Hồi Hướng Phước Báu Tới Người Quá Vãng

HỒI HƯỚNG PHƯỚC BÁU TỚI NGƯỜI QUÁ VÃNG

– TN: Dạ thưa sư. Con xin thành tâm đảnh lễ sư. Con cúi mong sư hoan hỷ giảng giải giúp con một vấn đề. Thưa sư con có người (… chuyện chết do tai nạn, giấc mơ ám ảnh, …). Con kính hỏi sư là giấc mơ của con có ý nghĩa gì không thưa sư. Và con xin sư từ bi hoan hỷ cho con biết như vậy là dượng ấy đã tái sanh vào cành giới nào thưa sư và xin sư chỉ bảo gia đình làm cách nào để tạo phước báu giúp cho dượng ấy nhận được phước báu. Con kính nhờ sư giảng giải giúp con. Con tri ân sư nhiều.

– Tỳ khưu Viên Phúc Sumangala: Các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra. Tùy thuộc thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo ra trong quá khứ mà tâm tái sinh sẽ hướng về thiện thú: cảnh giới tốt lành trong cõi người, cõi Trời, hoặc hướng về ác thú: cảnh giới đau khổ trong cõi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, Atula. Chỉ có Đức Phật, chư thiên, và các vị tu thiền chỉ samatha đắc thần thông – thiên nhãn thông mới có thể biết cảnh giới tái sinh của các chúng sinh.

Giấc mơ là kết quả hoặc của những tương tác các chất trong thân tâm, hoặc do điều thấy biết trong quá khứ kết hợp với những suy tưởng của tâm trí, hoặc do chư thiên báo mộng, hoặc do phước nghiệp có thể mơ biết trước việc lành dữ sẽ xảy ra. Đoán mộng, giải đoán các giấc mơ không phải là nghề của tu sĩ xuất gia, tu sĩ xuất gia làm việc này là tà mạng. [1]

Nếu người chết tái sinh là ngạ quỷ peta thì mới có thể hưởng nhận được phước báu do người thân sau khi đã tạo phước (xem 10 phước thiện: Bố thí, trì giới, hành thiền, tùy hỷ, hồi hướng, cung kính, phục vụ, nghe Pháp, giảng Pháp, sửa đổi tà kiến) liền hồi hướng phước báu đó thông qua khấn nguyện (tự mình, hoặc thỉnh nhờ chư tăng). Thường thì người nhà có thể đến chùa làm lễ hồi hướng, hoặc nếu có thể thì thỉnh mời chư tăng đến nhà và tạo phước bằng cách đảnh lễ, cung kính Tam Bảo Phật Pháp Tăng; thỉnh nghe chư tăng thuyết pháp, tụng kinh; cúng dường Tứ vật dụng và trai tăng tới chư Tăng… sau đó tụng niệm hồi hướng phước báu đó tới các chúng sinh trong đó đặc biệt hướng tới người thân quá vãng của mình.[2].

Nguyện hồi hướng mọi công đức và phước báu tới Thiện hữu cùng muôn loài chúng sinh, nguyện cho tất cả sớm thoát khỏi mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự.

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

Ghi chú – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Giấc mơ là kết quả hoặc của những tương tác các chất trong thân tâm, hoặc do điều thấy biết trong quá khứ kết hợp với những suy tưởng của tâm trí, hoặc do chư thiên báo mộng, hoặc do phước nghiệp có thể mơ biết trước việc lành dữ sẽ xảy ra. Đoán mộng, giải đoán các giấc mơ không phải là nghề của tu sĩ xuất gia, tu sĩ xuất gia làm việc này là tà mạng.

Tham khảo thêm:

⑴ Dreams and their Causes ‘Dhamma Padetha II’ – Ashin Kuṇḍalābhivaṃsa

Theo Aṭṭhakathā những bậc thầy đã giải thích trong Aṅguttara Pāli Mahā Supina Sutta, có bốn nguyên nhân xảy ra những giấc mơ:

1. Dhātukkhobhato: giấc mơ do các nguyên tố (dhātu) gây ra

2. Anubūtapubbato: giấc mơ do kinh nghiệm quá khứ gây ra

3. Devatopasamhārato: giấc mơ do chư thiên gây ra

4. Pubbanimittato: giấc mơ do biết trước những sự kiện tương lai.

1. Những giấc mơ do các nguyên tố gây ra: nghĩa là vì các cơ quan trong cơ thể rối loạn ta có những giấc mơ xấu và đáng sợ như là rơi từ trên cao, bay trong không gian, bị đuổi bởi các con voi, ngựa, sư tử, báo, cọp và dã thú đáng sợ hoặc những kẻ cướp.

Loại giấc mơ do các nguyên tố rối loạn không thể là thật cũng không thể là những sự kiện nằm mơ sẽ xảy ra trong tương lai.

2. Những giấc mơ do kinh nghiệm quá khứ gây ra: nghĩa là ta mơ thấy những điều tốt lành hoặc những điều không dễ chịu và đáng sợ. Cũng mơ nghe những âm thanh dịu dàng và du dương hoặc những âm thanh đáng sợ và mơ thấy ăn và uống những thức hấp dẫn.

Những loại giấc mơ này chỉ là sự nhớ lại những kinh nghiệm quá khứ và sẽ không xảy ra nữa. Do đó, chúng không thể trở thành hiện thực.

3. Những giấc mơ do các chư thiên gây ra: nghĩa là vì được yêu mến bởi các chư thiên họ khiến ta mơ những giấc mộng đẹp hoặc bởi vì họ giận ghét ta họ cố gắng làm cho ta mơ thấy những điều không khả ái. Như vậy loại giấc mơ do các chư thiên gây ra mang lại cho ta những kết quả lành và dữ.

Những giấc mơ do sự yêu ghét của chư thiên gây ra đôi khi là thật và đôi khi là giả. Nếu ta mơ vì chư thiên yêu mến, nó là thật nhưng nếu ta mơ vì sự thù ghét của họ nó là giả.

Những ai mà không muốn có những giấc mơ này trước khi đi ngủ phải rải tâm từ về phía những chư thiên hộ trì, hoặc những chư thiên trong nhà, trong vườn tược, trong thị tứ, trong rừng và tất cả chúng sanh trong mười phương.

Cách thức chư thiên gây ra những ảnh hưởng xấu vì sự thù ghét.

4. Giấc mơ do biết trước những sự kiện tương lai: nghĩa là do năng lực của các phước thuộc thiện nghiệp, ta có những giấc mơ về những sự kiện tốt lành sắp đến và do năng lực của những tội thuộc bất thiện nghiệp ta có những giấc mơ về những điềm báo bất tường. Do vậy giấc mơ do những sự kiện tốt xấu sẽ xảy ra trong tương lai.

Loại giấc mơ này chắc chắn sẽ cho những quả lành do những phước thuộc thiện nghiệp. Và nhất định sẽ có những ảnh hưởng xấu do những tội thuộc bất thiện nghiệp. Do đó, những giấc mơ do những điềm báo trước sẽ là thật và xảy ra trong tương lai.

Chúng ta biết bốn loại giấc mơ này là thật hoặc giả theo thời gian ta đã mơ. Những giấc mơ ban ngày, phần đầu của đêm, nữa đêm, khoảng 3 giờ sáng phần lớn là không chính xác. Trong khi đó, những giấc mơ lúc bình minh phần lớn là chính xác.

Bốn loại giấc mơ này được mơ bởi các phàm phu (puthujjana), dự lưu (sotāpanna), nhất lai (sakadāgāmi) và a na hàm (anāgāmi). Chư vị a la hán không còn mơ nữa. Những ai mà thực hành thiền hiếm khi có ba loại giấc mơ trước.

Đó là lý do tại sao những con trai và con gái thuộc dòng dõi ưu tú [tức Phật tử chân chính] không muốn có những giấc mơ xấu phải thực hành thiền đề mục hơi thở vào và ra (anāpāna). Khi chuẩn bị đi ngủ họ phải quán xét sự phồng xẹp của bụng bằng cách chánh niệm vào sự “sinh” và “diệt”.

––––––––––––––––––––––––––––––

⑵ Trích từ: Tìm Hiểu Phước Bố Thí”, Tỳ khưu Hộ Pháp

– Aṅguttara Nikāya. Dasaka Nipāta

Tăng Chi Bộ Kinh. Chương mười.

XVII. Phẩm Jànussoni

(XI) (177) Jànussoni

“Chúng ta cùng tìm hiểu bài kinh “Jāṇusasoṇīsutta” [Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Jānusasoṇīsutta]. Trong bài kinh này, có đoạn ông Bà la môn Jāṇusasoṇī đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

– Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, chúng con là Bà la môn thường bố thí rồi hồi hướng đến những người quá vãng rằng: “phần phước thiện bố thí này, cầu mong cho được thành tựu đến thân quyến đã quá vãng, mong thân quyến quá vãng ấy hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí này”.

Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, phần phước thiện bố thí này, có thể thành tựu đến thân quyến đã quá vãng của chúng con được hay không?

Thân quyến đã quá vãng của chúng con có hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của chúng con được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật giải đáp rằng:

– Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí được thành tựu tùy theo loại chúng sinh này; không được thành tựu tùy theo loại chúng sinh khác.

Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, loại chúng sinh nào được thành tựu? Loại chúng sinh nào không thành tựu? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam của người khác, có tánh thù hận, có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chúng sinh trong cõi địa ngục sống tồn tại bằng vật thực ở địa ngục.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh ở địa ngục.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người sát sanh, trộm cắp, tà dâm… có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm súc sanh, loài súc sanh sống tồn tại bằng vật thực riêng của mỗi loài.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến loài súc sanh.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời đâm thọc, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, tâm không tham lam của người khác, tâm không thù hận, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người, con người sống tồn tại bằng vật thực của cõi người.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh tái sanh trở lại làm người.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp…, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên, chư thiên trong cõi trời, sống tồn tại bằng vật thực trong cõi trời.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí cũng không thành tựu đến chư thiên trong cõi trời.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; người này sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm loài ngạ quỷ, ngạ quỷ sống tồn tại bằng vật thực của hàng ngạ quỷ. Hàng ngạ quỷ này thường trông ngóng thân quyến trong cõi người hồi hướng phước thiện đến cho họ, khi họ hay biết hoan hỉ phần phước thiện ấy, họ thọ hưởng được, chắc chắn họ thoát khỏi cảnh khổ, tái sanh cõi thiện giới hưởng được mọi sự an lạc.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí chỉ có thể thành tựu đến cho loài ngạ quỷ mà thôi.

Khi lắng nghe Ðức Phật giải đáp như vậy, ông Bà la môn bạch tiếp rằng:

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng ấy không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí hồi hướng ấy, vậy ai thọ hưởng phần phước thiện ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, hàng ngạ quỷ thân quyến khác của thí chủ, thọ hưởng được phần phước thiện hồi hướng ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng không có trong hàng ngạ quỷ, thì ai là người thọ hưởng phần phước thiện hồi hướng ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp của mỗi chúng sinh trong quá khứ, không có người thân quyến tái sanh làm ngạ quỷ, đó là điều không thể có được, (chắc chắn có thân quyến sanh làm ngạ quỷ).

Ðiều chắc chắn thí chủ là người được phần phước thiện bố thí ấy và thọ hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, Ngài có hạn chế những chúng sinh không thọ hưởng được phước thiện bố thí hay không?

Này Bà la môn, Như Lai có hạn chế chúng sinh.

Này Bà la môn có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm con voi; trong kiếp voi ấy, được nuôi nấng chăm sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ… do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp… có tà kiến, nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm chó; trong kiếp chó ấy, được nuôi nấng làm chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ… do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

(Tái sanh làm con ngựa, con bò…. v.v…).

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người; trong kiếp người, là người giàu sang, phú quý, có chức cao, quyền lớn, sung túc đầy đủ ngũ trần trong đời, phát sanh do quả báu của phước thiện bố thí trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp… có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên; trong kiếp chư thiên trong cõi trời, là chư thiên có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy, do phước thiện bố thí, đã tạo trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, chính thí chủ là người có phước thiện bố thí và hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, thật phi thường! Chưa từng nghe bao giờ!

Kính bạch Sa môn Gotama, như vậy, thật ra nên bố thí bằng đức tin trong sạch, phước thiện bố thí không chỉ có quả báu cho chính mình, mà còn hồi hướng đến người khác, khi biết hoan hỉ họ cũng thọ hưởng được quả báu của phước thiện này nữa.

Kính bạch Sa môn Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!……”.

Qua bài kinh này, chúng ta hiểu được rằng: thí chủ làm phước thiện bố thí rồi hồi hướng riêng đến thân quyến đã quá vãng nói riêng, có ý chỉ định đến một chúng sinh nào đó, thì điều ấy không chắc chắn, bởi vì, chúng sinh ấy có hay biết được thân quyến hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho mình hay không?

Nếu chúng sinh ấy biết được mà hoan hỉ thì thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Nếu chúng sinh ấy không hay biết, không hoan hỉ, thì không thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Còn thí chủ làm phước thiện bố thí rồi, xin hồi hướng chung đến những thân quyến đã quá vãng nói chung, không có ý định chỉ định đến chúng sinh nào, điều ấy chắc chắn thân quyến của thí chủ thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy. Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp của mỗi chúng sinh, chắc chắn có thân quyến tái sanh trong hàng ngạ quỷ. Nếu họ hoan hỉ thọ hưởng được phần phước thiện của thí chủ hồi hướng, thì họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cõi thiện giới an lành, hưởng được mọi sự an lạc.

Ngoài ra, các chúng sinh khác không hay biết, không hoan hỉ phần phước thiện bố thí của thí chủ hồi hướng, thì không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy.”

🍀 Hỏi: Sayadaw nghĩ sao về việc hồi hướng phước đến những người đã chết? Việc hồi hướng ấy có hiệu quả như thế nào?

Trả Lời: Trong Kinh Giáo Thọ Thi–Ca–La–Việt (Siṅgālovāda Sutta) của Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có đề cập rằng con cái phải có bổn phận làm các việc công đức và hồi hướng đến cha mẹ đã quá vãng của mình.

Trong một bài Kinh thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) cũng có nói rằng mọi người, ngoại trừ vị A–la–hán, đều phải đi đến một trong năm sanh thú sau khi chết. Năm sanh thú đó là: thiên, nhân, ngạ quỷ, súc sanh, và Địa ngục thú. Trong số đó chỉ một loại ngạ quỷ duy nhất thuộc ngạ quỷ thú gọi là paradattūpajīvika–peta là có thể nhận được lợi ích từ việc chia phước hay hồi hướng phước của những người khác. ‘Paradattūpajīvika–peta’ có nghĩa là tha thí hoạt mạng ngạ quỷ, tức ngạ quỷ trông đợi sự nuôi mạng của nó từ việc chia phước của người khác.

Sau khi chết, nếu một người đi đến cõi trời (thiên thú) hay cõi người (nhân thú) họ hưởng được các dục lạc theo thiện nghiệp đã thành thục của họ. Nếu một người đi đến cõi súc sanh (súc sanh thú) hay Địa ngục (địa ngục thú) hay trở thành bất kỳ loại ngạ quỷ nào ngoại trừ Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ), họ phải chịu khổ theo nghiệp bất thiện đã chín mùi của họ. Trong trường hợp này, người ta không được lợi ích gì từ việc chia phước hay hồi hướng phước do thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè của họ trong kiếp trước làm. Tất nhiên những người làm việc phước ấy vẫn có được những lợi ích cho bản thân họ.

Ngạ quỷ paradattūpajīvika nhận được lợi ích từ việc chia phước của người khác theo một trong hai cách: một là hưởng lạc trong ngạ quỷ giới; hai là thoát khỏi ngạ quỷ giới. Họ sẽ được loại nào tùy thuộc vào nghiệp của họ và vào sức mạnh của việc phước. Tôi sẽ giải thích điều này bằng hai ví dụ.

Thuở xưa Nandaka là một vị tướng của Đức Vua Piṅgala. Ông chấp giữ tà kiến về sự đoạn diệt (đoạn kiến cho rằng chết là hết). Con gái ông tên Uttara, là một bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông qua đời, ông trở thành một Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ). Uttara cúng dường thực phẩm đến một vị Tỳ–kheo A–la–hán đang đi khất thực. Cô chia phước ấy đến Nandaka, người cha đã quá cố của mình. Nandaka lúc bấy giờ là một Paradattūpajīvika–peta, hoan hỷ với phước đó bằng cách nói lên lời ‘sādhu.’ Nhờ sức mạnh của tâm thiện này, ông hưởng được các dục lạc thù thắng như những dục lạc của cõi chư thiên trong sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng ông lại tái sanh vào Địa Ngục do tà kiến của mình, sau khi chết ở ngạ quỷ giới.

Trường hợp khác là những quyến thuộc trong tiền kiếp của Đức Vua Bimbisāra (Tần–bà–sa–la). Thời Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi), họ là những người nấu ăn trong bếp của nhà vua. Họ có trách nhiệm sửa soạn vật thực cho Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi) và một trăm ngàn vị Tỳ–kheo. Tuy nhiên họ đã ăn những vật thực ấy trước khi dâng đến Đức Phật và chư Tỳ–kheo. Do nghiệp bất thiện này họ phải đi đến Địa Ngục sau khi chết. Sau một thời gian dài ở trong Điạ Ngục, họ thoát ra khỏi đó và trở thành Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ) trong ngạ quỷ giới.

Khi Đức Phật Kakusandha (Câu–lư–tôn Phật) xuất hiện trên thế gian, họ đi đến hỏi Đức Phật xem khi nào thì họ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật Kakusandha bảo họ hãy hỏi Đức Phật kế, Konāgama Buddha (Câu–na–hàm Phật). Họ đã phải chờ một thời gian dài cho đến khi Đức Phật Konāgama xuất hiện trên thế gian để hỏi ngài cũng câu hỏi ấy. Đức Phật Konāgama nói họ hãy hỏi Đức Phật kế, Đức Phật Kassapa (Ca–diếp). Một lần nữa họ phải chờ trong một thời gian lâu dài cho đến khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian và cũng hỏi cùng câu hỏi đó. Đức Phật Kassapa nói với họ rằng họ sẽ thoát khỏi ngạ quỷ giới trong thời kỳ của Đức Phật Goatam (Đức Phật hiện nay của chúng ta). Vì thế họ lại chờ cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong một thời gian lâu dài khác.

Knowinh and Seeing. Pa Auk Sayādaw

TK Pháp Thông dịch

🍀 Hỏi: Theo lời dạy Nguyên Thủy (Theravāda), khi con người chết đi, họ được tái sinh trong kiếp sau ngay khi tâm tái tục (paṭisandhi citta) sinh khởi. Khi chúng ta chia phước đến một người đã chết, nó có tác dụng hay lợi ích gì ngoài việc an ủi những người thân vẫn còn sống không?

Trả lời: Trước hết, để có lợi ích từ việc chia phước của người khác, chúng ta phải hiểu rằng một việc thiện đã được thực hiện và biết tùy hỷ với việc thiện đó.

Sau tâm tử, tâm tái tục khởi sinh ngay lập tức. Không có một khoảng cách nào giữa chúng. Đây là những gì Đức Phật (Buddha) dạy. Đây cũng là điều mà một ngày nào đó chúng ta có thể tự mình nhìn thấy bằng cách quán sát các kiếp quá khứ của chúng ta để biết và thấy Định Luật của Nghiệp (kamma), đó là lời dạy cốt lõi của Đức Phật (Buddha). Sau đó, chúng ta sẽ tự mình biết rằng tâm tái tục khởi sinh ngay sau tâm tử, không có một gián đoạn nào giữa chúng.

Đức Phật (Buddha) dạy rằng không có antarābhava, không có đời sống trung gian (thân trung ấm). Khi con người được sinh ra trong cõi nhân loại sau khi họ qua đời và chúng ta chia phước tới họ, họ không thể tùy hỷ vì họ đã ở trong bụng mẹ. Họ không thể tùy hỷ vì họ không biết chúng ta đang chia phước tới họ. Nếu họ đã được tái sinh trong thiên giới, nơi họ tận hưởng tất cả các loại dục lạc thiên giới theo nghiệp của mình và quên mất chúng ta, thì họ cũng không thể nào tùy hỷ trong việc chia phước của chúng ta. Việc tùy hỷ là không thể làm đối với những ai được sinh ra trong cõi bàng sanh (súc sanh) hoặc cõi địa ngục, nơi họ chịu đau khổ do nghiệp bất thiện của mình. Những ai được sinh ra trong cõi Phạm thiên (brahmā) do sự thuần thục của họ về an chỉ định (jhāna) thì cũng không thể tùy hỷ trong việc chia phước của chúng ta.

Do đó, những ai được tái sinh trong bất kỳ cảnh giới nào ở trên sẽ không nhận biết đượ c những nghiệp thiện mà người thân còn sống của họ đã thực hiện, họ sẽ hiếm có thể tùy hỷ trong những việc làm đó. Nếu không tùy hỷ, họ sẽ không thể nhận được bất kỳ lợi ích nào khi người thân của mình chia phước tới họ.

Ngay cả khi họ tình cờ nhận biết được những phước thiện đó và tùy hỷ với chúng, họ chỉ được hưởng lợi bằng cách tích lũy nghiệp thiện mà thôi, và không nhiều hơn thế. Đây không phải là những cảnh giới mà chúng sinh tùy hỷ trong việc chia phước do người khác làm có thể được trải nghiệm những cải thiện đáng kể trong kiếp sống của họ, ngay cả việc được tái sinh thành một loài hữu tình ở cõi an vui hơn.

Tuy nhiên, theo lời dạy của Đức Phật (Buddha), khi một số người thân và bà con chúng ta qua đời, nếu cảnh cận–tử sinh khởi là một điều bất thiện khiến họ tái sinh trong cõi ngạ quỷ như ngạ quỷ paradattūpajīvī peta, một loại ngạ quỷ sống dựa trên những gì được cho bởi người khác. Trong trường hợp đó, họ đang chờ đợi để tùy hỷ phước của chúng ta chia cho họ. Khi họ có thể tùy hỷ theo cách này, thì điều kiện ở kiếp sống ngạ quỷ (peta) của họ có thể được cải thiện, và họ thậm chí có thể tiến lên một loại hữu tình ở cõi cao hơn. Vì các thành viên trong gia đình họ không thể chắc chắn nơi họ được tái sinh, nên đó là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình để chia phước đến họ.

Phần sau của câu hỏi: Nếu những người thân của chúng ta chưa tái sinh trong cõi ngạ quỷ đặc biệt đó, thì lợi ích của việc chia phước là gì? Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật (Buddha) đã dạy khởi đầu của luân hồi (saṃsāra) là không xác định và không thể biết được.

Ngay cả khi những người thân của chúng ta ở kiếp sống này không có ở đó, dù sao thì những người thân xưa kia của chúng ta ở những kiếp sống trước vẫn có thể chờ đợi chúng ta để chia phước đến họ.

Chúng ta được lợi ích bởi sự chia phước ngay cả khi không có người thân nào ở đó, vì chúng ta có cơ hội để làm thiện nghiệp. Vì vậy, thật tốt khi chia phước tới những người đã mất.

Có mười loại hoặc mười nền móng của thiện nghiệp (thập thiện nghiệp dasapuññakiriyavatthu), một trong số đó là chia phước. Một thiện nghiệp khác nữa là tùy hỷ khi những người khác chia phước. Mặc dù bản thân chúng ta có thể cúng dường, nhưng vẫn còn nhiều người khác không thể.

Nếu chúng ta chia phước, những người xung quanh khác hiểu được phước thiện của việc cúng dường cũng có thể dự phần vào nghiệp thiện của chúng ta bằng cách tùy hỷ và nói lên lời, ‘Lành thay! Lành thay! Lành thay’ ‘Sādhu! Sādhu! Sādhu!’ Mặc dù họ không thể tự mình cúng dường, nhưng họ có cơ hội thực hiện nghiệp thiện bằng cách tùy hỷ với nghiệp tốt lành của người khác khi nghe về nó.

Chia phước là một loại thiện nghiệp, và tùy hỷ với thiện nghiệp của ai đó cũng là một thiện nghiệp khác nữa.

Nó giống như một số người mà tất cả đang cùng nhau cầm nến ở nơi tối tăm, nhưng chỉ có một trong số họ đang cầm ngọn nến được thắp sáng. Ngọn nến duy nhất đó soi sáng bóng tối, rất sáng và rực rỡ. Điều này giống như một người có phương tiện để cúng dường. Những người khác với nến chưa được thắp sáng giống như những người không có được phương tiện như vậy. Họ tiến đến ngọn nến được thắp sáng và nói: ‘Bạn ơi, hãy cho chúng tôi thắp nến của mình bằng ngọn lửa của nến bạn nhé.’ Họ giống như những người tùy hỷ trong thiện nghiệp của người khác. Khi họ đến và thắp nến của mình, ánh sáng ở nơi đó càng trở nên sáng hơn và rực rỡ hơn, tuy nhiên cây nến đầu tiên không mất đi chút nào ánh sáng của nó. Đây là cách chúng ta có thể tích lũy nghiệp thiện cùng với nhau. Thật tốt lành làm sao!

Ứớc Nguyện và Chia Phước

Chúng ta đã tích lũy rất nhiều thiện nghiệp – thông qua bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā). Không có kết quả nào sánh được với việc chứng ngộ Níp–bàn (Nibbāna). Do đó, tất cả những việc thiện mà quý vị đã tích lũy trong khóa thiền này nên dành cho việc chứng ngộ Níp–bàn (Nibbāna). Những chứng đắc và thành tựu khác không quan trọng bằng. Quý vị chưa thể chấm dứt đau khổ khi quý vị đang trên đường tầm cầu Pháp (Dhamma), bởi vì ba– la–mật (pāramī) tích lũy của quý vị chưa tròn đầy; tuy nhiên, quý vị sẽ được tái sinh trong một cõi lành nếu quý vị thực hiện ước nguyện đạt được Níp–bàn (Nibbāna).

Rồi quý vị sẽ có chủ ý muốn chấm dứt đau khổ trong mọi kiếp sống, nhờ thế quý vị sẽ chuyên tâm nỗ lực tinh tấn hết kiếp sống này đến kiếp sống khác. Cho nên việc thực hiện ước nguyện chấm dứt đau khổ là một ước nguyện cao thượng trong cuộc đời của chúng ta. Vì thế bây giờ chúng ta sẽ thực hiện những ước nguyện và chia phước:

Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Idaṃ me puññaṃ Nibbānassa paccayo hotu.

Mama puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ bhājemi;

Te sabbe me samaṃ puññabhāgaṃ labhantu.

Nguyện cho phước thiện này của tôi là duyên chấm dứt mọi lậu hoặc trầm luân.

Nguyện cho phước thiện này của tôi là duyên thành tựu Níp–bàn.

Tôi chia sẻ phước thiện của tôi với tất cả chúng sanh.

Nguyện tất cả chúng sanh nhận được phước thiện này đồng đều nhau cả thảy.

Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Sách: Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Tác giả: Thiền Sư Revata Sayadaw

Nhóm dịch: Tâm Bình An

Bài viết liên quan

  • Làm Gì Thay Thế Mê Tín Tế Lễ Cầu Siêu Cô Hồn Ngạ Quỉ Trong Dịp “Lễ Vu Lan Của Đạo Tầu”?, Web, FB
  • Hồi Hướng Phước Báu Tới Người Qúa Vãng, Web, FB
  • Hồi Hướng Công Đức Phước Báu Tới Thân Nhân Quá Vãng Như Thế Nào?, Web, FB
  • Cầu Siêu, Web, FB
  • Siêu Thoát Và Con Đường Đưa Tới Siêu Thoát, Web, FB
  • Cầu Xin, Cầu An, Cầu Siêu Hay Trì Giới:, Web, FB
  • Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra, Web, FB
  • Người Có Chánh Kiến Nên Có Quan Kiến Vè Tháng Cô Hồn Như Thế Nào?, Web, FB
  • Video Tụng Kinh Cầu An – Chúc Phúc Nhân Dịp Năm Mới:, FB
  • Hộ Trì Người Sắp Ra Đi Như Thế Nào?, Web, FB