Phật Giáo (Buddhasasana) Là Gì?

 

 

 

 

 

 

Photo: Thiền Viện Tharmaneykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar Là Nơi Thanh Tịnh, Thích Hợp Cho Học Pháp Học, Hành Pháp Hành Và Thành Tựu Pháp Thành Phật Giáo.

[lwptoc]

PHẬT GIÁO (BUDDHASASANA) LÀ GÌ?

Pháp học Phật giáo (Pariyattisāsana)?

Pháp hành Phật giáo (Paṭipattisāsana)?

Pháp thành Phật giáo (Paṭivedhasāsana)?

🍀 PHẬT GIÁO (BUDDHASASANA)

Phật giáo là lời giáo huấn của Đức Phật, từ khi chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) tại Đại cội Bồ đề, suốt 45 năm cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, cũng vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) tại khu rừng Kusinārā.

Phật giáo có 3 phần chính:

⚀ Pháp học Phật giáo (Pariyattisāsana)

⚁ Pháp hành Phật giáo (Paṭipattisāsana)

⚂ Pháp thành Phật giáo (Paṭivedhasāsana)

Pháp học Phật giáo đúng đắn làm nền tảng căn bản cho Pháp hành Phật giáo được phát triển đúng. Khi pháp hành Phật giáo phát triển đúng đắn dẫn đến kết quả là pháp thành Phật giáo đó là 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Phật giáo có một vị duy nhất là vị giải thoát khổ như Đức Phật đã dạy:

“Này Pahārāda, như đại dương chỉ có một vị duy nhất “vị mặn”. Cũng như vậy, này Pahārāda, pháp và luật này chỉ có một vị duy nhất “vị giải thoát khổ”.

Này Pahārāda, pháp và luật này chỉcó một vị duy nhất “vị giải thoát khổ”.

🍀 PHÁP HỌC

Pháp học Phật giáo là Phật ngôn Tam Tạng cùng Chú giải Pāḷi.

Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của Chư Phật trong quá khứ, Đức Phật hiện tại và Chư Phật vị lai.

Pháp học Phật giáo gồm những lời giáo huấn, những điều răn dạy của Đức Phật trong suốt 45 năm kể từ khi chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, được ghi chép trong Tam Tạng, mà trong đó gồm có lời của các hàng đệ tử, chư thiên, phạm thiên,… được Đức Phật nhắc lại hoặc xác nhận cũng xem như Phật ngôn, và Chú giải là lời giải thích của Đức Phật rải rác trong Tam Tạng gọi là Pakiṇṇa–kadesanā thuyết giảng giải thích những điều thắc mắc của các hàng đệ tử, cùng với lời giải thích của chư Thánh Arahán, gọi chung là Chú giải.

Tam tạng bao gồm:

– Pháp (Dhamma) gồm có Tạng Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp.

– Luật (Vinaya) là Tạng Luật.

Trong kinh Đại Niết Bàn (Mahāparinibbānasutta), trước khi tịch diệt Niết Bàn. Đức Phật dạy Đại đức Ānanda rằng:

“Này Ānanda, Pháp mà Như Lai đã thuyết, Luật mà Như Lai đã chế định, sau khi Như Lai đã tịch diệt Niết Bàn rồi, Pháp và Luật ấy là Tôn sư của các con.”

Pháp học là nền tảng căn bản của Phật giáo, nếu không có pháp học Phật giáo, thì chắc chắn sẽ không có pháp hành Phật giáo và pháp thành Phật giáo, không thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Nếu có pháp học Phật giáo đúng, thì có pháp hành Phật giáo đúng, nếu có pháp hành Phật giáo đúng, thì có pháp thành Phật giáo đó là 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

🍀 PHÁP HÀNH

Pháp hành Phật giáo có 3 pháp chính là:

– Pháp hành giới.

– Pháp hành định.

– Pháp hành tuệ.

* Pháp hành giới là gì?

Pháp hành giới đó là tác ý thiện tâm, giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác nghiệp tội lỗi. Giữ gìn giới của mình được trong sạch thanh tịnh, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

Mỗi hạng người có giới khác nhau:

– Đối với hạng tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ có ngũ giới là thường giới, còn có bát giới, cửu giới, thập giới… tùy theo khả năng.

– Đối với bậc xuất gia là Sadi, Tỳ–khưu:

* Sadi có 10 Sadi giới, 10 giới hoại phẩm hạnh Sadi, 10 giới hành phạt, 75 điều giới hành…

* Vị Tỳ–khưu có tứ thanh tịnh giới. Trong bhikkhupātimokkasīla có 227 điều giới, nếu tính đầy đủ trong Tạng Luật, thì có 91.805.036.000 điều giới.

Muốn giữ gìn giới được trong sạch, thanh tịnh điều trước tiên cần phải học, hiểu rõ kỹ càng tất cả mọi điều giới của mình, rồi mới có thể hành giới được đầy đủ trọn vẹn và trong sạch thanh tịnh. Giới có thể diệt được phiền não loại thô ở thân và khẩu (vitikkamakilesa), để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ được phát triển.

* Pháp hành định là gì?

Pháp hành định đó là pháp hành thiền định. Hành giả muốn tiến hành thiền định, điều trước tiên, cần phải học cho hiểu rõ kỹ càng 40 đề mục thiền định; rồi chọn một đề mục thiền hữu sắc nào thích hợp với bản tánh riêng của mình. Hành giả học hỏi kỹ càng phương pháp tiến hành của đề mục thiền định ấy. Khi hành giả tiến hành thiền định, sử dụng đề mục thiền định ấy làm đối tượng tiến hành thiền định. Hành giả chỉ có định tâm an trú duy nhất trong đề mục thiền định ấy mà thôi; cho đến khi chứng đắc 5 hoặc 4 bậc thiền hữu sắc. Sau khi đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc xong, nếu hành giả tiếp tục tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền vô sắc, thì hành giả cần phải thay đổi đối tượng thiền vô sắc. Đối tượng thiền vô sắc có 4 đối tượng theo tuần tự từ bậc thiền thấp đến bậc thiền cao. Mỗi đối tượng thiền vô sắc có khả năng dẫn dắt chứng đắc một bậc thiền vô sắc, có 4 bậc thiền vô sắc. Các bậc thiền có thể đè nén chế ngự được phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakilasa) không phát sinh ở trong tâm. Hành giả có thể an hưởng sự an lạc của các bậc thiền, và có thể luyện pháp thần thông.

Các bậc thiền hữu sắc cho quả tái sinh cõi trời sắc giới phạm thiên. Các bậc thiền vô sắc cho quả tái sinh cõi trời vô sắc giới. Các bậc thiền còn có thể làm nền tảng, làm đối tượng cho pháp hành thiền tuệ.

* Pháp hành tuệ là gì?

Pháp hành tuệ đó là pháp hành thiền tuệ. Hành giả muốn tiến hành thiền tuệ, điều đầu tiên, cần phải học hiểu rõ kỹ càng tất cả các đối tượng thiền tuệ là thân, thọ, tâm, pháp hay danh pháp, sắc pháp. Khi hành giả tiến hành thiền tuệ có đối tượng thiền tuệ, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não loại vi tế (anusayakilesa), mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán, sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

🍀 PHÁP THÀNH

Pháp thành Phật giáo (Paṭivedhasāsana) là gì?

Pháp thành Phật giáo là kết quả của pháp hành Phật giáo trực tiếp là pháp hành thiền tuệ. Pháp thành Phật giáo đó là 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn là 9 pháp Siêu tam giới.

4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả liên quan nhân quả tương xứng với nhau, Thánh Đạo nào sinh liền cho quả Thánh Quả ấy từng đôi, từng cặp như sau:

4 Thánh Đạo ––> 4 Thánh Quả

– Nhập Lưu Thánh Đạo→Nhập Lưu Thánh Quả

– Nhất Lai Thánh Đạo→Nhất Lai Thánh Quả

– Bất Lai Thánh Đạo→Bất Lai Thánh Quả

– Arahán Thánh Đạo→Arahán Thánh Quả

Niết Bàn chỉ là đối tượng của 4 Thánh Đạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm mà thôi.

4 Thánh Đạo Tâm – 4 Thánh Quả Tâm và Niết Bàn là 9 pháp Siêu tam giới.

Sự liên quan giữa pháp học, pháp hành, pháp thành

Pháp học là nhân – Pháp hành là quả.

Pháp hành là nhân – Pháp thành là quả.

Sự liên quan giữa pháp học Phật giáo, pháp hành Phật giáo, pháp thành Phật giáo là sự liên quan theo định luật nhân – quả. Cho nên, khi pháp này tăng trưởng, thì pháp kia cũng tăng trưởng, hoặc do pháp kia tăng trưởng, nên pháp này cũng tăng trưởng. Ngược lại, khi pháp này suy đồi, khiến pháp kia cũng suy đồi, hoặc do pháp kia suy đồi, nên pháp này cũng suy đồi.

Nguồn trích dẫn: Nền Tảng Phật Giáo – Quyển 1Tam Bảo, Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

Bài viết liên quan

  • Vesak 2020 – Cùng Ôn Lại Con Đường Giác Ngộ Giải Thoát , Web, FB
  • Bổn Phận Cư Sĩ Tại Gia Là Gì? Bổn Phận Tu Sĩ Xuất Gia Là Gì?, Web, FB
  • Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, Web, FB
  • “Hoàn Toàn Và Vĩnh Viễn”: Sự Thật Về Đạo Phật Giải Thoát, Web, FB
  • 969 Là Gì, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hành Từ Từ, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ?, Web, FB
  • Trong Pháp Và Luật Này Có Một Tuần Tự Học Tập, Một Tuần Tự Công Trình, Một Tuần Tự Đạo Lộ?, Web, FB
  • Quí Vị Thiền Vì Mục Đích Gì, Web, FB
  • Giới Luật “Chỉ Là Phương Tiện”?, Web, FB
  • “Hoàn Toàn Và Vĩnh Viễn”: Sự Thật Về Đạo Phật Giải Thoát, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Vị Thầy Tâm Linh Trên Hành Trình Tới Giác Ngộ Giải Thoát, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 27 tháng 6, 2016