“Thứ Nhất Là Tu Tại Gia, Thứ Nhì Tu Chợ, Thứ Ba Tu Chùa” Là Dễ Hay Khó

“THỨ NHẤT LÀ TU TẠI GIA, THỨ NHÌ TU CHỢ, THỨ BA TU CHÙA” LÀ DỄ HAY KHÓ

– CH: Có người cho rằng “Tu tại gia là khó nhất” vì quá nhiều bận rộn, ràng buộc bởi bổn phận và trách nhiệm, quá nhiều lôi cuốn và vướng mắc bởi dục lạc, “Tu tại chùa là dễ nhất” vì môi trường thanh tịnh, thầy bạn thuận lợi. Có người ngược lại cho rằng “Tu tại gia là dễ nhất” vì đầy đủ tiện nghi, phương tiện, “Tu tại Chùa khó nhất” vì giới luật nhiều và nghiên mật, điều kiện cuộc sống tối thiểu, khắc nghiệt, vô cùng thiếu thốn. Vậy nên hiểu như thế nào là đúng ạh?

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:

Đây là một ví dụ điển hình mà chúng ta, tất cả mọi người đều thường gặp trong mọi mặt của cuộc sống. Đó là làm thế nào để có quyết định đúng đắn nhất khi thấy mọi việc dù có chọn cách nào thì cũng có lý.

Ở đây, có một điều tuyệt đối quan trọng là cần thấu triệt sự thật: không có đúng sai, tốt xấu một cách chung chung mơ hồ mà đúng sai tốt xấu luôn phải đi kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định. Không có tiêu chí, tiêu chuẩn thì không có thể nói về đúng sai tốt xấu. “Dài ngắn đo nhau” chính là nói về sự thật đạo lý này. Và ở đây cũng cần thấu triệt sự thật là “trí vô phân biệt” là “trí thấy biết rõ như thật bản chất bất biến của tất cả các pháp hữu vi là vô thường khổ vô ngã chứ” không phải là “sự vô tri không phân biệt đúng sai tốt xấu” mà nhiều người vẫn hay nói đến một cách máy móc nhưng không hiểu mình đang nói gì.

Trong câu hỏi trên, cả hai câu trả lời đều đúng theo từng tiêu chí tiêu chuẩn riêng, khác nhau.

Câu khẳng định thứ nhất: “Tu tại gia là khó nhất” sẽ đúng theo tiêu chí liên quan đến MỤC ĐÍCH TU. Nếu mục đích Tu là để nhàm chán, ly tham, diệt dục dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn thì càng ít yếu tố gây phụ thuộc, bám víu, chấp thủ bao nhiêu, thì càng thuận lợi cho việc thành tựu viên mãn mục đích cao thượng đó.

Mà tu tại gia thì vô cùng khó khăn khi phải đối mặt các khổ đau phiền não đến từ các mối quan hệ vô cùng phiền phức từ gia đình, từ quan hệ xã hội và đến từ chính bản thân.

Còn tu tại chợ đã bớt đi phần nào các khổ đau phiền não đến từ các mối quan hệ gia đình, chỉ còn lại các phiền não đến từ các mối quan hệ trách nhiệm ràng buộc xã hội và từ chính bản thân.

Và Tu tại Chùa thì đã bớt hẳn ảnh hưởng phiền não gia đình, chỉ còn phần nào phiền não do quan hệ xã hội phạm vi hẹp với thầy, bạn đồng tu và chủ yếu là phải đối diện, đoạn trừ phiền não tự bản thân.

Còn câu khẳng định thứ hai: “Tu tại gia là dễ nhất” sẽ đúng theo tiêu chí liên quan đến PHƯƠNG TIỆN TU. Về mặt phương tiện, điều kiện thuận lợi nơi ăn, chốn ở, thực phẩm, thuốc men … v. v…… thì ở tại gia có đầy đủ thuận lợi hơn nhiều lần so với cuộc sống xuất gia luôn phải chú tâm cảnh giác giữ gìn giới luật, kham nhẫn chịu đựng mọi thiếu thốn nhiều khi đến mức gây nản lòng nhụt chí.

Để có thể có quyết định đúng đắn nhất cho bản thân trong trường hợp này chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng lại một lần nữa xem trong hai tiêu chí ở trên Mục đích và Phương tiện, thì tiêu chí nào là tiêu chí quan trọng hơn cả đối với bản thân trong giai đoạn cụ thể của đời sống hiện tại.

Mục đích và Phương tiện thường có mối quan hệ phụ thuộc hỗ trợ mật thiết với nhau khi Mục đích là chân chính và Phương tiện là phù hợp đúng Pháp và Luật.

Trong trường hợp khi nhân danh Mục đích một cách giả dối, không chính đáng thì việc lựa chọn sai Phương tiện phi Pháp phi Luật thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, phải gánh chịu Nghiệp quả khắc nghiệt không nơi chốn chạy.

Vô trí, vô thiện tâm, dùng “Mục đích biện minh cho Phương tiện” để rồi dùng mọi Phương tiện kể cả bất chính để đạt Mục đích, bất chấp các chuẩn mực đạo đức lương tri, không khi nào có được kết quả tốt đẹp an lành, vì đó chỉ là một sự tự lừa dối mình và lừa dối người, một sự nguỵ biện trắng trợn, phủ nhận những giá trị đạo đức, lương tâm con người. Đức Phật đã từng khuyên dạy các đệ tử của mình dù vì mục đích mạng sống của bản thân cũng không phương tiện mà tác ác vượt qua các tiêu chuẩn đạo đức, giới hạnh:

“Thà nuốt hòn sắt nóng,

Như ngọn lửa hừng hừng,

Hơn phá giới buông lung,

Ăn nhờ cơm tín thí.”

(Pháp cú 308)

Trong trường hợp như vậy chúng ta phải tự cân nhắc, tự quyết định và quan trọng nhất là phải biết tự chịu trách nhiệm với các quyết định, lựa chọn trên cơ sở đối chiếu với Lời Phật dạy trong kinh điển, chỉ nên tham kiến các lời khuyên chứ không thể theo quyết định lựa chọn của bất kỳ ai khác để rồi sau đó đổ thừa trách nhiệm cho họ khi gặp các trái duyên, nghịch cảnh trên con đường đã được lựa chọn.

Đức Phật trong Pháp và Luật của mình “… xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” [1]. Và Ngài cũng đã chỉ dạy trong rất nhiều các thuyết giảng về “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn”, trong cuộc sống hưởng thụ dục lạc tại gia [1].

Do vậy mục đích, lý tưởng của cuộc sống là xa lìa nguy hiểm của dục lạc, tầm cầu đạo lộ chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn khổ đau phiền não [1b]:

… Này các Tỷ–kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ:

“Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra”.

– Hết trích dẫn –

Để thoát khỏi hiểm nguy và khổ đau phiền não đó Đức Phật đã chỉ ra con đường Bát Thánh Đạo để thoát khỏi đời sống hạ liệt, phụ thuộc dục lạc, đầy khổ đau phiền não trong thế gian hướng đến mục đích rốt ráo của cuộc sống Phạm hạnh là [2]:

… Với mục đích chế ngự,

Với mục đích đoạn tận,

Là đời sống Phạm hạnh,

Tránh xa lời nói suông,

Thế Tôn đã tuyên bố,

Ði đến nhập Niết–bàn,

Con đường này được đi,

Bởi đại nhân, đại sĩ,

Ai dấn bước thực hành,

Ðúng như lời Phật dạy,

Sẽ chấm dứt khổ đau,

Làm theo Ðạo Sư dạy.

– Hết trích dẫn –

Với mục đích cao thượng rốt ráo “… xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.…” [3], Đức Thế Tôn luôn tán thán cuộc sống phạm hạnh của người xuất gia [4]:

“… Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”.

– Hết trích dẫn –

Để có thêm những hiểu biết đúng đắn liên quan đến vấn đề này chúng ta cũng có thể lắng nghe những câu trả lời của Đại Trưởng Lão Thánh tăng Alahán Nàgasena (Na–tiên) với vua Milanda [5] khi nhà vua hỏi “… ai thực hành giáo pháp tốt cũng đắc đạo quả cao siêu. Vậy thì dại gì đi tu cho khổ, cho cơ cực, thà ở nhà hưởng thọ ngũ dục còn hơn vậy?”:

… Tâu đại vương! Sự thật là thế, nhưng người tại gia thực hành giáo pháp khó khăn hơn nhiều. Có thể nào một người cư sĩ thọ dụng ngũ dục, sống giữa cõi trần luôn luôn bị lửa tham sân thiêu đốt lại có thể chứng ngộ giáo pháp ly dục cao siêu được, tâu đại vương?

Còn các bậc xuất gia, do nhờ ① ghép mình vào các điều học, ② thọ mười ba pháp đầu đà, ③ thu thúc lục căn thanh tịnh; nghĩa là luôn luôn sống đời lánh xa ngũ trần, tham sân ít có cơ hội thiêu đốt; nên bao giờ cũng dễ dàng chứng ngộ được giáo pháp ly dục, tâu đại vương!

– Hết trích dẫn –

Và các câu hỏi khác liên quan đến vị thế quan trọng của Tỳ khưu xuất gia của Vua Milinda cũng đã được giải thích trọn vẹn, đầy đủ [6]:

– Hỏi: … vì sao “Những tại gia cư sĩ đắc quả thánh Tu–đà–huờn rồi, họ chỉ còn nghiệp rất nhẹ, không còn đọa vào bốn đường ác, đức tin Tam Bảo đã vững chắc, là người đã thấy rõ pháp; tuy nhiên, những tại gia cư sĩ đắc quả Thánh Tu–đà–huờn ấy, khi gặp chư tỳ khưu Tăng bất kể thánh hay phàm, đều phải đứng dậy, mời ngồi, lễ bái và cúng dường”?

– Đáp: “… những vị phàm Tăng ấy, tâu đại vương, họ ① hằng có hai mươi pháp hành cao thượng của sa môn. Ngoài ra, ② còn hai pháp cao thượng nữa thuộc về phẩm mạo, tăng tướng nhằm hỗ trợ, nâng đỡ cho hai mươi pháp cao thượng nêu trên. Như vậy, tất cả có hai mươi hai pháp [xem ghi chú 6] mà họ đang y chỉ, thực hành, đáng để cho các vị Thánh cư sĩ Tu–đà–huờn ngưỡng mộ, tôn trọng, lễ bái, cúng dường, tâu đại vương!”…

– Hỏi:… Nhưng nếu vị tỳ khưu thọ trì hai mươi hai pháp, có thực hành nhưng chưa thành tựu đầy đủ hai mươi hai pháp ấy; chưa đạt địa vị hữu học hoặc vô học thì làm sao vị Thánh cư sĩ lại lễ bái, cúng dường được, thưa đại đức?

– Đáp: Thưa, vẫn rất xứng đáng lễ bái, cúng dường – vì vị Thánh cư sĩ sẽ nghĩ rằng: “Dầu sao, các ngài tỳ khưu cũng ① là môn đệ bậc cao của Đức Phật, ② đã thọ trì giới bổn thanh tịnh, ③ đã từng thuyết giới bổn thanh tịnh. Các ngài đều có khả năng làm những việc mà những cư sĩ bậc Thánh không thể làm được, là ③ có khả năng cho những người xuất gia thọ sa đi giới và thọ cụ túc giới. Ngoài ra có vị tỳ khưu, dẫu là phàm Tăng, nhưng, chính họ ④ là người kế thừa, bảo lưu, giữ gìn hạt giống bồ–đề làm cho Phật giáo được hưng thịnh lâu dài”.…

– Hỏi:… Nhưng, nếu các vị tỳ khưu có thọ trì hai mươi hai pháp ấy, nhưng khuyết tật hoặc hư hỏng hai mươi hai pháp ấy – thì chắc chắn không xứng đáng rồi!

– Vẫn rất xứng đáng, tâu đại vương! Vì bậc Thánh cư sĩ sẽ suy nghĩ rằng: “Họ hư hỏng, khuyết tật nhưng

① họ vẫn đang trong tăng tướng và phẩm mạo cao thượng;

② họ đang đi trên con đường phạm hạnh, họ ăn một bữa, họ thiểu dục, tri túc;

③ họ thường sống nơi tịch mịch, xa chỗ huyên náo ồn ào, xa chỗ ngũ dục thấp hèn!…

Còn ta là gì? Ta là cư sĩ áo trắng, dù đắc quả Tu–đà–huờn, nhưng ta vẫn có gia đình với vợ và con, bạc tiền, của cải, danh vọng, địa vị, nghề nghiệp nuôi sống. Ta không cắt móng tay, không cạo râu tóc, vẫn trang điểm, vẫn thoa vật thơm, y phục lành tốt, thọ hưởng ngũ dục, ăn ngon, mặc ấm, giường cao, nhà rộng v.v… Chỉ nguyên nhân ấy thôi, ta đã phải lễ bái, cúng dường đến các ngài rồi.

Huống hồ các ngài, chư phàm Tăng ấy còn có khả năng ① dạy giáo pháp, ② truyền giới luật cho người tại gia, người xuất gia? Đấy là những việc mà không một Thánh cư sĩ siêu phàm nào làm được”.…

– Hết trích dẫn –

Việc xuất gia (tu tại chùa)

⑴ bên cạnh lợi ích là để thành tựu viên mãn Mục đích cứu cánh cao thượng – tự bản thân giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn,

⑵ còn có lợi ích là vị tu sĩ xuất gia Tỳ Khưu trong truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada đóng góp cho sự hộ trì, bảo trì Chánh pháp tinh khiết bằng việc trở thành thành viên của Tăng đoàn Sangha, là phước điền tối thượng trên thế gian, giúp cho chúng sinh cũng có được cơ hội tạo dựng, vun bồi phước báu, tư lương cần thiết cho cuộc hành trình vượt qua khó khăn thử thách trong các kiếp sống luân hồi cho tới ngày giác ngộ giải thoát hoàn toàn, thông qua các phước nghiệp tới Tỳ Khưu và Tăng đoàn như: ① bố thí, ② thọ và trì giới, ③ nghe hướng dẫn và thực hành tu tập Tâm và Tuệ, ④ cung kính và ⑤ phục vụ Tam Bảo, ⑥ tùy hỷ và ⑦ chia sẻ công đức, ⑧ nghe pháp và ⑨ chia sẻ Chánh Pháp, ⑩ sửa đổi tà kiến.

Tăng đoàn Sangha gồm các vị xuất gia Tỳ khưu thật sự, chân chính, có giới hạnh trong sạch, tinh tấn vun bồi Định và Tuệ, là báu vật vô thượng, là ruộng phước vô thượng, là nơi nương tựa vững chắc tối thượng trên đời, xứng đáng được trọng kính cúng dường Āhuneyyo, xứng đáng được quí kính cúng dường Pāhuneyyo, xứng đáng được tín kính cúng dường Dakkhiṇeyyo, xứng đáng được chắp tay cung kính lễ bái Añjalikaraṇīyo [7].

Và trong bất kỳ sự lựa chọn nào, quyết định nào, dù tu tại gia hay xuất gia đi tu, chúng ta vẫn luôn phải vun bồi thật vững chắc những nền tảng cơ bản của Phật giáo cùng sự thông thuộc, ít nhất về mặt lý thuyết con đường Bát Thánh Đạo, về lộ trình, trình tự các bước thực hành dẫn đến mục đích rốt ráo cứu cánh [8], bao gồm các việc cụ thể hàng ngày cho đến hơi thở cuối cùng, đó là:

– gần gũi thân cận bậc chân tu thiện tri thức để được nghe Chánh pháp của Như Lai;

– vun bồi tín tâm, nương tựa quy y duy nhất nơi Tam Bảo Phật Pháp Tăng;

– thọ trì giới luật trong sạch;

– luôn tác ý tránh xa 10 ác nghiệp, luôn tinh tấn trong 10 thiện nghiệp: ① không sát sinh, ② không trộm cắp, ③ không tà dâm, ④ không nói đối, ⑤ không nói lời hai lưỡi, ⑥ không nói lời độc ác, ⑦ không nói lời phù phiếm, ⑧ không tham lam, ⑨ không sân hận, ⑩ không tà kiến;

– không ngừng tích tạo 10 phước nghiệp: ① bố thí, ② trì giới, ③ tu tiến tâm và tuệ, ④ cung kính, ⑤ phục vụ, ⑥ tùy hỷ phước, ⑦ hồi hướng phước, ⑧ thỉnh pháp, ⑨ thuyết pháp, ⑩ sửa đổi tà kiến;

– sống cuộc sống ít muốn biết đủ;

– tiết độ trong ăn uống, ngủ nghỉ;

– thu thúc lục căn mỗi khi tiếp xúc lục trần;

– chú tâm cảnh giác mọi lúc, mọi nơi;

– an trú chánh niệm tỉnh giác trên ① thân, ② thọ, ③ tâm, ④ pháp liên tục;

– diệt trừ 5 chướng ngại tâm là ① tham dục, ② sân hận, ③ hôn trầm thụy miên, ④ trạo cử hối tiếc, ⑤ hoài nghi;

– tu tập Tâm – tức vun bồi phát triển Định thế gian theo những đề mục:

Ⓐ MƯỜI TƯỞNG NIỆM là: ⒈ Niệm Phật ⒉ Niệm Pháp ⒊ Niệm Tăng 4.Niệm Giới ⒌ Niệm Thí ⒍ Niệm Thiên ⒎ Niệm chết ⒏ Niệm thân 32 thể trược ⒐ Niệm hơi thở ⒑ Niệm diệt;

Ⓑ BỐN PHẠM TRÚ là: ⒈ Từ ⒉ Bi ⒊ Hỷ ⒋ Xả;

Ⓒ MỘT TƯỞNG là: tưởng đồ ăn bất tịnh;

Ⓓ MỘT PHÂN TÍCH là: sự phân tích tứ đại;

Ⓔ MƯỜI BIẾN XỨ là: ⒈ Đất ⒉ Nước ⒊ Lửa ⒋ Hư không, ⒌ Xanh ⒍ Vàng ⒎ Đỏ ⒏ Trắng ⒐ Ánh sáng ⒑ Khoảng không có hạn;

Ⓕ MƯỜI BẤT TỊNH là: ⒈ Thây phình trướng ⒉ Thây bầm xanh ⒊ Thây máu mủ ⒋ Thây nứt ra 5. Thây thú ăn ⒍ Thây phân lìa ⒎ Thây rã rời ⒏ Thây chảy máu ⒐Thây sâu đục ⒑ Bộ xương;

Ⓖ BỐN VÔ SẮC là: ⒈ Không vô biên ⒉ Thức vô biên ⒊ Vô sở hữu ⒋ Phi tưởng phi phi tưởng [9];

– tu tập Tuệ đồng thời cùng Định xuất thế gian – tức vun bồi phát triển Minh Sát Quán Vipassnā Tứ Niệm Xứ, theo thứ lớp, theo Chánh pháp của Đức Thế Tôn được truyền thừa qua các bậc thầy lỗi lạc từ quá khứ cho đến hiện tại [9].

Không ai lại không bị trói buộc bởi các kiết sử, không ai lại không bị các khổ đau phiền não hành hạ, áp bức trừ bậc Thánh Alahán. Không ai giải thoát thay cho mình cả, mỗi người, ai ai cũng đều phải tự mình phá bỏ các trói buộc đó nếu mong muốn không bị tiếp tục trói buộc trong khổ đau của luân hồi vô tận. Nhưng phải biết cách, phải biết đường, vì nếu không biết cách, biết đường thì mọi cố gắng đều sẽ uổng phí, cuộc đời là sẽ bị uổng phí. Và chỉ khi nào có Đức Phật ra đời thì khi đó con đường duy nhất đúng đắn giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não của cuộc đời mới được chứng ngộ, được hiển lộ, được truyền dạy cho chư thiên và loài người, đó chính là Bát Thánh Đạo.

Còn ở trong Tam giới thì đương nhiên là đang còn ở trong khổ, không khổ loại này thì khổ loại kia không thể trốn tránh đi đâu được. Chúng ta bắt buộc phải chọn lựa làm một nghề nghiệp gì đó, ở một nơi nào đó tương đối chấp nhận được đối với chúng ta chứ bất kỳ lựa chọn nào thì cũng chỉ là khổ mà thôi. Có điều là có hai loại Khổ: Khổ trốn tránh là khổ kéo dài vĩnh viễn luân hồi, và Khổ đối diện là khổ để có thể thoát khổ. Mong rằng đạo hữu có đủ phước duyên, có đủ dũng cảm và kham nhẫn lựa chọn con đường xuất gia tuy gian khổ khó khăn nhưng là con đường sẽ dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đạt được bình an mãi mãi.

Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây!

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho đạo hữu cùng tất cả mọi người trong gia đình luôn được khỏe mạnh, thành công, an vui, và hạnh phúc, luôn tinh tấn làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm, vun bồi phước thiện Bố thí – Trì giới – Hành thiền tạo duyên lành giúp sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]

GHI CHÚ:

[1] XƯA CŨNG NHƯ NAY, TA CHỈ NÓI LÊN SỰ KHỔ VÀ SỰ DIỆT KHỔ

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 22. Kinh Ví dụ con rắn

… Này kẻ ngu si kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn thuyết chướng đạo pháp. Và những ai thọ dụng chúng tự đủ bị chướng ngại?

Ta đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn.

Ta đã thuyết các dục được ví như khúc xương …

Ta đã thuyết các dục được ví như miếng thịt …

… được ví như bó đuốc cỏ khô …

… được ví như hố than hừng …

… được ví như cơn mộng …

… được ví như vật dụng cho mượn …

… được ví như trái cây …

… được ví như lò thịt …

… được ví như gậy nhọn …

Ta đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn.

Và này kẻ ngu si kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ ngu si kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông.

– Hết trích dẫn –

[1b] MỤC ĐÍCH VÀ LÝ TƯỞNG XUẤT GIA

Nguồn trích dẫn:Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương ưng uẩn – III: Phẩm những gì ðược ăn – 80. Người Khất Thực

… Này các Tỷ–kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ–kheo, khi nói: “Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống”. Này các Tỷ–kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra”.

– Hết trích dẫn –

[2] MỤC ĐÍCH RỐT RÁO CỦA CUỘC SỐNG PHẠM HẠNH

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – III: Phẩm uruvelà – (V) (25) Phạm Hạnh

… Phạm hạnh được sống, này các Tỷ–kheo, không vì mục đích lừa dối quần chúng,

không vì mục đính mơn trớn quần chúng,

không vì mục đích được lợi ích về lợi dưỡng, cung kính, danh vọng,

không vì mục đích được lợi ích thoát khỏi lời phê bình bàn tán, không với ý nghĩ: “Mong quần chúng biết Ta như vậy”.

Và này các Tỷ–kheo, Phạm hạnh này được sống với mục đích được chế ngự, với mục đích đoạn tận, với mục đích ly tham, với mục đích đoạn diệt.

Với mục đích chế ngự,

Với mục đích đoạn tận,

Là đời sống Phạm hạnh,

Tránh xa lời nói suông,

Thế Tôn đã tuyên bố,

Ði đến nhập Niết–bàn,

Con đường này được đi,

Bởi đại nhân, đại sĩ,

Ai dấn bước thực hành,

Ðúng như lời Phật dạy,

Sẽ chấm dứt khổ đau,

Làm theo Ðạo Sư dạy.

– Hết trích dẫn –

[4] MỤC ĐÍCH XUẤT GIA – THÁNH CẦU

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 26. Kinh Thánh cầu

… một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà–sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.…

… Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ–kheo, Như Lai là bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ–kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.”

– Hết trích dẫn –

[4] ĐỜI SỐNG XUẤT GIA TRONG SẠCH

Nguồn trích dẫn: Trường bộ kinh – 2. Kinh Sa-môn quả

… nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A–la–hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa–môn, Bà–la–môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ.

Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ:

“Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”.

Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Hết trích dẫn –

[5] MI TIÊN VẤN ÐÁP – 124. PHẨM MẠO XUẤT GIA CAO SIÊU ĐẾN CỠ NÀO?

Nguồn trích dẫn: budsas.net

Đức vua Mi–lan–đà lại hỏi:

– Thưa đại đức! Trước đây trẫm có cơ duyên hầu chuyện với trưởng lão Àyupala, được biết rằng, bậc xuất gia hay người tại gia đều có thể đắc quả cao thượng giống nhau. Mà chính Đức Tôn Sư cũng có thuyết như thế. Điều này trẫm còn có chỗ hoài nghi.

– Xin đại vương cứ nói.

– Thưa, người tại gia thọ dụng ái dục, ăn mặc bằng những y phục màu trắng có thêu hoa, nằm ngủ với vợ, mưu sinh bằng đủ mọi cách để nuôi vợ con; họ nhồi phấn, thoa vật thơm, trang sức, trang điểm mỹ lệ, chải chuốt mái tóc cho láng lẩy, gom góp tài vật đủ loại… Nghĩa là họ hưởng thụ dục lạc một cách đầy đủ, thỏa mãn…

Còn các bậc xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, mặc những thứ vải thô, xấu, lại còn phải nhuộm nước chát cho ố màu đi. Họ còn phải thọ trì nghiêm khắc hai trăm hai mươi bảy giáo điều, mười ba pháp đầu đà khổ hạnh… Nghĩa là họ phải có một đời sống cơ cực, thiếu thốn đủ mọi bề…

Đại đức Na–tiên nói:

– Đúng như thế. Nhưng đại vương nghi ở chỗ nào?

– Thưa, thứ nhất là ai thực hành giáo pháp tốt cũng đắc đạo quả cao siêu. Vậy thì dại gì đi tu cho khổ, cho cơ cực, thà ở nhà hưởng thọ ngũ dục còn hơn vậy?

– Tâu đại vương! Sự thật là thế, nhưng người tại gia thực hành giáo pháp khó khăn hơn nhiều. Có thể nào một người cư sĩ thọ dụng ngũ dục, sống giữa cõi trần luôn luôn bị lửa tham sân thiêu đốt lại có thể chứng ngộ giáo pháp ly dục cao siêu được, hở đại vương?

– À ra thế!

– Còn các bậc xuất gia, do nhờ ghép mình vào các điều học, thọ mười ba pháp đầu đà, thu thúc lục căn thanh tịnh; nghĩa là luôn luôn sống đời lánh xa ngũ trần, tham sân ít có cơ hội thiêu đốt; nên bao giờ cũng dễ dàng chứng ngộ được giáo pháp ly dục, tâu đại vương!

– Vâng, vâng!

– Tuy nhiên, dẫu là xuất gia, nhưng họ buông lung phóng dật, không chịu thực hành những đề mục chỉ tịnh, quán minh – thì làm sao mà thấy được đạo quả hở đại vương?

– Vâng, vâng!

– Do vậy, phẩm mạo xuất gia hay tại gia quan trọng ở chỗ thực hành và không thực hành, tâu đại vương!

– Vâng! Và như vậy rõ ràng là bậc xuất gia vẫn cao thượng hơn tại gia! Nhưng trẫm không rõ là nó cao thượng đến cỡ nào?

– Không ai có thể định giá được ngọc ma–ni, tức ngọc như ý như thế nào, thì sự cao thượng của phẩm mạo xuất gia cũng y như thế, cái đức của bậc xuất gia cũng dường thế ấy!

– Các vị tỳ kheo trong giáo hội của đại đức thường giáo giới đến cận sự nam nữ hai hàng rằng đức của Chư Tăng như biển lớn, là ý đó chăng?

– Vâng, vì rằng biển rộng và sâu đến chừng nào thì chưa có ai đo lường được; thì sự cao thượng, cao siêu của phẩm mạo xuất gia cũng như biển vậy, khó lượng, khó dò!

– Thưa, vậy thì do đâu mà có được cái đức ấy, sự cao siêu, cao thượng ấy?

Đại đức Na–tiên nói:

– Dường như do đâu thì đại vương đã hiểu rồi.

– Xin đại đức cứ nói lại, có phải là do nhờ đời sống ghép mình vào giới hạnh?

– Vâng, sự thành tựu cao siêu ấy, thành tựu các đức lớn ấy là do đời sống viễn ly của chư tỳ khưu, chẳng hạn:

– Thiểu dục (ít ham muốn),

– Tri túc,

– Ưa thích nơi thanh vắng,

– Không thích đám đông, phe nhóm,

– Không chất chứa, không luyến tiếc,

– Sống đời vô trú,

– Đầy đủ giới hạnh,

– Biết rành rẽ giá trị, sự lợi ích trong việc thực hành các pháp đầu đà, v.v…

Tâu đại vương! Khi mà bậc xuất gia thực hành nghiêm túc các điều như đã kể ở trên, họ sẽ thành tựu đạo quả cao siêu rất dễ dàng, mau lẹ…; cũng giống như người kia xuống sông tắm, dễ dàng và mau lẹ kỳ cọ thân thể mình cho sạch sẽ vậy.

– Thật là rõ ràng, trẫm hiểu được do đâu mà cao thượng rồi.

[6] MI TIÊN VẤN ÐÁP – 106. BẬC THÁNH CƯ SĨ SAO LẠI PHẢI ĐẢNH LỄ, CÚNG DƯỜNG PHÀM TĂNG?

Nguồn trích dẫn: budsas.net

– Thưa đại đức! “Người đắc pháp xuất thế gian là vô cùng cao quý, xứng đáng để cho chư thiên và nhân loại đảnh lễ, cúng dường”. Lời của Đức Đại Bi thuyết cho Setthà nghe như thế có đúng chăng?

– Thưa đúng.

– Thế tại sao sau đó, Đức Thế Tôn còn thuyết rằng: “Những tại gia cư sĩ đắc quả thánh Tu–đà–huờn rồi, họ chỉ còn nghiệp rất nhẹ, không còn đọa vào bốn đường ác, đức tin Tam Bảo đã vững chắc, là người đã thấy rõ pháp; tuy nhiên, những tại gia cư sĩ đắc quả Thánh Tu–đà–huờn ấy, khi gặp chư tỳ khưu Tăng bất kể thánh hay phàm, đều phải đứng dậy, mời ngồi, lễ bái và cúng dường”. Lời thuyết này cũng đúng chăng, thưa đại đức?

– Vâng, cũng rất đúng!

– Vậy thì lời thuyết sau phủ định lời thuyết trước? Lời thuyết sau bắt các vị Thánh đã đắc quả xuất thế gian phải lễ bái, cúng dường những vị phàm Tăng thế gian sao? Nghe có lọt tai không chứ?

Đại đức Na–tiên mỉm cười:

– Rất lọt tai là khác, nếu như đại vương biết rõ những pháp cao thượng mà những vị phàm Tăng kia đang thực hành, đang y chỉ, đang bảo lưu, gìn giữ, tâu đại vương!

– Xin đại đức hãy lật đứng dậy những cái gì khuất lấp ở trong cái đầu óc u mê của trẫm!

– Đại vương đừng quá tự khiêm, bần tăng sẽ nói đây! Là những vị phàm Tăng ấy, tâu đại vương, họ hằng có hai mươi pháp hành cao thượng của sa môn. Ngoài ra, còn hai pháp cao thượng nữa thuộc về phẩm mạo, tăng tướng nhằm hỗ trợ, nâng đỡ cho hai mươi pháp cao thượng nêu trên. Như vậy, tất cả có hai mươi hai pháp mà họ đang y chỉ, thực hành, đáng để cho các vị Thánh cư sĩ Tu–đà–huờn ngưỡng mộ, tôn trọng, lễ bái, cúng dường, tâu đại vương! Hai mươi pháp ấy như sau:

Một là, tâm bi mẫn và sự chơn thật;

Hai là, hỷ hoan trong đời sống thanh cao;

Ba là, đang thực hành pháp;

Bốn là, tứ vô lượng tâm;

Năm là, thu thúc lục căn;

Thứ sáu, thu thúc trong giới bổn pàtimokkha;

Thứ bảy, nhẫn nhục;

Thứ tám, vắng lặng;

Thứ chín, thỏa thích trong chánh pháp;

Thứ mười, thực hành pháp cao thượng;

Mười một, thường thích ở ẩn;

Mười hai, hổ thẹn tội lỗi;

Mười ba, ghê sợ tội lỗi;

Mười bốn, tinh tấn;

Mười lăm, không giải đãi (dễ duôi);

Mười sáu, biết học hỏi giáo pháp;

Mười bảy, biết giảng giải giáo pháp;

Mười tám, thỏa thích trong giới đức;

Mười chín, không tham muốn, không chất chứa, không luyến tiếc;

Hai mươi là, đầy đủ tất cả các điều học.

Và hai pháp cao thượng thuộc phẩm mạo, tăng tướng là:

Thứ nhất, thọ dụng y cà–sa;

Thứ hai, đầu cạo trọc.

Đại vương thấy thế nào, hai mươi hai pháp ấy có cao thượng chăng?

– Thưa, đồng ý là cao thượng, nhưng dẫu sao cũng mới chỉ là pháp cao thượng chứ không phải là người cao thượng!

– Nhưng mà chư tỳ khưu Tăng có vị đã chứng, đang chứng, và sẽ chứng, tâu đại vương!

– Xin đại đức tuần tự giảng cho nghe. Thật là đáng khâm phục trí tuệ biện tài của đại đức nếu như đại đức giảng trôi nạn vấn của trẫm!

– Vâng, đại vương nghĩ thế nào, nếu có vị tỳ khưu thọ trì đầy đủ hai mươi hai pháp ấy; thực hành không cho hư hỏng hai mươi hai pháp ấy, thực hành trọn vẹn hai mươi hai pháp ấy; có thể tiến từ bậc hữu học lên bậc vô học, đắc quả A–la–hán thì vị cư sĩ Thánh quả Tu–đà–huờn kia nên đứng dậy mời chào, lễ bái, cúng dường các vị tỳ khưu ấy không?

– Rất xứng đáng!

– Tại sao lại xứng đáng?

– Vì dù sao Thánh cư sĩ Tu–đá–huờn đâu có được hai mươi hai pháp ấy? Một vì tỳ khưu đắc Tu–đá–huờn, quả vị tuy bằng người cư sĩ nhưng sẽ cao thượng hơn người cư sĩ vì vị tỳ kheo còn có hai mươi hai pháp quý báu ở bên mình, đáng được trọng nể hơn vậy? Nhưng nếu vị tỳ khưu thọ trì hai mươi hai pháp, có thực hành nhưng chưa thành tựu đầy đủ hai mươi hai pháp ấy; chưa đạt địa vị hữu học hoặc vô học thì làm sao vị Thánh cư sĩ lại lễ bái, cúng dường được, đại đức?

– Thưa, vẫn rất xứng đáng lễ bái, cúng dường – vì vị Thánh cư sĩ sẽ nghĩ rằng: “Dầu sao, các ngài tỳ khưu cũng là môn đệ bậc cao của Đức Phật, đã thọ trì giới bổn thanh tịnh, đã từng thuyết giới bổn thanh tịnh. Các ngài đều có khả năng làm những việc mà những cư sĩ bậc Thánh không thể làm được, là có khả năng cho những người xuất gia thọ sa đi giới và thọ cụ túc giới. Ngoài ra có vị tỳ khưu, dẫu là phàm Tăng, nhưng, chính họ là người kế thừa, bảo lưu, giữ gìn hạt giống bồ–đề làm cho Phật giáo được hưng thịnh lâu dài”. Tâu đại vương! Nếu vị Thánh cư sĩ suy nghĩ như thế ở trong tâm, vị ấy có đứng dậy, mời ngồi, lễ bái, rót nước, dâng vật thực đến cho chư tỳ khưu phàm Tăng chăng?

– Thưa, suy nghĩ ấy rất chánh đáng, rất thuyết phục, xứng đáng đảnh lễ, cúng dường lắm! Nhưng, ngoài ra, các vị tỳ khưu có thọ trì hai mươi hai pháp ấy, nhưng khuyết tật hoặc hư hỏng hai mươi hai pháp ấy – thì chắc chắn không xứng đáng rồi!

– Vẫn rất xứng đáng, tâu đại vương! Vì bậc Thánh cư sĩ sẽ suy nghĩ rằng: “Họ hư hỏng, khuyết tật nhưng họ vẫn đang trong tăng tướng và phẩm mạo cao thượng; họ đang đi trên con đường phạm hạnh, họ ăn một bữa, họ thiểu dục, tri túc; họ thường sống nơi tịch mịch, xa chỗ huyên náo ồn ào, xa chỗ ngũ dục thấp hèn!… Còn ta là gì? Ta là cư sĩ áo trắng, dù đắc quả Tu–đà–huờn, nhưng ta vẫn có gia đình với vợ và con, bạc tiền, của cải, danh vọng, địa vị, nghề nghiệp nuôi sống. Ta không cắt móng tay, không cạo râu tóc, vẫn trang điểm, vẫn thoa vật thơm, y phục lành tốt, thọ hưởng ngũ dục, ăn ngon, mặc ấm, giường cao, nhà rộng v.v… Chỉ nguyên nhân ấy thôi, ta đã phải lễ bái, cúng dường đến các ngài rồi. Huống hồ các ngài, chư phàm Tăng ấy còn có khả năng dạy giáo pháp, truyền giới luật cho người tại gia, người xuất gia? Đấy là những việc mà không một Thánh cư sĩ siêu phàm nào làm được”. Đại vương! nếu khi mà vị Thánh cư sĩ suy nghĩ như thế – thì vị ấy có đứng dậy tiếp rước, mời ngồi với hai tay chấp lại thành kính không, hở đại vương?

– Ồ! nếu mà suy nghĩ vậy thì quả thật trẫm đã thua xa trí tuệ thấu suốt ngọn ngành của đại đức rồi!

– Không dám!

– Chắc chắn là vậy! Vì sự gợi ý sáng suốt của đại đức mà trẫm có được một ví dụ như sau: “Trẫm có một vị hoàng tử, trẫm cho đi học văn chương, triết học… nơi một thầy bà–la–môn, là một bậc giáo thọ lớn. Nhờ sự giáo huấn của thầy bà–la–môn lỗi lạc, con trẫm được nên người, thành tài. Nếu sau này mà con trẫm có lên vương, thì trẫm cũng phải hằng nhắc nhở con trẫm rằng: Con nên hằng đến thăm thầy, kính trọng, đảnh lễ thầy, vì nhờ thầy mà bây giờ con đã trở nên một vị vua xứng đáng”. Thưa đại đức! Cũng vậy là vị Thánh cư sĩ kia, mặc dầu ở địa vị cao hơn, quý báu hơn; nhưng dù sao cũng nhờ các vị tỳ khưu phàm Tăng, là bậc thầy dạy đạo cho mình, cho mình thọ trì tam quy, ngũ giới, dạy pháp học, pháp hành… để mình có cơ hội tiến tu và nhập vào dòng Thánh ngày hôm nay! Chỉ ngay cái sự tri ân ấy thôi cũng xứng đáng lễ bái, cúng dường rồi, phải vậy không đại đức?

– Rất là chính xác! Đại vương có thể suy diễn cả những điều mà bần tăng đang định nói ra, chứng tỏ đại vương có thể đi đến một sự nhất trí về kết luận của bần tăng như sau: “Không kể phàm, không kể thánh – chỉ ngay cái phẩm vị tỳ khưu – đã là phẩm vị cao thượng, xứng đáng cho trời và người lễ bái, tôn trọng, cúng dường”.

– Rất đồng ý!

– Cho nên, vị Tu–đà–huờn cư sĩ lễ bái, cúng dường phẩm vị tỳ khưu là phải lẽ. Cho chí một vị cư sĩ A–la–hán, muốn bảo toàn phẩm hạnh thanh cao của mình, đắc quả A–la–hán trong ngày nào [*] thì phải xuất gia phẩm vị tỳ khưu trong ngày ấy. Nếu quá một ngày không gặp đủ số Tăng hội, thì vị cư sĩ A–la–hán ấy đành phải Niết bàn! Cho hay, phẩm vị tỳ khưu cao thượng, quý báu dường ấy mà ít người hiểu cho trọn vẹn, thưa đại vương!

[*] Đôi chỗ nói là bảy ngày.

Đức vua Mi–lan–đà gật đầu hóm hỉnh:

– Gặp được bậc thiện trí thức thông tuệ như đại đức đây, hôm nay, đã làm cho tâm tư trẫm mát mẻ, rỗng không nghi vấn – dẫu trẫm là vị đế vương sang cả, quyền uy vô tận; đại đức chỉ là một công dân thôi, trẫm cũng phải cung kính, đảnh lễ như thường!

– Đại vương quả là bậc thiện trí!

– Không dám!

 

[7] PHÀM TĂNG VÀ THÁNH TĂNG

Nguồn trích dẫn: giacngo.vn

[8] LỘ TRÌNH TU TẬP CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT

Nguồn trích dẫn: Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát, WebFB

[9] THANH TỊNH ĐẠO: TU TẬP GIỚI ĐỊNH TUỆ

Nguồn trích dẫn: budsas.net

Bài Viết Liên Quan

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB