Nhân & quả – cái chết của đệ nhất thần thông (Pháp cú 137 – 140)

NHÂN & QUẢ – CÁI CHẾT CỦA ĐỆ NHẤT THẦN THÔNG (PHÁP CÚ 137 – 140)

Cái Chết Của Đệ Nhất Thần Thông – Ðại Đức Mục-Kiền-Liên

Dùng trượng phạt không trượng…

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Trúc Lâm, liên quan đến Ðại Đức Mục–Kiền–Liên.

Các ngoại đạo bàn tán với nhau không hiểu tại sao Sa–môn Cồ–Đàm (Đức Phật) được nhiều phẩm vật cúng dường đến thế. Một người nói mình biết lý do. Ðược như thế là vì Mục–Kiền–Liên, vì Mục–Kiền–Liên lên cõi trời hỏi chư thiên đã tạo công đức gì, rồi trở về thế gian kể cho mọi người do làm điều này, điều nọ… rồi ông xuống địa ngục hỏi các tội nhân tại sao làm thế và cũng trở về thế gian kể lại do phạm tội như thế, như thế. Dân gian tin lời ông, nên đem nhiều phẩm vật đến cúng dường. Bây giờ nếu giết ông đi, thì số phẩm vật đó sẽ về tay các ngoại đạo.

Họ đồng thanh cho là ý kiến hay. Sau đó họ quyên góp các thí chủ được một ngàn đồng, kiếm được một vài tên du đãng cướp bóc, thuê chúng đến Hắc Thạch giết Trưởng lão. Chúng đến ngay nơi Ngài ở, bao vây. Ngài chui qua lỗ khóa trốn thoát. Chúng trở lại và bao vây nữa, Ngài chọc thủng mái nhà bay lên hư không. Suốt hai tháng, bọn du đãng làm đủ cách, nhưng vẫn thất bại. Ðến tháng thứ ba, thấy quả báo do nghiệp ác đã tạo trong tiền kiếp đã đến, Ngài không cố gắng thoát đi nữa. Cuối cùng bọn du đãng bắt được Ngài. Chúng xé tay chân Ngài giã xương nát ra như hạt gạo, quăng hết vào bụi rậm rồi bỏ đi.

Trưởng lão muốn đảnh lễ Thế Tôn trước khi nhập Niết–bàn, nên tự quấn mình bằng định lực làm thân cứng lại, và bay lên không, đến gặp Phật, đảnh lễ và thưa:

– Bạch Thế Tôn, con sắp nhập Niết–bàn.

Phật hỏi:

– Tại đâu?

– Tại Hắc Thạch, bạch Thế Tôn!

– Vậy thì hãy tụng pháp cho Ta nghe trước khi đi, vì từ nay Ta sẽ không còn thấy lại đệ tử của Ta nữa.

Mục–kiền–liên vâng lời. Trước tiên Ngài bay lên không, biến hóa thần thông như Trưởng lão Xá–lợi–phất đã làm trước khi nhập Niết–bàn.

Tin bọn du đãng giết Mục–kiền–liên bay khắp miền Diêm–Phù–Đề. Vua A–Xà–Thế tức tốc phái do thám tìm thủ phạm. Bọn chúng đang nhậu nhẹt trong một quán rượu. Ðứa này nện lưng đứa kia khiến nó té xuống đất. Rồi hai đứa chửi lộn:

– Tại sao mày đánh lên lưng tao? Làm tao té?

– Mày là đồ ăn trộm, du thử du thực. Mày là kẻ đầu tiên đánh Ðại Đức Mục–Kiền–Liên.

– Sao mày biết tao đánh?

Rồi nhiều tiếng nói hỗn độn:

– Chính tao đánh nè!

– Chính tao đánh nè!

Do thám của vua bắt hết cả bọn. Về triều chúng khai các đạo sĩ lõa thể chủ mưu. Vua bắt năm trăm đạo sĩ chung với năm trăm tên trộm bỏ xuống hố sâu đến thắt lưng đã đào sẵn trước sân hoàng cung, cho phủ rơm khắp mình chúng, đốt đến cháy giòn, xong cho cày sắt cày ra từng mảnh.

Các Tỳ–kheo bàn tán trong Pháp đường là Ðại Trưởng lão không xứng để chịu chết như vậy. Phật giải thích đó là ác nghiệp trong tiền kiếp. Và Ngài kể:

Chuyện quá khứ: Ðứa con giết cha mẹ

Ngày xưa, có một chàng trai rất có hiếu. Mọi việc trong nhà như giã gạo, nấu ăn… một tay anh làm hết, chí đến săn sóc cha mẹ anh cũng hết sức chu đáo. Thấy con quá vất vả, hai ông bà định cưới dâu để đỡ đần phần nào. Anh lắc đầu nguầy nguậy, chỉ muốn chính tay mình hầu hạ cha mẹ mà thôi. Nhưng hai ông bà cương quyết cưới vợ cho con, cuối cùng một cô gái trẻ được rước về nhà. Cô ta hầu hạ cha mẹ chồng chỉ được vài ngày, sau đó bắt đầu nói nặng nhẹ. Cô cứ cằn nhằn với chồng là không thể ở nổi nhà này nữa. Ðợi anh đi vắng, cô lấy đất cục, váng cháo rải khắp nhà. Anh chồng về thấy nhà cửa tùm lum như thế, hỏi cô. Ðược dịp cô tru tréo:

– Cha mẹ già mù lòa của anh làm đấy! Cứ vứt bừa, vứt bãi ra thế! Tôi dọn muốn đứt hơi! Khổ thân tôi, làm sao mà tôi sống cho nổi!

Cô cứ than van, rên rỉ mãi, khiến anh chồng bực mình. Trước đây là người đàng hoàng, có hiếu, nay hết thương cha mẹ, và còn tìm cách đối xử ác đối với họ.

Anh gạt cha mẹ lên xe đi thăm bà con. Vào đến rừng sâu, anh trao dây cương cho cha, bảo chỗ này bọn cướp hay rình rập, anh phải xuống xe, nhưng con bò đã rành đường, không lo. Anh đi xa một quãng thì la hét ầm ĩ, càng lúc càng to, như thể bọn cướp sắp tấn công tới nơi. Hai ông bà nhìn quanh nhìn quất cũng chỉ thấy một màn đen tối, nhưng thương con, chỉ nghĩ đến hạnh phúc của nó, nên vội bảo:

– Con ơi! Cha mẹ già rồi, đừng lo nữa, mà hãy tự cứu lấy mình.

Nhưng anh vẫn mặc kệ, giả làm bọn cướp hét đánh và giết hai ông bà, vứt thi thể trong rừng. Xong trở về nhà.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn kết luận:

– Các Tỳ–kheo! Mục–Kiền–Liên đã phạm trọng tội như thế. Ông chịu đau khổ vô số trăm ngàn năm ở địa ngục. Sau đó, vì ác báo chưa hết, nên một trăm kiếp liên tiếp bị đánh chết thân xác xé tan từng mảnh. Do đó Mục–Kiền–Liên phải chịu chết như thế tương ứng với ác nghiệp kiếp trước. Cũng vậy năm trăm đạo sĩ lõa thể và năm trăm tên cướp đã tấn công người không gây hấn với chúng, phải chịu chết tương ứng với tội lỗi đó.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(137) Dùng trượng phạt kẻ không trượng,

Làm ác người không ác,

Trong mười loại khổ đau,

Chịu gấp một loại khổ.

(138) Hoặc khổ thọ khốc liệt,

Thân thể bị thương vong,

Hoặc thọ bệnh kịch liệt,

Hay loạn ý tán tâm.

(139) Hoặc tai họa từ vua,

Hay bị vu trọng tội,

Bà con phải ly tán,

Tài sản bị nát tan.

(140) Hoặc phòng ốc nhà cửa,

Bị hỏa tai thiêu đốt,

Khi thân hoại mạng chung,

Kẻ ác sanh địa ngục.

Nguồn trích dẫn: Tích truyện Pháp Cú, Thiền viện Viên Chiếu, Nguyên tác: “Buddhist Legends”, Eugene Watson Burlingame, X. Phẩm Hình Phạt

Bài viết liên quan

  • Vì sao có kẻ ác lại gặp điều thiện lành, vì sao có người thiện lại gặp điều ác dữ, Web, FB
  • Công bằng có không? Công bằng ở đâu? (Pháp cú 161), Web, FB
  • Như bóng không rời hình, Web, FB
  • Không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệt (Pháp cú 127), Web, FB
  • Như nước nhỏ từng hạt, rồi bình cũng tràn đầy (Pháp cú 122), Web, FB
  • Quả của nghiệp là công lý vũ trụ không có mắt, Web, FB
  • Địa ngục có hay không, Web, FB
  • Phước – tuệ đồng tu, Web, FB
  • Lợi ích của bố thí cúng dường là gì, Web, FB
  • Hồi hướng công đức phước báu tới thân nhân quá vãng như thế nào, Web, FB