Vì sao xuất gia

[lwptoc]

Foto: Lễ Thọ Giới Tỳ Khưu Cho Vị Thanh Niên Người Miến Tại Thiền Viện Ta Ma Nê Chô (Tharmanaykyaw), Yangon, Myanmar 20/10/2019.
Bhikkhu Ordination For Myanmar Young Man At Tharmanaykyaw Monastery, Yangon, Myanmar 20/10/2019

 

VÌ SAO XUẤT GIA?

🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸

–… Này Udayi, có những pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn. Vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

– Bạch Thế Tôn, thế nào là những pháp cao thượng hơn, thù thắng hơn, vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn?

– Ở đây, này Udayi, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc

❶ A–la–hán,

❷ Chánh Biến Tri,

❸ Minh Hạnh Túc,

❹ Thiện Thệ,

❺ Thế Gian Giải,

❻ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,

❼ Thiên Nhân Sư,

❽ Phật,

❾ Thế Tôn.

Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa–môn, Bà–la–môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ.

Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai.

Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không.

Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc.

Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà–sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà–sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

[⚀ Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn]

Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ–kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp.

Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.

Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời.

Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia.

Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy.

Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ;

dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm;

từ bỏ các món ăn phi thời;

từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn;

từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang;

từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn;

từ bỏ không nhận vàng và bạc;

từ bỏ không nhận các hạt sống;

từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái;

từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai;

từ bỏ không nhận cừu và dê;

từ bỏ không nhận gia cầm và heo;

từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái;

từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai;

từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới;

từ bỏ không buôn bán;

từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường;

từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo;

từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát).

Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ–kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo.

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.

[⚁ Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn]

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.

Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.

Khi tai nghe tiếng…

mũi ngửi hương…

lưỡi nếm vị…

thân cảm xúc…

ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.

[⚂ Vị ấy thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác]

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác;

khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác;

khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác;

khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác;

khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác;

khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác;

khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

[⚃ Vị ấy từ bỏ năm triền cái]

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.

Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết–già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham.

Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận.

Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên.

Từ bỏ trạo cử, hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá.

Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

[⚄ Vị ấy chứng và trú Thiền thứ nhất]

Vị ấy sau khi từ bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

[⚄ Vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai]

Lại nữa, này Udayi, vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta

[⚄ Vị ấy chứng và trú Thiền thứ ba]

Lại nữa, này Udayi, vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

[⚄ Vị ấy chứng và trú Thiền thứ tư]

Lại nữa, này Udayi, vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

[⚅ Vị ấy thành tựu túc mạng trí]

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí.

Vị ấy nhớ nhiều đời ở quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ đến nhiều đời sống ở quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp ấy, Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

[⚅ Vị ấy thành tựu sanh tử trí]

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh.

Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy rõ sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp này, vị Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

[⚅ Vị ấy thành tựu lậu tận trí]

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, dễ sử dụng, nhu nhuyến, vững chắc, bất động như vậy, vị Tỷ–kheo hướng tâm đến lậu tận trí.

Vị ấy như thật biết:

“Ðây là Khổ”…

“Ðây là Khổ tập”…

“Ðây là Khổ diệt”…

“Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt”.

Vị ấy như thật biết:

“Ðâu là những lậu hoặc”…

“Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”…

“Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”.

“Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.

Nhờ hiểu biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.

Ðối với tự thân được giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”.

Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.

Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, các Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Ðây là những pháp, này Udayi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc những pháp này, các Tỷ–kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

“”””””””””””””””””””””

Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya

79. Tiểu kinh Sakuludayi (Thiện sanh Ưu đà di)(Cùlasakuludàyi sutta)

Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 79. Tiểu kinh Sakuludayi (Thiện sanh Ưu đà di)(Cùlasakuludàyi sutta)

“”””””””””””””””””””””

VÌ SAO XUẤT GIA GIEO DUYÊN?

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Tỳ Khưu “Dullabha”: Đạt Tới Cái Khó Đạt Tới

– Xuất gia gieo duyên để được hưởng lợi ích.

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Trong thực tế, thuật ngữ dullabha không có nghĩa là thọ giới Tỳ Khưu trong một thời gian ngắn và sau đó trở lại làm người tại gia.

Nó có nghĩa là, vị Tỳ Khưu dullabha là những người cố gắng đạt được những gì là khó khăn để đạt được.

Trong từ dullabha, ‘du’ là một từ và ‘labha’ là một từ khác; du–đó là khó khăn, labha là đạt được hoặc cố gắng để có được.

Dullabha, có nghĩa là đời sống tu sĩ khó đạt được, nhưng cố gắng đạt tới.

Dullabha – đời sống tu sĩ xuất gia là khó khăn để đạt được bởi vì người tại gia không thể đạt được hoặc không thể cố gắng và thọ trì 227 giới luật (sila sikkhapada), mà khi mở rộng sẽ trở thành hơn chín mươi nghìn triệu hoặc chín nghìn kotis.

Chỉ khi những giới luật này được thọ trì viên mãn thì mới có thể thành tựu công đức về Giới.

Đó là lý do tại sao dullabha nghĩa là đạt tới cái khó đạt tới.

(From: Ashin Kundalabhivamsa

Aggamaha Kammatthanacariya)

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Ordain as “Dullabha” Monks to Gain Benefits

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

In reality the term dullabha does not mean entering monkhood for a short duration of time and become lay again.

It means, dullabha monks are people who try to attain what is difficult to attain.

In the word dullabha, ‘du’ is one word and ‘labha’ is another word; du–that is difficult, labha–attaining or trying to get.

Dullabha, monkhood that is difficult to attain, but tries to attain is the meaning.

Dullabha monkhood is difficult to attain because laity cannot attain or try and fulfil the (227) rules of training (sila sikkhapada) which, when expanded become more than ninety thousand millions or nine thousand kotis.

Only when these numerous rules can be observed, sila merit can be obtained.

That is why dullabha means attaining what is difficult to attain.

(From: Ashin Kundalabhivamsa

Aggamaha Kammatthanacariya)

“””””””””””””””””””

– Bài viết liên quan:

Xuất gia gieo duyên, Web, FB

✅ Làm những điều tốt đẹp nhất, Web, FB

– Mọi bài viết và hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép. Like và Share và thực hành đúng đắn sẽ giúp Chánh pháp được lan tỏa rộng khắp mang lại lợi lạc cho chúng sinh sớm giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết Bàn.

– Foto: Lễ thọ giới Tỳ Khưu cho vị thanh niên người Miến tại Thiền viện Ta ma nê chô (Tharmanaykyaw), Yangon, Myanmar 20/10/2019.

Lành thay Lành thay Lành thay!

Bhikkhu ordination for Myanmar young man at Tharmanaykyaw monastery, Yangon, Myanmar 20/10/2019.

Sādhu Sādhu Sādhu!

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Xuất Gia (Nekkhamma) ba la mật.

🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀

Xuất gia, (Nekkhamma), hay xa lìa cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, là điều mà chư vị Bồ Tát hết lòng mong mỏi, vì bẩm tánh của các Ngài là ưa thích vắng vẻ, yên tĩnh.

Danh từ Nekkhamma có nghĩa là từ khước những lạc thú trần gian để chọn lấy cuộc sống của hàng tu sĩ. Nekkhamma cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua khỏi các pháp che lấp con đường Niết Bàn (Nìvarana) bằng cách thực nghiệm các tầng Thiền (Jhànas).

Trong mọi hành động, một vị Bồ Tát không bao giờ vị kỷ cũng không bao giờ dành để sở hữu nào cho riêng mình, mà luôn luôn vị tha. Bao giờ Ngài cũng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để tạo hoàn cảnh an lành cho kẻ khác.Mặc dầu đôi khi, để tiện bề giúp đỡ người nào, Bồ Tát có thể sống sung sướng và đầy đủ tiện nghi, nhưng luôn luôn các Ngài không mê đắm trong lạc thú phù du tạm bợ của trần gian.

“Ðời sống gia đình tựa hồ như sào huyệt của bao điều tranh chấp, bao nhiêu gay go, cãi vã, như nơi chứa vựa của bao thiếu thốn, bao nhu cầu, như chỗ cư trú của bao điều phiền não khổ đau, bao nhiêu sự thất bại, bao nhiêu việc trái lòng. Nhưng đời sống của người đã ly gia cắt ái thật là thong dong tự tại, thâm diệu như trời xanh.”

Nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền và thú vui vật chất không tạo hạnh phúc thật sự, Bồ Tát tự nguyện lìa bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác lấy tấm y vàng và cố gắng sống hoàn toàn trong sạch. Ngài tự nguyện giữ tròn giới luật và nỗ lực nâng cao đức hạnh đến tột độ để trở nên hoàn toàn vị tha trong mọi hoạt động. Không gì có thể lay chuyển lòng Ngài. Thanh danh, sự nghiệp, hoàn cảnh vinh hiển giàu sang chỉ là vật báu của trần gian, không thể làm cho Bồ Tát lãng quên lối sống thanh đạm của mình.

Lắm khi, như trong câu chuyện của Túc Sanh Truyện Makhàdeva Jàtaka (số 9), chỉ những sợi tóc bạc đầu tiên cũng đủ nhắc nhở Bồ Tát, làm cho Ngài từ bỏ không khí nhộn nhịp, bất tịnh, của đền đài cung điện, để sống đời vắng vẻ đơn độc và biết bao lần thuận tiện hơn cho sự tiến hóa trên đường giác ngộ. Ðôi lúc một giọt sương trên cây cỏ trong buổi bình minh hay một lá đắng cũng đủ làm cho Ngài thức tỉnh và chấp nhận cuộc đời tu sĩ ẩn dật..

Hầu như đó là một thông lệ, tuy nhiên không phải tất cả chư vị Bồ Tát đều hành pháp Xuất Gia Ba La Mật.

Túc Sanh Truyện Kusa Jàtaka (số 531) có thuật tích chuyện một vị Bồ Tát phải chịu nhiều tủi nhục vì không tự chế ngự được tình yêu một bà công chúa xinh đẹp tên Pabhàvati.

Túc Sanh Truyện Darìmukha Jàtaka (số 373) thuật rằng có vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) một hôm, gặp một vị Bồ Tát, nhận ra trước kia vị nầy là bạn mình và có lời khuyên:

“Những khoái lạc của nhục dục ngũ trần không khác nào bùn non, như hơi, như bụi. Tất cả đều tạm bợ, không bền vững, bởi nó bắt nguồn từ tham, sân, si. Nầy bạn, ta khuyên bạn hãy từ bỏ tất cả.”

Bồ–Tát liền trả lời:

“Tôi thật điên cuồng. Các thú vui của trần gian đã thấm nhuần, ăn sâu vào xương tủy. Tôi biết rằng đời sống vật chất thật vô cùng ghê tởm, thật đáng sợ, đáng tránh. Nhưng nầy hỡi con người cao quý, tôi rất thương yêu trìu mến nó và không thể từ bỏ. Tôi chỉ có thể cố gắng làm một điều là tự nguyện luôn luôn phục vụ kẻ khác.” (Jataka Stories, tập iii, trang 158)

Nếu Bồ Tát ra đời không nhằm nhiệm kỳ của một vị Phật, Ngài sẽ tự mình tìm nơi vắng vẻ để sống đời độc thân thánh thiện của hàng tu sĩ ẩn dật. Nếu sanh ra trong nhiệm kỳ của một vị Phật, Bồ Tát khép mình vào giới luật để sống đời hoàn toàn trong sạch. Một vị tỳ khưu có đời sống gương mẫu, một vị tỳ khưu lý tưởng, là một nguồn hạnh phúc cho mình và một phước lành cho kẻ khác. Mọi người đều có thể học hỏi nơi Ngài, noi theo gương lành của Ngài và thực hành những lời vàng ngọc mà Ngài dạy dỗ. Bên trong, các Ngài tự làm cho mình trong sạch. Bên ngoài, các Ngài làm cho kẻ khác trong sạch.

Một vị Bồ Tát luôn luôn tinh tấn trau giồi trí tuệ, đồng thời Ngài cũng tự thấy có bổn phận giúp đỡ những ai còn sút kém, và tạo cho họ cơ hội học hỏi để trở nên sáng suốt. Không làm phiền ai, không muốn cho ai nặng lo vì mình, các Ngài sống như loài ong, hút mật của hoa, nhưng không làm tổn thương đến đời sống của hoa. Ngài từ bỏ tất cả sự nghiệp, của cải, không giữ lấy một món chi của trần thế. Nhu cầu của một vị tỳ khưu thật là ít oi. Bao nhiêu tài sản của Ngài chỉ bao gồm vỏn vẹn trong hạnh tri túc.

Vị tỳ khưu thuần thành không thắc mắc hối hận những lỗi lầm trong quá khứ và không lo âu sợ sệt vì tương lai. Ngài chỉ sống trong hiện tại, sống ngoài những trách nhiệm và những phiền nhiễu của đời sống xã hội, gia đình. Ngài luôn luôn sẵn sàng đi bất luận nơi đâu để phục vụ chúng sanh, nhưng không hề quyến luyến một nơi nào. Trong cảnh vô thường tạm bợ của trần gian, trong cuộc thăng trầm của thế sự, Ngài luôn luôn giữ tâm bình thản và sẵn sàng hiến thân để giúp ích cho những ai cần đến. Nhưng không bao giờ ước mong được đền ơn đáp nghĩa.

Trong sạch, độc thân, tự ý sống kham khổ, nghèo nàn, đơn giản, vị tha phục vụ, và thanh tao nhã nhặn là một vài đặc tánh của vị tỳ khưu chân chánh.

Ngày nay, khi dùng danh từ bhikkhu, người ta hàm ý là những tu sĩ Phật Giáo. Tu sĩ các tôn giáo khác được gọi là Paribbàjaka, Ajìvaka, Sanyàsin v.v… Giới luật của hàng xuất gia trong Giáo Hội Tăng Già không cho phép thầy tỳ khưu [3] xin bất luận gì nơi người khác. Nếu có người dâng, thầy chỉ được nhận bốn món vật dụng thông thường là y, thức ăn, chỗ ở và thuốc men. Khi cần dùng một trong bốn món “vật dụng” ấy mà không có ai dâng đến mình, thầy tỳ khưu chỉ được phép hỏi cha mẹ, những bà con thân thuộc, hoặc những thí chủ nào đã có hứa trước và đã có yêu cầu Ngài cho biết khi cần đến.

Thầy tỳ khưu không bắt buộc phải giữ trọn đời lời nguyện xuất gia. Giới tử tự ý xin khép mình vào giới luật để sống trong sạch đời sống thánh thiện của người tu sĩ, cho đến ngày muốn huờn tục, cũng tự ý bước chân ra khỏi Giáo Hội Tăng Già. Nhưng ngày nào còn khoác lên mình bộ y vàng, tượng trưng chư vị A La Hán là bậc đáng tôn kính (ứng Cúng), thì chư vị tỳ khưu có bổn phận phải giữ tròn giới hạnh. Ngày nào cảm thấy mình không còn đủ nghị lực để sống đời cao thượng, vị tỳ khưu có thể huờn tục bất luận lúc nào mà vẫn không làm hoen ố cửa thiền.

Ðể sống hoàn toàn trong sạch và vị tha, để kiểm soát và giữ tâm luôn luôn thanh tịnh, để thấy rõ chân tướng của sự vật, để có những tư tưởng đúng đắn và sâu rộng, để phát triển thể cách và phẩm giá cao thượng của con người, để hoàn toàn có thể xác nhận chân giá trị của tinh thần cao thượng, không còn lối sống nào thích hợp hơn, không còn lối sống nào đem lại nhiều phương tiện và nhiều cơ hội thuận lợi hơn là đời sống tỳ khưu.

Vị tỳ khưu có thể sống trầm lặng ở một nơi vắng vẻ, tịch mịch, yên tĩnh, hoặc tích cực hoạt động trong xã hội. Lối sống cô độc, trầm lặng, rất thích hợp với lý tưởng của vị tỳ khưu. Y vàng tượng trưng cho trạng thái thánh thiện và khiêm tốn. Khi vị tỳ khưu khoác lên thân mình bộ y vàng, Ngài đã nhắm lấy mục tiêu cuối cùng là tận diệt ái dục để chứng đạt Ðạo Quả Niết Bàn.

Cũng nên ghi chú rằng đời sống tỳ khưu hay nói cách khác, sự từ bỏ những thú vui và những khát vọng của đời sống trần tục chỉ là một phương tiện hữu hiệu để thành đạt mục tiêu. Sự xuất gia, tự nó, không phải là cứu cánh.

“Mười Pháp Ba–La–Mật” – Đại Trưởng Lão Narada, Budsas.Net

Bài viết liên quan

  • Mục đích tối hậu của xuất gia là gì, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Đôi lời nhắn nhủ tới những vị sắp xuất gia theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Web, FB
  • Vì sao xuất gia, Web, FB
  • Đức Phật đã có suy nghĩ gì trước khi xuất gia?, Web, FB
  • Phó thác sinh mạng như thế nào, Web, FB
  • Ai là bhikkhu – tỳ khưu, Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 1/4 – thầy tế độ), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 2/4 – xét hỏi sa di), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 3/4 – tuyên ngôn & thành sự ngôn), Web, FB
  • Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 4/4 – bốn pháp nương nhờ & bốn pháp không nên hành), Web, FB
  • Phân biệt tỳ khưu “thật” và “không thật” dựa vào đâu, Web, FB
  • Xuất gia gieo duyên, Web, FB
  • Đạt tới cái khó đạt tới, Web, FB
  • Mười pháp mà bậc xuất gia phải quán tưởng thường xuyên, Web, FB
  • Như thế nào là tỳ khưu giới hạnh đầy đủ, Web, FB
  • Thế nào là bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những người xuất gia, Web, FB
  • Bổn phận cư sĩ tại gia là gì? Bổn phận tu sĩ xuất gia là gì?, Web, FB
  • Phận sự của Tỳ Khưu là gì? , Web, FB
  • Thế sự, Web, FB
  • Phàm tăng và thánh tăng, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 25 tháng 10, 2019