Phục Vụ Với Mục Đích Gì Mang Lại Lợi Ích Lớn – Ehipassiko – Đến Để Thấy

Phục Vụ Với Mục Đích Gì Mang Lại Lợi Ích Lớn

[lwptoc]

PHỤC VỤ VỚI MỤC ĐÍCH GÌ MANG LẠI LỢI ÍCH LỚN

– TN: Thưa sư, Phục vụ trong Thập phúc hành tông phải được hiểu như thế nào mới là đúng ạ ? Ví dụ như con đang chung sống với các bạn con, con thường chủ động làm những việc như dọn vệ sinh nhà cầu, nhà tắm, dọn rác,… với tác ý làm cho chỗ ở được sạch sẽ mà không cần các bạn phải hối thúc. Việc con làm đây có được coi là sự Phục vụ không ạ, thưa sư ? Và xin sư cho con hỏi thêm, sau khi phục vụ xong, ta cần tác ý như nào cho đúng đắn ạ ? Con cảm ơn sư.

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala: Phục vụ có nhiều loại: bị bắt buộc, sai bảo phục vụ như nô lệ; phục vụ vì sợ hãi; phục vụ theo truyền thống tập tục; phục vụ được trả công ăn lương như các nghề nghiệp, cung ứng dịch vụ, công chức; phục vụ vì nghĩa vụ như quân đội; phục vụ vì tình nghĩa, trách nhiệm như đối với cha mẹ già hoặc đối với con, cháu; phục vụ để kiếm chác lợi ích như phục vụ đối với vua chúa, quan chức, khẻ giàu sang phú quí; phục vụ để có danh tiếng, lời khen, sự nể phục của người háo danh; phục vụ để có phước báu, quả báu của người tham đắm ngũ dục;… … v. v…… và phục vụ có ý nghĩa nhất, có lợi ích lớn lao nhất là phục vụ hoàn toàn vô tư trong sáng vì lợi ích vị tha ⑴ đối với mọi thân bằng quyến thuộc trong gia đình gia tộc, ⑵ đối với mọi chúng sinh trong thế gian, và ⑶ đối với mục đích giác ngộ giải thoát của bản thân và của chư thiên, loài người.

Đây chính là sự phục vụ cần vun bồi phát triển với tác ý mong cho sự phục vụ của ta thành tựu được mục đích là:

⑴ mang lại cho mọi người sự thuận duyên, an vui, hạnh phúc – tác ý từ tâm;

⑵ mang lại cho mọi người sự trợ giúp cần thiết để sớm thoát khỏi cảnh khó khăn, bất hạnh, nghịch cảnh đang hiện có – tác ý bi tâm;

⑶ mang lại cho mọi người sự trợ giúp cần thiết để không bị mất đi sự thuận lợi, hạnh phúc, an vui đang hiện có – tác ý hỷ tâm;

⑷ mang lại cho mọi người sự hưởng thụ trọn vẹn những điều xứng đáng với các nghiệp đã tạo nên bởi chính bản thân họ trong quá khứ và hiện tại – tác ý xả tâm;

⑸ mang lại cho chính bản thân ta niềm hạnh phúc tinh thần thuần khiết thanh cao của tâm tịnh tín không phiền não, và là duyên lành giúp bản thân đoạn tận tham sân si, dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn – tác ý giác ngộ giải thoát.

Những tác ý như vậy cần được lặp đi lặp lại rõ ràng, thành tâm thành ý – trước khi phục vụ, trong khi phục vụ, sau khi phục vụ để công đức phước thiện phục vụ được thành tựu viên mãn như ý nguyện.

Trong số những phục vụ mang lại lợi lạc nhất, có ý nghĩa lớn lao nhất mà một chúng sinh có đại phước được làm người, có đại phước của đại phước là gặp Chánh Pháp của Đức Thế Tôn còn tỏa sáng trên thế gian là sự phục vụ hộ trì Tam Bảo trong vai trò của vị hộ pháp (Dhammarakkhaka).

Bên cạnh bổn phận thực hiện vai trò người thừa tự pháp (Dhammadāyadaka) gồm ba phận sự: ⑴ Học hỏi giáo lý, ⑵ Thực hành giáo pháp, ⑶ Duy trì Phật giáo, thì bổn phận phục vụ trong vai trò hộ pháp có ý nghĩa vô cùng cao quí, lợi ích vô lượng.

Trong cuốn Cư sĩ giới pháp – Tỳ Khưu Giác Giới có giải thích như sau:

… Hộ pháp tức là hộ trì Tam bảo: hộ trì Phật bảo, hộ trì Pháp bảo, hộ trì Tăng bảo.

Hộ trì Phật bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý, bậc đã tìm ra pháp giải thoát, bậc kính trọng chánh pháp. Do vậy, sự hộ trì Phật bảo cũng gọi là hộ pháp.

Hộ trì Pháp bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng giáo lý của Đức Phật là pháp đem đến sự an vui cho chúng sanh thiết thực hiện tại, lợi ích tương lai, và thoát khỏi luân hồi. Giữ vững giáo pháp cho đúng tinh thần chánh pháp, không để bị mai một, bị sai lệch văn cú ý nghĩa lời dạy của Đức Phật. Đó gọi là hộ pháp.

Hộ trì Tăng bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Tăng chúng là những vị đệ tử thừa hành giáo lý của Đức Phật, truyền thừa Phật pháp tồn tại trong thế gian ngay khi Đức Phật còn tại thế và sau khi Đức Phật níp bàn. Tăng chúng còn là Giáo pháp còn, do đó sự hộ trì Tăng bảo cũng là hộ pháp.

Hộ trì Phật Bảo

Người cư sĩ hộ trì Phật bảo bằng bốn hình thức sau đây:

1– Giữ vững niềm tin đối với Đức Phật, không có hoài nghi sự giác ngộ của Ngài.

2– Hằng tán dương Đức Phật và hoan hỷ người khác tán dương Đức Phật.

3– Thường xuyên lễ bái Đức Phật qua hình, tượng, xá lợi.

4– Xây dựng đền tháp, tôn thờ Phật cảnh trang nghiêm để tôn vinh Đức Phật. Nếu không có khả năng tự mình làm thì ủng hộ người khác cùng làm.

Việc thờ phụng Đức Phật, người cư sĩ làm vai trò ấy là hợp lý hơn các vị xuất gia. Khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, tôn giả Ānanda đã bạch hỏi Ngài về việc xử sự đối với thân Xá Lợi của Thế Tôn phải như thế nào? Đức Phật bảo rằng:

“Này Ānanda, các ngươi chớ bận lo việc thờ phượng Xá Lợi của Như Lai; hãy tinh tấn tự lợi, hãy chuyên cần tự lợi, hãy sống nỗ lực nhiệt tâm, không dể duôi. Này Ānanda, có các hiền trí Sát đế lỵ, các hiền trí Bà la môn, các hiền trí gia chủ tín ngưỡng Như Lai, những người ấy sẽ thờ phượng thân xá lợi của Như Lai” (D.II.141).

Hộ trì Pháp bảo

Người cư sĩ hộ trì Pháp bảo bằng năm hình thức sau đây:

1– Giữ vững niềm tin đối với giáo pháp, không có hoài nghi về hiệu năng hướng thượng của Giáo pháp.

2– Siêng năng học hỏi giáo pháp, thọ trì đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không xu hướng ngoại đạo.

3– Hoan hỷ cúng dường đến các vị tỳ kheo, sa di là bậc đa văn, những vị học pháp, hành pháp và duy trì giáo pháp.

4– Có sự ưu tư trong việc chấn hưng Phật pháp khi thấy có dấu hiệu bi suy thoái, bị phá hoại.

5– Tùy khả năng của mình, hỗ trợ chư Tăng kết tập kinh điển, in ấn sách kinh, mở trường lớp Phật học v.v…

Từ thời Đức Phật đã có những tấm gương cư sĩ hộ pháp như ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā, vua Pasenadi, sau này có vua Asoka… chẳng những họ cúng dường vật chất hộ độ Đức Phật và Tăng chúng mà họ còn rất quan tâm để hộ trì chánh pháp, cũng cố Phật pháp, làm sao cho giáo pháp hưng thịnh.

Người cư sĩ hộ trì chánh pháp nổi bậc nhất là đức vua Asoka (A Dục vương). Với quyền hành của mình, nhà vua đã cố gắng học Phật pháp cho thông suốt để sàng lọc ra những vị tu sĩ giả danh gây xáo trộn trong Phật giáo, nhà vua cũng đã nhiệt tâm hộ độ chư Tăng kết tập kinh điển lần thứ ba, nhà vua cũng tận tâm giúp đỡ chư Tăng đi hoằng pháp mở mang Phật giáo đến các nước lân bang…

Hộ trì Tăng bảo

Người cư sĩ hộ trì Tăng bảo bằng năm hình thức sau đây:

1– Có niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng, không vì lý do một vài phần tử cá nhân xấu mà mất niềm tin với Tăng chúng.

2– Thường xuyên hộ độ cúng dường các nhu cầu vật chất đến chư tăng.

3– Luôn luôn bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng.

4– Quan tâm đến sự an nguy thịnh suy của Tăng chúng, đồng vui cộng khổ với chư tăng.

5– Đối xử với Tăng chúng bằng sự kính trọng và nhu thuận.

Các cư sĩ thời Đức Phật như ông Jīvakakomārabhacca, bà Visākhā, vua Pasenadi… là những người hộ Tăng tiêu biểu, vừa hộ độ thực phẩm, vừa bảo vệ thanh danh chư tăng, vừa khéo góp ý nhắc nhở những vị có hành vi sai trái để chấn chỉnh giáo hội tốt đẹp.

– Hết trích dẫn –

Phục vụ tự nguyện cho các khóa thiền là một trong những sự phục vụ hộ trì Tam Bảo mang lại ý nghĩa lớn lao, lợi ích lớn lao góp phần hộ trì chánh pháp, cũng cố Phật pháp, làm sao cho giáo pháp hưng thịnh. Đây là một cơ hội quí báu mà quý vị cần tận dụng để vun bồi công đức, tạo duyên lành cho chứng ngộ Đạo Quả, đoạn tận mọi lậu hoặc, chấm dứt luân hồi trong khổ đau phiền não.

Trong khi phục vụ khóa thiền, theo lời Thiền sư Goenka, quý vị học được cách áp dụng Chánh Pháp vào cuộc sống hằng ngày. Nhờ học được cách hành xử đúng theo Chánh Pháp khi tiếp xúc với thiền sinh và những hoàn cảnh nơi đây, trong thế giới nhỏ bé của khóa thiền hoặc trung tâm, quý vị tập cho mình hành xử tương tự ở thế giới bên ngoài. Mặc dù sự thật là những điều không muốn vẫn tiếp tục xẩy ra, quý vị tu tập cố duy trì quân bình trong tâm, và tạo ra lòng thương yêu và từ tâm để đối lại. Đây là bài học quý vị đang cố học được ở đây. Quý vị là học sinh như những người đang ngồi trong khóa thiền.

Tiếp tục học hỏi trong khi phục vụ người khác một cách khiêm nhượng. Luôn nghĩ rằng, “Tôi ở đây để tu tập, để tập phục vụ mà không đòi hỏi được đền đáp. Tôi đang làm việc để người khác có thể được hưởng những phúc lợi từ Chánh Pháp. Hãy cho tôi giúp bằng cách làm gương tốt, và trong khi làm như vậy cũng giúp ích cho tôi luôn.”

Nguyện cho tất cả quý vị, những người phục vụ Chánh Pháp, trở nên vững mạnh trong Chánh Pháp. Nguyện cho quý vị phát triển thiện chí, thương yêu và từ tâm đối với người khác. Nguyện cho quý vị tinh tấn trong Chánh Pháp, và hưởng được an lạc thực sự, hài hòa thực sự, hạnh phúc thực sự.

– Hết trích dẫn –

Phước báu phục vụ Tam bảo là vô lượng, không thể nghĩ bàn, như trong kinh điển có ghi lại nhiều câu chuyện trong quá khứ:

TÍCH TRUYỆN HẾT LÒNG PHỤC VỤ TAM BẢO CỦA TRƯỞNG LÃO VIMALA

Lời Vàng Bậc Thánh – Sớ giải Trưởng Lão Tăng-Ni Kệ

… Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Vipassī, trưởng lão được sanh ra trong gia đình của người thổi nhạc bằng vỏ ốc, mặc dầu nhà nghèo nhưng cậu bé rất thông minh và chăm chỉ, khi vừa lớn lên đã thành tựu nghệ thuật thổi nhạc bằng vỏ ốc.

Một hôm, chàng tình cờ gặp Đức Thế Tôn Vipassī, do duyên lành kiếp trước, nên sau khi gặp Đức Phật, chàng rất hoan hỷ và thoả thích, nhưng vì nhà nghèo không có chi xứng đáng để cúng dường, ngoại trừ tài năng của mình, chàng lấy vỏ ốc ra thổi lên những khúc nhạc cúng dường Ngài và kể từ đó chàng thanh niên luôn tìm cơ hội để hộ độ phục vụ Đức Thế Tôn.

Khi mạng chung, do phước báu của những thiện sự này, chàng được tái sanh lên thiên giới, là vị thiên tử có nhiều thần lực, có nhiều thiên nữ phục vụ và hưởng đầy đủ những thiên lạc thù diệu trong cõi trời ấy. Sau khi luân chuyển giữa hai cõi trời – người, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chàng được tái sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả, rất tịnh tín với Tam bảo và là một người cận sự nam nhiệt tình với Tam bảo.

Một hôm, sau khi trai tăng cúng dường thực phẩm đến Đức Phật Kassapa cùng tăng chúng, chàng quỳ dưới chân Đức Thế Tôn Kassapa chú nguyện:

“Do phước báu nào mà con đã trong sạch phục vụ hộ độ cúng dường Đức Thế Tôn và tăng chúng, trong các kiếp vị lai cho con hãy là người có thân thể thanh khiết, sạch sẽ, ly bụi bặm và uế trược.”

Từ đó về sau, chàng hết lòng phục vụ Tam bảo, đã làm các công việc như: tưới nước thơm cây bồ đề, lau rửa chỗ ngồi nơi bảo tháp và cội bồ đề, tẩy rửa những đồ phụ tùng bẩn uế của chư tăng.

Mạng chung, người cận sự nam ấy được sanh lên thiên giới trong những kiếp luân chuyển giữa cõi người và cõi trời, chàng luôn được đầy đủ sung túc về lợi lộc và tài sản, không bị vất vả, không bị thiếu kém về vật chất.

Đến kiếp cuối cùng, trong thời giáo pháp Đức Thế Tôn của chúng ta, người cận sự nam này được tái sanh trong một gia đình trưởng giả tại thành Rājagaha. Từ khi còn ở trong bụng mẹ và khi lọt lòng mẹ, thân thể không hề dính uế trược, trong sáng như những giọt sương đọng trên lá sen, là người có thân thể sạch sẽ thanh khiết giống như vị Bồ Tát sanh kiếp chót, vì vậy cậu bé được đặt tên là Vimala.

Một hôm, Đức Thế Tôn đang ngự đi trong thành Rājagaha (Vương Xá), Vimala nhìn thấy dáng vẻ uy nghi từ hoà khả kính của Ngài, Vimala phát khởi tâm tịnh tín và do duyên lành chín muồi nên Vimala quyết định xuất gia nơi Đức Thế Tôn.

Sau khi xuất gia xong, tôn giả Vimala học thông suốt một đề mục nghiệp xứ, đi đến một hang núi tại xứ Kosala để nỗ lực tu tập.

Một hôm, trời chuyển mưa, giông gió nổi lên, mây đen phủ kín cả bầu trời và mưa bắt đầu đổ hạt. Lúc bấy giờ, sức nóng thiêu đốt được những cơn gió và những hạt mưa xoa dịu với thời tiết mát mẻ thích hợp, tâm của tôn giả Vimala dễ dàng lắng đọng trên đề mục. Với tâm an tịnh, tôn giả đã phát triển thiền quán chứng đạt Alahán.

Như trong Apadāna trưởng lão Vimala đã nói lên bài kệ rằng:

“Ta đã gặp Thế Tôn
Hồng danh Vipassī
Ta đã thổi vỏ ốc
Theo điệu nhạc thánh thót
Cúng dường Đức Thế Tôn
Kể từ hiền kiếp này

Trở lui kiếp 91
Ta đã hộ độ Ngài
Bậc Thế Tôn tối thượng
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh

Trong kiếp thứ 24
Mười sáu lần ta được
Sanh làm Chuyển Luân Vương
Tên Mahānighosa
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não…
Lời Phật dạy làm xong”.…

— Hết trích dẫn —

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Bài Viết Liên Quan

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB