Khổ hạnh không phải là đạo lộ giác ngộ, an tịnh vô song, niết–bàn bất tử

KHỔ HẠNH KHÔNG PHẢI LÀ ĐẠO LỘ GIÁC NGỘ, AN TỊNH VÔ SONG, NIẾT–BÀN BẤT TỬ

–––––––––––––––

🍀 HÀNH KHỔ HẠNH TRONG RỪNG URUVELA

Sau khi rời trung tâm, đức Bồ–tát đi lang thang khắp vùng đất Magada, tìm kiếm đạo An Tịnh vô song, Niết–bàn Bất Tử cho mình.

Trên bước đường lang thang ấy ngài đã đến khu rừng Uruvela (Ưu–lâu–tần–loa) gần ngôi làng Senanigamā rộng lớn. Trong khu rừng này ngài thấy nước trong mát đang chảy thật bình yên trong con sông Nerañjarā.

Nhận ra đây là một địa điểm khả ái có cánh rừng rậm thanh bình, một dòng suối chảy trong vắt, với một ngôi làng kế bên thuận tiện cho việc đi khất thực, ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Đây thực sự là một nơi thích hợp cho người có ý định tinh tấn (tu tập)” và ngài đã ở lại trong khu rừng ấy.

Lúc đó đức Bồ–tát vẫn chưa vạch ra được một hệ thống chính xác cho sự nỗ lực chân chánh của mình. Dĩ nhiên, những pháp khổ hạnh đã được biết đến một cách rộng rãi và đang thịnh hành ở khắp xứ Ấn–Độ lúc bấy giờ.

Liên quan đến pháp khổ hạnh này ba ảnh dụ đã xuất hiện trong tâm của đức Bồ–tát.

🍀 BA ẢNH DỤ

① Một khúc cây mới vừa cắt xuống từ một cây sung, còn nhựa sống và ngâm trong nước đem cọ xát với một khúc cây ướt còn nhựa sống tương tự như vậy, hay với một khúc cây tươi nào khác, sẽ không thể tạo ra lửa.

Cũng vậy, trong khi vẫn còn bị rối ren với các đối tượng của dục tham như vợ con và gia đình, trong khi vẫn vui thú trong các dục lạc và dục vọng vẫn chưa lắng xuống trong một người, dù người ấy có ra sức phấn đấu nhiều bao nhiêu, người ấy cũng không thể đạt đến trí tuệ, tuệ giác và sự liễu ngộ vô song. Đây là ảnh dụ thứ nhất xuất hiện trong tâm Đức Bồ–tát.

② Cho dù khúc cây sung ấy không bị ngâm trong nước nhưng vẫn còn xanh và còn nhựa sống, mới được cắt xuống từ trên cây thì có đem cọ xát nó cũng sẽ không tạo ra lửa.

Cũng vậy, cho dù người ấy đã từ bỏ những đối tượng của dục tham như vợ con và gia đình và những đối tượng này không còn gần gũi người ấy nữa, nhưng nếu người ấy vẫn thích thú trong những ý nghĩ dục lạc và dục vọng vẫn còn khởi lên nơi người ấy, người ấy cũng không thế đắc trí tuệ, tuệ giác hay sự liễu ngộ vô song. Đây là ảnh dụ thứ hai.

Theo Chú Giải thì ảnh dụ này liên quan đến việc thực hành của những đạo sĩ Bà–la–môn (thực hành pháp thể nhập Phạm Thiên).

Những đạo sĩ Bà–la–môn ấy sống đời phạm hạnh từ lúc còn trẻ cho đến bốn mươi tuổi thì họ quay trở lại với cuộc sống đôi lứa để bảo tồn sự liên tục của dòng họ. Vì vậy, trong khi họ đang thực hành đời phạm hạnh, họ vẫn sẽ bị ô nhiễm với những ý nghĩ nhục dục.

③ Ảnh dụ thứ ba liên quan đến khúc cây khô đã hết nhựa và không bị ngâm trong nước. Khúc cây khô này sẽ phát ra lửa khi được cọ xát vào nhau.

Tương tự, sau khi đã từ bỏ các đối tượng của dục tham, và tự mình dứt bỏ những ý nghĩ nhục dục và tham ái, người ấy có thể đạt đến trí tuệ, tuệ giác và sự liễu ngộ vô song, cho dù người ấy thực hành khổ hạnh hay phấn đấu một cách không đau đớn, không tự hành xác mình cũng vậy.

🍀 KHỔ HẠNH DÙNG TÂM ĐÁNH BẠI TÂM

–––––––––––––––

Trong hai phương pháp mở ra cho ngài theo ảnh dụ thứ ba, đức Bồ–tát suy xét đến con đường khổ hạnh sau: “Nếu bây giờ ta cắn chặt răng và ép chặt lưỡi lên vòm họng, với tâm của ta, Ta sẽ đè nén, chế ngự và đánh bại tư duy đang khởi lên một cách tự nhiên thì sao.”

Đoạn Kinh Pāḷi trích dẫn ở trên khớp với bài kinh An Trú Tầm (Vitakka Sandhāna Sutta).

Nhưng phương pháp dùng tâm đánh bại tâm theo như Kinh An Trú Tầm mô tả là một phương pháp do Đức Phật quy định sau khi đã đạt đến Giác Ngộ. Như vậy, nó liên quan đến sự trục xuất những tư duy tham dục tự sinh khởi bằng cách ghi nhận sự xuất hiện của nó như một sự vận dụng của thiền Minh Sát phù hợp với bài Kinh Niệm Xứ và những kinh tương tự khác.

Trong khi phương pháp dùng tâm đánh bại tâm như được mô tả ở đây muốn nói đến những vận dụng thực tiễn mà Đức Bồ–tát đã thực hiện trước khi đạt đến trí (hiểu biết) về Trung Đạo và do đó khác với phương pháp Tứ Niệm Xứ.

Tuy nhiên, sự giải thích của Chú Giải hàm ý lấy tâm thiện đè nén các tâm ác. Nếu sự giải thích này là đúng, phương pháp này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kinh Niệm Xứ và các kinh khác, và lẽ ra đã đưa đến sự Giác Ngộ cho Đức Bồ–tát.

Nhưng thực sự, phương pháp này chỉ đưa ngài đến sự đau đớn cùng cực chứ không đưa đến Phật Quả. Kể cả những pháp hành khổ hạnh khác mà ngài áp dụng sau đó cũng chỉ đưa Đức Bồ–tát vào tà đạo mà thôi.

Pháp khổ hạnh Đức Bồ–tát theo đuổi lúc đó có vẻ hơi giống như pháp diệt tâm mà ngày nay những người theo một trường phái Phật Giáo nọ đang thực hành.

Trong chuyến du hoá của chúng tôi đến Nhật Bổn, chúng tôi có đến thăm một ngôi chùa lớn nơi đây một số người đang tham dự những bài tập thiền.

Phương pháp thiền của họ bao gồm bài tập diệt tâm khi nó khởi lên. Theo họ, làm cho tâm (hoạt động của tâm) rỗng không như vậy, cuối cùng sẽ đạt đến chỗ gọi là Tánh Không (Vô).

Cách tiến hành như sau: Khoảng sáu vị tu sĩ trẻ phái Đại Thừa ngồi kiết già thành hàng. Vị trụ trì đi vòng quanh cốt cho họ thấy cây gậy mà ông sẽ dùng để đánh họ. Sau một lúc ông đi đến và đánh vào lưng mỗi thiền sinh một cú.

Người ta giải thích rằng trong khi bị đánh như vậy có thể tâm sẽ hoàn toàn biến mất và đưa đến Tánh Không. Thực là một pháp hành kỳ lạ.

Thực tế, đây là sự huỷ diệt tư duy bằng cách dùng tâm đánh bại tâm mà chúng ta có thể đoán chừng là giống như kỹ thuật Đức Bồ–tát đã dùng để đánh bại tư duy với tâm bằng cách cắn chặt răng vậy.

Nỗ lực này đã làm cho ngài rất đau đớn và toát mồ hôi nách nhưng cũng không đạt đến giác ngộ lúc đó.

🍀 AN TRÚ THIỀN CHẾ NGỰ HƠI THỞ

–––––––––––––––

Rồi ý nghĩ này khởi lên nơi Đức Bồ–tát: “Nếu như ta kiểm soát hơi thở và tập trung trên thiền (jhāna) nín thở thì sao.”

Với ý nghĩ đó ngài chế ngự những hơi thở vô và hơi thở ra của miệng và mũi.

Với sự ngưng thở ngang qua miệng và mũi, có một tiếng gầm lớn trong tai ngài do hơi gió tống ra giống như cặp ống bể của lò rèn tạo ra những tiếng ầm ầm (khi quay) vậy.

Dù thân thể đau đớn cực độ, nhưng Đức Bồ–tát vẫn không nao núng. Ngài không chỉ nín chặt những hơi thở vô–ra của miệng và mũi, mà cả của tai nữa.

Kết quả là, những luồng gió mãnh liệt lùa lên đỉnh đầu, khiến cho ngài đau đớn như thể bị một người lực sĩ bửa vào đầu với một cái vồ, hay như bị một người lực lưỡng lấy đai da cứng quấn quanh đầu rồi xiết chặt.

Những cơn gió dữ dội đẩy quanh bụng khiến cho ngài đau đớn giống như đang bị lạng cắt bởi lưỡi dao bén của người đồ tể. Và một sự thiêu đốt dữ dội trong bụng ngài như thể bị nướng trên một hố than cháy đỏ.

Thân thể Đức Bồ–tát đã bị sự đau đớn đánh bại, đổ ập xuống và nằm im bất động trong tình trạng kiệt lực.

Khi các vị chư thiên nhìn thấy ngài nằm sóng soài trên đất, họ nói với nhau rằng: “Sa–môn Cồ–đàm đã chết.” Các vị chư thiên khác thì nói: “Sa–môn Cồ–đàm chẳng phải chết cũng chẳng phải đang chết. Vị ấy chỉ nằm im, trú trong Thánh quả A–la–hán.”

Bất chấp mọi nỗ lực đầy đau đớn ấy, đức Bồ–tát vẫn không đạt đến giác ngộ.

🍀 KHỔ HẠNH NHỊN ĂN

–––––––––––––––

Thế rồi ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Nếu như ta cố gắng hơn nữa, nếu như ta hoàn toàn nhịn ăn thì sao.”

Biết được ý nghĩ này của đức Bồ–tát, các vị chư thiên nói, “Tôngiả Gotama, xin chớ có hoàn toàn nhịn ăn; nếu như ngài nhịn ăn chúng tôi sẽ truyền dưỡng chất của chư thiên qua những lỗ chân lông trên da ngài. Ngài sẽ sống nhờ vào dưỡng chất ấy.”

Lúc đó ý nghĩ này đến với đức Bồ–tát: “Nếu như ta tuyên bố hoàn toàn nhịn ăn, và những vị chư thiên này sẽ duy trì sự sống cho ta bằng cách ấy, thời đó sẽ là một sự dối trá cho ta.” Vì thế đức Bồ–tát từ chối không chấp thuận để các vị chư thiên truyền dưỡng chất chư thiên cho ngài.

Sau đó, ngài quyết định giảm ăn ngày một ít lại, cho tới mức chỉ còn một vốc tay súp đậu. Sống với khoảng năm hay sáu muỗng súp đậu mỗi ngày như vậy, cơ thể ngài đi đến tình trạng gầy mòn, hốc hác cực độ.

Chân tay khô héo, chỉ còn lại da bọc xương. Xương sống lộ ra những chỗ u, phồng gồ ghề. Xương xẩu trên người ngài nhô hẳn ra ngoài, tạo thành một cái vẻ xấu xí, khủng khiếp như trong những bức tranh vẽ đức Bồ–tát thực hành khổ hạnh vậy.

Ánh mắt, tụt sâu trong hốc mắt, tựa hồ như ánh nước phản chiếu trong một giếng nước sâu. Da đầu nhăn lại như trái bầu xanh khô héo trong ánh nắng mặt trời.

Ngài hốc hác đến độ nếu muốn sờ vào da bụng, ngài lại đụng cột sống; nếu ngài sờ cột sống, ngài lại chạm da bụng.

Khi ngài cố gắng đi đại tiện, hay tiểu tiện, sự cố sức khiến cho ngài đau đớn đến độ phải té úp mặt xuống đất, do sự ăn uống quá ít này mà sức khoẻ của ngài suy sụp.

Nhìn thấy thân hình gầy mòn, hốc hác cực độ này của đức Bồ–tát, có người nói, “Sa–môn Cồ–đàm là một người da đen.” Số khác thì nói, “Sa–môn Cồ–đàm có màu da nâu.” Số khác nữa lại nói, “Sa–môn Cồ–đàm có màu xanh nâu của cá đuối.” Phần lớn màu da vàng trong sáng của ngài đã bị hư hoại do ăn quá ít.

🍀 MA–VƯƠNG THUYẾT PHỤC

Trong khi Đức Bồ–tát đang nỗ lực phấn đấu và thực hành khổ hạnh để tự thắng mình thì Ma–Vương (Māra) đi đến và bằng những lời lẽ đầy thương cảm lọc lừa đã thuyết phục Đức Bồ–tát:

“Này Hiền giả Cồ–đàm, ngài đã trở nên còm cõi và mang lấy một bộ dạng xấu xí lắm rồi đấy. Ngài nay đang đứng trước thần chết. Cơ hội sống của ngài chỉ còn lại có một phần ngàn. Ôi, này Hiền giả Cồ–đàm! Hãy cố gắng giữ lấy sự sống. Sống vẫn tốt hơn là chết. Nếu ngài còn sống, ngài có thể làm được những việc thiện và tạo được phước báu.”

Những phước báu mà Ma Vương đề cập ở đây không liên hệ gì đến những phước báu tích tạo do bố thí, trì giới, và thực hành đưa đến giải thoát; cũng chẳng phải là những phước báu xuất phát từ việc tu tập Minh Sát và chứng đắc đạo quả.

Ma Vương chỉ biết những phước báu có được do sống đời phạm hạnh tránh hành dâm và thờ lửa mà thôi. Thời đó, những pháp hành này được người ta tin là đưa đến một đời sống cao quý, thịnh vượng trong những kiếp tương lai.

Nhưng Đức Bồ–tát không còn ham thích những hạnh phúc của sự hiện hữu nữa và ngài đã trả lời Ma Vương như sau: “Này Ma Vương, một mảy may phước báu mà ngươi nói ta cũng không cần đâu. Ngươi hãy đi đi và nói về phước với những ai đang cần nó.”

Liên quan đến lời nói này của Đức Bồ–tát, một sự hiểu lầm đã nảy sanh, cho rằng ngài không cần bất kỳ phước báu nào. Theo cách hiểu đó thì “đối với người đang tầm cầu sự giải thoát khỏi vòng luân hồi giống như Đức Bồ–tát thì phước bỏ, không tìm cầu cũng không tạo tác.”

Có lần một người thiện nam nọ đã đến gặp tôi và muốn được sáng tỏ về điểm này. Tôi đã giải thích cho anh ta biết rằng khi Ma Vương nói về phước, ông không nghĩ trong tâm phước báu tích tạo từ những hành động bố thí, trì giới, phát triển tuệ giác qua việc hành thiền hay chứng Đạo. Hay nói đúng hơn ông không biết về chúng.

Đức Bồ Tát lúc đó cũng không có sự hiểu biết chính xác về những phúc hành này; ngài chỉ nghĩ rằng thực hành những pháp khổ hạnh sẽ làm cho người ta trở thành con người cao quý.

Vì thế khi Đức Bồ–tát nói với Ma Vương, “Ta không cần phước báu,” ngài không hàm ý những hành động phước dẫn đến Niết–Bàn mà chỉ muốn nói đến những việc làm được người thời đó tin rằng sẽ bảo đảm một kiếp sống an vui.

Chú giải cũng ủng hộ quan điểm này của chúng tôi. Chú giải tuyên bố, khi nói “Ta không cần phước” đức Bồ–tát chỉ hàm ý phước mà Ma Vương đang nói về, đó là, những phúc hành tạo ra tái sanh trong tương lai. Như vậy có thể kết luận rằng không có vấn đề gì phát sanh đối với quan niệm bỏ làm phước sẽ đưa đến Niết–bàn.

Vào thời đó đức Bồ–tát đã thực hành dưới ảo tưởng cho rằng khổ hạnh là phương tiện để đạt đến giác ngộ.

Ngài nghĩ như vầy: “Gió này còn thổi cạn được nước sông. Thế thì tại sao khi ta phấn đấu một cách tích cực nó lại chẳng làm khô cạn máu ta được chứ? Khi máu khô cạn, mật và đàm sẽ khô cạn. Khi máu thịt mòn đi, tâm ta sẽ trở nên trong sáng, lúc đó niệm, định và tuệ sẽ được thiết lập một cách vững chắc hơn.”

Ma Vương cũng có ấn tượng sai lầm như thế, ông nghĩ rằng nhịn ăn sẽ đưa đến giác ngộ và giải thoát. Chính sự lo lắng này đã thúc đẩy ông dỗ ngọt đức Bồ–tát tránh đi theo con đường tuyệt thực này.

Và cũng với quan niệm sai lầm ấy, nhóm năm vị đạo sĩ (nhóm Kiều–trấn–như) đã hầu hạ ngài, chăm sóc những nhu cầu cần yếu của ngài, hy vọng rằng pháp hành nhịn ăn này sẽ đưa đến sự chứng đắc Phật Quả và lúc đó họ sẽ là những người đầu tiên được tiếp nhận giáo lý giải thoát của ngài.

Bởi thế, rõ ràng rằng pháp hành khổ hạnh lúc đó được mọi người tin (một cách sai lầm) là con đường chân chính đưa đến Giác Ngộ.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

–––––––––––––––

FB MAHASI SAYADAW – KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN GIẢNG GIẢI

https://www.facebook.com/share/PUYGmK9PBp2AWpAD/?mibextid=oFDknk

 

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 18/8/2024