Trạo Cử Hối Tiếc

Photo: Ảnh tại khóa thiền Minh sát 7/2015, Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai, Việt Nam.

[lwptoc]

Trạo Cử Hối Tiếc

PT: Kính bạch Sư.

Con là một Phật tử đã dự học khóa thiền do Sư dạy ở Thiền viện Phước Sơn. Rất nhiều ngày qua con luôn bị trạo hối, con cũng định viết thư trình bạch để Sư biết và tha thứ cho con nhưng trong tâm đã cho rằng việc này không quan trọng, không nên quấy rầy sự thanh tịnh của Sư. Mỗi lần hành thiền hay nghe Pháp con lại nhớ đến lỗi của con. Con quyết định sám hối để có được sự an lòng.

Kính bạch Sư, trong thời gian ở Thiền viện…. (câu chuyện)….

Về nhà con cũng không còn nhớ đến chuyện ấy nhưng mấy hôm sau trong thời thiền bỗng nhiên tâm con trở lại và trở nên khó chịu.

Con viết thư này kính mong Sư hoan hỉ tha thứ cho con và ban lời giáo hóa.

Con kính xin đảnh lễ Thiền Sư.

@:

Trạo hối là chướng ngại, là phiền não, làm mê mờ tâm trí, ngăn cản Định, Tuệ. Nhưng trạo hối cũng chỉ là một hoạt động của tâm cần được ghi nhận và quán sát với chánh niệm và tỉnh giác. Khi trạo hối xuất hiện, nó cần được ghi nhận (nhắc tâm) “trạo hối, trạo hối, trạo hối” để hướng tâm đến quán sát và trực tiếp kinh nghiệm sự sinh diệt của loại suy tư này.

Thiền minh sát là ngay trong giây phút hiện tại tỉnh giác quán sát các hiện tượng thân và tâm (danh và sắc = ngũ uẩn) một cách vô tư, không phán xét, không bình luận, không yêu thích, không ghét bỏ, chỉ thấy hiện tượng như nó đang là, tức thấy hiện tượng đang sinh diệt (biểu hiện của vô thường, khổ, vô ngã). Nếu chánh niệm, tinh tấn kịp thời ghi nhận tâm trạo hối (tâm phiền não) thì tâm khó chịu, không hài lòng (tâm phiền não tiếp theo) về trạo hối sẽ không thể sinh khởi xen vào, và bản thân tâm trạo hối sẽ yếu dần và hoại diệt, không thể tiếp tục gây phiền não.

Và ngay khi thiện tâm muốn sám hối khởi sinh (do tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi) thì cũng cần chánh niệm tỉnh giác ghi nhận “muốn, muốn muốn” để có thể quán sát kịp thời sự sinh diệt của thiện tâm này. Cứ như vậy liên tục và liên tục ghi nhận mọi hiện tượng.

Sau sám hối, mong con tinh tấn thực hành minh sát được liên tục (⒈ liên tục từ đầu đến giữa, đến cuối trong một hiện tượng; ⒉ liên tục từ hiện tượng này sang hiện tượng khác; và ⒊ liên tục từ khi thức giấc cho đến khi đi ngủ), và tỉ mỉ (thấy các đặc tính riêng của danh, sắc) như Thầy thường xuyên, kiên nhẫn nhắc nhở để có thể thực chứng sự sinh diệt của ngũ uẩn (thực chứng Khổ đế), thành tựu giải thoát như ý nguyện.

Trong tâm từ.

TK Viên Phúc.

Ghi chú: (Thanh tịnh đạo luận)

Trạo cử

1. Nó có đặc tính là không an ổn, như nước bị gió đánh.

2. Nhiệm vụ nó là sự không vững vàng, như cái cờ hay phan lung lay trước gió.

3. Nó được biểu hiện bằng sự xáo trộn, như tro tung lên khi bị đá ném vào.

4. Nhân gần nó là sự tác ý không như lý đối với nỗi bất an tâm thần. Nó cần được xem là sự xao lãng tâm.

Hối tiếc

1. Nó có đặc tính là hối hận khi làm điều gì.

2. Nhiệm vụ nó là buồn bã về những gì đã làm và những gì chưa làm.

3. Nó được biểu hiện bằng sự cắn rứt lương tâm.

4. Nhân gần của nó là điều đã làm và đã không làm. Nó cần được xem như là tình trạng nô lệ.

Khi chúng ta đã làm điều gì sai trái hoặc chúng ta đã không thực hiện những hành động thiện mà chúng ta cần phải làm, chúng ta có thể suy nghĩ về điều này nhiều lần. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao mình đã hành động theo đường hướng mình đã làm, nhưng chúng ta không thay đổi điều gì đã qua rồi. Trong khi chúng ta lo âu, chúng ta có những tâm bất thiện; lo âu sai khiến chúng ta làm nô lệ.

Trạo cử và hối tiếc làm ngăn chận sự thanh tịnh của chúng ta.

Bài viết liên quan

  • Sám Hối Như Thế Nào? Để Làm Gì, Web, FB
  • Trạo Cử Hối Tiếc, Web, FB

Các Bài Viết Liên Quan Đến Nghiệp Và Quả Của Nghiệp:

  • Nghiệp Và Quả (Kamma Và Vipaka), Web, FB
  • Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, Web, FB, FB
  • Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng, Web, FB
  • Quả Của Nghiệp (Kammaphala), Web, FB
  • Thế Nào Là Nghiệp Trọng Yếu (Garukakamma), Web, FB
  • Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra, Web, FB
  • Như Nắm Muối Bỏ Chén, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB