Sám hối như thế nào? Để làm gì?


SÁM HỐI NHƯ THẾ NÀO❓ ĐỂ LÀM GÌ❓

🍀 Hỏi & Đáp 1:

– TD: Dạ thưa thầy con muốn hỏi. Khi phát hiện ra mình đã phạm 1 điều giới nào đó. Như nói dối hoặc giết con muỗi. Vậy thì người cư sĩ phải làm gì tiếp theo để giữ gìn giới tiếp ạ.

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala: Khi phạm giới, tạo tội, tạo nghiệp bất thiện như sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm vô ích, sử dụng các chất say … v. v…… thì trước hết, nên sám hối ngay với một người trong sạch khác – đó là người không phạm giới đó hoặc đã sám hối về tội đó, hoặc tự mình sám hối trước bàn thờ Phật một cách chân thành, trung thực, với lời lẽ đơn giản, dễ hiểu:

① để nhận biết, thừa nhận đó là phạm giới, và

② rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, nguyện luôn thu thúc lục căn, luôn tác ý không tái phạm điều giới đó và các điều giới khác, và

③ nguyện làm 10 thiện nghiệp, 10 phước thiện mọi lúc mọi nơi khi đang có cơ hội được làm người, được gặp Phật Pháp đang còn tỏa sáng trên thế gian.

Sau đó nên thọ trì lại ngũ giới, tự mình trước bàn thờ hoặc xin giới nơi các vị xuất gia nếu có thể.

🔵 Cần nhận thức rõ ràng rằng sám hối chỉ giúp chúng ta lấy lại giới trong sạch chứ không thể làm tiêu tan các ác nghiệp đã được tạo nên do cố ý, hay do vô tình không biết đó là ác nghiệp.

Khi có điều kiện đầy đủ mọi ác nghiệp trong quá khứ sẽ trổ quả và người tạo ác nghiệp phải chịu quả xấu của ác nghiệp đó, không thể trốn tránh trên trời, dưới biển hay giữa hư không trong tam giới.

Tuy nhiên, quả của các ác nghiệp tạo nên trong quá khứ sẽ cho quả trong kiếp sống hiện tại hoặc mai sau tùy thuộc các thiện nghiệp khác mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ và đang tạo ra trong kiếp sống này.

Đức Phật ví các thiện nghiệp này giống như bát nước, hay như bể nước, hay như nước sông lớn – tùy vào mức độ, phạm vi phước thiện đã được chúng ta gieo trồng, vun bồi – sẽ hòa tan nắm muối – tức bất thiện nghiệp đã tạo ra.

Thiện nghiệp (nước) càng lớn, càng nhiều bao nhiêu thì càng hạn chế mức độ khắc nghiệt của ác nghiệp, bất thiện nghiệp (muối) đã được tạo nên.

(Tăng chi kinh – Phẩm hạt muối http://www.budsas.net/uni/u–kinh–tangchibo/tangchi03–0810.htm

Xem thêm:

  • Như Nắm Muối Bỏ Chén, WebFB

Vậy không phải sám hối sẽ làm tiêu trừ ác nghiệp, mà chính là hạnh nguyện tinh tấn không ngừng tác ý tạo đại thiện nghiệp tránh không phạm giới sẽ giúp hạn chế hiệu lực của của ác nghiệp.

Chỉ có bậc Thánh Alahán khi Bát Niết Bàn – nhập Vô dư y Niết Bàn mới vô hiệu hóa mọi loại nghiệp – cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Khi chưa Bát Niết Bàn thì quả của nghiệp vẫn trổ quả trong đời sống của các vị Phật và các vị Alahán chứ các vị đó không thể sám hối cho tiêu hết ác nghiệp được, như Đức Phật còn bị đau đầu, đau lưng, bị bỏ đói phải ăn lúa mạch cho ngựa,… hoặc Thánh tăng Alahán Mục kiền liên còn bị bọn cướp giết hại chết không toàn thây…, tất cả đều là quả của nghiệp đã tạo trong quá khứ. Thấy được đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp như vậy sẽ giúp ta luôn phải tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác tránh gieo Nhân bất thiện dù nhỏ bé, rồi lại mong ước phép màu sám hối rũ bỏ trách nhiệm, tiêu hủy nghiệp ác đã tạo nên.

🔵 Cần phân biệt không phạm giới và trì giới. Không phạm giới không có nghĩa là trì giới để tạo đại thiện nghiệp trì giới.

Ví dụ em bé mới sinh không trộm cắp, không sát sinh …v… v…, tức không phạm tội, nhưng không có nghĩa là đứa bé tác ý trì giới tránh xa không trộm cắp, không sát sinh …v… v… mỗi khi có điều kiện trộm cắp, hoặc sát sinh …v… v.

Em bé không tạo ác nghiệp, nhưng chưa tạo được đại thiện nghiệp tác ý tránh xa, không trộm cắp, hoặc không sát sinh… v… v… – tức đại thiện nghiệp trì giới, để có được quả báu phước lành làm tư lương trên con đường nhiều khó khăn thử thách xuyên qua các kiếp trầm luân sinh tử luân hồi dẫn đến mục tiêu rốt ráo hạnh phúc thật sự tự do thật sự – Niết bàn.

Nguyện cầu cho các đạo hữu được oai đức Tam bảo hộ trì cho được thành tựu mọi mong ước cao thượng như ý nguyện.

Sadhu Sadhu Sadhu!

Trong tâm từ

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

🍀 Hỏi & Đáp 2:

– HN: Thưa sư! Nếu đã trót tạo nghiệp ác, nay đã (đang hoặc sẽ) đón nhận quả của ác nghiệp, thì mỗi người nên làm gì và làm như thế nào để tâm không bị đau khổ, không bị phiền muộn, không còn cảm giác sâu cay trong lòng ạ? Con kính đảnh lễ sư ạ! 🙏🌷

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala: Đức Phật có chỉ bày nhiều Pháp giúp chúng sinh nương theo để thực hành nhằm thoát khỏi khổ đau phiền não. Ví dụ, trong đời sống thực hành hàng ngày, chúng ta cần tinh tấn duy trì, vun bồi một số các Pháp trọng yếu sau:

⑴ Sám hối: nhận ra đây là các ác pháp, bất thiện pháp, bất thiện nghiệp và nguyện từ nay sẽ tránh xa, không tái phạm. Cầu mong mọi người tha thứ cho mình, tự mình tha thứ cho tất cả mọi người và tự mình tha thứ cho chính mình.

⑵ Rải Tâm Từ tới mọi chúng sinh, nguyện cầu cho tất cả các chúng sinh thoát khỏi mọi oan trái xưa và nay với nhau, luôn được an vui hạnh phúc, thoát mọi hiểm nguy, không bị tước đoạt hạnh phúc đang có, là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra.

⑶ Hồi hướng mọi công đức và phước báu tới cha mẹ, thầy tổ, gia đình, quyến thuộc, bạn hữu, đồng nghiệp,… cùng tất thảy chúng sinh tại 31 cảnh giới trong tam giới.

⑷ Tùy hỷ, cùng mừng vui với thiện nghiệp của các chúng sinh trong thế gian này.

⑸ Tu Tập Giới Định Tuệ: Hãy luôn vun bồi Giới (tránh xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tà ngữ, chất say…) để ngăn chặn mọi phiền não thô thể hiện trên thân khẩu, làm căn bản để phát triển Định lực – sự tập trung, không phóng dật dễ duôi lười biếng, giúp loại trừ đè bẹp các triền cái làm chướng ngại, ô nhiễm tâm như tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử, hối tiếc, làm cơ sở vững chắc để vun bồi, tu tập Tuệ giác thông qua thực hành thiền Minh Sát Vipasana, để thấy rõ như thật tam tướng khổ – vô thường – vô ngã của tất cả các pháp, dẫn đến nhàm chán, ly tham, nhổ tận gốc rễ mọi phiền não ngủ ngầm, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, chấm dứt sinh tư luân hồi, bình an mãi mãi – niết bàn.

Nguyện cho các quí vị tinh tấn, thành tựu viên mãn như ý nguyện, ngay trong kiếp sống này.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

🍀 Hỏi & Đáp 3:

– NU: Dạ con kính đảnh lễ sư 🙏🙏🙏

Dạ kính sư, hôm nay con vừa phạm giới nói dối.

Con nhớ đến đoạn kinh mà Đức Phật đã dạy như dưới đây, mong được sư từ bi nhận lời sám hối và chỉ dạy con, để con tinh tấn, quyết tâm trì chí hơn. Con xin đảnh lễ và thành kính tri ân sư 🙏🙏🙏.

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Biết là lỗi, đã nhận ra lỗi, đã sám hối đúng pháp và luật như vậy là rất cần thiết để có thể phòng tránh trong tương lai. Ai cũng có thể phạm lỗi trừ các vị Arahant, nhưng chỉ những người trí tuệ, dũng cảm và tinh tấn mới dám nhận lỗi, biết cách sám hối để tự nhắc nhở mình phòng hộ trong tương lai. Các tỳ khưu hàng ngày đều phải tìm đến một vị tỳ khưu khác để thực hành sám hối với các lỗi kể cả là vô tình. Sau này cũng có thể vẫn mắc lại nhưng mỗi lần sám hối sẽ giúp chúng ta cảnh tỉnh hơn, và dần dần theo thời gian các lỗi đó sẽ thưa dần, yếu dần và đi đến chấm dứt. Hơn nữa sau khi sám hối thì tâm hối tiếc, ân hận sẽ bớt sinh khởi và an trú trong tâm làm chướng ngại cho việc tu tập Định Tuệ. Vậy nên thường xuyên soi xét mọi hành vi của mình như soi gương rửa mặt hàng ngày như lời Đức Phật đã dạy Ngài Rahula.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho con luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

Chánh kinh:

… Này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”, này Rahula, Ông phải học tập như vậy.

… Sau khi Ông làm xong một khẩu nghiệp, này Rahula, Ông cần phải phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau:

“Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau:

“Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.

Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Ðạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai.

(Kinh giáo giới La Hầu La)

––––––––––––––––––––––––––––––

Tăng chi bộ kinh – XVIII. Phẩm nam cư sĩ

(VII) (177) Người Buôn Bán

— Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ–kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc.

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ–kheo, một nam cư sĩ không nên làm.

––––––––––––––––––––––––––––––

Tăng chi bộ kinh – XV. Phẩm tikandaki – (V) (145) Con Ðường Ðến Ðịa Ngục

—Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục. Thế nào là năm?

① Sát sanh, ② lấy của không cho, ③ tà hạnh trong các dục, ④ nói láo, ⑤ đắm say trong rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới. Thế nào là năm?

① Từ bỏ sát sanh, ② từ bỏ lấy của không cho, ③ từ bỏ tà hạnh trong các dục, ④ từ bỏ nói láo, ⑤ từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.

––––––––––––––––––––––––––––––

⚀ Vì lầm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác. Xin tất cả hãy mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho tôi. (3 lần)

⚁ Tôi xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói, và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho tôi. (3 lần)

⚂ Tôi xin thành thật tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ nay làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (3 lần)

––––––––––––––––––––––––––––––

Sám hối Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy tổ

Vì mong muốn tránh khỏi

Tất cả những lỗi lầm,

Do thân nghiệp hành động,

Do khẩu nghiệp nói năng,

Do ý nghiệp suy nghĩ,

Đã phạm đến Tam Bảo:

Đức Phật Bảo cao thượng,

Đức Pháp Bảo cao thượng,

Đức Tăng Bảo cao thượng,

Đến cha mẹ, thầy tổ.

Con thành kính đảnh lễ,

Ngôi Tam Bảo cao thượng,

Cùng cha mẹ thầy tổ,

Lần thứ nhì, thứ ba.

Xin năm bậc ân đức,

Cao thượng không gì bằng,

Nhận biết sự sám hối,

Những lỗi lầm của con.

Do thành tâm sám hối

Với đức tin trong sạch,

Thiện tâm hợp trí tuệ,

Cầu mong con tránh khỏi:

(1) Sinh trong bốn cõi ác,

(2) Gặp phải ba nạn tai,

(3) Tám trường hợp bất lợi,

(4) Năm kẻ thù phá hoại,

(5) Bốn cảnh không hợp thời,

(6) Năm bất hạnh kiếp người.

Trong tất cả mọi thời,

Mọi kiếp sống luân hồi.

Khi đã tránh khỏi rồi,

Mong con sớm chứng ngộ:

Chân lý Tứ Thánh Đế,

Chứng đắc Tứ Thánh Đạo,

Tứ Thánh Quả – Niết Bàn,

Diệt đoạn tuyệt tham ái,

Giải thoát khổ tử sinh,

Luân hồi trong tam giới.

Chú thích:

– Thân ác nghiệp có 3 nghiệp ác là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

– Khẩu ác nghiệp có 4 nghiệp ác là: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích.

– Ý ác nghiệp có 3 nghiệp ác là: tham lam, thù hận, tà kiến.

✅ 4 cõi ác giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Atula.

✅ 3 nạn tai họa: nạn bom đạn chiến tranh, nạn dịch bệnh truyền nhiễm, nạn chết đói.

✅ 8 trường hợp bất lợi: Chúng sinh ở trong tám hoàn cảnh sau đây không thể hành phạm hạnh cao thượng, không chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả & Niết Bàn, đó là:

+ Chúng sinh trong cõi địa ngục.

+ Chúng sinh trong cõi súc sinh.

+ Chúng sinh trong cõi ngạ quỷ.

+ Phạm thiên trong cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên (chỉ có thân mà không có tâm), kể cả phạm thiên còn phàm trong cõi vô sắc giới (chỉ có tâm mà không có thân) không nghe được chánh pháp.

+ Dân chúng sống vùng biên địa.

+ Sinh trưởng trong gia đình ngoại đạo tà kiến.

+ Người khuyết tật câm điếc.

+ Người có trí tuệ mà không gặp được Đức Phật, hoặc chư Tỳ khưu Tăng.

✅ 5 loại kẻ thù gây tai họa của cải tài sản:

+ Nước lụt phá hủy của cải tài sản.

+ Lửa cháy thiêu hủy của cải tài sản.

+ Kẻ trộm cướp chiếm đoạt của cải tài sản.

+ Vua tàn bạo chiếm đoạt của cải tài sản.

+ Con cái hư đốn làm tiêu tan của cải tài sản.

(Trích Kinh Tụng Pali – Việt)

Bài viết liên quan

  • Sát Sinh, Web, FB
  • Các Chi Phần Của Ngũ Giới Và Bát Quan Trai Giới, Web, FB
  • Quả Báu Đại Thiện Nghiệp Trì Ngũ Giới Quả Xấu Ác Nghiệp Phạm Ngũ Giới, Web, FB
  • Trạo Cử Hối Tiếc, Web, FB

Các Bài Viết Liên Quan Đến Nghiệp Và Quả Của Nghiệp:

  • Quả Của Nghiệp Là Công Lý Vũ Trụ Không Có Mắt, Web, FB
  • Địa Ngục Có Hay Không, Web, FB
  • Không Chỗ Nào Trên Đời, Trốn Được Quả Ác Nghiệp., Web, FB
  • Nghiệp Và Quả (Kamma Và Vipaka), Web, FB
  • Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, Web, FB
  • , FB
  • Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng, Web, FB
  • Quả Của Nghiệp (Kammaphala), Web, FB
  • Thế Nào Là Nghiệp Trọng Yếu (Garukakamma), Web, FB
  • Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra., Web, FB
  • Hồi Hướng Công Đức Phước Báu Tới Thân Nhân Quá Vãng Như Thế Nào?, Web, FB
  • Như Nắm Muối Bỏ Chén, Web, FB
  • Phước – Tuệ Đồng Tu, Web, FB
  • Lợi Ích Của Bố Thí Cúng Dường Là Gì?, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB