Khất thực là pháp đầu tiên trong bốn pháp nương nhờ suốt đời của vị tỳ khưu
KHẤT THỰC LÀ PHÁP ĐẦU TIÊN TRONG BỐN PHÁP NƯƠNG NHỜ SUỐT ĐỜI CỦA VỊ TỲ KHƯU
–––––––––––––––
– Này Nāga, bậc Tỳ khưu hằng ngày đời sống nương nhờ những hạt cơm, do đi khất thực từng nhà. Sống đời Tỳ khưu khất thực này, hằng ngày, con phải nên cố gắng thực hành đến trọn đời.
Nhờ quả báu lợi lộc do thiện nghiệp ở kiếp quá khứ, con sẽ được phép thọ hưởng vật thực cúng dường đến chư Tăng, vật thực do chư Tăng chỉ định, vật thực do thí chủ thỉnh mời, vật thực do bắt được thăm, vật thực do thí chủ bố thí từng thời, vật thực ngày giới và vật thực sau ngày giới.
–––––––––––––––
BỐN PHÁP NƯƠNG NHỜ & BỐN PHÁP KHÔNG NÊN HÀNH CỦA VỊ TỲ KHƯU
FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10210197841367877&id=1394710113
–––––––––––––––
Này Nāga, bây giờ con đã trở thành vị tân Tỳ khưu; có những điều con cần phải ghi nhớ rõ là:
❶ Ghi nhận Thầy tế độ, Thầy giáo thọ, thời gian: giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm lúc trở thành Tỳ khưu.
❷ Con cần phải biết 4 pháp nương nhờ.
❸ Con cần phải biết 4 pháp không nên hành.
⚀ DẠY BẢO 4 PHÁP NƯƠNG NHỜ
–––––––––––––––
❶ – Này Nāga, bậc Tỳ khưu hằng ngày đời sống nương nhờ những hạt cơm, do đi khất thực từng nhà. Sống đời Tỳ khưu khất thực này, hằng ngày, con phải nên cố gắng thực hành đến trọn đời.
Nhờ quả báu lợi lộc do thiện nghiệp ở kiếp quá khứ, con sẽ được phép thọ hưởng vật thực cúng dường đến chư Tăng, vật thực do chư Tăng chỉ định, vật thực do thí chủ thỉnh mời, vật thực do bắt được thăm, vật thực do thí chủ bố thí từng thời, vật thực ngày giới và vật thực sau ngày giới.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❷ Này Nāga, bậc Tỳ khưu nương nhờ y phục do lượm vải dơ giặt sạch may y nhuộm mặc. Sống đời Tỳ khưu lượm vải dơ may y phục ấy, con phải nên cố gắng thực hành đến trọn đời.
Nhờ quả báu lợi lộc do thiện nghiệp ở kiếp quá khứ, con sẽ được phép mặc y may bằng vải nỉ, bằng bông vải, bằng lụa, bằng vải lông, bằng vải chỉ gai, bằng vải 5 thứ chỉ trộn lại.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❸ Này Nāga, bậc Tỳ khưu nương nhờ chỗ ở dưới gốc cây. Sống đời Tỳ khưu ở dưới gốc cây ấy, con phải nên cố gắng thực hành đến trọn đời.
Nhờ quả báu lợi lộc do thiện nghiệp ở kiếp quá khứ, con sẽ được phép ở chùa có 2 mái, chùa có 1 mái, tòa nhà, cốc xây bằng gạch lợp ngói, hang động.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❹ Này Nāga, bậc Tỳ khưu nương nhờ thuốc trị bệnh bằng nước tiểu bò, hay nước tiểu bò ngâm với trái cây. Sống đời Tỳ khưu trị bệnh bằng nước tiểu bò ấy, con phải nên cố gắng thực hành đến trọn đời.
Nhờ quả báu lợi lộc do thiện nghiệp ở kiếp quá khứ, con được phép dùng thuốc bằng bơ đặc, bơ lỏng, dầu, mật ong và các loại đường.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
⚁ DẠY BẢO 4 PHÁP KHÔNG NÊN HÀNH
–––––––––––––––
❶ Này Nāga, Tỳ khưu không được hành dâm, dầu hành dâm với loài súc sanh. Tỳ khưu nào hành dâm, Tỳ khưu ấy không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Ví như một người bị chặt đầu rồi, thì không thể nào gắn cái đầu lại với thân mình, để có mạng sống trở lại. Cũng như vậy, Tỳ khưu sau khi đã hành dâm rồi, thì không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Vì vậy, con chớ nên hành dâm đến trọn đời.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❷ Này Nāga, Tỳ khưu không được lấy của cải mà người chủ không cho với tâm trộm cắp, thậm chí ít như cỏ cây, mảnh tre. Tỳ khưu nào lấy của cải với tâm trộm cắp một vật có giá 1 pāda [*], hoặc giá trị bằng 1 pāda, hay nhiều hơn 1 pāda, Tỳ khưu ấy không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Ví như một chiếc lá đã lìa cành rồi, thì không thể nào làm cho chiếc lá xanh tươi trở lại. Cũng như vậy, Tỳ khưu sau khi đã lấy của cải người khác với tâm trộm cắp, một vật có giá 1 pāda, hoặc giá trị bằng 1 pāda, hay nhiều hơn 1 pāda rồi, thì không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Vì vậy, con chớ nên trộm cắp cho đến trọn đời.
[*] 1 kahāpana: tiền Ấn Ðộ thời xưa gồm có 4 pāda. Vàng 1 pāda, bạc 1 pāda, đồng 2 pāda, trộn lẫn vào nhau đúc thành 1 kahāpana.
1 pāda là 1 phần tư (1/4) của 1 kahàpana ấy.
1 pāda vàng = 4 chỉ vàng.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❸ Này Nāga, Tỳ khưu không được có tác ý sát sanh, thậm chí đến sanh mạng dầu nhỏ như con muỗi, con kiến. Tỳ khưu nào có tác ý giết người, ít nhất làm hư thai nhi trong bụng mẹ, Tỳ khưu ấy không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Ví như một tảng đá lớn đã bị bể làm hai mảnh, thì không thể nào gắn dính trở lại như trước nữa. Cũng như vậy, Tỳ khưu sau khi đã có tác ý giết người rồi, thì không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Vì vậy, con chớ nên có tác ý giết người đến trọn đời.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
❹ Này Nāga, Tỳ khưu không được khoe khoang pháp của bậc Thánh nhân, mà chính mình không có, ít nhất cũng không nên nói rằng “tôi rất thỏa thích ở nơi thanh vắng”.
Tỳ khưu nào có tâm tham muốn thấp hèn, thường có tánh tham lam, nói khoe khoang: tôi đã chứng đắc bậc thiền, hoặc 3 pháp giải thoát, hoặc thiền định, hoặc nhập định, hoặc Thánh Ðạo, hoặc Thánh Quả, là pháp của bậc Thánh nhân, mà chính mình không từng phát sanh, hiện tại không có. Tỳ khưu ấy không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Ví như cây thốt nốt bị chặt ngang ngọn rồi, thì không thể nào mọc ngọn, phát triển như trước nữa. Cũng như vậy, Tỳ khưu có tâm tham muốn thấp hèn, thường có tánh tham lam, sau khi đã nói khoe khoang pháp của bậc Thánh nhân, mà chính mình không từng phát sanh, hiện tại không có, thì không còn là Tỳ khưu, không còn là người con của dòng dõi Sakya nữa.
Vì vậy, con chớ nên nói khoe khoang pháp của bậc Thánh nhân đến trọn đời.
Ttk:– Dạ, xin vâng. Bạch thầy.
(Xong giai đoạn cuối nghi lễ thọ Tỳ khưu).
“””””””””””””””””””””””””””
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc Biên soạn từ nguồn: GƯƠNG BẬC XUẤT GIA – Tỳ khưu Hộ Pháp
http://www.budsas.net/uni/u–gxg/gxg34.htm
“””””””””””””””””””””””””””
–––––––––––––––
AI LÀ BHIKKHU – TỲ KHƯU?
FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc https://www.facebook.com/share/p/UW2uUz6Z8WcN5qdh/?mibextid=oFDknk
–––––––––––––––
Ngày nay, Bhikkhu – Tỳ Khưu là danh từ dùng để nói về vị Tu Sĩ xuất gia, đã được thọ đại lễ tu lên bậc trên đúng Pháp đúng Luật, trong Phật giáo Nguyên thủy Theravada.
Trong Tạng Luật, bộ Phân Tích có định nghĩa “Tỳ Khưu – Bhikkhu” được sử dụng trong Tạng Luật có nghĩa là:
“Ở ĐÂY, VỊ TỲ KHƯU ĐÃ ĐƯỢC TU LÊN BẬC TRÊN VỚI HỘI CHÚNG HỢP NHẤT, BẰNG HÀNH SỰ CÓ LỜI THÔNG BÁO ĐẾN LẦN THỨ TƯ, KHÔNG SAI SÓT, ĐÁNG ĐƯỢC DUY TRÌ, VỊ NÀY LÀ “VỊ TỲ KHƯU” ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG Ý NGHĨA NÀY.” (Xem chi tiết tại phần chú thích[1])
Ngoài ra, trong bộ Phân Tích đó cũng nêu các ý nghĩa khác, dùng trong xã hội Ấn Độ thời kỳ Đức Phật còn tại thế, về danh từ “Tỳ Khưu – Bhikkhu” như sau:
“Vị đi khất thực” là tỳ khưu.
“Vị chấp nhận việc đi khất thực” là tỳ khưu.
“Vị mặc y đã được cắt rời” là tỳ khưu.
Là tỳ khưu do sự thừa nhận.
Là tỳ khưu do tự mình xác nhận.
Là tỳ khưu khi được (đức Phật) nói rằng: “Này tỳ khưu, hãy đi đến (ehi bhikkhu).”
“Vị đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy” là tỳ khưu.
“Vị hiền thiện” (bhadro) là tỳ khưu.
“Vị có thực chất” (sāro) là tỳ khưu.
“Vị thánh hữu học” (sekho) là tỳ khưu.
“Vị thánh vô học” (asekho) là tỳ khưu.
“Vị đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì” là tỳ khưu.
Ở đây, vị tỳ khưu đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất, bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì, vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.”
Còn theo trong Kinh Tạng thì Tỳ Khưu Bhikkhu còn có nghĩa là “Bất kỳ ai thấy rõ hiểm nguy trong sanh tử luân hồi, chấp nhận và thực hành những lời dạy của Ðức Phật đều được gọi là Bhikkhu” [2]
–––––––––––––––
Chú Thích:
[1] 🍀 Theo Tạng Luật
Bhikkhu: Tỳ khưu được thành tựu do chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại nơi sīmā tụng ñatticatuttha – kammavācāpāḷi: Tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn), nâng đỡ vị giới tử Sadi lên trở thành Bhikkhu (Tỳ khưu) đúng theo luật của Đức Phật.
Trong Chú giải bộ Cūḷavagga giảng giải. Để thành tựu Bhikkhu (Tỳ khưu) cần phải hội đủ 5 chi pháp:
1– Vatthusampatti: Người cận sự nam không phạm lỗi, không thuộc về những hạng người bị cấm xuất gia trở thành Tỳ khưu.
2– Ñattisampatti: Khi Tỳ khưu Luật sư tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) hoàn toàn đúng theo văn phạm Pāḷi và đúng từng chữ, từng câu Pāḷi trong ñatti.
3– Anusāsanasampatti: Vị Tỳ khưu Luật sư tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn) hoàn toàn đúng theo văn phạm Pāḷi và đúng từng chữ, từng câu Pāḷi trong kamma–vācā.
4– Sīmāsampatti: Chỗ ranh giới của sīmā hoàn toàn đúng theo Luật của Đức Phật chế định.
5– Purisasampatti: Chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại sīmā cần phải có đủ số lượng. Ngoài Trung xứ Ấn Độ ra, các vùng biên địa hoặc xứ khác (như nước Việt Nam) chư Tỳ khưu Tăng cần phải có 5 vị trở lên. 5 vị Tỳ khưu ấy phải là Tỳ khưu thật.
Khi chư Tỳ khưu Tăng hành tăng sự, tụng ñatticatutthakammavācāpāḷi: Tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn) vừa chấm dứt, đồng thời giới tử Sadi cũng trở thành Bhikkhu (Tỳ khưu) trong Phật giáo.
[2] 🍀 Nghĩa Bhikkhu theo văn phạm Pāḷi (TK Hộ Pháp, Nền tảng Phật giáo, Quyển 3 – Hành Giới)
–––––––––––––––
– Bhikkhati sīlenā’ti Bhikkhu: Bậc có thói quen thường đi khất thực để nuôi mạng gọi là Bhikkhu: Tỳ khưu.
– Saṃsāre bhayaṃ ikkhatī’ti Bhikkhu: Bậc thấy rõ sự tai họa trong vòng tử sinh luân hồi gọi là Bhikkhu: Tỳ khưu.
🍀 Nghĩa Bhikkhu theo Tạng Kinh
–––––––––––––––
Trong Chú giải kinh Đại Tứ Niệm Xứ dạy:
“Yo ca imaṃ paṭipattiṃ paṭipajjati, so Bhikkhu nāma hotī’ti paṭipattiyā Bhikkhubhāvadassanato pi “Bhikkhu”.
“Hành giả nào thực hành Pháp Hành (Tứ niệm xứ) này, hành giả ấy được gọi là Tỳ khưu. Tỳ khưu chính là hành giả thực hành Pháp Hành (Tứ niệm xứ).”
“Paṭipannako hi devo vā hotu manusso vā Bhikkhū’ti saṅkhyaṃ gacchatiyeva”.
“Hành giả thực hành Pháp Hành (Tứ niệm xứ), dù là chư thiên hoặc nhân loại cũng đều được xem là Tỳ khưu cả thảy”.
Như vậy, Tỳ khưu theo ý nghĩa Tạng Kinh chính là hành giả thực hành Pháp Hành (Tứ niệm xứ).
–––––––––––––––
ÐỨC PHẬT THƯỜNG GỌI CÁC TU SĨ LÀ BHIKKHU – TỲ KHƯU (Silananda Sayadaw)
–––––––––––––––
🍀 Bhikkhu có nhiều nghĩa trong đó có một nghĩa là khất sĩ, là những người xin ăn. Nhưng xin ăn ở đây không có nghĩa như xin ăn thông thường. Lúc đi khất thực thầy tỳ khưu đứng trước nhà thí chủ và không hỏi xin gì cả. Người thí chủ có tâm thành tự nguyện đem thực phẩm cúng dường cho vị khất sĩ để tạo duyên lớn.
Như vậy Bhikkhu là vị khất sĩ cao thượng hay vị khất sĩ thánh thiện chứ không phải là người xin ăn thông thường.
🍀 Chữ Bhikkhu còn có nghĩa là những người thấy rõ hiểm nguy trong sanh tử luân hồi.
Căn cứ trên định nghĩa này thì không phải chỉ có nhà sư mới được gọi là Bhikkhu mà bất kỳ người cư sĩ nào thấy rõ hiểm nguy của sanh tử luân hồi đều được gọi là Bhikkhu.
Bởi vậy, trong khi giảng giải Kinh Ðại Niệm Xứ tôi thường dùng chữ Bhikkhu mà không dùng chữ Nhà Sư; bởi vì nếu tôi dùng chữ Nhà Sư để dịch chữ Bhikkhu thì một số người sẽ nghĩ rằng kinh này chỉ dành riêng cho Nhà Sư mà thôi.
Tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu trong các bài giảng của Ngài?
Bởi vì Ðức Phật sống trong tu viện với các Thầy Tỳ Khưu nên mỗi khi dạy đạo, Ngài gọi các thầy là Bhikkhu. Dĩ nhiên lúc Ngài dạy đạo, trong chùa cũng có một số cư sĩ, nhưng phần lớn vẫn là các Tỳ Khưu tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu. Có lúc Ðức Phật cũng dùng chữ Bhikkhave.
Kinh Ðại Niệm Xứ được thuyết tại xứ Kuru, một xứ gần New Delhi, Ấn Ðộ ngày nay. Lúc kinh được thuyết ra, có rất nhiều cư sĩ nghe và hành theo.
Theo chú giải thì dân chúng trong Xứ Kuru tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ. Khi gặp nhau họ thường hỏi: Trong bốn pháp chánh niệm của Tứ Niệm Xứ, bạn thực hành pháp nào? Nếu người được hỏi trả lời không, thì dân xứ đó sẽ khiển trách và bắt đầu dạy họ cách hành thiền.
Nhưng nếu họ trả lời rằng họ đã quán sát thân, quán sát thọ… như thế này, thế này… thì họ sẽ được mọi người khen ngợi: “Lành thay! Lành thay! Ðời sống bạn thật nhiều phúc lạc, thật giá trị. Bạn đã sử dụng tốt đẹp kiếp sống làm người của mình. Chính vì những người như bạn mà Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian này”.
Như vậy, khi dùng chữ Bhikkhu không có nghĩa là Ðức Phật không nói đến những người không phải là tu sĩ. Bất kỳ ai chấp nhận và thực hành những lời dạy của Ðức Phật đều được gọi là Bhikkhu.
Bởi vậy, khi Ðức Phật nói: “Này các thầy tỳ khưu” thì phải được hiểu là cả tăng, ni và người tại gia cư sĩ đều được nói đến.
Nguồn trích dẫn: Giới thiệu Kinh Ðại Niệm Xứ – Thiền sư Silananda – Tỳ khưu Khánh Hỷ soạn dịch
–––––––––––––––
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB