Mānatta

*********

Mānatta

*********

– MH: Thưa Sư, con đọc quyển Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni, phần nói về tội Sanghadisesa bị cách ly khỏi hội chúng và bị hành phạt mānatta, phải thực hành lại từ đầu.

Sư có thể cho con biết đó là hành phạt như thế nào, và diễn ra trong bao lâu thì mới được giải tội ạ? Con cảm ơn Sư 🙏

–@: Sư không nghiên cứu Luật cho Tỳ Khưu Ni vì không phải là nhà nghiên cứu, dịch thuật.

Chỉ có gì thật sự có ích lợi thiết thực cho việc thực hành của bản thân thì mới nghiên cứu, tìm hiểu kỹ.

Dưới đây là vài thuật ngữ liên quan đến Mānatta cần nắm vững đối với một vị Tỳ Khưu như sư, quí vị có thể tham khảo.

Đối với Tỳ Khưu Ni, sư chỉ biết rằng cần phải làm tăng sự (trình tội, giải tội…) trước cả hai Tăng hội Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni, thời gian Mānatta là 14 ngày chứ không phải 6 đêm như Tỳ Khưu, thời gian Parivāsa là thời gian phạt sống cách ly bằng số ngày chậm trình tội, … tội quy định cho tỳ khưu thường được nhẹ so với các tỳ khưu ni trong khi cả hai đều thực hiện hành động phạm tội giống nhau.

“”””””””””””””””””””””””””””

MỘT SỐ THUẬT NGỮ LIÊN QUAN ĐẾN HÌNH PHẠT Mānatta ĐỐI VỚI TỘI TĂNG TÀN Saṅghādisesa

“”””””””””””””””””””””””””””

⚅ Aduṭṭhullā–āpatti: Tội nhỏ, gồm năm loại Trọng Tội, Ưng Đối Trị, Tác Ác, Phát Lộ và Ác Khẩu. Năm tội này còn gọi là Lahukāpatti (Khinh thiểu tội) hay Desa–nagāminī–āpatti (tội có thể giải trừ bằng lời sám hối). Riêng bốn tội Ba La Di và 13 Tăng Tàn thì gọi là Duṭ–ṭhullāpatti (Nghiệt tội) hay Garukāpatti (Đại tội), Adesanāgāminī–āpatti (tội không thể giải trừ bằng một phép sám hối đơn giản).

⚀ Saṅghādisesa: Các bản Hán dịch đều gọi là Tăng Tàn. Đây là tên gọi loại trọng giới có mức nghiêm trọng chỉ đứng sau tội Ba–La–Di. Tỷ kheo phạm tội này tối thiểu phải qua sáu đêm khổ nhục và một tăng hội ít nhất hai mươi vị mới đủ để giải trừ tội trạng.

Theo bộ Kaṅkhā–vitaraṇī, sở dĩ gọi là Saṅghādisesa (Tăng Tàn) vì từ ngày đầu tiên tỷ kheo xưng tội đến khi tội được giải trừ, giai đoạn nào cũng phải do tập thể tăng chúng đứng ra, không thể do một cá nhân lo liệu được (Saṅgho ādimhi ceva sese ca icchitabbo assāti saṅghādiseso).

Giới Tăng Tàn của tỷ kheo có mười ba điều. Chín điều đầu gọi là Tức Phạm (paṭhamāpattikā), nghĩa là tỷ kheo vừa làm xong chuyện cấm thì phạm tội ngay. Bốn điều Tăng Tàn sau gọi là Tiệm Phạm (Yāvatatiyakā), những tội chỉ bị xem là vi phạm sau ba lần tuyên ngôn khuyên răn bất thành của tăng chúng.

⚀ Mānatta: Sau khi phạm tội Tăng–Tàn, tỷ kheo phải đến trình tội trước tăng chúng hay một bạn tu trong thời gian sớm nhất. Nếu tội được tuyên xưng lập tức, thì đương sự chỉ phải trải qua sáu đêm Khiêm Hạnh hay Ma–Na–Đóa (chữ phiên âm trong Nam Truyền Đại Tạng Kinh cuốn 1, cuốn 3). Sau đó đến trước một tăng hội tối thiểu hai mươi tỷ kheo thanh tịnh để thọ lễ tăng sự Abbhānakamma (phục hồi giới phẩm). Nếu tỷ kheo trình tội muộn màng, từ một ngày cho đến nhiều năm, thì trước sáu đêm Khiêm Hạnh phải là thời gian chịu phạt cấm phòng (parivāsa), lâu mau tùy theo thời gian dấu tội. Xin xem ở chữ Parivāsa.

Kaṅkhā. Mahāṭīkā giải thích rằng Mānanaṃ mānaṃ mānassa bhāvo mānattaṃ, đại ý Ma–Na–Đóa là phép hành xử tôn kính, khiêm hạ trước các tỷ kheo thanh tịnh mà người đang chịu phạt cấm phòng phải thực hiện trong thời gian sáu đêm. Từ đó, thuật ngữ Mānatta có thể dịch là Khiêm Hạnh, Khuất Hạnh.

Trong trường hợp tỷ kheo trình tội Tăng–Tàn ngay sau khi phạm thì sáu đêm Khiêm–Hạnh được gọi là Appaticcha–nnamānatta (sáu đêm Khiêm–Hạnh cho tội Tăng Tàn không bị dấu). Nếu tỷ kheo sau khi phạm tội không trình báo ngay thì sáu đêm Khiêm–Hạnh sau đó được gọi là Paticchannamānatta (sáu đêm Khiêm–Hạnh cho tội Tăng–Tàn bị che dấu).

Đúng như tên gọi, trong thời gian sáu đêm Khiêm–Hạnh tỷ kheo phải chịu mọi thiệt thòi trong sinh hoạt. Chẳng hạn không được sống chung mái che với các tỷ kheo thanh tịnh, không được sống nơi không có tỷ kheo thanh tịnh, không được đề xuất ý kiến trong các tăng sự, không được làm thầy tế độ hay giáo thọ cho ai, phải luôn nằm ngồi ở chỗ thấp kém trong tự viện, nếu là một đầu–đà–sư thì lúc này tạm xả nguyện để sống trong sự kiểm soát của tăng chúng. Đại khái còn có vô số thiệt thòi tương tự.

Sáu đêm Khiêm–Hạnh có thể bị tính lại từ đầu (rattic–cheda) trong các trường hợp sau: Đương sự sống chung mái che với tỷ kheo thanh tịnh (sahavāsa), sống nơi không có tỷ kheo thanh tịnh (vippavāsa), không trình báo từng đêm với chư tăng (anārocana), trải qua một đêm Khiêm–Hạnh nào đó ở chỗ không có đến bốn tỷ kheo thanh tịnh (Ūne gane caranam).

Nếu tỷ kheo phạm thêm một tội Tăng–Tàn khác trong thời gian Khiêm–Hạnh thì nên lập tức trình tội và sáu đêm Khiêm–Hạnh sẽ được tính lại từ đầu. Nếu tỷ kheo dấu tội không trình ngay, thì thời gian dấu này được cộng thêm vào thời gian cấm phòng, nghĩa là đến lúc này vị ấy được xem như chưa trải qua đêm Khiêm–Hạnh nào và chờ khi qua hết thời gian cấm phòng (parivāsa) mới bắt đầu trở lại đêm Khiêm–Hạnh đầu tiên. Thuật ngữ gọi trường hợp này là Mānattamūlàya–patikassanā (tạm dịch là Tái Thụ Khiêm Hạnh)

(Tỳ kheo ni phạm tội Tăng Tàn phải trải qua 14 ngày Mānatta trước lưỡng phái tăng, không phải chỉ 6 đêm như tỷ kheo.)

⚀ Mānattacārika:Chữ gọi tỷ kheo đang trải qua sáu đêm Khiêm–Hạnh.

⚀ Mānattāraha: Từ gọi vị tỷ kheo đã trãi qua thời gian cấm phòng (parivāsa) nhưng chưa bắt đầu sáu đêm Khiêm–Hạnh. Trong thời điểm này đương sự tiếp tục chịu mọi thiệt thòi trong sinh hoạt và chấp nhận các áp đặt từ tăng chúng như trong thời gian cấm túc, chỉ được miễn trừ một chuyện duy nhất là không cần xưng tội với tăng khách (ārocana).

Nếu ngay trong thời gian chờ đợi sáu đêm Khiêm–Hạnh tỷ kheo lại phạm thêm tội Tăng–Tàn thì toàn bộ thời gian cấm phòng (parivāsa) trước đó xem như hoàn không, đương sự phải chịu phạt cấm phòng từ đầu với thời gian cộng lại từ hai tội mới và cũ. Thuật ngữ gọi trường hợp này là Mānattārahamūlāyapatikassanā (Điệp Tội Khiêm–Hạnh)

⚀ Mūlāyapatikassanā: Thuật ngữ chỉ cho sự xử phạt vị tỳ kheo phạm tội qui về tội gốc do lúc đang bị phạt biệt trú lại phạm thêm tội tăng tàn khác, trường hợp này gọi là “hồi tố”. Xem chữ Parivāsa và Mānatta.

⚀ Mūlāyapatikassanāraha: Chữ gọi trường hợp tỷ kheo phạm thêm một tội Tăng Tàn khác ngay trong lúc đang bị cấm phòng và chưa trình tăng để chịu thêm thời gian cấm phòng. Trường hợp tỷ kheo đã qua hết thời gian cấm phòng, nhưng chưa trải qua một đêm Khiêm Hạnh (mānatta) nào lại phạm thêm tội Tăng Tàn khác, vị ấy được gọi là Mānattārahamūlāyapatikassanāraha. Trường hợp đang trải qua thời gian sáu đêm Khiêm–Hạnh lại phạm thêm tội thì thời điểm này gọi là Mānattacarikamūlāyapatikassanārahakāla. Trường hợp tỷ kheo đã trải qua cả sáu đêm Khiêm–Hạnh nhưng chưa được tăng chúng làm tăng sự Phục Hồi Giới Phẩm (abbhānakamma) thì bị phạm tội Tăng Tàn khác, nhưng chưa xin chịu cấm phòng cho tội mới này thì đương sự được gọi là Abbhānārahamūlāyapatikassanāraha. Để hiểu thêm các thuật ngữ Pāli này xin xem lại các mục từ Parivāsa và Mānatta.

Trong các trường hợp vừa kể trên, tỷ kheo vẫn luôn chịu mọi thiệt thòi dành cho người đang chịu phạt cấm phòng, chỉ được miễn trừ một việc là không cần trình tội với tăng khách.

⚀ Abbhāna: Phép triệu hồi, dành cho một tỷ kheo phạm tội Tăng Tàn đã trải qua 6 đêm khuất hạnh (mānatta). Tăng sự này cần đến bốn bận tuyên ngôn và phải có sự chứng minh của ít nhất hai mươi tỷ kheo thanh tịnh.

⚀ Abbhānāraha: Danh từ này dùng để gọi vị tỷ kheo đã trải qua 6 đêm khuất hạnh một cách nghiêm cẩn, là người Đáng Được Tăng Chúng Gọi Về. Nếu trong thời gian 6 đêm khuất hạnh đương sự lại tiếp tục phạm thêm một tội Tăng Tàn nữa, thì mọi sự coi như phải làm lại từ đầu. Luật tạng gọi đây là trường hợp Abbhānārahamūlāyapatikassanā, trùng phạm cấm phòng.

⚁ Parivāsa (1) Nghĩa đen là sự cách ly hay cô lập, chữ thường dùng là Cấm Phòng. Khi một tỷ kheo phạm tội Tăng Tàn và trình tội lập tức với bạn tu thì thời gian chịu phạt Sống Cách Ly (parivāsa) được kể chung với 6 đêm Khiêm Hạnh (mānatta). Thời gian trình tội càng trễ thì thời gian xử phạt càng lâu. Trễ bao lâu thì phạt bấy lâu, cộng thêm 6 đêm Khiêm Hạnh, Khuất Hạnh đôi khi trong nhiều năm. Suốt thời gian chịu phạt, đương sự bị mất tất cả quyền lợi của một tỷ kheo (được kể ít nhất 94 điều), chẳng hạn không được sống chung mái nhà với bạn tu, không được đi đến nơi nào không có tỷ kheo, phải trình tội với tăng khách, trong mọi sinh hoạt lớn nhỏ phải luôn chọn phần thiệt thòi.

Trong lúc đang chịu phạt, tỷ kheo phạm thêm tội Tăng Tàn khác thì thời gian cách ly trước đó phải được tính lại từ đầu, như chưa trải qua ngày nào. Pàli gọi đây là trường hợp Mūlāyapatikassanā (Hồi tố).

Trong trường hợp tỷ kheo phạm từ hai tội Tăng Tàn trở lên thì thời gian chịu phạt cách ly sẽ dựa trên thời gian che dấu của tội nào lâu nhất. Thuật ngữ gọi là trường hợp Agghasamodhānaparivāsa (Chiết trọng cấm phòng).

Trường hợp tỷ kheo không nhớ được số tội Tăng Tàn đã phạm là bao nhiêu hay thời gian đã che dấu là bao lâu thì chư tăng nên đề nghị đương sự đưa ra con số phỏng định mà mình có thể nhớ chừng để chịu phạt. Luật gọi đây là trường hợp Suddhantaparivāsa, nôm na là thời gian cấm phòng tính từ trí nhớ phút cuối (Chung lượng cấm phòng).

Khi tỷ kheo hoàn tục hay bị mất trí, bị trọng bệnh lúc chưa hết hạn chịu phạt cấm phòng thì sau đó thời gian cấm phòng sẽ được tái tục từ khoảng thời gian còn sót lại, không phải tính lại từ đầu.

Sau khi trải qua thời gian cấm phòng, tỷ kheo chịu thêm 6 đêm Khiêm Hạnh (mānatta) rồi mới được tăng chúng phục hồi phẩm vị thông qua một tăng sự với bốn bận tuyên ngôn, và tăng chúng chứng minh tuyệt đối không thể dưới hai mươi vị.

⚁ Parivāsa (2): Giai đoạn cấm túc (tối thiểu bốn tháng) dành cho một tu sĩ ngoại giáo muốn thọ đại giới. Trong thời gian này, đương sự không được đi sớm về khuya trong làng xóm, đi đứng luôn minh bạch và có trình báo, không lui tới với các đối tượng nhạy cảm như ni chúng, gái già, góa phụ hay người vô căn. Cộng thêm vào đó là thái độ tha thiết tu học, đương sự mới được tăng chúng cùng cứu xét cho thọ đại giới. Đối với tu sĩ phái lõa thể, trước khi cho cấm túc, phải buộc mặc lại y phục kín đáo.Với người để nhiều râu tóc, cũng nên cho cạo sạch.

Theo Mahāvagga, chỉ có hai trường hợp ngoại lệ được đức Phật đặc cách bỏ qua bốn tháng cấm túc là những người xuất thân Thích Tộc và những du sĩ bện tóc (jaṭila) tin theo nghiệp lý (kammavādī).

⚁ Samodhānaparivāsa: Huân Tội Cấm Phòng, chữ gọi trường hợp tỷ kheo phải chịu thêm ngày cấm phòng khi chưa giải trừ xong tội một Tăng Tàn. Tức phạm thêm tội Tăng Tàn khác trong lúc đang thụ phạt cấm phòng (parivāsa) hay trong thời gian sáu đêm Khiêm Hạnh. Xem chữ Parivāsa.

⚁ Agghasamodhānaparivāsa: Phép Huân Tội Cấm Phòng, dành cho trường hợp tỳ kheo phạm cùng lúc nhiều tội Tăng Tàn và có thời gian dài che dấu.

Nguồn trích dẫn: THUẬT NGỮ LUẬT TẠNG PĀLI

Bài Viết Liên Quan

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB

Bài viết Facebook, ngày 14 tháng 7, 2018