Lễ Xuất Gia Thọ Giới Tỳ Khưu (Bài 1/4 – Thầy Tế Độ)

– Photo: Sa di giới tử thưa xin Trưởng Lão Shwebo Sayadaw làm thầy tế độ và tác bạch xin xuất gia thọ giới Tỳ Khưu, hôm nay, ngày 6/7/2017, tại Tharmanaykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon Myanmar. 

LỄ XUẤT GIA THỌ GIỚI TỲ KHƯU

Bài 1/4 – THẦY TẾ ĐỘ – Ācariyupajjhāya

Hôm nay, lại có thêm một thanh niên hai mươi tuổi, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; lại có thêm một thanh niên với tuổi trẻ tốt đẹp, có thể hưởng thụ các dục lạc, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, lại xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; không vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; không vì nợ nần, không vì sợ hãi, không vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; nhưng với tư tưởng như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”.

Sadhu Sadhu Sadhu! Lành thay Lành thay Lành thay!

Nghi thức xin Trưởng Lão làm Thầy Tế độ

Vị Sa di đảnh lễ vị Trưởng Lão 3 lạy xong, ngồi chồm hổm, chắp 2 tay đọc câu xin vị Trưởng Lão làm Thầy Tế độ như sau:

Sadi:- Upajjhāyo me Bhante hohi. (3 lần).
Kính bạch Trưởng Lão, xin Ngài là Thầy Tế độ của con.

Vị Trưởng Lão chấp thuận làm Thầy Tế Ðộ dạy rằng:

Trưởng Lão:- Pāsādikena sampādehi.
Con hãy nên thực hành đầy đủ giới, định, tuệ, được thể hiện qua thân, khẩu và ý xứng đáng để làm tăng trưởng đức tin.

Sadi:- Āma, Bhante.
Dạ xin vâng! Bạch Ngài.
Ajjatagge thero mayhaṃ bhāro, ahampi therassa bhāro.
Kể từ nay về sau, xin Trưởng Lão có phận sự dạy dỗ con, và con cũng có phận sự lo hầu hạ Trưởng Lão.

Thầy Tế độ (Upajjhāya)

Upajjhāya: Thầy Tế độ là vị mong tìm sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến cho người đệ tử.

Theo Luật tạng

Vị Ðại Ðức làm Thầy Tế độ cần phải có đủ 5 chi pháp như sau:

(1) Có 10 hạ trở lên.

(2) Thông thuộc Tỳ khưu giới bổn và Tỳ khưu ni giới.

(3) Thông thạo mọi cách hành Tăng sự lớn nhỏ.

(4) Hiểu rõ những điều học từ trong bộ Mahāvagga và Cūḷavagga.

(5) Có khả năng giảng dạy về danh pháp, sắc pháp.

Vị Ðại Ðức có đầy đủ 5 chi pháp này, mới có khả năng làm Thầy Tế độ (ācariyupajjhāya) cho giới tử thọ Sa di, Tỳ khưu.

Theo Kinh tạng

Bài kinh Upasampadāsutta, Ðại Ðức Upāli bạch hỏi Ðức Phật những chi pháp nào để trở thành Thầy Tế độ rằng [Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, Kinh Upasampadāsutta]:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu có những pháp nào, mới có thể làm Thầy Tế độ, cho giới tử thọ Sa di, Tỳ khưu. Bạch Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Upāli, Tỳ khưu hợp đủ 10 pháp, mới có thể làm Thầy Tế độ, cho giới tử thọ Sa di, Tỳ khưu.

Mười pháp ấy là:

(1) Trong Phật giáo này, Tỳ khưu là bậc có giới đức trong sạch, thu thúc trong giới pātimokkha, có hành vi cử chỉ tốt đẹp, thường nhìn thấy rõ điều tai họa lớn trong lỗi nhỏ, thọ trì giới luật nghiêm khắc.
(2) Tỳ khưu là bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, thông thuộc Tam tạng, Chú giải, có chánh kiến, thuyết pháp hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối, đầy đủ văn chương và ý nghĩa, hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.
(3) Tỳ khưu là bậc thông thuộc Tỳ khưu giới (Bhikkhu-pātimokkha) và Chú giải rành rẽ, phân minh rõ ràng.
(4) Tỳ khưu là bậc tự mình có khả năng hộ độ, hoặc nhờ người khác hộ độ đệ tử khi bệnh hoạn ốm đau.
(5) Tỳ khưu là bậc tự mình có khả năng giúp khuyên giải, hoặc nhờ người khác khuyên giải được nỗi buồn chán, sự thối chuyển hành phạm hạnh của đệ tử.
(6) Tỳ khưu là bậc có khả năng giúp làm vắng lặng những phiền não nóng nảy khó chịu phát sanh nơi đệ tử bằng chánh pháp.
(7) Tỳ khưu là bậc có khả năng giúp làm tiêu tan tà kiến phát sanh nơi đệ tử bằng chánh kiến.
(8) Tỳ khưu là bậc có khả năng dạy đệ tử thọ trì giới cao hơn (adhisīla).
(9) Tỳ khưu là bậc có khả năng dạy đệ tử tiến hành thiền định cao hơn (adhicitta).
(10) Tỳ khưu là bậc có khả năng dạy đệ tử tiến hành thiền tuệ cao hơn (adhipaññā).

Này Upāli, Tỳ khưu có đầy đủ 10 chi pháp này mới có khả năng làm Thầy Tế độ cho phép giới tử thọ Sa di, Tỳ khưu.

Tâm của Thầy Tế độ và tâm của đệ tử

Tâm Thầy Tế độ và đệ tử Ðức Phật dạy rằng.
"Này chư Tỳ khưu, Thầy Tế độ quan tâm thương yêu người đệ tử như người cha thương yêu con; và người đệ tử cũng quan tâm kính yêu vị Thầy Tế độ như người con kính yêu cha. Như vậy, giữa Thầy Tế độ và đệ tử thương yêu kính trọng lẫn nhau, gần gũi thân cận nương nhờ nhau, cùng nhau sống trong chánh mạng, sẽ tăng trưởng, phát triển, thịnh hành trong Phật giáo này"

Nguồn trích dẫn: GƯƠNG BẬC XUẤT GIA (Anagāriyūdāharana), Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp

Bài viết liên quan

  • Xuất gia gieo duyên, Web, FB
  • Làm những điều tốt đẹp nhất, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Đôi lời nhắn nhủ tới những vị sắp xuất gia theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Web, FB
  • Vì sao xuất gia, Web, FB
  • Đức Phật đã có suy nghĩ gì, Web, FB
  • Ai là bhikkhu – tỳ khưu, Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 1/4 – thầy tế độ), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 2/4 – xét hỏi sa di), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 3/4 – tuyên ngôn & thành sự ngôn), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 4/4 – bốn pháp nương nhờ & bốn pháp không nên hành), Web, FB
  • Phân biệt tỳ khưu “thật” và “không thật” dựa vào đâu, Web, FB, Youtube
  • Xuất gia gieo duyên, Web, FB
  • Đạt tới cái khó đạt tới, Web, FB
  • Làm những điều tốt đẹp nhất, Web, FB
  • Mười pháp mà bậc xuất gia phải quán tưởng thường xuyên, Web, FB
  • Như thế nào là tỳ khưu giới hạnh đầy đủ, Web, FB
  • Thế nào là bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những người xuất gia, Web, FB
  • Bổn phận cư sĩ tại gia là gì? Bổn phận tu sĩ xuất gia là gì?, Web, FB
  • Phàm tăng và thánh tăng, Web, FB