Nói hay không nói
[lwptoc]
Nói hay không nói
“Bạn cần phải học cách không nói gì ngay cả khi có rất nhiều điều đáng được nói.”
“You need to learn not to say anything even when there’s a lot of worthy thing to be said.”
“Không nói gì cũng là một cách nói.”
“Saying nothing is a way of saying it.”
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
Ghi chú: Trong sáu trường hợp để nói hay không nói thì Đức Phật không nói trong 4 trường hợp, còn 2 trường hợp Đức Phật biết cách chọn thời điểm thích hợp để nói. Cụ thể xin xem tại phần “Lời Nói Như Lai “
CHÁNH KINH – BỊ MẮNG, KHÔNG MẮNG LẠI, ÐƯỢC CHIẾN THẮNG HAI LẦN.
Nhân duyên ở Sāvatthi.
—Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, một trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các Asura.
Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:
“ —Này Thiên chủ, hãy chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng.”
“ —Này Vepacitti, ta chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng.”
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên và các Asura sắp các hội chúng và nói:
“ —Hội chúng này sẽ phán đoán ai khéo nói, ai không khéo nói.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:
“—Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.
Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:
“—Này Vepacitti, ở đây, Ông là vị Thiên lớn tuổi hơn. Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ”.
Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti nói lên bài kệ này:
Kẻ ngu càng nổi khùng
Nếu không người đối trị,
Vậy với hình phạt nặng,
Kẻ trí trị người ngu.
⇛ Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la. Còn chư Thiên thời im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:
“—Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.
Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:
Như vậy theo ta nghĩ,
Chỉ chế ngự người ngu,
Biết kẻ khác phẫn nộ,
Giữ niệm, tâm an tịnh.
⇛ Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:
“—Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ”
(Vepacitti):
Hỡi này Vāsava,
Sự kham nhẫn như vậy,
Ta thấy là lầm lỗi,
Khi kẻ ngu nghĩ rằng:
“Vì sợ ta, nó nhẫn”.
Kẻ ngu càng hăng tiết,
Như bò thấy người chạy,
Càng hung hăng đuổi dài.
⇛ Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, còn chư Thiên thời im lặng.
Rồi Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:
“—Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.
Khi được nói vậy, này các Tỷ kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:
Hãy để nó suy nghĩ,
Như ý nó mong muốn,
Nghĩ rằng ta kham nhẫn,
Vì ta sợ hãi nó.
Trong tư lợi tối thượng,
Không gì hơn kham nhẫn.
Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng.
Thường nhẫn kẻ yếu hèn,
Sức mạnh của kẻ ngu,
Ðược xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh,
Lại được gọi yếu hèn.
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng.
Bị mắng, nhiếc mắng lại,
Sẽ hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại,
Ðược chiến thắng hai lần.
Sống lợi ích cả hai,
Lợi mình và lợi người,
Biết kẻ khác tức giận,
Giữ niệm, tâm an tịnh,
Là y sĩ cả hai,
Chữa mình và chữa người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không giỏi Chánh pháp.
⇛ Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, hội chúng chư Thiên và A-tu-la nói như sau:
“Những bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, nói lên là những lời bạo lực, những lời đao kiếm, đưa đến đấu tranh, bất hòa, gây hấn.
Còn những bài kệ, Thiên chủ Sakka nói lên là những lời không thuộc bạo lực, những lời không thuộc đao kiếm, không đưa đến đấu tranh, không đưa đến bất hòa, không đưa đến gây hấn,
⇛ thắng lợi đã về Thiên chủ Sakka, nhờ khéo nói”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, thắng lợi về Thiên chủ Sakka nhờ khéo nói.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: SN 11.5 – Subhāsitajayasutta – Chương 11: Tương Ưng Sakka – I: Phẩm Thứ Nhất – 11.5. Thắng Lợi Nhờ Thiện Ngữ
ĐIỀU NÓI RA CẦN ĐƯỢC NÓI NHƯ THẾ NÀO?
—Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?
⑴ Nói đúng thời.
⑵ Nói đúng sự thật.
⑶ Nói lời nhu hòa.
⑷ Nói lời liên hệ đến lợi ích.
⑸ Nói với lời từ tâm.
Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ Kinh. Chương năm pháp – XX. Phẩm Bà-La-Môn – (VIII) (198) Lời Nói
Aṅguttara Nikāya
5. Book of the Fives
198. A Statement
– Monks, a statement endowed with five factors is well-spoken, not ill-spoken. It is blameless & unfaulted by knowledgeable people. Which five?
⑴ It is spoken at the right time.
⑵ It is spoken in truth.
⑶ It is spoken affectionately.
⑷ It is spoken beneficially.
⑸ It is spoken with a mind of good-will.
A statement endowed with these five factors is well-spoken, not ill-spoken. It is blameless & unfaulted by knowledgeable people.
From: Aṅguttara Nikāya – 5. Book of the Fives – 198. A Statement
THẾ NÀO LÀ ÁC THUYẾT? THẾ NÀO THIỆN THUYẾT?
… “❶ Nói về tín với người không tin, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết;
❷ nói về giới với người ác giới là ác thuyết;
❸ nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết;
❹ nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết;
❺ nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết.”
….. “❶ Thuyết về tín cho người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết;
❷ thuyết về giới cho người giữ giới là thiện thuyết;
❸ thuyết về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết;
❹ thuyết về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết;
❺ thuyết về trí tuệ cho người trí tuệ là thiện thuyết.”
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya – Chương V – Năm Pháp – XVI. Phẩm diệu pháp – (VII) (157) Ác Thuyết
NÓI NHIỀU, NÓI VỪA PHẢI
—Có năm nguy hại này cho người nói nhiều. Thế nào là năm?
Nói láo; nói lời hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại hạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người nói nhiều.
Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải. Thế nào là năm?
Không nói láo; không nói hai lưỡi; không nói lời độc ác; không nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại hạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải.
Nguồn trích dẫn: Aṅguttara Nikāya – XXII. Phẩm Mắng Nhiếc – 5.214. Người Nói Nhiều
CHÁNH NGỮ
… Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ?
❶ Tự chế không nói láo [vọng ngữ],
❷ tự chế không nói hai lưỡi,
❸ tự chế không ác khẩu [thô ác],
❹ tự chế không nói lời phù phiếm.
⇛ Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ
———————————————————–
… Này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo?
❶ Ở đây, này các Gia chủ, có người vọng ngữ,
đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”;
dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: “Tôi biết”;
dầu cho người ấy biết, người ấy nói: “Tôi không biết”;
hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”;
hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”.
⇛ Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ,
hoặc vì nguyên nhân tự kỷ,
hoặc vì nguyên nhân tha nhân,
hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
❷ Và người ấy là người nói hai lưỡi,
nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia, nói đễ sanh chia rẽ ở những người này,
nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia.
⇛ Như vậy, người ấy
ly gián những kẻ hòa hợp hay
xúi dục những kẻ ly gián, ư
a thích phá hoại,
vui thích phá hoại,
thích thú phá hoại,
nói những lời đưa đến phá hoại.
❸ Và người ấy là người nói lời thô ác.
Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác,
khiến người đau khổ,
khiến người tức giận,
liên hệ đến phẫn nộ,
không đưa đến Thiền định,
⇛ người ấy nói những lời như vậy.
❹ Và người ấy nói những lời phù phiếm,
nói phi thời,
nói những lời phi chơn,
nói những lời không lợi ích,
nói những lời phi pháp,
nói những lời phi luật,
nói những lời không đáng gìn giữ.
⇛ Vì nói phi thời, nên lời nói
không có thuận lý,
không có mạch lạc, hệ thống,
không có lợi ích.
Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo.
… Và này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo?
❶ Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ,
đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”,
nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”;
nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”;
hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”;
nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”.
⇛ Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ,
hoặc vì nguyên nhân tự kỷ,
hoặc vì nguyên nhân tha nhân,
hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
❷ Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi,
nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này,
nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia;
⇛ như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
❸ Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác,
những lời nói nhu hòa,
đẹp tai,
dễ thương,
thông cảm đến tâm,
tao nhã,.
đẹp lòng nhiều người,
vui lòng nhiều người,
⇛ người ấy nói những lời như vậy.
❹ Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm,
nói đúng thời,
người ấy nói những lời chân thật,
nói những lời có ý nghĩa,
nói những lời về Chánh pháp,
nói những lời về Luật,
nói những lời đáng được gìn giữ.
⇛ Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý,
có mạch lạc,
hệ thống,
có ích lợi.
Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 41. Kinh Sàleyyaka
LỜI NÓI NHƯ LAI
… —Bạch Thế Tôn, ở đây, con đi đến Nigaṇṭha Nātaputta, sau khi đến con đảnh lễ Nigaṇṭha Nātaputta rồi ngồi xuống một bên.
Bạch Thế Tôn, Nigaṇṭha Nātaputta nói với con đang ngồi một bên: “Này Vương tử, Vương tử hãy đi đến luận chiến với Sa-môn Gotama, và nhờ vậy tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi cho Vương tử: “Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị Vương tử Abhaya luận chiến”.
Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con thưa với Nigaṇṭha Nātaputta: “Thưa Tôn giả, nhưng làm thế nào, tôi có thể luận chiến với Sa-môn Gotama, một vị có thần lực như vậy, có uy lực như vậy?”
” Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích chăng?”
Nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời có gì sai khác giữa kẻ phàm phu với Ngài? Kẻ phàm phu có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”.
Còn nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai không có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời vì sao Devadatta được Ngài trả lời như sau: Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục, Devadatta phải đọa trong một kiếp, Devadatta không thể nào cứu chữa được? Và vì Ngài nói những lời như vậy, Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ”.
Này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không thể nhả ra, cũng không thể nuốt vào. Ví như một móc sắt bị mắc vào cổ họng của một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào”.
Lúc bấy giờ, có đứa con nít ngây thơ nằm giữa trên đầu gối của Vương tử Abhaya. Rồi Thế Tôn nói với Vương tử Abhaya
—Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cái que hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?
—Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ.
—Cũng vậy, này Vương tử,
❶ lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.
❷ Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.
❸ Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy.
❹ Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy.
❺ Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy.
❻ Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.
Vì sao vậy?
Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.
—Bạch Thế Tôn, những Sát-đế-lị có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi: “Bạch Thế Tôn, không hiểu Thế Tôn có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến Ta và hỏi như vậy, được hỏi như vậy, Ta sẽ trả lời như vậy”, hay Như Lai trả lời ngay (tại chỗ)?”
—Này Vương tử, nay ở đây Ta sẽ hỏi Vương tử, nếu Vương tử hoan hỷ, hãy trả lời câu hỏi ấy. Này Vương tử, Vương tử nghĩ như thế nào? Vương tử có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe không?
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe.
—Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu có những người đến Vương tử và hỏi như sau: “Bộ phận này của cái xe tên gọi là gì?”, không hiểu Vương Tử có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến ta, và hỏi ta như vậy, ta sẽ trả lời cho họ như vậy”, hay là Vương tử trả lời ngay (tại chỗ)?
—Bạch Thế Tôn, vì con là người đánh xe nổi tiếng, rất giỏi về các bộ phận sai biệt trong một cái xe nên con sẽ trả lời ngay (tại chỗ).
—Cũng vậy, này Vương tử, những Sát-đế-lỵ có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi, Như Lai sẽ trả lời ngay (tại chỗ).
Vì sao vậy?
Này Vương tử, pháp giới (Dhammadhatu) đã được Như Lai khéo biết. Và vì Như Lai khéo biết pháp giới nên Như Lai trả lời ngay (tại chỗ).
Khi được nói vậy, Vương tử Abhaya bạch Thế Tôn
—Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!
Bạch Thế Tôn,
như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống,
phơi bày ra những gì bị che kín,
chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng,
đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.
Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày.
Nay con quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng.
Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: MN 58 – Abhayarājakumārasutta – Trung Bộ Kinh – 58. Kinh Vương tử Vô Úy
KHÉO NÓI – SUBHĀSITA
Tại Sāvatthi, Jetavana.
… Thế Tôn nói như sau:
—Ðầy đủ bốn đức tánh, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.
Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
⚀ nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết,
⚁ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp,
⚂ nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ,
⚃ nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn.
Ðầy đủ bốn đức tính này, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ, Ðạo Sư lại nói thêm:
Bậc Thiện Nhơn dạy rằng:
❶ Thứ nhất là thiện thuyết,
❷ Thứ hai nói đúng pháp,
Chớ nói lời phi pháp,
❸ Thứ ba nói ái ngữ,
Chớ nói lời ác ngữ,
❹ Thứ tư, nói chơn thực,
Chớ nói lời phi chơn.
Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
—Thế Tôn, hãy soi sáng cho con! Thiện Thệ, hãy soi sáng cho con!
Thế Tôn nói:
—Này Vangìsa, mong rằng Ông được soi sáng!
Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích đáng:
Ai nói lên lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lại không làm hại người,
Lời ấy là thiện thuyết.
Ai nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ,
Lời nói không ác độc,
Lời ấy là ái ngữ.
Các lời nói chơn thật,
Là lời nói bất tử,
Như vậy là thường pháp,
Từ thuở thật ngàn xưa.
Bậc Thiện Nhân được xem,
An trú trên chơn thực,
Trên nghĩa và trên pháp,
Lời đồn là như vậy.
Lời đức Phật nói lên,
Ðạt an ổn Niết-bàn,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Thật lời nói tối thượng.
— Hết trích dẫn —
Nguồn trích dẫn: SN 8.5 – Subhāsitasutta – Chương 8: Tương Ưng Trưởng Lão Vangìsa – 8.5. Khéo Nói
Bài Viết Liên Quan
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Tôi Nguyện, Web, FB
- Tại Sao Myanmar, Web, FB
- Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
- Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
- Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB
Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
- Youtube, Archive
- Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
- Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
- Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
- Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
- 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
- Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB