Cầu Siêu
[lwptoc]
Cầu Siêu
– NPH: Bạch Thầy, Phật A Di Đà là không có, vậy lễ cầu siêu cho người đã mất thường tụng A Di Đà là không có giá trị, nên con xin hỏi về lễ cầu siêu theo Phật giáo Nguyên thuỷ thì tụng kinh nào ạ?
– @: Theo Tỳ Khưu Giác Giới, trong cuốn “CƯ SĨ GIỚI PHÁP“, thì NGHI THỨC LỄ CẦU SIÊU được hiểu và tiến hành theo Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông) như sau:
“Phật giáo nguyên thủy từ thời Đức Phật không có nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người chết; khi có người cư sĩ qua đời, thân nhân thỉnh chư Tăng về tư gia để làm phước cúng dường thực phẩm, rồi hồi hướng phước ấy đến người quá vãng.
Hoặc giả các tỳ kheo có tụng kinh thì chỉ là tụng quán tưởng sự chết hay kinh giải về tướng vô thường, khổ, vô ngã v.v… tụng như vậy là nhằm mục đích thức tỉnh mọi người tu tập thiện nghiệp vì hiểu được bản chất của cuộc sống.
Việc cúng dường đến Tăng trong các dịp lễ tang, lễ giỗ… nhằm mục đích là để tạo phước hồi hướng cho người quá cố, hy vọng nhờ đó mà người đã chết sanh ở đâu cũng được an vui hoặc vơi bớt nỗi khổ đau. Hình thức này được gọi nôm na là cầu siêu, theo dân gian thường gọi.
Nghi thức cầu siêu được áp dụng trong lễ tang, lễ giỗ, và bất cứ trường hợp nào người cư sĩ muốn hồi hướng phước đến thân nhân quá cố. Nghi thức cầu siêu được thấy áp dụng thông lệ như sau:
Gia đình thỉnh mời chư Tăng đến, sau khi đọc kinh lễ bái Tam bảo tóm tắt, mọi người sẽ xin thọ qui giới.
Sau đó, theo sự hướng dẫn của vị cư sĩ A-cha (trường hợp người trong gia đình không rành nghi thức), mọi người đọc theo (vì nghi thức cầu siêu trong Phật giáo Nam tông chỉ là mượn phương tiện để cảnh tỉnh, nên không có Pāli truyền thống):
Bạch đại đức tăng, xin thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu để trợ tiến giác linh của Ông… (hay Bà…) được an vui trong cảnh giới tái sanh, thoát ly khổ cảnh. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.
Sau lời thỉnh cầu của cư sĩ, chư Tăng bắt đầu tụng kinh về những đầu đề Vi Diệu Pháp, những bài kệ động tâm… dứt thời kinh, các cư sĩ tụng sám hối Tam bảo và hồi hướng công đức như bài “Phước căn tôi đã tạo thành…” v.v…
Dứt phần nghi thức cầu siêu.”
Câu Hỏi 161: Sayadaw nghĩ sao về việc hồi hướng phước đến những người đã chết? Việc hồi hướng ấy có hiệu quả như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi 161: Trong Kinh Giáo Thọ Thi–Ca–La–Việt (Siṅgālovāda Sutta) của Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có đề cập rằng con cái phải có bổn phận làm các việc công đức và hồi hướng đến cha mẹ đã quá vãng của mình.
Trong một bài Kinh thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) có nói rằng mọi người, ngoại trừ vị A–la–hán, đều phải đi đến một trong năm sanh thú sau khi chết. Năm sanh thú đó là: thiên, nhân, ngạ quỷ, súc sanh, và Địa ngục thú.
Trong số đó chỉ một loại ngạ quỷ duy nhất thuộc ngạ quỷ thú gọi là paradattūpajīvika–peta là có thể nhận được lợi ích từ việc chia phước hay hồi hướng phước của những người khác. ‘Paradattūpajīvika–peta’ có nghĩa là tha thí hoạt mạng ngạ quỷ, tức ngạ quỷ trông đợi sự nuôi mạng của nó từ việc chia phước của người khác.
Sau khi chết, nếu một người đi đến cõi trời (thiên thú) hay cõi người (nhân thú) họ hưởng được các dục lạc theo thiện nghiệp đã thành thục của họ. Nếu một người đi đến cõi súc sanh (súc sanh thú) hay Địa ngục (địa ngục thú) hay trở thành bất kỳ loại ngạ quỷ nào ngoại trừ Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ), họ phải chịu khổ theo nghiệp bất thiện đã chín mùi của họ.
Trong trường hợp này, người ta không được lợi ích gì từ việc chia phước hay hồi hướng phước do thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè của họ trong kiếp trước làm. Tất nhiên những người làm việc phước ấy vẫn có được những lợi ích cho bản thân họ.
Ngạ quỷ paradattūpajīvika nhận được lợi ích từ việc chia phước của người khác theo một trong hai cách: một là hưởng lạc trong ngạ quỷ giới; hai là thoát khỏi ngạ quỷ giới. Họ sẽ được loại nào tùy thuộc vào nghiệp của họ và vào sức mạnh của việc phước. Tôi sẽ giải thích điều này bằng hai ví dụ.
Thuở xưa Nandaka là một vị tướng của Đức Vua Piṅgala. Ông chấp giữ tà kiến về sự đoạn diệt (đoạn kiến cho rằng chết là hết). Con gái ông tên Uttara, là một bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông qua đời, ông trở thành một Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ).
Uttara cúng dường thực phẩm đến một vị Tỳ–kheo A–la–hán đang đi khất thực. Cô chia phước ấy đến Nandaka, người cha đã quá cố của mình. Nandaka lúc bấy giờ là một Paradattūpajīvika–peta, hoan hỷ với phước đó bằng cách nói lên lời ‘sādhu.’ Nhờ sức mạnh của tâm thiện này, ông hưởng được các dục lạc thù thắng như những dục lạc của cõi chư thiên trong sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng ông lại tái sanh vào Địa Ngục do tà kiến của mình, sau khi chết ở ngạ quỷ giới.
Trường hợp khác là những quyến thuộc trong tiền kiếp của Đức Vua Bimbisāra (Tần–bà–sa–la). Thời Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi), họ là những người nấu ăn trong bếp của nhà vua. Họ có trách nhiệm sửa soạn vật thực cho Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi) và một trăm ngàn vị Tỳ–kheo. Tuy nhiên họ đã ăn những vật thực ấy trước khi dâng đến Đức Phật và chư Tỳ–kheo. Do nghiệp bất thiện này họ phải đi đến Địa Ngục sau khi chết. Sau một thời gian dài ở trong Điạ Ngục, họ thoát ra khỏi đó và trở thành Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ) trong ngạ quỷ giới.
Khi Đức Phật Kakusandha (Câu–lư–tôn Phật) xuất hiện trên thế gian, họ đi đến hỏi Đức Phật xem khi nào thì họ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật Kakusandha bảo họ hãy hỏi Đức Phật kế, Konāgama Buddha (Câu–na–hàm Phật). Họ đã phải chờ một thời gian dài cho đến khi Đức Phật Konāgama xuất hiện trên thế gian để hỏi ngài cũng câu hỏi ấy.
Đức Phật Konāgama nói họ hãy hỏi Đức Phật kế, Đức Phật Kassapa (Ca–diếp). Một lần nữa họ phải chờ trong một thời gian lâu dài cho đến khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian và cũng hỏi cùng câu hỏi đó. Đức Phật Kassapa nói với họ rằng họ sẽ thoát khỏi ngạ quỷ giới trong thời kỳ của Đức Phật Goatam (Đức Phật hiện nay của chúng ta). Vì thế họ lại chờ cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong một thời gian lâu dài khác.
Vào thời Đức Phật Gotama của chúng ta, Vua Bimbisāra (Tần–bà–sa–la), quyến thuộc trước đây của những ngạ quỷ này, dâng cúng ngôi chùa Trúc Lâm (Veḷuvana) đến Đức Phật và chư Tăng. Tuy nhiên sau khi dâng xong nhà vua lại không chia phước đến những quyến thuộc của ngài. Những ngạ quỷ này không nhận được phần phước hồi hướng mà họ đã khao khát trong một thời gian dài như vậy. Do ước muốn thoát khỏi cái khổ của ngạ quỷ giới qúa mãnh liệt, họ kêu la một cách khủng khiếp trong vườn thượng uyển của đức Vua Bimbisāra suốt cả đêm.
Vua Bimbisāra sợ đến mức sáng hôm sau ông phải đi gặp Đức Phật sớm. Đức Phật kể cho ông nghe câu chuyện về các ngạ quỷ này và cách thức để giúp họ. Sau đó đức Vua cúng dường tứ vật dụng đến Đức Phật và chư Tăng và chia phước đến các ngạ quỷ này.
Lý do tại sao đức Vua phải làm một việc phước mới vì rằng chỉ có phước mới làm đem chia thì các ngạ quỷ Paradattūpajīvika mới có được lợi ích. Các ngạ quỷ rất vui sướng khi Vua Bimbisāra (Tần–bà–sa–la) chia phước cho họ và họ nói lên lời Sādhu (lành thay) để hoan hỷ với phước báu ấy. Vì lẽ nghiệp lực bất thiện của họ đã gần cạn kiệt, họ thoát khỏi ngạ quỷ giới và đi lên cõi chư thiên theo sự hoan hỷ của họ.
Chúng ta phải hiểu hai loại quả do hồi hướng phước hay chia phước tạo ra này. Nói chung thì viêc thực hiện các thiện nghiệp, như bố thí, trì giới, thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana), để hồi hướng phước phước đến những thân quyến và bạn bè đã quá vãng của chúng ta là điều rất đáng làm.
Trích “Hỏi và Đáp với Thiền Sư Pa–Auk Tawya Sayadaw”
Quí vị cũng có thể tham khảo thêm
– Sách “Khóa Lễ Cầu Siêu Phật Giáo Nguyên Thủy” Do Tỳ Khưu Siêu Minh (Tổ Đình Bửu Quang, Quận Thủ Đức, Tp Hcm) Biên Soạn
Bài viết liên quan
- Làm Gì Thay Thế Mê Tín Tế Lễ Cầu Siêu Cô Hồn Ngạ Quỉ Trong Dịp “Lễ Vu Lan Của Đạo Tầu”?, Web, FB
- Hồi Hướng Phước Báu Tới Người Qúa Vãng, Web, FB
- Hồi Hướng Công Đức Phước Báu Tới Thân Nhân Quá Vãng Như Thế Nào?, Web, FB
- Cầu Siêu, Web, FB
- Siêu Thoát Và Con Đường Đưa Tới Siêu Thoát, Web, FB
- Cầu Xin, Cầu An, Cầu Siêu Hay Trì Giới:, Web, FB
- Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra, Web, FB
- Người Có Chánh Kiến Nên Có Quan Kiến Vè Tháng Cô Hồn Như Thế Nào?, Web, FB
- Video Tụng Kinh Cầu An – Chúc Phúc Nhân Dịp Năm Mới:, FB
- Hộ Trì Người Sắp Ra Đi Như Thế Nào?, Web, FB