Con Là Cái Gì Mà Sao Con Khổ Thế Này

– NN: Cuộc sống bây giờ con cũng thấy mệt mỏi lắm thầy ơi. Con cũng không biết phải làm gì nữa, người với người lúc nào cũng đấu đá với nhau vì đồng tiền, mà không có anh em gì cả, thầy ơi. Con cũng không biết con là cái gì mà sao con khổ, quá khổ thế này. Hình như trên đời nay có mỗi mình con bất hạnh như thế này thôi thầy ạ. Giờ con phải làm sao, con xin thầy cho con một lời khuyên.

– @:

Nếu ta đến các bến xe, nhà ga, gầm cầu… ta sẽ thấy những kẻ cầu bơ cầu bất, đói khát, không có miếng ăn, không có tấm áo, không có manh chiếu, không mẹ, không cha, không có chỗ bấu víu nương tựa.

Nếu ta đến các nhà thương, bệnh viện ta sẽ thấy vô số kẻ bệnh, tật không thuốc cứu chữa, không tiền cứu chữa, không người cứu chữa. Họ nằm đó trong đau đớn và vô vọng…

Và còn bao cảnh thương tâm của các nạn nhân động đất, sóng thần, bão lụt, sự cố nhà máy điện hạt nhân …

Chắc chắn rằng ta đã từng tận mắt được thấy những cảnh đó, hoặc chí ít qua TV, đài, báo.

Vậy hãy xem lại hoàn cảnh của mình, chẳng phải là mình vẫn còn có điều kiện và cơ hội tốt hơn họ nhiều sao?

Hãy cố gắng làm hết sức mình, đối diện với hoàn cảnh, từng bước cải thiện dần dần, không tham lam, không vội vàng.

Chỉ có như vậy mới dần dần có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Kêu ca, chán nản, tuyệt vọng chẳng giúp được gì.

Hơn nữa, nghiệp chướng đã tạo trong các kiếp trước nay cho kết quả, có vay có trả, không biết khi nào mới xong.

Vậy nên chỉ có cách là ngay trong lúc này phải tránh tạo nghiệp dữ, để khỏi chịu quả báo tương tự trong kiếp này và các kiếp sau.

Cuộc sống này là như vậy: vô thường, khổ đau, bất toại nguyện, trống rỗng và không có gì đáng để bám víu.

⚀ Đấy là chân lý đầu tiên mà Đức Phật truyền dạy – Chân Lý Về Khổ (Khổ Thánh Đế): “Khổ là Sanh; Già; Chết; Sầu (sự nung nấu đốt cháy tâm can); Bi (sự than khóc nhức nhối); Khổ (sự bức bách, đau khổ của thân xác); Ưu (sự bức bách về tâm, sự lo buồn trong tâm); Não (đốt cháy tâm và não hại thân xác); Gặp người, vật không ưa thích (oan gia tụ hội); Xa lìa người, vật yêu thích (ái biệt ly); Không có được điều mong ước (cầu bất đắc); Nói tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”

Rất rất nhiều người biết rằng cuộc sống này là khổ, nhưng họ không hề biết phải làm sao để chấm dứt hoàn toàn mọi đau khổ, một cách vĩnh viễn, họ không hề biết rằng Đức Phật không chỉ truyền dạy Chân lý Về Khổ, mà Ngài cũng đã truyền dạy Chân Lý Về Nguyên Nhân Khổ, Chân Lý Về Sự Khổ Diệt và cuối cùng là Chân Lý Về Con Ðường Ðưa Ðến Khổ Diệt.

⚁ Chân lý thứ hai – Chân Lý Về Nguyên Nhân Khổ (Tập Thánh Ðế): Đó chính là ba loại tham ái (“ ước muốn tái sinh, câu hữu với hỉ và tham, tìm khoái lạc chỗ này chỗ khác”), nghĩa là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

⚂ Chân lý thứ ba – Chân Lý Về Sự Khổ Diệt (Diệt Thánh Ðế): “Diệt, chỉ có một nghĩa là Niết bàn, đó là sự chấm dứt không dư tàn cái tham ái ấy, từ bỏ nó, buông ra, không y cứ vào nó”.

⚃ Và chân lý thứ tư – Chân Lý Về Con Ðường Ðưa Ðến Khổ Diệt (Đạo Thánh Ðế): Đó là Giới– Định – Tuệ tạo nên Bát Thánh Đạo: “Ðó là thánh đạo tám ngành, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định.”

Hãy đối mặt với khổ đau phiền não không dứt cũng như an vui hạnh phúc tạm thời của cuộc sống với sự hiểu biết đúng đắn nhờ Tứ Thánh Đế, vì không có bất cứ nơi nào trong Tam giới để trốn tránh khổ đau vĩnh viễn, cũng như không có bất cứ nơi nào có thể an trú hạnh phúc vĩnh cửu.

Kể cả đi tu cũng không phải là để trốn tránh khổ đau, mà là để đối mặt, hiểu biết trọn vẹn, giác ngộ tỉnh thức về sự thât khổ đau này bằng con đường trung đạo – Bát Thánh Đạo.

Hãy nương tựa vào chính bản thân mình, chớ có trông chờ vào ai khác, mọi người ai cũng như mình cả, không thế này thì thế kia, họ cũng đều đau khổ cả.

Vậy hãy dũng cảm gắng bước đi từng bước, không nghĩ ngợi nhiều, không tính toán nhiều, sống cho lương thiện, làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm từng giây, từng phút, từng ngày, từng tháng, gieo nhân lành dẫn đến giác ngộ giải thoát cho những ngày còn lại và các kiếp sau.

Trong tâm từ,

TK Viên Phúc Sumangala

Bài viết liên quan

  • Ngu Thì Khổ, Web, FB
  • Cuộc Đời Là Đau Khổ Hay Không Đau Khổ? Có Lối Thoát Hay Không Có Lối Thoát?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Học Gì Hết Ngu, Tu Gì Hết Khổ, Web, FB
  • Who Am I, Ta Là Ai, Web, FB
  • Bát Thánh Đạo, Web, FB
  • Bát Chánh Đạo Là Con Đường Tối Thượng, Web, FB
  • Dukkha Là Gì? Phải Chăng “Đời Là Bể Khổ?”, Web, FB
  • Dukkha Samudaya: Chân Lý Về Nguyên Nhân Của Khổ Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 2/4), Web, FB
  • Dukkha Nirodha – Khổ Đoạn Diệt: Chân Lý Về Sự Chấm Dứt Khổ – Niết Bàn Là Gì? (Tứ Thánh Đế – Bài 3/4), Web, FB
  • Magga – Con Đường: Chân Lý Thứ Tư – Đạo Đế: Con Đường Chấm Dứt Khổ Là Gì?(Tứ Thánh Đế – Bài 4/4), Web, FB
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube

 Bài viết trên Facebook, 9 Tháng 8, 2019