Kham nhẫn

KHAM NHẪN

🍀🍀🍀🍀🍀

Ướt nước mưa và lạnh rét do mưa trong suốt 4 tháng mùa mưa (7,8,9,10); ướt mồ hôi và nóng bức do nắng suốt 4 tháng mùa hè (3,4,5,6) là những điều thường gặp trong các buổi khất thực hàng ngày của chư tăng và sa di tại Myanmar. Kham nhẫn là một phẩm chất tối cần thiết giúp hành giả vượt qua mọi khó khăn thử thách tới Niết Bàn – phẩm chất này được vun bồi thường xuyên, không ngưng nghỉ không chỉ qua các buổi khất thực. Không kham nhẫn chắc chắn không Niết Bàn.

Photo by Lay Chit: Chư Tăng thiền viện Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar đi khất thực ngày hôm nay 19/7/2018.

Khất thực tại Thiền viện Ta ma nê chô

(Repost)

Theo truyền thống Phật giáo Theravada đã và đang thực hành tại Miến điện, Tỳ Khưu và Sa Di khi đi khất thực đều phải

1) vấn y kín mình, cao cổ,

2) đi chân đất,

3) không dùng mũ, nón, ô, dù (có thể dùng quạt lá cọ để che bớt nắng mưa),

4) khi đi mắt nhìn xuống phía trước, không nhìn ngang nhìn ngửa, không nói chuyện, cười đùa,

5) khi gặp thí chủ phải dừng lại, mắt chỉ nhìn vào bình bát của mình.…

Tại Thiền viện Tharmaneykyaw Mahagandayon, Yangon, Myanmar, chỗ Sư ở, cứ đến 7h sáng là vấn y kín, đầu trần, chân đất, ôm bình bát ra đi, bất kể là nắng, mưa hay bão.

Xe tải loại nhỏ của Hộ tăng sẽ chở chư Tăng tới khu làng cách thiền viện khoảng 15ph xe chạy. Chư Tăng đi khất thực một vòng quanh làng rồi quay lại xe ra về.

Thí chủ tới khoảng thời gian thường ngày, thường mang cơm, thức ăn, vật thực sẽ cúng dường chờ sẵn ngoài đường, hoặc hôm mưa bão thì chờ trong nhà, nghe có tiếng khánh gõ vang lên thì chạy ra trút cơm vào bình bát các Sư và trút thức ăn vào thùng đựng thức ăn do các vị Hộ tăng mang theo cùng.

Cứ sau một quãng đường thì chư Tăng đổ dồn cơm từ bình bát của mình vào một thùng lớn.

Những hôm mưa bão thì cơm và thức ăn trộn cùng cả nước mưa. Khi về đến tu viện, không có đun nấu gì lại, có gì dùng nấy, cơm được chuyển sang một nồi lớn, thức ăn chuyển sang các bát nhỏ lớn khác nhau theo loại, tất cả, từng món một, phải được dâng lại một lần nữa tới tận tay một vị Tỳ Khưu đại diện, (Chư Tăng không được phép động tới mọi loại thức ăn đồ uống và các vật dụng không phải của mình, nếu chưa được dâng cúng tới tận tay mình hoặc tay một vị Tỳ Khưu đại diện), sau đó chư tăng lần lượt theo tuổi hạ xếp hàng tự lấy cơm và thức ăn theo kiểu Buffet.(Ở một số Trung tâm Thiền quốc tế và trường Đại học Phật giáo quốc tế, Hộ tăng có tổ chức nấu ăn và dọn sẵn ra từng mâm cho chư Tăng).

Kể những chuyện này, Sư chỉ có một ý duy nhất là muốn cho những ai chưa có điều kiện tới Miến điện và chưa có cơ hội tận mắt thực chứng, thấy được một phần thực tế cuộc sống của chư Tăng tại đây. Thực tế này hàng ngày dạy cho bản thân Sư và các tỳ khưu và sadi những bài học thấm thía, không thể phai mờ về cuộc sống xuất gia phạm hạnh đầy gian khó, đầy thử thách.

Bài viết liên quan

  • Ý nghĩa hạnh trì-bình khất-thực, Web, FB
  • Đi khất thực là khổ, Web, FB
  • Miếng ăn của tu sĩ xuất gia không có dễ chút nào, Web, FB
  • Mỗi một hạt cơm bởi trăm công sức, Web, FB
  • Video khóa tu văn hóa Phật giáo nguyên thủy Theravada nhân dịp lễ hội nước tại thiền viện Tharmanaykyaw Monastery 2013, Youtube