Quả của nghiệp (kammaphala)

[lwptoc]

QUẢ CỦA NGHIỆP (KAMMAPHALA)

🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾


Quả của nghiệp (kammaphala) là một trong bốn pháp “bất khả tư nghì” (acinteyya) không thể suy nghĩ, tư duy về quả này là do nghiệp nào, v.v….

Người Phật tử có đức tin chân chánh nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng:

Thiện nghiệp cho quả an lạc. Bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp cho quả khổ.

Hay nói cách khác: Sự an lạc là quả của thiện nghiệp. Sự khổ não là quả của ác nghiệp.

Và có chánh kiến sơ đẳng: kammassakatā – sammādiṭṭhi – chánh kiến thấy đúng, hiểu đúng thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã tạo rồi là của riêng mình không liên quan đến người khác.

Thật vậy, mỗi chúng sinh có nghiệp riêng của mình; như khi tác ý thiện nghiệp, mỗi người đều khác nhau, cho nên, quả của nghiệp cũng khác nhau. Dù hai người sinh đôi, cùng giờ, cùng tháng, cùng năm, xét về thân thể có phần giống nhau, song xét về tâm tánh thì không giống nhau, do bởi mỗi người mỗi nghiệp.

– Xét về nghiệp là của riêng mình, không liên quan đến người khác, nghĩa là: người nào tạo thiện nghiệp nào, nếu thiện nghiệp ấy cho quả, người ấy hưởng được mọi sự an lạc trong cuộc đời với nhiều hình thức khác nhau, trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài.

Ngược lại, tạo ác nghiệp nào, nếu ác nghiệp ấy cho quả, người ấy phải chịu mọi sự khổ trong cuộc đời với nhiều hình thức khác nhau, trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài.

– Xét về quả của nghiệp không chỉ riêng mình, mà còn ảnh hưởng đến người khác, chúng sinh khác, nghĩa là: người nào đang hưởng quả tốt của phước thiện bố thí do mình đã tạo, người ấy được giàu sang phú quý, có nhiều tiền, nhiều của, nhà cao, cửa rộng, có xe cộ… còn có chức trọng quyền cao… không chỉ riêng một mình người ấy hưởng được mọi tiện nghi, thân an lạc; mà còn nhiều người thân trong gia đình, bà con thân bằng quyến thuộc, bạn bè, thậm chí đến những người khác, chúng sinh khác cũng hưởng được mọi tiện nghi, thân an lạc trong cuộc đời của họ.

Ngược lại, người nào đang chịu quả xấu của ác nghiệp do mình đã tạo, người ấy đang chịu mọi cảnh khổ, bịnh hoạn ốm đau, những căn bệnh nan y, bại liệt…, những tội lỗi, cảnh tù đày… không chỉ riêng một mình người ấy chịu khổ, mà còn liên luỵ đến những người thân trong gia đình phải chịu khổ nữa.

Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới [dục giới, sắc giới, vô sắc giới] gồm có 31 cõi, có 4 loài chúng sinh [thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh]:

Những chúng sinh gọi là chư thiên cõi dục giới, phạm thiên cõi sắc giới và cõi vô sắc giới, chỉ có thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, những chư thiên hưởng quả an lạc của phước thiện mà mình đã tạo, phạm thiên hưởng quả an lạc của bậc thiền sở đắc của mình.

Những chúng sinh cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ, những hạng chúng sinh ấy chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Có một số loài súc sanh như: chó, mèo, ngựa, voi… dầu tái sanh do quả của ác nghiệp, song sống chung với loài người, có khi thiện nghiệp của chúng đã tạo từ kiếp trước cho quả, nên chúng hưởng được quả an lạc như: có vật thực đầy đủ, có chỗ ở đàng hoàng,… thậm chí còn có người săn sóc chúng.

Riêng về con người, khi thì thiện nghiệp cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp cho quả khổ, tuỳ theo nghiệp nào có cơ hội cho quả.

Nghiệp nào cho quả, đó là điều không sao biết trước được, chúng ta chỉ biết quả an lạc, và quả khổ hiện hữu trong cuộc đời của mỗi người khác nhau như:

– Có số người thời ấu niên được hưởng sự an lạc, đến thời trung niên và lão niên chịu khổ cực.

– Có số người thời ấu niên và thời trung niên được hưởng sự an lạc, đến thời lão niên chịu khổ cực.

– Có số người thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên đều được hưởng sự an lạc.

– Có số người thời ấu niên chịu khổ cực, đến thời trung niên và lão niên được hưởng sự an lạc.

– Có số người thời ấu niên và thời trung niên chịu khổ cực, đến thời lão niên mới được hưởng sự an lạc.

– Có số người thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên đều chịu khổ cực.

– Có số người trong cuộc sống khi thì khổ cực, khi thì an lạc…; khi thì giàu có, khi thì nghèo khổ v.v….

Tất cả mọi trường hợp như trên đều do nghiệp và quả của nghiệp, hoàn toàn không phải số phận, hay định mệnh nào an bài cả. Sự thật, chỉ do nghiệp: thiện nghiệp, ác nghiệp mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc từ nhiều kiếp quá khứ, nay đến lúc cho quả của nghiệp ấy.

Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tốt lành, thì đem lại sự an lạc trong đời sống của mình. Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, thì đem lại sự khổ cực trong đời sống của mình.

Ngoài nghiệp và quả của nghiệp ra, không có một ai có quyền năng ban thưởng cho mình được hưởng sự an lạc, hoặc hành phạt mình phải chịu khổ cực….

Người khác và môi trường bên ngoài cũng chính do năng lực của nghiệp tạo nên để thích nghi với sự cho quả của nghiệp ấy mà thôi.

Như vậy, công minh của nghiệp mà xét: Sự thật, người khác đối xử tốt với mình, đó chính là do nhờ năng lực của thiện nghiệp của mình đang trong thời kỳ cho quả tốt, nên khiến cho họ có thái độ, đối xử tử tế, phục vụ tận tình… để làm cho mình được hưởng mọi sự an lạc. Và người khác đối xử xấu với mình, đó cũng chính là do năng lực của ác nghiệp của mình đang trong thời kỳ cho quả xấu, nên khiến cho họ có thái độ đối xử tệ hại, tàn nhẫn… để làm cho mình phải chịu bao nhiêu nỗi khổ cực.

Tham khảo thêm

Nghiệp và quả của nghiệp

Này Subha, tóm lại nghiệp và quả của nghiệp là như sau:

Hành ác nghiệp sát sinh, quả của ác nghiệp sát sinh là người chết yểu, trở thành người chết yểu.

Hành thiện nghiệp không sát sinh, quả của thiện nghiệp không sát sinh là người sống lâu, trở thành người sống lâu.

Hành ác nghiệp hành hạ chúng sinh, quả của ác nghiệp hành hạ chúng sinh là người có nhiều bệnh hoạn, trở thành người có nhiều bệnh hoạn.

Hành thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh, quả của thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh là người có ít bệnh hoạn, trở thành người có ít bệnh hoạn.

Hành ác nghiệp sân hận, quả của ác nghiệp sân hận là người xấu xí, trở thành người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ.

Hành thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ), quả của thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ) là người xinh đẹp, trở thành người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng chiêm ngưỡng.

Hành ác nghiệp hay ganh tỵ, quả của ác nghiệp hay ganh tỵ là người có ít quyền lực, trở thành người có ít quyền lực.

Hành thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ), quả của thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ) là người có nhiều quyền lực, trở thành người có nhiều quyền lực.

Hành ác nghiệp không bố thí, quả của ác nghiệp không bố thí là người có ít của cải, trở thành người có ít của cải (người nghèo khổ).

Hành thiện nghiệp bố thí, quả của thiện nghiệp bố thí là người có nhiều của cải, trở thành người có nhiều của cải (người giàu có).

Hành ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính, quả của ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính là người thấp hèn, trở thành người sinh trong dòng dõi thấp hèn.

Hành thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính, quả của thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính là người cao quý, trở thành người sinh trong dòng dõi cao quý.

Hành ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người không có trí tuệ, trở thành người không có trí tuệ (người ngu dốt).

Hành thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người có trí tuệ, trở thành người có nhiều trí tuệ.

Này Subha, tất cả mọi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ; nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý.

(kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta)

4 tính chất của nghiệp

Này Ānanda, như vậy tóm lại:

  • Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ.
  • Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp.
  • Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp.
  • Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực.

(kinh Mahākammavibhaṅgasutta)

Tài liệu tham khảo:  http://nentangphatgiao.com/nghiep-va-qua-cua-nghiep/

 

Bài viết liên quan

  • Nghiệp và quả (kamma và vipaka), Web, FB
  • Nghiệp và quả của nghiệp, Web, FB, Web Link
  • Quả của thiện và ác nghiệp rất lạ lùng, Web, FB
  • Quả của nghiệp (kammaphala), Web, FB
  • Thế nào là nghiệp trọng yếu, Web, FB
  • Các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra, Web, FB
  • Như nắm muối bỏ chén, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 25 Tháng 3, 2019