Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi tức lương tâm – chỗ tựa lưng trên cỗ xe dẫn đến Niết bàn

[lwptoc]

HỔ THẸN VÀ GHÊ SỢ TỘI LỖI TỨC LƯƠNG TÂM – CHỖ TỰA LƯNG TRÊN CỖ XE DẪN ĐẾN NIẾT BÀN

 

“Này vị trời, hãy đi thẳng trên con đường mà ngươi đã bước. Con đường này sẽ dẫn ngươi đến chỗ an toàn, thoát khỏi mọi sợ hãi. Ðó là mục tiêu của ngươi. Ngươi sẽ ngồi trên một chiếc xe hoàn toàn yên tịnh. Hai bánh xe là Tinh tấn thể chất và Tinh tấn tinh thần. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là chỗ tựa lưng. Chánh Niệm là vỏ xe bọc sắt. Chánh Kiến là người đánh xe. Bất kỳ người nào, nam hay nữ, có được chiếc xe như vậy và khéo điều khiển chắc chắn sẽ đến Niết Bàn”.

––––––––––––––––––––––––––––––

🍀 Lương Tâm: Chỗ Tựa Lưng

Phần thứ hai của chiếc xe được Ðức Phật mô tả là chỗ tựa lưng. Chỗ tựa lưng ở đây ám chỉ lương tâm hay sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Ngày xưa xe có chỗ tựa lưng.

Nếu không có chỗ tựa lưng, người đánh xe hay hành khách sẽ bị rơi khỏi xe hay ngã về đằng trước khi xe bất thần dừng lại. Chỗ tựa lưng có thể là một bộ phận rất đắt tiền. Hành khách tựa lưng vào ghế ngồi thoải mái như người ngồi trên chiếc ghế bành và để xe đưa tới nơi mình muốn. Trường hợp của chúng ta, chỗ đến là Niết Bàn.

🍀 Hổ Thẹn và Ghê Sợ Chánh Ðáng

Ðể hiểu rõ công năng của “chỗ tựa lưng” của chiếc xe minh sát, chúng ta phải hiểu thế nào là lương tâm. ở đây Ðức Phật chỉ dùng chữ hiri (hổ thẹn tội lỗi), nhưng ottappa (ghê sợ tội lỗi) thường đi kèm với hiri. Bởi vậy ta sẽ đề cập đến cả hai danh từ này mặc dầu trong kinh chỉ nói có một mà thôi.

Nhưng hai chữ hổ thẹn và ghê sợ có nghĩa tiêu cực. Bởi vậy nên dùng chữ lương tâm đạo đức để có một nghĩa chính xác hơn.

Hổ thẹn và ghê sợ ở đây không liên quan gì đến sự sân hận thông thường. Hổ thẹn tội lỗi không phát xuất từ sự từ bỏ đối tượng như bản chất của sân hận. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi ở đây là một thiện tâm. Hổ thẹn và ghê sợ các điều bất thiện. Hai đặc tính này phối hợp tạo nên lương tâm, sự chính trực, chân thành. Người có tâm chính trực, chân thật thì không phải hổ thẹn và ghê sợ về đức hạnh của mình.

Hổ thẹn là chán ngấy hay ghê tởm phiền não. Khi cố gắng Chánh Niệm, bạn thấy có những khoảng hở. Từ đó, phiền não có thể xen vào và biến bạn thành nạn nhân của chúng. Bạn cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình không thể kiểm soát được lục căn.

Ghê sợ là sợ hậu quả của những điều bất thiện, chẳng hạn sợ rằng trong khi hành thiền, nếu tâm bạn bị tràn ngập bởi các tư tưởng bất thiện thì bạn sẽ chậm tiến bộ. Sợ rằng nếu bạn làm những hành vi bất thiện dưới ảnh hưởng của phiền não, bạn sẽ nhận chịu đau khổ. Các điều sợ hãi trên giúp bạn cẩn thận đề phòng, luôn luôn cảnh giác không để cho phiền não đợi chờ cơ hội nhảy vào. Nhờ thế, trong lúc ngồi thiền, bạn sẽ nỗ lực Chánh Niệm khắng khít với đề mục chính.

Hổ thẹn liên quan trực tiếp đến giới hạnh và sự chân chính thành thật của chính bạn. Trong khi đó, ghê sợ liên quan đến giới hạnh của mình và thanh danh của gia đình, thầy tổ, thân quyến, bằng hữu, v.v…

Hổ thẹn thể hiện dưới nhiều cách. Một người sinh trưởng trong gia đình gia giáo thì gặp hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, cha mẹ cũng cố gắng cho họ học hành để trở thành người hữu dụng sau này. Người được sanh trưởng và giáo dục trong gia đình như thế, trước khi làm một hành động ác, như giết người chẳng hạn, họ sẽ tự vấn nhiều lần: “Cha mẹ dạy là hãy sống trong tình thương và đối xử tốt với mọi người. Ta phải tự trọng, không để mất thanh danh vì những tư tưởng và cảm giác xấu xa, tệ hại như vậy. Ta có nên giết người vì một phút yếu lòng và thiếu từ tâm như thế chăng? Ta đành hy sinh đức hạnh của ta chăng?” Nếu có thể phản tỉnh bằng cách này và quyết định tránh xa sự giết hại thì ta đã có đức hổ thẹn.

Ðức hạnh của sự hiểu biết hay học thức cũng có thể giúp ta tránh xa các hành động bất thiện. Một người có học thức, có văn hoá cao, sẽ có một căn bản luân lý, đức hạnh cao; đó là luân lý, đức hạnh của người có học, người hiểu biết. Khi có ý định làm một hành vi bất thiện, người có học thức, hiểu biết sẽ biết xem xét, thẩm định những gì đang ẩn tàng bên trong họ và có thể dừng tay.

Cũng có thể nhờ tuổi tác cao mà có đức hổ thẹn. Khi trọng tuổi, ta có phẩm hạnh cao. Ðiều này do ở sự tự tỉnh tự nhiên của mình: “Ta là một người đứng tuổi, con cháu đầy đàn, ta đã biết đâu là trái, đâu là phải. Ta không nên làm những điều không thích đáng như vậy. Ta phải tôn trọng phẩm hạnh của chính mình”.

Sự hổ thẹn cũng phát sinh nhờ lòng dũng cảm, xác tín. Ta có thể tự suy nghĩ, phản tỉnh rằng: “Hành động thiếu đạo đức là hành động của những kẻ vô lại, ươn hèn, những người sống không nguyên tắc.” Một người có tâm dũng cảm và cương nghị sẽ sống theo nguyên tắc, chân chính, thành thật. Không chuyện gì, không áp lực nào có thể khiến họ đánh mất tư cách, phẩm hạnh của mình.

Ghê sợ tội lỗi là một khía cạnh khác của lương tâm. Do nghĩ đến uy tín, danh dự của cha mẹ, họ hàng, gia đình, bạn bè mà một người không dám làm điều bất thiện. Họ nghĩ rằng khi làm điều bất thiện là đã phản bội và làm tổn thương đến các người thân yêu của mình.

Bạn không thể nào dấu diếm được những hành vi bất thiện mình đã làm. Vì làm sao dấu diếm được chính bạn! Có những kẻ có thể đọc được tâm người khác, họ có thể nghe hay thấy chuyện người khác làm. Nếu ý thức được điều này, bạn sẽ do dự khi làm một hành vi bất thiện dầu bạn nghĩ rằng hành vi này kín đáo đến đâu.

Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình. Nhờ có hai đức tánh này mà cha mẹ, con cái, anh chị em, có thể sống đời sống trong sạch an vui. Nếu không có hai đức tánh này thì sẽ không có hành vi đạo đức và những người trong gia đình sẽ đối xử với nhau như chó với mèo.

Thế giới ngày nay gặp nhiều tai họa vì con người đã thiếu mất hai đức tánh hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, hai yếu tố của lương tâm. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi này được gọi là “những người hộ trì thế giới”. Hãy tưởng tượng xem, nếu mọi người trên mặt đất này đều có hai đức tính hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, thì thế giới này sẽ êm đẹp biết bao.

Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi còn được gọi là tinh pháp (Sukka dhamma), pháp thanh tịnh, pháp trong sạch bởi vì chúng là những pháp thiết yếu để duy trì sự trong sạch, thanh tịnh của chúng sinh trên hành tinh này. Sukka dhamma có nghĩa là màu trắng, tượng trưng cho sự thanh tịnh, thanh khiết. Pháp ngược lại là không hổ thẹn và không ghê sợ tội lỗi, là pháp đen, kanha dhamma. Màu đen thì hấp thụ nhiệt, màu trắng phản xạ nhiệt. Pháp đen là pháp có đặc tính thu hút nhiều phiền não. Khi chúng hiện diện thì tâm bạn sẽ chìm đắm trong phiền não, trong khi pháp trắng hiện diện thì phiền não sẽ bị dội ngược.

Kinh điển có đưa ra thí dụ về hai hòn sắt. Một hòn bị trét đầy phân. Một hòn bị nung nóng đỏ. Một người từ chối hòn sắt thứ nhất vì sợ bẩn tay và không dám sờ vào hòn sắt thứ hai vì sợ phỏng tay. Không sờ vào hòn sắt bẩn cũng giống như tâm hổ thẹn tội lỗi. Người biết hổ thẹn khi làm điều xấu nhờ họ biết so sánh những điều xấu đó với điều tốt. Người không sờ tay vào hòn sắt nóng cũng như tâm ghê sợ tội lỗi. Người ghê sợ tội lỗi vì sợ phải gặp quả xấu do những hành động bất thiện của mình. Họ sợ phải sa vào khổ cảnh. Như vậy, người tránh xa mười bất thiện pháp cũng như người không dám sờ vào hai hòn sắt trên.

🍀 Những sự Hổ Thẹn và Ghê Sợ Vô ích

Có nhiều sự hổ thẹn và ghê sợ thật ra chẳng có ích tí nào. Tôi gọi đó là sự hổ thẹn và ghê sợ “không chính đáng.” Chẳng hạn như bối rối hay mắc cỡ khi phải giữ năm giới. Mắc cỡ và sợ nghe giáo pháp. Mắc cỡ và e ngại khi đảnh lễ các bậc trưởng thượng. Nhiều người mắc cỡ và sợ hãi khi phải nói to hay đứng trước công chúng. Nhiều người sợ hãi những dư luận không tốt về mình, nhất là khi những dư luận nói về những hành động xấu xa của mình. Ðó là sự hổ thẹn không chính đáng.

Trong cuộc sống có những điều không nên mắc cỡ hay sợ hãi. Ðây là những điều lợi ích thực tiễn và thuộc về thế tục, không có trong kinh điển. Chẳng hạn như: Không mắc cỡ khi phải làm việc hay kiếm sống, vì nếu mắc cỡ như vậy thì lấy gì để mà ăn? Không mắc cỡ khi phải đến học hỏi với thầy về buôn bán hay về một nghề chuyên môn nào đó. Nếu mắc cỡ như vậy thì làm sao có kiến thức? Không mắc cỡ khi phải ăn, bởi vì nếu không ăn thì phải chết đói. Không sợ hãi khi phải gặp một nhân vật quan trọng khi điều đó cần thiết. Do những sợ hãi không chánh đáng mà nhiều việc không thành.

Nhiều người nhà quê rất sợ hãi khi phải đi xe lửa, xe buýt, qua phà. ở đây tôi muốn nói đến những người thật sự chưa từng thấy và xử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những người đơn giản mộc mạc này họ cũng mắc cỡ khi dùng nhà vệ sinh công cộng. Những sự e dè mắc cỡ hay sợ hãi đó chẳng lợi ích gì. Có những người sợ cả chó, mèo, thằn lằn, gián, chuột hay sợ nơi lạ nước lạ cái. Nhiều người lại sợ người khác phái, nhiều người sợ cha mẹ, sợ thầy giáo, nên đứng trước mặt cha mẹ hoặc thầy giáo, họ ấp a ấp úng nói không nên lời, ngay cả đi đứng cũng trở nên mất tự nhiên. Nhiều thiền sinh sợ phải trình pháp với Thiền Sư nên họ cứ đứng lấp la lấp ló ngoài cửa như đợi vào phòng nha sĩ.

Tất cả những sự sợ hãi trên không phải là hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi liên quan đến thiện pháp. Người hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi sợ những nghiệp xấu do phiền não đem lại. Khi phiền não hiện diện thì những hành động bất thiện dễ phát sinh.

Suy nghĩ đến hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là một điều tốt đẹp. Hai yếu tố này càng mạnh bao nhiêu thì thiền sinh càng tinh tấn Chánh Niệm bấy nhiêu. Một thiền sinh sợ sự liên tục Chánh Niệm của mình bị gián đoạn thì sẽ luôn luôn nỗ lực cố gắng trau dồi Chánh Niệm giác tỉnh.

Bởi thế, Ðức Phật đã nói với vị trời mới của chúng ta: “Chiếc xe Bát Chánh Ðạo có chỗ tựa lưng là hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.” Nếu có được chỗ tựa lưng hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi này thì chúng ta sẽ có được một nơi để nương tựa, để dựa lưng và ngồi một cách thoải mái trên suốt hành trình đi đến an lạc Niết Bàn.

Giống như người lái xe đời nay, nếu không thận trọng thì cũng xảy ra những nguy hiểm. Cũng vậy, thiền sinh đi trên chiếc xe Bát Chánh Ðạo, nếu thiếu Chánh Niệm thì nguy hiểm cũng chờ chực hai bên đường. Mối nguy hiểm đó cũng là phiền não đang nằm hai bên chánh đạo. Nếu bạn lơ đễnh, lạc tay lái thì bạn sẽ gặp chúng ngay.

Cầu mong cho các bạn có thật nhiều hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi để có đủ tinh tấn trong việc hành thiền. Cầu mong các bạn tiến bước một cách êm đềm và nhanh chóng trên Bát Chánh Ðạo cho đến khi giác ngộ Niết Bàn.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Ngay Trong Kiếp Sống Này – Thiền sư U Pandita

 

TÌM HIỂU VỀ TÂM SỞ TÀM (HIRICETASIKA)

22– Hỏi: Thế nào là hiricetasika (tâm sở Tàm)?

Đáp: Bộ Pháp Tụ có giải thích hiri (tàm) như sau:

“Katamaṃ tasmiṃ samaye hiri hoti?

– Thế nào là tàm(hiri) trong khi ấy?

“Yaṃ tasmiṃ samaye hirīyati hiriyitabbena hirīyatipāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā–idaṃ tasmiṃ samaye hiribalaṃ hoti”.

“Trong khi ấy, sự làm hổ thẹn với điều đáng hổ thẹn, hổ thẹn với việc phạm vào các ác bất thiện pháp. Đây là tàm trong khi ấy” [1].

Theo ước định, hiri thường được dịch là “xấu hổ tội lỗi, hổ thẹn tội lỗi”.

Xét khía cạnh nào đó thì “xấu hổ, mắc cở, hổ thẹn” chưa mô tả đúng thực trạng của hiri, vì trạng thái “mắc cờ, xấu hổ” cho thấy tâm có trạng thái bất an, bất an là trạng thái của tâm bất thiện. Trong khi tàm là tâm sở tịnh hảo, là thiện.

Ngoài ra có thể có hiểu lầm là “đã phạm tội rồi nên xấu hổ” hoặc “đã có hành động bất xứng nên mắc cở”… như người đi vào nơi hội họp của các bậc đứng đắn, trên người lại dính phẩn, có mùi hôi thối nên cảm thấy hổ thẹn, hoặc đã làm một tội lỗi nào đó nên có trạng thái mắc cở khi nhìn thấy người khác.

Tàm (hiri) là “sự e ngại, e dè, dè dặt đối với tội lỗi”. Ví như người e ngại phẩn nên không chạm vào phẩn, và như thế tâm hân hoan, là tâm thiện

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

“Kāyaduccaritādihi hiriyantīti hiri: E ngại với thân ác hành gọi là tàm (hiri)” [2]

Ngoài ra:

“Lajjāyetaṃ adhivacanaṃ hiri: Cách lựa chọn e ngại (lajjā) (đối với tội lỗi), gọi là tàm (sđd).

Ngoài ra, tàm có thể mang nhiều nghĩa như “lương tâm”, “khiêm tốn”. Pāli có giải thích: “Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko:

“Không xấu hổ, không có lương tâm, gọi là “không e ngại (tội lỗi) (vô tàm)”.

Có nơi dịch hiri là “khiêm tốn” vì có tính cách “dè dặt” trước lời tự khen hay chê trách người. Như Phật ngôn:

“Puna caparaṃ, bhikkhave, sappurisaso yo hoti attano vaṇṇo taṃ puṭṭhopi na pātu karoti, ko pana vādo apuṭṭhassa.

“Lại nữa, này các Tỳkhưu, bậc chân nhân dầu có hỏi vẫn không nói lên lời “tán thán mình (attano vaṇṇa)”, còn nói gì nếu không được hỏi.

“Puṭṭho kho pana pañhābhinīto hāpetvā lambitvā aparipūraṃ avitthārena attano vaṇṇaṃ bhāsitā hoti.

Nếu được hỏi và phải trả lời, (vị ấy) dè dặt, ngập ngừng, vị ấy nói lên lời tán thán mình không đầy đủ, không toàn bộ ” [3].

“E ngại tội lỗi” của tâm sở Tàm giống như người né tránh từ xa, có thể minh họa ý nghĩa này như sau: Người thấy phẩn, chẳng những không chạm vào cũng không muốn đến gần vì e ngại mùi hôi thối.

Lại nữa, tâm sở tàm là cách “không thực hành thân hoặc ngữ khiến người khác mất tin tưởng”, cho dù hành động hay lời nói ấy không rơi vào tội lỗi.

Đức Phật có dạy:

“Pañcahi bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu ussaṅkitaparisaṅkito hoti pāpabhikkhūti api akuppadhammopi. Katamehi pañcahi?

“Thành tựu năm pháp, này các tỳkhưu, tỳkhưu bị mất tin tưởng (ussaṅkita) và bị nghi ngờ (parisaṅkito) là “ác tỳkhưu” dầu cho vị ấy đạt được bất động (akuppa) [4]. Thế nào là năm?

Idha, bhikkhave, bhikkhu vesiyāgocaro vā hoti, vidhavāgocaro vā hoti, thullakumārikāgocaro vā hoti, paṇḍakagocaro vā hoti, bhikkhunīgocaro vā hoti.

“Ở đây, này các tỳkhưu, tỳkhưu đi đến chỗ dâm nữ (vesiyagocaro), đi đến nhà đàn bà góa (vidhavāgocaro), đi đến nhà có cô gái già (thullakumārīgocaro), đi đến nhà các hoạn quan (paṇḍakagocaro), đi đến tỳkhưu ni” [5].

Rõ ràng, cho dù là bậc Alahán mà đi đến năm chỗ như trên, dễ bị nghi ngờ, dễ bị mất tin tưởng nơi vị ấy.

23– Hỏi: Thế nào là “hổ thẹn (hiri) với điều đáng hổ thẹn (hirīyati hiriyitabbena)”?.

Đáp: Ngài Buddhaghosa có giải thích “điều đáng hổ thẹn – hiriyitabbena”, như sau:

“Hiriyitabbenāti upayogatthe karaṇavacanaṃ. Hiriyitabbayuttakaṃ kāyaduccaritādidhammaṃ hiriyati jigucchatīti attho.

“Điều đáng hổ thẹn” hàm ý “có liên hệ đến lời nói, việc làm”. Nó có ý nghĩa “xa lánh (jigucchati), e ngại (hiriyati)” thân ác hạnh cùng những pháp bất thiện khác” [6].

Điều đáng hổ thẹn có hai là: Điều tội lỗi và điều không phải là tội lỗi.

Tội lỗi là điều đáng hổ thẹn việc này đã rõ ràng.

Tuy không phải là điều tội lỗi nhưng cũng cần phải gìn giữ vì e ngại bị chỉ trích, như vị tỳkhưu không nên đi đến 5 chỗ ở trên là điển hình.

Hoặc trong Tạng Luật, điều học Ưng đối trị (pācittiya) thứ 44–45, do Ngài Upananda ngồi nơi kín đáo với nữ nhân [7], dù rằng Ngài Upananda chưa phạm lỗi.

Và nhân đó Đức Thế Tôn đã chế định học giới: “Vị tỳkhưu ngồi một một với nữ nhân nơi kín đáo, phạm Ưng đối trị”.

Hoặc điều học 53. Nhóm Tỳkhưu Thập thất sư [8] đã đùa nghịch trong nước, và vua Pasenadi không hoan hỷ.

Nhân đó, Đức Thế Tôn đã chế định học giới: “Vị tỳkhưu nào chơi giỡn trong nước phạm Ưng đối trị” (sđd, tr.557). Pācittiya (ưng–đối– trị) nghĩa là “làm hư hoại thiện pháp”.

Qua đó, cho chúng ta thấy rằng “mặc dù chưa phải là những tội lỗi nghiêm trọng, nhưng khi thực hành sẽ bị chê trách, làm cho người khác mất niềm tin, đồng thời thiện pháp sẽ không có. Nên một số học giới Ưng đối trị được Đức Thế Tôn chế định cho chư tỳkhưu, nhằm mục đích: “Mang lại niềm tin cho những người chưa có niềm tin, làm tăng trưởng niềm tin cho những ai có niềm tin”, đồng thời giúp chư tỳkhưu an trú niệm được vững mạnh”.

Đức Thế Tôn có dạy cho một thiên nhân rằng:

“Yuko nāma maggo; abhayā nāmasādisā

Rattho akūjano nāma; dhamma cakkehi saṃyuto

Hirī tassa apālampo; satyassa parivāraṇaṃ…

Đường ấy tên chơn trực; phương ấy danh vô quý [9]

Cổ xe gọi vô thanh [10] ; với pháp luân khéo ráp

Tàm (hirī) là dàn xe dựng [11] ; niệm là trướng màn xe… [12].

Bản Sớ giải có giải thích ” cổ xe và con đường chính là bát chánh đạo”, qua đó chúng ta thấy rằng: ” Trong bát chánh đạo, ngầm nói đến tàm, vì “tàm và quý” là nhân cần thiết để sinh khởi giới”.

Sách Visuddhimagga có ghi nhận:

“… ottappañca hirī ceva, padaṭṭhānanti”.

“… chính tàm và quý là nhân gần (của giới)” [13].

Tàm được Đức Thế Tôn ví như dàn xe, dàn xe là nơi mà các chiến binh đứng vững và không bị rơi xuống, đồng thời ngăn chận được nghịch quân. Cũng vậy, tàm ngăn ngừa các tội lỗi, giúp tâm vững vàng trong “sự trong sạch (soceyya)”.

24– Hỏi: Điều kiện (paccaya) nào giúp cho tâm sở tàm vững mạnh.

Đáp: Sách Atthasālinī (Sớ giải bộ Pháp Tụ) có giải thích: Sự e ngại trước tội lỗi được vững mạnh do: Dòng dõi, tuổi tác, địa vị, học tập.

– Do dòng dõi. Là do nghĩ đến dòng dõi (thuộc danh gia vọng tộc) nên có sự e ngại trước tội lỗi, vì nghĩ rằng: “Nếu ta hành động như thế này, dòng dõi danh giá của ta sẽ bị chê trách”.

– Do tuổi tác. Khi một người đạt đến tuổi trưởng thành, sẽ không muốn hành động như trẻ thơ, vì e ngại người khác chê cười.

– Do nghị lực. Người có nhiều nghị lực, đứng trước tội lỗi sẽ suy nghĩ: “Ta không nên yếu đuối mà phạm phải lỗi lầm. Khi có lỗi lầm sẽ bị người trí khiển trách là kẻ yếu đuối…”.

Bài kinh “năm hạng chiến sĩ” [14] nói lên ý nghĩa “có nghị lực” này.

Đức Phật mô tả vị tỳ khưu có nghị lực chống lại sự cám dỗ của nữ nhân, đi đến nơi an toàn, tinh cần tu tập diệt trừ được tham, sân, si.

Vị ấy được ví như hạng chiến sĩ thứ năm, là hạng chiến sĩ “chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được các tiếng la hét, không bị thương khi xáp chiến và thắng trận”.

* –”Chịu đựng được bụi mù”. Là vị tỳkhưu khi nghe nói: “Tại làng kia hay thị trấn kia, có cô gái xinh đẹp”, tâm không dao động để trở lui lại đời sống thế tục.

Có một số tỳkhưu khi nghe người nhà mô tả một cô gái xinh đẹp, và hứa hẹn “nếu vị ấy hoàn tục sẽ cưới cố gái ấy làm vợ của vị ấy”, nên đã hoàn tục.

Hạng tỳkhưu này, Đức Thế Tôn ví như hạng chiến sĩ “không chịu đựng được bụi mù”, khi thấy bụi mù từ xa đã run sợ bỏ chạy, không dám chiến đấu. Cũng vậy, phiền não dục mới vừa dấy lên, vị tỳkhưu ấy đã hoàn tục.

*– “Chịu đựng được cờ xí dựng lên”. Là vị tỳkhưu thấy cô gái xinh đẹp, khả ái, tâm không dao động để trở về đời sống thế tục. Nếu như thấy cô gái xinh đẹp mà hoàn tục, Đức Thế Tôn ví tỳkhưu ấy như hạng chiến sĩ “chịu đựng được bụi mù, nhưng không thể chịu đựng được cờ xí dựng lên”.

*– “Chịu đựng được tiếng la hét”. Có những nữ nhân đi đến vị tỳkhưu cười chế nhạo (để tỳkhưu hổ thẹn phải hoàn tục), hoặc cười cợt nhả, mơn trớn (để quyến rủ vị tỳkhưu phạm giới). Vị tỳkhưu tâm vẫn không dao động.

Nếu vị tỳkhưu không chịu đựng được, phải hoàn tục, Đức Thế Tôn ví vị tỳ khưu ấy là hạng chiến sĩ “chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng không chịu đựng được tiếng la hét”.

*– “Không bị thương khi xáp chiến”. Là vị tỳkhưu được nữ nhân nằm bên cạnh vuốt ve mơn trớn, vị ấy gỡ mình thoát ra, đi đến ngôi rừng, gốc cây… Nếu vị ấy không chịu đựng được, rơi vào dâm pháp. Đức Thế Tôn ví vị tỳkhưu ấy là hạng chiến sĩ “chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng khi xáp chiến thì bị thương nặng mà chết”.

* “Thắng trận”. Là vị tỳkhưu thành tựu thánh quả, nhất là quả vị Alahán.

– Do địa vị. Khi thành đạt địa vị cao, người này suy nghĩ đến địa vị của mình, nên không hành động hay nói thô tháo vì e ngại người chê cười.

Như vị giáo sư đứng đắn cảm thấy không nên nói thô tục…

Ghosaka (Lôi Âm) khi chưa được Đức vua phong cho vị trưởng giả, Ghosaka khi đi vào yết kiến Đức vua, ông nhảy qua vũng nước.

Khi được phong địa vị trưởng giả, Ghosaka trở ra, Ngài lại đi vòng qua vũng nước. Đức vua Bimbisāra (Bìnhsa) hỏi trưởng giảGhosaka:

– Vì sao khi nảy ngươi nhảy qua vũng nước, mà bây giờ ngươi đi vòng qua vũng nước?

– Thưa Đại vương, khi trước tôi chưa được phong địa vị trưởng giả, nên tôi nhảy qua vũng nước. Nay tôi được đại vương phong địa vị trưởng giả, nên tôi phải đi vòng không thể nhảy nhót như trước [15].

– Do được học tập. Một người nhờ học hỏi, có sự hiểu biết, nên không hành động hoặc nói thô tháo như những người không có học thức…

Hoặc nhờ học hỏi Pháp –Luật của Đức Phật nên phân biệt đâu là tội lỗi, đâu là phước báu; đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm… nên đối với tội lỗi có sự e dè không dám phạm đến.

“Yo hi koci, bhikkhave, bhikkhu vā bhikkhunī vā sikkhaṃ paccakkhāya hīnāyāvattati, tassa diṭṭhena dhamme pañca sahadhammikā vādānupātā gārayhā ṭhānā āgacchanti. Katame pañca?

“Này các tỳkhưu, tỳkhưu hay tỳkhưu ni nào từ bỏ học pháp, thực hành pháp hạ liệt (hīnāvattati) [16], trong hiện tại kẻ ấy phải chịu đựng đúng pháp năm pháp chỉ trích, khiển trách đang đi đến. Thế nào là năm?

Saddhāpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

– Niềm tin của ngươi không có hiệu quả (nāhosi) trong thiện pháp.

Hirīpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

– E ngại tội lỗi của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Ottappampi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

– Ghê sợ tội lỗi của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Viriyampi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

– Tinh tấn của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Paññāpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

–Trí tuệ của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp [17].

Và như vậy, tàm được đặt trên “nền tảng hổ thẹn” đối với tội lỗi.

*

TÌM HIỂU VỀ TÂM SỞ QUÝ (OTTAPPACETASIKA).

25– Hỏi: Thế nào là tâm sở quý [18] (ottappa cetasika)?

Đáp: Ottappa = ava + căn tappa; tiếp đầu ngữ ava nghĩa là “xuống, dưới”, căn tappa là ray rứt, dày vò, khó chịu.

Theo nghĩa nguyên ngữ thì ottappa là “sự khó chịu ở dưới” hay “sự khó chịu lui xuống”.

Nếu hiri đặt trên nền tảng e ngại trước tội lỗi, thì ottappa đặt trên nền tảng “thấy nguy hại của tội lỗi”.

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgini) có giải thích:

“Katamaṃ tasmiṃ samaye ottappa hoti?

Thế nào là quý (ottappa) trong khi ấy?

Yaṃ tasmiṃ samaye ottappati ottappitabbena ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ smāpattiyā. Idaṃ tasmiṃ samaye ottappa hoti.

Trong khi ấy, sự mà sợ hãi với điều đáng sợ hãi, sợ hãi với việc phạm vào các ác bất thiện pháp. Đây là quý trong khi ấy” [19].

Sách Thanh Tịnh đạo có giải thích:

Kāyaduccaritādīhi ottappatīti ottappaṃ:

“Thấy nguy hại với thân ác hành, gọi là quý (ottapa)” [20]. Hay:

“Pāpato ubbegassetaṃ adhivacanaṃ = otappa:

“Sự chọn lựa cách khiếp đảm đối với ác hành, gọi là quý”. (sđd).

Thông thường ottappa được dịch là “ghê sợ tội lỗi”.

Ghê sợ ở đây không mang ý nghĩa “kinh hoàng hay khiếp đảm”, vì loại ghê sợ này là trạng thái tâm sân.

Như người run sợ trước cảnh âm u ghê rợn, hoặc khiếp đảm trước kẻ cướp, trước nghịch quân…

Ghê sợ ở đây mang ý nghĩa “nếu chạm vào sẽ có tai hại”.

Như người nhìn thấy thanh sắt nóng đỏ không muốn đưa tay chạm vào vì biết rằng “sẽ có tai hại”.

Tức là “ottappa” có nghĩa là “do suy nghĩ “nếu chạm vào tội lỗi sẽ có hậu quả tai hại” nên cảm thấy kinh sợ hậu quả ấy”.

Nói cách khác: “Hậu quả của hành động, lời nói ác–bất thiện là duyên trợ sinh cho sinh ottappa”.

Kinh văn có mô tả như sau:

“Idha bhikkhave, bhikkhu sīlavā hoti, pātimokkhasaṃvarasaṃvuto viharati ācāragocarasampanno aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī, samādāya sikkhati sikkhāpadesu.

Evaṃ kho, bhikkhave, bhikkhu vaṇṇasampanno hoti.

Ở đây, này các tỳkhưu, vị tỳkhưu gìn giữ giới luật, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

Như vậy, này các tỳkhưu, là tỳkhưu đầy đủ sắc đẹp” [21].

“Thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt”. Nên hiểu là “vị tỳkhưu thấy nguy hại trong những lỗi nhỏ nhặt, nếu khinh thường chúng”, ví như khinh thường đóm lửa nhỏ, nó có thể thiêu hủy cả cánh rừng.

Như vậy “thấy sợ hãi” ở đây là “sợ hãi ác quả trong tương lai”.

Đức Phật có dạy vua Pasenadi (Batưnặc), có bốn điều không nên khinh thường là:

“Khattiyo kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

“Này Đại vương, vị Sátđếlỵ trẻ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là trẻ tuổi”.

“Urago kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

“Này Đại vương, con rắn nhỏ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là nhỏ”.

“Aggi kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

“Này Đại vương, ngọn lửa nhỏ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là nhỏ”.

“Bhikkhu, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

“Này Đại vương, vị tỳkhưu trẻ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là trẻ tuổi” [22].

Lại nữa, ottappa nên hiểu là “thấy nguy hại của tội lỗi trong hiện tại lẫn tương lai”, như Phật ngôn:

“Tasmātiha, bhikkhave, evaṃ sikkhitabbaṃ “diṭṭhadammikassa vajjassa bhāyissāma, samparāyikassa vajjassa bhāyissāma”…

“Do vậy, này các Tỳkhưu, cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại; chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau” [23]…

Chính vì thấy nguy hại của tội lỗi nên có “sự ghê sợ tội lỗi” và sự ghê sợ này không mang tính bất thiện, trái lại mang tính thiện.

Như người thấy ” sợ cái khổ của bịnh” người này phòng ngừa bịnh, thân cảm thấy an lạc.

26– Hỏi: Thế nào là thấy “nguy hại (ottappa) trong điều đáng nguy hại (ottappati ottappitabbena) “?.

Đáp: Ngài Buddhaghosa có giải thích ottappitabhena (điều đáng nguy hại) như sau [24]:

“Ottappitabhenāti hetvatthe karaṇavacanaṃ:

“Điều đáng nguy hại là “điều do hành động lời nói là nhân(hetu)”.

Nghĩa là: “Điều đáng nguy hại ở đây là “chỉ cho thân – ngữ là nguyên nhân” gây ra hậu quả tai hại.”

Điều nguy hại ở đây có hai: Điều tội lỗi và điều không phải là tội lỗi nhưng dẫn đến tai hại.

Điều tội lỗi của thân ác hay ngữ ác, dẫn đến tai hại là rơi vào bốn khổ cảnh (duggati), điều này dễ hiểu.

Điều không phải là tội lỗi nhưng dẫn đến tai hại. Là những điều không phải là tội lỗi, nhưng có tai hại là “rơi vào khổ luân hồi”, hoặc tuy không phải là tội lỗi, nhưng có tai hại là “làm sinh khởi chướng ngại cho sự chứng đắc các pháp thượng nhân”.

Đức Phật có giảng cho Đức Ānanda, đại ý là: Khi còn là Bồtát, tuy Ngài có suy nghĩ “lành thay sự xuất ly, lành thay sống viễn ly (pavineka)”, nhưng Ngài không có hân hoan dù Ngài thấy “đây là an tịnh”. Rồi Ngài:

“Mayhaṃ, Ānanda, etadahosi: “kāmesu kho me ādīnavo adiṭṭho, so ca me abahulīkato, nekkhamma ca ānisaṃso anadhigato, so ca me anāsevito

“Này Ānanda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì ta không thấy nguy hiểm trong các dục (kāma), không làm sung mãn (sự thấy) nguy hiểm ấy, lợi ích xuất ly chưa chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy”. [25]

Bản thân các dục (kāma), chúng không nguy hiễm, chúng có thể là kết quả an lạc sinh khởi từ nhân phước như bố thí, trì giới… “điều nguy hiễm ở đây là thọ dụng với tâm đắm nhiễm” nên trở thành “một chướng ngại (nīvāraṇa)”.

Thọ dụng ngũ dục không phải là điều tội lỗi, nhưng nó trở thành là một chướng ngại (tham dục cái) cho sự tu tập, đó là “nguy hại”. Đoạn kinh văn trên cho thấy ý nghĩa này.

Tương tự như thế. Hành giả thấy nguy hại trong phóng dật (uddhacca) sẽ lánh xa phóng dật, an trú tâm trong niệm sẽ mang lại lợi ích lớn…

27– Hỏi: Duyên (paccaya) hổ trợ cho tâm sở quý là gì?

Đáp: Có bốn duyên hổ trợ cho tâm sở quý vững mạnh là:

1– Quý vững mạnh do sự sợ tự khiển trách (attānuvāda bhayaṃ).

Là hạng người tự suy xét: Nếu ta làm ác, nói ác, có ý ác. Ta có thể tự trách mình về phương diện giới hạnh.

Ác hành ấy sẽ ám ảnh tâm ta, khiến tâm ray rứt do ân hận khi đã tạo ác nghiệp từ thân – ngữ hay ý (như tự trách mình “sao lại đánh người vô tội”, “sao lại vu khống người tốt” hay ” sao ta lại nghi ngờ người lương thiện”…).

2– Quý vững mạnh do sợ người trách (parānuvāda bhayaṃ).

Là hạng người suy xét: Nếu ta làm ác, nói ác, nghĩ ác thời người khác có thể khiển trách ta về phương diện giới hạnh.

Hoặc suy nghĩ như vầy: “Đức Thế Tôn có dạy: Có những chúng sinh vô hình như chư thiên.., tuy ta vi phạm tội lỗi nơi kín đáo, nhân loại có thể không thấy, không biết; nhưng chư thiên thì thấy và biết, các vị ấy sẽ không hoan hỷ hoặc sẽ khiển trách, hoặc sẽ hành phạt ta…”.

Hoặc suy nghĩ như sau: “Tuy chưa phạm tội từ thân hay ngữ, nhưng nếu ta có ý nghĩ xấu, những Samôn, Bàlamôn có Tha tâm thông sẽ biết được, khi ấy ta như kẻ trộm bị bắt quả tang”.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng nêu ra sự kiện này:

Có bà tín nữ là Mātikamātā đắc quả Anahàm, có tha tâm thông.

Mỗi đêm bà xem tâm các vị tỳkhưu đang mong cầu loại vật thực nào, sáng ra bà cúng dường theo sở thích các Ngài.

Một vị tỳkhưu nghe bà có khả năng ấy nên đi đến làng của bà Mātikamātā để ẩn cư tu tập, bà tín nữ mỗi đêm dùng tâm mình để tìm hiểu tâm của vị tỳkhưu ấy và cúng dường vật thực theo sở thích.

Vị tỳkhưu suy nghĩ: “Bà tín nữ này có năng lực đặc biệt như vầy, nếu ta khởi lên ý bất thiện bà sẽ biết được, chẳng khác nào người bắt quả tang tên trộm”. Vị tỳkhưu ấy phòng hộ ý và tinh cần tu tập chứng quả Alahán [26].

3. Quý vững mạnh do sợ hình phạt (daṇḍa bhayaṃ).

Là hạng người thấy người khác hành ác như: sát sanh, trộm cắp,… bị vua, quan trừng phạt, người ấy suy nghĩ: “Do nhân ác nghiệp như vậy, kẻ này bị hành hạ đau khổ”.

Do đó thấy nguy hại trong tội lỗi nên có sự ghê sợ đối với tội lỗi.

4. Quý vững mạnh do sợ khổ cảnh (duggati bhayaṃ).

Là hạng người suy nghĩ: “Với ai làm ác, nói ác, nghĩ ác sẽ có quả khổ trong tương lai, sau khi mệnh chung người này sẽ rơi vào khổ cảnh”.

Do đó, phát sinh sự ghê sợ đối với tội lỗi [27].

28– Hỏi: Vì sao các Ngài xếp tàm và quý chung vào nhau?

Đáp: Vì tàm và quý có tác dụng hổ trợ nhau, ví như hai mắt của một người, mắt trái thấy phía trái, mắt phải thấy phía phải của cảnh, hai mắt giúp người ấy thấy cảnh trọn vẹn.

Lại nữa, cả hai đều “chỉ có đối tượng (ārammaṇa) là tội lỗi”, đồng thời chúng đều có tính “lánh xa”.

Tàm xem tội lỗi như phẩn nên lánh xa; quý xem tội lỗi như “lửa đỏ” nên lánh xa.

Mặt khác, khi so sánh bốn đặc tính của hai tâm sở này, tuy tướng trạng (lakkhaṇa) của chúng có sai khác chút ít, nhưng phận sự và thành tựu của chúng giống nhau.

Nhân gần của chúng cũng xuất phát từ sự tôn trọng (gārava) chỉ khác về khía cạnh.

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có nêu lên bốn đặc tính của tâm sở tàm như sau:

1– Trạng thái (lakkhaṇa): Không ưa thích tội lỗi (pāpatojigucchanalakkhanā).

2– Phận sự (rasā): Không làm tội lỗi (pāpānaṃ akaraṇarasā).

3– Thành tựu (paccupaṭṭhāna): Né tránh tội lỗi (pāpato saṅkocana paccupaṭṭhānā).

4– Nhân cận (padaṭṭhāṇa): Biết tự trọng (attagāravapadaṭṭhānā).

Bốn đặc tính của tâm sở quý là:

1– Trạng thái (lakkhaṇa): (thấy) nguy hại của tội lỗi (pāpa uttāsanalakkhaṇā).

2– Phận sự (rasā): Không tạo ra (akaraṇa) nguy hại (uttāsākaraṇarasā).

3– Thành tựu (paccupaṭṭhāṇa): Né tránh tội lỗi (pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānā.

4– Nhân cận (padaṭṭhāṇa): Tôn trọng người (paragāravapadaṭṭhānaṃ).

Nhân gần của chúng tuy có gốc là “tôn trọng”, nhưng có sự phân biệt “ta” và “người”, tức là “bên trong (atta)” hoặc bên ngoài (para).

Nên các Ngài dạy: Tàm khởi lên từ bên trong và Quý sinh khởi từ bên ngoài, tức là do ngoại cảnh làm duyên.

Và cả hai hợp tác với nhau để đẩy lùi tội lỗi, cho dù tội lỗi ấy xuất hiện từ bên trong hay bên ngoài.

Nói rõ hơn “tội lỗi của thân – ngữ thì do Quý đẩy lui, còn tội lỗi của ý thì do Tàm đẩy lui”.

29– Hỏi: Lợi ích của tàm – quý ra sao?

Đáp: Lợi ích của tàm – quý rất nhiều xin đơn cử vài điểm như sau:

a– Tàm và quý là hai pháp trắng gìn giữ ngũ uẩn được trong sạch, không bị thế gian khiển trách.

Đức Phật có dạy: “Hiri ca ottappañ ca, ime kho bhikkhave, dve dhamma sukkā’ti:

“Tàm và quý, các pháp này, này các Tỳkhưu, là hai pháp trắng [28].

Chính vì có hai pháp này, nên con người thoát ra những sở hành như súc sinh.

Hai pháp này được Đức Thế Tôn gọi là “pháp hộ trì thế gian (lokapāladhammā)”.

Nhờ có hai pháp này nên con người nhận biết: Đây là mẹ, đây là em gái, đây là chị của mẹ hay đây là vợ của thầy, đây là vợ của các vị tôn trưởng… nên không phạm tà hạnh vào các đối tượng ấy, hoặc có sự tôn trọng, e ngại tội lỗi khi đối diện với những đối tượng ấy…(sđd). Đức Phật có dạy:

“Micchāpaṭipatti saggānaṃ paripantho.

“Tà hạnh là chướng ngại của thiên giới”. Và:

“Sammāpaṭipatti saggānaṃ āhāro.

“Chánh hạnh là vật thực cho thiên giới” [29].

Có chánh hạnh là do có tàm có quý, nên tàm quý còn được gọi là thiên pháp (devadhamma).

b– Giúp cho giới hạnh được trong sạch và vững chắc. Như Phật ngôn:

“Hirottappe bhikkhave, asati hiriotapāvipannassa hatūpaniso hoti indriyasaṃvaro.

Indriyasaṃvare asati indriyasaṃvaravipannassa hatūpanissaṃ hoti sīlaṃ…”

“Khi tàm – quý không có, này các Tỳkhưu, với người thiếu tàm– quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt (hatupaniso).

Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt…” [30].

c– Tàm – quý là hai pháp gìn giữ thân tâm chống lại những tội lỗi.

Đức Phật ví tàm – quý như những giao thông hào vừa sâu vừa rộng, các chiến binh ẩn trú nơi giao thông hào ấy được an toàn, chống lại nghịch quân và giữ thành trì được an toàn.

Cũng vậy, tàm và quý giúp cho danh sắc (thành trì) được an lành trước tội lỗi (ví như nghịch quân) [31].

d– Tàm và quý là một trong những pháp tác thành bậc Samôn [32].

e– Tàm – quý là pháp nương nhờ đầy đủ (nissayasampanno) cho chính mình.

Như Phật ngôn:

“Hiriṃ ce bhikkhu, bhikkhu nissāya akusalaṃ pajahati kusalaṃ bhāveti, pahīnamevassataṃ akusalaṃ

” Nếu vị Tỳkhưu nương nhờ vào tàm (hiri), đoạn tận bất thiện, tu tập thiện, như vậy với vị ấy bất thiện được đoạn tận.

Ottappaṃ ce bhikkhu, bhikkhu nissāya akusalaṃ pajahati kusalaṃ bhāveti, pahīnamevassataṃ akusalaṃ

” Nếu vị Tỳkhưu nương nhờ vào quý (ottappa), đoạn tận bất thiện, tu tập thiện, như vậy vị ấy bất thiện được đoạn tận” [33].

Một thiên nhân có trình bạch với Đức Thế Tôn:

“Satthugāravatā, dhammagāravatā, saṅghagāravatā, sikkhāgāravatā, samādhigāravatā, hirigāravatā, ottappagāravatā.

Ime kho bhante, satta dhammā bhikkhuno aparihanāya saṃvattantī’ti.

Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính thiền định, tôn kính xấu hổ (hiri), tôn kính ghê sợ (ottappa).

Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa tỳkhưu đến thối đọa. [34]

Như vậy, tàm và quý khi được xem trọng, sẽ không đưa đến thối đọa.

30– Hỏi: Tàm – quý có trong tâm quả hữu nhân như thế nào?

Đáp: Tâm quả hiệp thế hữu nhân gồm có: Tâm quả Dục giới hữu nhân, tâm quả thiền Sắc giới, tâm quả thiền Vô sắc giới và tâm quả Siêu thế.

Trong tâm quả Siêu thế vì nhận cảnh Nípbàn, là cảnh hoàn toàn trong sạch, mọi ô nhiễm không xuất hiện, nên tàm và quý tuy có nhưng bất động.

Sở dĩ tàm– quý phải có là vì “đó là tâm sở tịnh hảo biến hành” ví như Đức vua đi du ngoạn trong hoàng cung, tuy không có nguy hiễm gì xảy ra nhưng các tùy tùng phải theo hộ giá để đề phòng bất trắc.

Còn trong tâm quả hữu nhân hiệp thế (gồm có 17 tâm là: 8 tâm Đại quả, 9 tâm quả Đáo đại), khi chúng làm việc tục sinh, hữu phần (bhavaṅgakicca) thì chúng bắt cảnh riêng, là một trong ba cảnh: Cảnh nghiệp (kammārammaṇa), cảnh nghiệp tướng (kammanimittārammaṇa), cảnh giới tái sinh (gatinimittārammaṇa), loại cảnh này không là cảnh quyến rủ của ô nhiễm, nên tàm– quý tuy hiện diện nhưng cũng bất động, ví như sư tử đang ngủ yên. Vì thế, Đức Thế Tôn có dạy:

“Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhan’ti”.

“Tâm này, này các tỳkhưu, là sáng chói, nhưng bị cấu uế từ ngoài vào. [35]

“Cấu uế từ ngoài” là những cấu uế khởi lên do cảnh từ bên ngoài xâm nhập vào như cảnh sắc, cảnh thinh… hoặc cảnh pháp (ngoài ba cảnh đã nêu trên) khởi lên từ bên trong, cũng được gọi là “từ bên ngoài vào”.

Chính cảnh lực bên ngoài này đã làm thay đổi cấu trúc tâm hữu phần, từ đó cấu uế mới sinh khởi.

Khi các tâm quả Dục giới hữu nhân làm việc “hưởng cảnh dư tàn (tadālambana)” [36], cảnh này không đủ sức mạnh “dấy động” để các phiền não (kilesa) sinh khởi từ pháp ngủ ngầm (anusaya dhammā), nên tàm – quý tuy có cũng “ngủ yên”.

31– Hỏi: Vị Thánh Alahán đã diệt tận mọi ô nhiễm, vì sao có tàm và quý trong tâm duy tác (kriyacitta) của các Ngài?

Đáp: Trước tiên, tàm – quý là hai tâm sở tịnh hảo biến hành như đã giải ở trên.

Thứ đến, tàm – quý có tính chất “lánh xa tội lỗi” và tính chất này có nơi vị Alahán, do đó tàm–quý hiện diện trong tâm duy tác của các Ngài.

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có giảng cho chư tỳkhưu như sau:

Idh’āvuso Satthu pavittassa viharato sāvakā vivekaṃ nānusikkhanti, yesañ–ca dhammānaṃ Satthā pahānaṃ–āha te ca dhamme na–ppajahanti, bahulikā ca honti sāthalikā, okkamane pubbaṅgamā paviveke nikkhittadhurā.

“Này chư hiền, ở đây vị Đạo sư sống viễn ly (viveka) các đệ tử không tùy học sống viễn ly. Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy chúng không từ bỏ, và chúng sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc (okkamana) [37], bỏ rơi (nikkhittadhura) gánh nặng sống viễn ly (paviveka)” [38].

Bản sớ giải có giải thích: Có ba loại viễn ly là thân viễn ly, tâm viễn ly và hữu viễn ly.

– Thân viễn ly là cư trú nơi thanh vắng như rừng, núi….

– Tâm viễn ly là “ít ham muốn, biết đủ với bốn món vật dụng”; ngoài ra tâm viễn ly là “áp chế” được 5 triền cái, an trú tâm trong Sơ thiền…

– Hữu viễn ly là “dứt tuyệt tham ái”, không còn sinh tử luân hồi. Hay hữu viễn ly là Nípbàn.

Đức Đạo sư là Alahán Chánh đẳng giác, các vị Thánh Alahán thinh văn cũng đạt được ba viễn ly này.

Các vị Thánh Alahán luôn có “khuynh hướng xa lánh” nhất là “tâm viễn ly, hữu viễn ly”, nên tàm và quý có trong tâm duy tác của các Ngài.

Một điểm nữa, cho dù phải nhận cảnh trong đời thường như sắc, thinh… thì tâm vị Thánh Alahán vẫn an nhiên tự tại, ví như người trú ẩn trong thành trì kiên cố, những kẻ nghịch không thể nào xâm nhập vào nhờ có những chiến binh luôn tuần tra trong giao thông hào.

Hoặc ví như chất kháng sinh có trong cơ thể, nó có tính miễn nhiễm mọi chứng bịnh từ bên ngoài xâm nhập vào, cho dù bịnh chưa xâm nhập nhưng chất kháng sinh ấy luôn có.

Tàm lực và quý lực ví như chất kháng sinh ấy, tuy không bị chứng bịnh (là ô nhiễm) ở ngoài xâm nhập vào nhưng chất kháng sinh luôn hiện hữu, hay ví như: “Tuy không có kẻ nghịch nhưng các chiến binh vẫn tuần tra ở các giao thông hào”.

Nên ghi nhận: Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng 5 tài sản bậc Thánh là:

“Pañcimāni, bhikkhave, dhanāni. Katamāni pañca? Saddhādhanaṃ, sīladhanaṃ, sutadhanaṃ, cāgadhanaṃ, paññādhanaṃ”.

“Này các Tỳkhưu, có 5 tài sản này (dhanāni). Thế nào là năm? Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài và tuệ tài [39] “.

Là nói đến vị Thánh hữu học, vì các Ngài vẫn còn ô nhiễm, các pháp ngũ ngầm chưa hoàn toàn tuyệt dứt.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng 7 loại tài sản bậc Thánh [40], có thêm tàm tài sản và quý tài sản, là Đức Thế Tôn nói đến tài sản của bậc Thánh Vô học, vì vị Thánh Alahán không còn ô nhiễm.

32– Hỏi: Tàm và quý trong tâm thiện thì như thế nào?

Đáp: Có bốn loại tâm thiện: Tâm thiện Dục giới, tâm thiện Sắc giới, tâm thiện Vô sắc giới và tâm Đạo siêu thế.

Các tâm thông thiện (kusalābhiññāṇacittaṃ) được kể vào tâm thiện ngũ thiền (thiền năm bậc).

Trong tâm thiện Dục giới, tàm – quý làm sinh khởi giới (sīlaṃ), đồng thởi “tạm thời thoát ra ác–bất thiện pháp thô thiển do thân – ngữ tạo ra”.

Trong tâm thiện Sắc giới và Vô sắc giới, tàm – quý làm sinh khởi giới, đồng thời “áp chế các ác–bất thiện pháp trung bình phát sinh từ ý”.

Trong tâm thiện Siêu thế, tàm – quý làm sinh khởi giới, đồng thời sát trừ các ác– bất thiện thô sinh từ thân, ngữ, ý.

Như vị Thánh Dự lưu không hề vi phạm vào 5 giới, ngay cả “ý muốn giết chúng sinh khác”, “ý muốn lấy vật không cho”… cũng không hề có.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Tâm Sở Vấn Đáp – Phần III – Tâm sở Tịnh hảo (Sobhanacetasikā) – Tỳ khưu Chánh Minh

 

BỐN TÂM SỞ (SI, VÔ TÀM, VÔ QUÝ, TRẠO CỬ) CÓ MẶT TRONG TẤT CẢ 12 BẤT THIỆN TÂM.

⚀ Ahirika: Vô tàm là không biết hổ thẹn khi làm các điều ác. Một người có lòng tàm Hiri sẽ thối lui không làm điều ác như lông con gà trống thối lui trước lửa đỏ.

Một người không có Hiri có thể làm tất cả các ác pháp mà không do dự.

⚁ Anottappa: Vô quý. Na + ava + tapp: không biết sợ đau khổ, bứt rứt. Ottappa: Là sự sợ hãi làm điều ác, sợ kết quả các điều ác. Ottappa được ví như một con bướm, cánh bị cháy xém nên rất sợ lửa.

Một người không có tàm – hiri, quý – ottapa có thể làm tất cả điều ác. Tàm và quý thường đi đôi với nhau.

Tàm là sự hổ thẹn đối với lương tâm của mình, còn quý là sự sợ hãi người ngoài chê cười và kết quả của việc ác mình làm. Tàm dựa trên lòng hổ thẹn, Quý dựa trên lòng sợ hãi. Khi có lòng Tàm, người ta suy ghĩ đến danh giá địa vị đời sống của mình, của thầy giáo mình, của bạn bè mình.

Khi có lòng Quý, người ta thấy sợ hãi vì tự hối, vì chỉ trích của người, vì hình phạt, vì hậu quả đến đời sau v.v…

Tàm Hiri và Quý Ottapa được xem là hai yếu tố căn bản cho một xã hội văn minh.

 

Nguồn trích dẫn: ABHIDHAMMATTHASANGAHA – THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

 

Bài Viết Liên Quan

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB