Tại sao mang gánh nặng ngũ uẩn (p3): ba loại ái (taṅhā)

TẠI SAO MANG GÁNH NẶNG NGŨ UẨN (P3): BA LOẠI ÁI (TAṄHĀ)

–––––––––––––––

[Ái có ba loại, đó là:

⑴ dục ái (kāmataṅhā), tham đắm các dục lạc thế gian;

⑵ hữu ái (bhavataṅhā) tham đắm các dục lạc thế gian kết hợp với quan niệm về sự thường hằng, hay thường kiến;

⑶ phi hữu ái (vibhavataṅhā), tham đắm các dục lạc thế gian kết hợp với quan niệm của chủ nghĩa hư vô hay đoạn kiến.

Ba loại ái này tiếp nhận và chấp nhận cái gánh nặng Bản Thân gọi là các uẩn.

>>> Trong bài P2 đã trình bày về ⑴ dục ái (kāmataṅhā), tiếp theo đây P3 sẽ trình bày về ⑵ hữu ái (bhavataṅhā) và ⑶ phi hữu ái (vibhavataṅhā)]

II. BHAVATAṆHĀ (Hữu ái)

–––––––––––––––

Ở trên tôi [Mahasi Sayadaw] đã đề cập đến dục ái (kāma taṅhā), kế tiếp tôi sẽ nói về Hữu Ái.

Có hai quan niệm sai lầm về sự sống mà hàng phàm nhân thường chấp giữ. Một được gọi là Thường Kiến (sassata diṭṭhi), và hai là Đoạn Kiến (uccheda–diṭṭhi).

Hữu ái phát sanh kết hợp với thường kiến cho rằng dục lạc là bất khả hoại vì lẽ linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại vĩnh hằng. Phần vật chất của thể xác có thể bị hủy hoại, nhưng phần tinh thần của nó sẽ di chuyển từ thân này đến thân khác, làm phát sanh một kiếp sống mới. Vũ trụ này có thể bị hủy hoại, nhưng linh hồn sẽ tiếp tục sống. Linh hồn là thường hằng, là bất diệt.

Quan niệm này được xem là phổ biến nhất ngoài giáo pháp của Đức Phật.

Một số người chủ trương quan niệm này cho rằng khi một người chết, họ được đưa lên thiên đàng và ở đây họ sống vĩnh hằng, hay phải xuống địa ngục đời đời, theo ý Chúa.

Một số khác thì tin rằng linh hồn sẽ di chuyển từ thân này sang thân khác và tự làm mới lại theo sự vận hành của nghiệp họ đã làm.

Số khác nữa thì tin rằng sự sống được tiền định và cố định không thể thay đổi được, nó sẽ tiếp tục vĩnh hằng như vậy theo sự tiền định.

Nói tóm lại, tin vào sự thường hằng của linh hồn là thường kiến (sassasa diṭṭhi). Theo quan niệm này, sự sống được ví giống như một con chim nhảy từ cây này sang cây khác khi cái cây già thứ nhất nó đậu mục nát. Cũng vậy, khi thân này chết, linh hồn đi ra khỏi nó để đến một thân mới khác.

Dưới ảnh hưởng của Hữu Ái (bhava taṅhā) được hỗ trợ bởi ý niệm về sự vĩnh hằng, con người lấy làm hài lòng với ý nghĩ cho rằng cái tôi hay cái ngã (atta) thường xuyên đi theo mình.

Họ cảm thấy như cái đang hiện hữu đây chính là họ, và tin rằng những gì họ đang được hưởng họ cũng sẽ được hưởng trong các kiếp sống tương lai.

Chính vì vậy sự dính mắc của họ vào những gì họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc luân hồi này.

Họ không chỉ thích thú trong các dục trần họ hưởng thụ trong kiếp hiện tại mà còn thích thú trong cả những cái mà họ hy vọng sẽ được hưởng trong kiếp sau.

Họ muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại và họ cũng mong muốn được tiếp tục hưởng nó trong những kiếp lai sanh.

Sau khi đã được sống một kiếp sống hạnh phúc như một con người, họ thậm chí còn đi xa hơn thế nữa, đó là hy vọng được hưởng các lạc thú của cõi trời như một vị chư thiên.

Lòng tham cứ tăng trưởng mãi như vậy. Có những người thích kiếp nào sinh ra cũng được làm người nam trong khi những người khác lại nguyện được làm người nữ. Tất cả những khao khát này là công việc của hữu ái (bhava taṅḥā).

Con người không biết rằng sự mong mỏi những dục trần mà họ đã từng được hưởng thụ và chấp đắm vào chúng ấy có nghĩa là họ đã chấp nhận mang cái gánh nặng của năm uẩn.

Do đó, Hữu Ái chính là sự khát khao các dục lạc cộng với niềm tin cho rằng linh hồn hay tự ngã tồn tại vĩnh hằng.

III. VIBHAVATAṄHĀ (Phi hữu ái)

–––––––––––––––

Ngắn gọn, uccheda–diṭṭhi (đoạn kiến) là tin không có đời sau. Mọi thứ đều diệt vong sau khi chết.

Đây là giáo thuyết do Ajita, một trong những ngoại đạo sư cùng thời với Đức Phật giảng dạy và rất thịnh hành thời ấy.

Giáo thuyết này cho rằng:

Một cá nhân do tứ đại — đất, nước, lửa, gió — tạo thành. Khi họ chết, địa đại trở về với đất lớn; thủy đại chảy vào biển nước; hỏa đại chuyển thành hơi nóng; phong đại trở về với khối không khí. Tất cả các giác quan…. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ…. biến mất vào trong hư không.

Khi một cá nhân, dù họ là người trí hay kẻ ngu, chết, thân xác bị hủy hoại diệt mất. Chẳng còn lại gì sau khi chết cả.

Trong khi cư trú trong thân, địa đại tự thể hiện dưới hình thức cứng hoặc mềm; nhưng khi thân này chết, nó lìa bỏ thân để hòa nhập lại với đất bên ngoài. Nói cách khác, địa đại trong thân chết sẽ chuyển thành chất đất (pathavī rūpa), từ đó cây cỏ mọc lên. Theo cách tương tự, thủy đại trong thân chết được cho là sự ẩm ướt và lưu chảy của chất nước.

Những người theo thuyết hư vô của trường phái Ajita này không nhìn nhận sự hiện hữu của thức. Tất cả các căn thấy, nghe, …. là do vật chất tạo thành. Vì thế khi đề cập đến các căn này họ dùng từ Indriya, căn hay giác quan. Theo họ, khi một người chết, vật chất bị hủy diệt, các căn của người ấy tan rã vào hư không.

Bất kể người nào chết, dù là trí hay ngu, sự sống của họ bị “cắt đứt” hay chấm dứt. Khi một người ngu chết, sẽ không có tái sanh nên người ấy không cần phải có những day dứt hay hối tiếc về những ác nghiệp của mình, cũng giống như người trí bình thản trước những thiện nghiệp của họ vậy.

Tóm lại, đây là cách suy nghĩ của Ajita. Tất nhiên, giáo lý của ông hấp dẫn đối với những người thích làm điều ác, và cảm thấy khó chịu khi làm điều thiện.

Vì giáo lý này mặc nhiên công nhận không có sự sống sau khi chết, nó có thể bị vặn lại là có sự sống trước khi chết chăng?

Nếu nói rằng có, nó có thể bị hỏi thêm: “Sự sống trước khi chết là gì?”

Câu trả lời, theo phương châm lý luận của Ajita và những người cùng quan điểm với ông thì sự sống trước khi chết là atta (bản ngã) hay satta (chúng sinh). Điều này gợi ý rằng, bất chấp quan niệm của họ là chỉ có tứ đại, atta hay satta vẫn hiện hữu.

Đây là sự chấp thủ vào bản ngã thuần tịnh và đơn giản. Những người chủ trương đoạn kiến ước định rằng con người không nên phí thì giờ làm điều thiện cho những kiếp lai sanh (vì sẽ không có sự sống sau khi chết), thay vào đó hãy dành hết thì giờ để hưởng thụ kiếp sống hiện tại, kiếp sống duy nhất con người có.

Tham ái xuất phát từ quan niệm Phi Hữu Ái (vibhavataṅhā) này thúc đẩy con người lao vào hưởng thụ các dục lạc trong khi còn sống vì mọi thứ sẽ tàn lụi sau khi chết.

Lẽ đương nhiên, hệ tư tưởng này có một sức hấp dẫn rất lớn đối với những người thích làm điều ác, ngại làm các điều thiện như bố thí, giữ giới, tu thiền. Vì không có gì xảy ra sau khi chết, nên không cần thiết phải tạo trữ phước thiện.

Những người say mê quan niệm này sẽ không thích ý niệm cho rằng cuộc sống luôn luôn đổi mới và rằng quả của thiện nghiệp cũng như ác nghiệp sẽ đi theo dấu vết của họ.

Nếu không có đời sống mới xảy ra sau khi chết, mọi ác nghiệp của họ sẽ chấm dứt cùng với cái chết của họ, và họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả thiện ác nào. Thực sự những ác nghiệp mà họ làm sẽ bị xóa sạch sau khi họ chết và xuất ra khỏi họ như một con cừu vô tội, Phi Hữu Ái luôn luôn tìm được sự thỏa mãn trong những ý niệm về sự hủy diệt hoàn toàn như vậy.

Bị ám ảnh bởi quan niệm này một người luôn luôn khao khát hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời, không chút kềm chế khi làm điều tội lỗi. Tuy nhiên sự chấp nhận những dục lạc trong kiếp hiện tại cũng có nghĩa là sự chấp nhận các uẩn sẽ sanh khởi trong kiếp sống tương lai.

Những hành động ác họ tích tạo trong kiếp này là những bất thiện nghiệp mà khi lâm chung họ sẽ bám vào, và do những ác nghiệp ấy, các uẩn mới sẽ phát sanh.

Vì bao lâu tham ái còn tồn tại, sự hiện hữu mới là điều không thể tránh khỏi bất kể quan niệm của họ là thường kiến hay đoạn kiến.

Y học khuyên rằng người bệnh không nên dùng những thực phẩm không thích hợp đối với sức khỏe của mình; nhưng bệnh nhân không chịu tiết chế và ăn những thứ bị cấm. Kết quả là tình trạng sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể phải chết.

Người bị khổ sở với Đoạn Kiến cũng giống như người bệnh đó vậy. Mặc dù họ tin không có đời sau, nhưng lòng tham đối với những dục trần của họ mãnh liệt đến nỗi họ sẽ “trở thành” hay tái sanh trở lại, bất kể triết lý của họ nói gì. Sự hiện hữu mới sẽ khó lòng giữ cho anh ta ở trong trạng thái tốt đẹp được vì anh ta chưa bao giờ làm một việc thiện nào trước đây.

Mỗi ác nghiệp đều tạo ra một ác quả (hay có thể nói mỗi hành động ác đều có một phản ứng xấu đối nghịch lại). Triết lý của anh ta từ đầu đến cuối chỉ là sự thỏa mãn những tham muốn vị kỷ bất chấp những hậu quả bất lợi cho người khác. Ai chết mặc ai miễn sao ta sống là được rồi, anh ta nghĩ như vậy.

Anh ta không hề có những day dứt của hối tiếc về những hành động đã làm tổn hại đến người khác của anh ta. Do anh ta chỉ tạo những nghiệp xấu theo cách này, anh sẽ không có hy vọng gì ngoại trừ những kiếp sống hạ liệt và khổ đau trong tương lai suốt vòng luân hồi này.

Lập lại một lần nữa, Phi Hữu Ái là tham ái đối với những dục trần trong cuộc sống mà vốn được tin là không có đời sau, chết là hết. Một người, bị khổ sở với loại tham ái này thường thỏa sức đắm chìm trong các dục lạc. Khái niệm hạnh phúc, theo họ nghĩ, giống như những thứ khác sẽ tàn lụi với cái chết, con người sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động thiện ác trong cuộc đời của mình.

Tôi sẽ tóm lại những gì đã được nêu ra từ trước đến nay:

Cái gì là gánh nặng? Năm uẩn là gánh nặng.

Ai mang gánh nặng? “Người” do năm uẩn tạo thành mang gánh nặng.

Ai chấp nhận vận chuyển gánh nặng này? Tham ái (taṅhā) chấp nhận vận chuyển gánh nặng này.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: GIẢNG GIẢI KINH GÁNH NẶNG – Thiền Sư Mahasī Sāyadaw.

FB LINKS: KINH GÁNH NẶNG GIẢNG GIẢI – MAHASI SAYADAW

(1) bốn chấp thủ, FB

(2) chấp thủ phát sanh như thế nào?, FB

(3) ngã luận thủ (chấp thủ vào ý niệm về tự ngã), FB

(4) loại trừ ảo tưởng về tự ngã – atta, FB

(5) atta có thể bỏ qua nhờ ghi nhận chánh niệm, FB

⑴ ngũ thủ uẩn – gánh nặng thực sự, FB

⑵ như thế nào là mang lấy gánh nặng ngũ uẩn?, FB

⑶ gánh nặng ngũ uẩn nặng như thế nào?, FB

(4) quả báo ác nghiệp phục vụ gánh nặng ngũ uẩn., FB

(5) vui thú trần tục: ảo tưởng không có gánh nặng ngũ uẩn, FB

(6) ai mang gánh nặng ngũ uẩn?, FB

Chế định và chân đế (phần 1), FB

Chế định và chân đế (phần 2), FB

(1) tại sao chấp nhận mang gánh nặng ngũ uẩn?, FB

⑵ tại sao mang gánh nặng ngũ uẩn (p2): ba loại ái (taṅhā), FB

⑶ tại sao mang gánh nặng ngũ uẩn (p3): ba loại ái (taṅhā), FB

Quăng bỏ gánh nặng ngũ uẩn nhờ minh sát trí & bốn thánh đạo (p1), FB

Bậc thánh nhập lưu quăng bỏ gánh nặng ngũ uẩn nhờ minh sát trí & bốn thánh đạo (p2), FB

Thánh đạo trí bậc cao – quăng bỏ gánh nặng ngũ uẩn nhờ minh sát trí & bốn thánh đạo (p3), FB

Gánh nặng ngũ uẩn nhìn từ ánh sáng của tứ thánh đế, FB

Những bài học rút ra từ kinh gánh nặng – bhāra sutta, FB

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 8/8/2024