháy hai đầu, ở giữa dính phân:
“… Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự.
Ví như, này các Tỷ–kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng.
Dùng ví dụ ấy, Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa–môn hạnh.”
(Tương Ưng Bộ – Thiên Uẩn – Tương Ưng Uẩn – VIII Người khất thực)
[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]
GHI CHÚ
[1] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Nhân Duyên – budsas.net
[2] Trung Bộ Kinh – 26. Kinh Thánh Cầu – budsas.net
[3] QUẢ CỦA PHƯỚC NGHIỆP CUNG KÍNH Trung bộ kinh – 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt
(QUYỀN THẾ LỚN)
… Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm ôm ấp tâm tật đố.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy có quyền thế nhỏ.
Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ, này thanh niên, tức là tật đố, ôm ấp tâm tật đố.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được quyền thế lớn.
Con đường ấy đưa đến quyền thế lớn, này Thanh niên, tức là không tật đố, không ôm ấp tật đố.
(GIA ĐÌNH CAO QUÍ)
… Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy thuộc gia đình hạ liệt.
Con đường đưa đến gia đình hạ liệt, này Thanh niên, tức là không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không ngạo nghễ, không kiêu mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, mời ngồi những người đáng mời ngồi, nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, tôn trọng những người đáng tôn trọng, cung kính những người đáng cung kính, cúng dường những người đáng cúng dường.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được vào gia đình cao quí.
Con đường đưa đến gia đình cao quý, này Thanh niên, tức là không ngạo nghễ, không kiêu mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, mời ngồi những người đáng mời ngồi, nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, tôn trọng những người đáng tôn trọng, cung kính những người đáng cung kính, cúng dường những người đáng cúng dường.
(TRÍ TUỆ ĐẦY ĐỦ)
… Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy trí tuệ yếu kém.
Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, này Thanh niên, tức là sau khi đi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, có hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được đầy đủ trí tuệ.
Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, này Thanh niên, tức là sau khi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, có hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?”.
Bài viết liên quan
- Xem Bài Viết: Lợi Đắc – Cung Kính – Danh Vọng Mang Lại Khổ Lụy Gì Cho Các Tỳ-Kheo?, FB
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Vun Bồi Phước Nghiệp Cung Kính, Web, FB
- Tỳ Khưu Đảnh Lễ Những Ai?, Web, FB
- Namo: Nên Niệm Nam Mô Phật – Không Nên Niệm Mô Phật, Web, FB
- Ai Là Bhikkhu – Tỳ Khưu, Web, FB
- Phân Biệt Tỳ Khưu “Thật” Và “Không Thật” Dựa Vào Đâu, Web, FB
- Như Thế Nào Là Tỳ Khưu Giới Hạnh Đầy Đủ?, Web, FB
- Phạm Hạnh Được Sống Vì Mục Đích Gì ?, Web, FB
- Mục Tiêu Cuối Cùng Của Phạm Hạnh Là Gì?, Web, FB
- Đôi Lời Nhắn Nhủ Tới Những Vị Sắp Xuất Gia Theo Truyền Thống Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Web, FB