Siêu Thoát Và Con Đường Đưa Tới Siêu Thoát
[lwptoc]
Siêu Thoát Và Con Đường Đưa Tới Siêu Thoát
🍂🍂🍂🍂🍂🍂🍂🍂
– NPH: Bạch Thầy, khi có người mới chết người ta thường cầu cho linh hồn được siêu thoát. Con xin hỏi theo giáo lý Phật Giáo Nguyên Thuỷ thì (1) siêu thoát có nghĩa là gì và (2) sau khi chết linh hồn đi về đâu để đầu thai luân hồi.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
– @ (1):
Siêu thoát và Con Đường đưa đến Siêu thoát – theo giáo lý Phật giáo Nguyên thủy – là do nhờ thực hành viên mãn Bát Thánh Đạo (Giới Định Tuệ) mà chúng sinh được giải thoát ra khỏi Tam Giới (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới), bao gồm 31 cảnh giới: bốn cõi dữ ác, bảy cõi còn ham muốn thú vui nhục dục và hai mươi cõi Phạm thiên (brahma):
⚀ Bốn cõi dữ ác là:
(1) điạ ngục (niraya),
(2) súc sanh,
(3) ngạ quỉ (peta, quỉ đói) và
(4) cõi phi thiên (asurakaya, A tu la, các quỉ thần).
⚁ Bảy cõi còn ham muốn thú vui nhục dục là một cõi Người với sáu cõi Trời (Thiên) là:
(1) Tứ Đại Thiên vương (Catumaharajika) của bốn vị đại thiên vương;
(2) Đao lợi thiên (Tavatimsa) còn gọi là cõi tam thập tam thiên của ba mươi ba vị Thiên vương;
(3) cõi Dạ ma thiên (Yama);
(4) cõi Đâu suất thiên (Tusita) là cõi vui thích;
(5) cõi Hoá lạc thiên (Nimmanarati) là cõi mà chư Thiên tự tạo ra các lạc thú để hưởng thọ lấy;
(6) cõi Tha hoá tự tại thiên (Paranimmitavasavatti) là cõi mà chư Thiên ngự trị trên các tạo phẩm của kẻ khác (the realm of gods lording over the creation of others).
⚂ Hai mươi cõi Phạm thiên, có 16 cõi Sắc giới Phạm thiên (Rupa Brahma) và bốn cõi Vô sắc giới Phạm thiên (Arupa Brahma).
Siêu thoát ra khỏi Tam Giới như vậy đồng nghĩa với sự vĩnh viễn chấm dứt tái sinh trong Tam Giới, vĩnh viễn chấm dứt sinh tử luân hồi trong Tam Giới, vĩnh viễn đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si – chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, đạt được giải thoát hoàn toàn, đạt được hạnh phúc tối thượng: bất sinh bất diệt – Bát Niết Bàn.
Chính vì lẽ đó, do mong muốn tầm cầu hạnh phúc rốt ráo – hoàn toàn và vĩnh viễn thoát khỏi mọi hiểm nguy và khổ đau nên người đời đều mong muốn cầu xin được siêu thoát cho thân nhân quá vãng và cho chính mình sau này.
Nhưng tất cả mọi loại cầu xin, thông qua tế lễ cầu an, cầu siêu mong được siêu thoát như vậy của người đời hoàn toàn là vô vọng, hoàn toàn là ảo tưởng: bởi nếu tế lễ cầu xin mà được thì chắc chắn Đức Phật với lòng từ bi vô lượng vô biên tới tất cả các chúng sinh, với oai lực Phật Pháp vô lượng vô biên, với thần thông quảng đại vô lượng vô biên đã tế lễ cầu xin để tất cả chúng sinh chúng ta được siêu thoát hết thảy từ lâu rồi.
Ở đây là định luật nhân quả chứ không phải là mê tín cầu xin.
Siêu thoát chỉ có thể đạt được bởi Tuệ Đạo Quả Alahán do tu tập Minh Sát Vipassana thể hiện của Bát Thánh Đạo do Đức Phật tự chứng không thầy chỉ dạy và truyền giáo cho chúng sinh.
Chỉ có bậc Thánh Alahán (Đức Phật là bậc Thánh Alahán) mới đạt được siêu thoát, không còn tái sinh trở lại trong Tam Giới, bất sinh bất diệt.
Các bậc Thánh hữu học vẫn còn phải tái sinh: Bậc Thánh Dự lưu (Sotàpanna, Tu–đà–hoàn) còn tái sinh tối đa 7 kiếp, Bậc Thánh Nhất lai (Sakadàgàmi, Tư–đà–hàm) còn tái sinh 1 kiếp, Bậc Thánh Bất lai (Anàgàmi, A–na–hàm) sau khi hóa sinh mới siêu thoát nhập Niết Bàn.
Các vị Bồ Tát sau khi được thọ ký bởi vị Phật sẽ còn tái sinh luân hồi trong Tam Giới 4 hoặc 8 hoặc 16 a tăng kỳ kiếp và 100 nghàn đại kiếp tùy thuộc là vị Bồ Tát trí tuệ, hay tinh tấn, hay tịnh tín trước khi trở thành Phật và siêu thoát trong kiếp cuối thành Phật đó.
Còn tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, sang hèn, địa vị, tôn giáo, quốc tịch… cùng muôn loài chúng sinh trong các cảnh giới khác đều phải chịu khổ đau của tái sinh trong luân hồi mãi mãi – vô thủy vô chung – chừng nào chưa được gặp Chánh pháp do Đức Phật truyền dạy để có thể tu tập và thành tựu Đạo Quả Alahán theo Bát Thánh Đạo.
Và chỉ duy nhất trong Phật giáo mới có Bát Thánh Đạo, con đường dẫn đến các bậc thánh hữu học và cuối cùng là bậc Thánh Alahán siêu thoát trong kiếp sống cuối cùng của họ.
Ngoài Phật giáo, ngoại đạo không có Bát Thánh Đạo nên không thể có các bậc Thánh Alahán, tức không thể có siêu thoát. Ngoại đạo chỉ có thể chỉ ra con đường tới Tây phương cực lạc hoặc Thiên Đường là các cảnh Thiên Giới an vui hạnh phúc dài lâu – có thể tới hàng triệu triệu năm, nhưng khi hết mạng sống lại vẫn phải chết và tái sinh trong tam giới, tiếp tục luân hồi trong khổ đau phiền não.
Bởi vậy, con đường duy nhất dẫn đến siêu thoát, tức giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự, bất sinh bất diệt – Niết Bàn, chính là Bát Thánh Đạo bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, chứ chắc chắn không phải là mê tín cầu xin tế lễ mà có thể đạt được siêu thoát cho dù lễ tế có long trọng mấy chăng nữa, lòng thành thương xót người quá vãng có cao đến đâu chăng nữa.
Nhân nào quả nấy. Không thể tạo bất thiện nghiệp rồi chỉ cầu xin, tế lễ mà lại có kết quả tốt đẹp được.
– @ (2):
Trong Phật giáo không thừa nhận có một linh hồn như một thứ trường tồn, vĩnh cửu, tồn tại độc lập có thể chi phối điều khiển cuộc sống của mỗi chúng sinh, duy trì từ đời sống này sang đời sống không thay đổi. Có linh hồn như vậy là quan điểm hoặc niềm tin của tà giáo ngoại đạo.
Theo Vi Diệu Pháp, một trong Tam Tạng ghi lại lời dạy của Đức Phật, thì ngay khi chết, khi đó Tử Tâm sinh lên rồi diệt đi thì Kiết Sanh Tâm khởi lên ngay sau đó là tâm tái sinh đưa đến kiếp sống mới theo Nghiệp lực mà chúng sinh đó đã tạo ra và tích góp trong quá khứ.
Luân hồi tái sinh trở thành loại chúng sinh gì, như thế nào, vào cảnh giới nào trong 31 cảnh giới của Tam giới hoàn toàn phụ thuộc Nghiệp quá khứ:
“Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện–nghiệp hoặc ác–nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả của thiện–nghiệp hoặc quả của ác–nghiệp ấy.”
* Nghiệp của mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng đã tạo, đã tích–luỹ được lưu trữ ở trong tâm từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp trong quá khứ cho đến kiếp–hiện–tại này.
* Và quả của nghiệp được hiện hữu trong mỗi kiếp khác nhau do năng lực của nghiệp cho quả.
* Nghiệp và quả của nghiệp này là một điều mà chỉ có Đức–Phật Chánh–Đẳng–Giáccó trí–tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của Đức–Phật và của tất cả mọi chúng–sinh khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp–hiện–tại và vô số kiếp vị–lai mà thôi.
Ngoài Đức–Phật ra, không có một ai trong toàn cõi–giới chúng sinh thấy rõ biết rõ vô lượng kiếp nghiệp và quả của nghiệp của mình và của chúng sinh khác được.
Nguyện cầu cho mỗi người trong chúng ta có thể tận dụng được cơ hội hiếm hoi làm người trong thời đại Phật Pháp vẫn còn tồn tại và tỏa sáng trên thế gian để có thể luôn làm lành, lánh dữ, thanh tịnh tâm thông qua các phước nghiệp ① bố thí, ② trì giới, ③ hành thiền, ④ tùy hỷ công đức, ⑤ hồi hướng phước báu, ⑥ cung kính bậc thiện tri thức, ⑦ phục vụ cộng đồng, ⑧ nghe Pháp, ⑨ giảng Pháp và ⑩ sửa đổi tà kiến – không ngừng vun bồi và tu tập Bát Thánh Đạo để thành tựu Đạo Quả chấm dứt sinh tử luân hồi trong Tam Giới, siêu thoát hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết Bàn.
Lành thay Lành thay Lành thay!
Sādhu Sādhu Sādhu!
TK Viên Phúc Sumangala.
Ghi chú:
Nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:
⚀ ⚀ ⚀ ⚀ ⚀
1– Phần nghiệp phân loại theo phận–sự (Kiccacatukka) có 4 loại nghiệp:
⚀ ⚀ ⚀ ⚀ ⚀
1.1– Janakakamma: Sinh–quả–nghiệp là nghiệp có phận–sự cho quả trong thời kỳ tái–sinh (paṭisandhikāla) và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái–sinh (pavattikāla) kiếp–hiện–hữu.
1.2– Upathambhakakamma: Hỗ–trợ–nghiệp là nghiệp có phận–sự hỗ–trợ nghiệp khác cho quả.
1.3– Upapīḷakakamma: Hãm–hại–nghiệp là nghiệp có phận–sự hãm hại nghiệp đối nghịch.
1.4– Upaghātakakamma: Sát–hại–nghiệp là nghiệp có phận–sự sát hại nghiệp khác.
⚁ ⚁ ⚁ ⚁ ⚁
2– Phần nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp (Pākadānapariyāyacatukka) có 4 loại nghiệp:
⚁ ⚁ ⚁ ⚁ ⚁
2.1– Garukakamma: Trọng–yếu–nghiệp là nghiệp trọng–yếu có quyền ưu tiên cho quả tái–sinh kiếp sau trước.
2.2– Āsannakamma: Cận–tử–nghiệp là nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung.
Nếu không có trọng–yếu–nghiệp thì cận–tử nghiệp này cho quả tái–sinh kiếp sau.
2.3– Āciṇṇakamma: Thường–hành–nghiệp là nghiệp thường hành hằng ngày đêm.
Nếu không có trọng–yếu–nghiệp và cận–tử–nghiệp thì thường–hành–nghiệp này cho quả tái–sinh kiếp sau.
2.4– Kaṭattākamma: Bình–thường–nghiệp là nghiệp bình thường kém 3 loại nghiệp trên, hoặc nghiệp trong kiếp quá–khứ. Nếu không có 3 loại nghiệp trên thì bình–thường–nghiệp này cho quả tái–sinh kiếp sau.
⚂ ⚂ ⚂ ⚂ ⚂
3– Phần nghiệp phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp (Pākakālacatukka) có 4 loại nghiệp.
⚂ ⚂ ⚂ ⚂ ⚂
3.1– Diṭṭhadhammavedanīyakamma:Hiện–quả–nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện–tại. (kiếp thứ nhất).
3.2– Upapajjavedanīyakamma: Kế–quả–nghiệp là nghiệp cho quả kiếp kế tiếp. (kiếp thứ nhì).
3.3– Aparāpariyavedanīyakamma: Tiếp–tục–nghiệp là nghiệp cho quả những kiếp tiếp theo (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh–A–ra–hán, trước khi tịch diệt Niết–bàn).
3.4– Ahosikamma: Vô–hiệu–quả–nghiệp là nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nghiệp được nữa.
⚃ ⚃ ⚃ ⚃ ⚃
4– Phần nghiệp phân loại theo cõi– giới cho quả của nghiệp (pākaṭṭhānacatukka) có 4 loại nghiệp:
⚃ ⚃ ⚃ ⚃ ⚃
4.1– Akusalakamma: Bất–thiện–nghiệp (ác–nghiệp) có 12 loại nghiệp cho quả tái–sinh kiếp sau trong 4 cõi ác–giới là cõi địa–ngục, a–su–ra, ngạ–quỷ, súc–sinh, chịu quả khổ trong cõi ác–giới ấy.
4.2– Kāmāvacarakusalakamma: Dục–giới đại–thiện–nghiệp có 8 loại nghiệp cho quả tái–sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện–dục–giới là cõi người và 6 cõi trời dục–giới.
4.3– Rūpāvacarakusalakamma: Sắc–giới thiện–nghiệp có 5 loại nghiệp cho quả tái–sinh trong 16 cõi trời sắc– giới phạm–thiên.
4.4– Arūpavacarakusalakamma: Vô–sắc–giới thiện–nghiệp có 4 loại nghiệp cho quả tái–sinh trong 4 cõi trời vô–sắc–giới phạm–thiên.
Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp.
Nguồn trích dẫn: Nền tảng Phật giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp, Nghiệp và quả của nghiệp
🍀 Hỏi: Sayadaw nghĩ sao về việc hồi hướng phước đến những người đã chết? Việc hồi hướng ấy có hiệu quả như thế nào?
Trả Lời: Trong Kinh Giáo Thọ Thi–Ca–La–Việt (Siṅgālovāda Sutta) của Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có đề cập rằng con cái phải có bổn phận làm các việc công đức và hồi hướng đến cha mẹ đã quá vãng của mình.
Trong một bài Kinh thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) cũng có nói rằng mọi người, ngoại trừ vị A–la–hán, đều phải đi đến một trong năm sanh thú sau khi chết. Năm sanh thú đó là: thiên, nhân, ngạ quỷ, súc sanh, và Địa ngục thú. Trong số đó chỉ một loại ngạ quỷ duy nhất thuộc ngạ quỷ thú gọi là paradattūpajīvika–peta là có thể nhận được lợi ích từ việc chia phước hay hồi hướng phước của những người khác. ‘Paradattūpajīvika–peta’ có nghĩa là tha thí hoạt mạng ngạ quỷ, tức ngạ quỷ trông đợi sự nuôi mạng của nó từ việc chia phước của người khác.
Sau khi chết, nếu một người đi đến cõi trời (thiên thú) hay cõi người (nhân thú) họ hưởng được các dục lạc theo thiện nghiệp đã thành thục của họ. Nếu một người đi đến cõi súc sanh (súc sanh thú) hay Địa ngục (địa ngục thú) hay trở thành bất kỳ loại ngạ quỷ nào ngoại trừ Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ), họ phải chịu khổ theo nghiệp bất thiện đã chín mùi của họ. Trong trường hợp này, người ta không được lợi ích gì từ việc chia phước hay hồi hướng phước do thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè của họ trong kiếp trước làm. Tất nhiên những người làm việc phước ấy vẫn có được những lợi ích cho bản thân họ.
Ngạ quỷ paradattūpajīvika nhận được lợi ích từ việc chia phước của người khác theo một trong hai cách: một là hưởng lạc trong ngạ quỷ giới; hai là thoát khỏi ngạ quỷ giới. Họ sẽ được loại nào tùy thuộc vào nghiệp của họ và vào sức mạnh của việc phước. Tôi sẽ giải thích điều này bằng hai ví dụ.
Thuở xưa Nandaka là một vị tướng của Đức Vua Piṅgala. Ông chấp giữ tà kiến về sự đoạn diệt (đoạn kiến cho rằng chết là hết). Con gái ông tên Uttara, là một bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông qua đời, ông trở thành một Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ). Uttara cúng dường thực phẩm đến một vị Tỳ–kheo A–la–hán đang đi khất thực. Cô chia phước ấy đến Nandaka, người cha đã quá cố của mình. Nandaka lúc bấy giờ là một Paradattūpajīvika–peta, hoan hỷ với phước đó bằng cách nói lên lời ‘sādhu.’ Nhờ sức mạnh của tâm thiện này, ông hưởng được các dục lạc thù thắng như những dục lạc của cõi chư thiên trong sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng ông lại tái sanh vào Địa Ngục do tà kiến của mình, sau khi chết ở ngạ quỷ giới.
Trường hợp khác là những quyến thuộc trong tiền kiếp của Đức Vua Bimbisāra (Tần–bà–sa–la).Thời Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi), họ là những người nấu ăn trong bếp của nhà vua. Họ có trách nhiệm sửa soạn vật thực cho Đức Phật Vipassī (Tỳ–bà–thi) và một trăm ngàn vị Tỳ–kheo. Tuy nhiên họ đã ăn những vật thực ấy trước khi dâng đến Đức Phật và chư Tỳ–kheo. Do nghiệp bất thiện này họ phải đi đến Địa Ngục sau khi chết. Sau một thời gian dài ở trong Điạ Ngục, họ thoát ra khỏi đó và trở thành Paradattūpajīvika–peta (tha thí hoạt mạng ngạ quỷ) trong ngạ quỷ giới.
Khi Đức Phật Kakusandha (Câu–lư–tôn Phật) xuất hiện trên thế gian, họ đi đến hỏi Đức Phật xem khi nào thì họ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật Kakusandha bảo họ hãy hỏi Đức Phật kế, Konāgama Buddha (Câu–na–hàm Phật). Họ đã phải chờ một thời gian dài cho đến khi Đức Phật Konāgama xuất hiện trên thế gian để hỏi ngài cũng câu hỏi ấy. Đức Phật Konāgama nói họ hãy hỏi Đức Phật kế, Đức Phật Kassapa (Ca–diếp). Một lần nữa họ phải chờ trong một thời gian lâu dài cho đến khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian và cũng hỏi cùng câu hỏi đó. Đức Phật Kassapa nói với họ rằng họ sẽ thoát khỏi ngạ quỷ giới trong thời kỳ của Đức Phật Goatam (Đức Phật hiện nay của chúng ta). Vì thế họ lại chờ cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian trong một thời gian lâu dài khác.
Knowinh and Seeing. Pa Auk Sayādaw
TK Pháp Thông dịch
Nguồn trích dẫn: Nền tảng Phật giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp, Nghiệp và quả của nghiệp
Bài viết liên quan
- Làm Gì Thay Thế Mê Tín Tế Lễ Cầu Siêu Cô Hồn Ngạ Quỉ Trong Dịp “Lễ Vu Lan Của Đạo Tầu”?, Web, FB
- Hồi Hướng Phước Báu Tới Người Qúa Vãng, Web, FB
- Hồi Hướng Công Đức Phước Báu Tới Thân Nhân Quá Vãng Như Thế Nào?, Web, FB
- Cầu Siêu, Web, FB
- Siêu Thoát Và Con Đường Đưa Tới Siêu Thoát, Web, FB
- Cầu Xin, Cầu An, Cầu Siêu Hay Trì Giới:, Web, FB
- Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra, Web, FB
- Người Có Chánh Kiến Nên Có Quan Kiến Vè Tháng Cô Hồn Như Thế Nào?, Web, FB
- Video Tụng Kinh Cầu An – Chúc Phúc Nhân Dịp Năm Mới:, FB
- Hộ Trì Người Sắp Ra Đi Như Thế Nào?, Web, FB
- Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB